Làm thế nào Đức Gioan-Phaolô I lại được phong chân phước
fr.aleteia.org, Camille Dalmas, 2022-09-03
Với biệt danh “giáo hoàng mỉm cười”, Đức Gioan-Phaolô I (1912 – 1978) được phong chân phước ngày chúa nhật 4 tháng 9. Dù triều giáo hoàng của ngài chỉ 33 ngày nhưng đã để dấu ấn lâu dài trong đời sống Giáo hội.
Thánh lễ phong chân phước Đức Gioan-Phaolô I do Đức Phanxicô cử hành tại Quảng trường Thánh Phêrô sáng chúa nhật 4 tháng 9 năm 2022
Ngày 28 tháng 9 năm 1978, Đức Gioan-Phaolô I qua đời trong đêm, trước sự ngạc nhiên của mọi người. Gần 44 năm sau khi ngài qua đời và sau ba triều giáo hoàng kế vị Thánh Phêrô, và chỉ có 33 ngày tại chức, ngài được Đức Phanxicô phong chân phước sáng chúa nhật 4 tháng 9.
Hồng y Beniamino Stella, người biết rõ Đức Gioan-Phaolô I cho biết, danh tiếng về sự thánh thiện của ngài đã “thấy trong suốt cuộc đời của ngài”. Hồng y nhấn mạnh, ngay sau khi ngài qua đời, nhiều giáo dân đã bắt đầu cầu nguyện với ngài và giám mục giáo phận gốc của ngài ở Belluno-Feltre đã nhận được nhiều lời xin mở án phong thánh cho ngài.
Một tổng hợp điển hình con người của Chúa.
Lời yêu cầu bất ngờ nhất là ngày 1 tháng 6 ăm 1990, khi toàn thể Hội đồng Giám mục Brazil chính thức gởi thơ cho Đức Gioan-Phaolô II xin ngài mở tiến trình phong thánh. Trong thư, các giám mục Nam Mỹ bày tỏ lòng kính trọng với “vị tông đồ của Công đồng” và “sự tổng hợp điển hình con người của Chúa”, người mà theo họ là giáo hoàng thứ 263.
Hồng y Beniamino Stella giải thích: “Tuy nhiên, dự án mất nhiều thời gian hơn dự kiến, giám mục Bellumo hồi đó cho rằng còn quá sớm và cần phải chờ đợi, các án phong thánh của các giáo hoàng khác (đặc biệt là các giáo hoàng Piô IX, Gioan XXIII và Phaolô VI) đang được tiến hành.”
Một án phong thánh trong giáo phận nơi Đức Gioan-Phaolô I sinh ra
Cuối cùng, năm 2002, giám mục Savio, tân giám mục của giáo phận Belluno được Rôma ủy quyền vào đêm trước ngày kỷ niệm 25 năm ngày mất của Đức Gioan Phaolô I, trong bối cảnh của một thượng hội đồng giáo phận. Một ngoại lệ, Bộ Phong thánh cho phép giám mục ở thành phố nơi ngài sinh tiến hành án phong thánh, theo truyền thống thì án phong thánh phải được làm ở giáo phận nơi giáo hoàng qua đời.
Hồng y Stella giải thích: “Luciani đã sống cả đời ở vùng Veneto – ngoại trừ thời gian ngài làm giáo hoàng – vì thế cuộc điều tra bắt đầu tại giáo phận Dolomites ngày 22 tháng 11 năm 2003, và kéo dài cho đến năm 2006. Ủy ban phong thánh phỏng vấn 167 nhân chứng, và lưu khố của tòa thượng phụ Venice được mở ra trong dịp này.
Đức Bênêđíctô XVI làm chứng
Hai điều khoản đặc biệt quan trọng trong hồ sơ dày đặc được soạn nhân dịp này: đó là chứng từ của Đức Bênêđíctô XVI, người trực tiếp biết Đức Gioan-Phaolô I và đã dự mật nghị bầu giáo hoàng Gioan-Phaolô I và là giáo hoàng đầu tiên làm chứng, vì một giáo hoàng tại chức không thể làm chứng trong các thủ tục phong chân phước của một giáo hoàng khác; và chứng từ của nữ tu Margherita Marin, người sống gần Đức Gioan-Phaolô I trong một tháng, chăm sóc căn hộ giáo hoàng cùng với ba nữ tu khác.
Tài liệu Positio dài 3.500 trang, hoàn tất ngày 17 tháng 10 năm 2016 và được nộp cho Bộ Phong Thánh. Một năm sau, ngày 8 tháng 11 năm 2017, Đức Phanxicô cho phép công bố sắc lệnh công nhận các nhân đức anh hùng của Đức-Gioan Phaolô I, do đó ngài được công nhận là “bậc đáng kính”.
Phép lạ ở Argentina
Chỉ vài tuần sau, một phép lạ ở Argentina nhờ cầu bàu với Đức Gioan-Phaolô I đã được điều tra. Năm 2011, em Candela 11 tuổi bị chứng động kinh và sốc nhiễm trùng nặng, các bác sĩ không hy vọng em qua khỏi. Mẹ của em là bà Roxana mời cha xứ José Dabusti đến cầu nguyện bên giường bệnh của em và ngài tự phát cầu nguyện với Đức Gioan-Phaolô I.
Ngày hôm sau em được lành, sau khi kiểm tra y tế, Vatican cho đây là phép lạ. Tháng 10 năm 2021, Đức Phanxicô ký sắc lệnh công nhận đặc tính kỳ diệu của việc chữa lành và cánh cửa mở ra dẫn đến việc phong chân phước.
“Phép lạ Argentina đầu tiên”, chìa khóa để tiến hành việc phong chân phước cho Đức Gioan-Phaolô I
Một lễ hội lớn ở Rôma
Lễ phong chân phước được chính Đức Phanxicô cử hành sáng chúa nhật 4 tháng 9 tại Quảng trường Thánh Phêrô. Trong các trường hợp phong chân phước, Đức Phanxicô thường giao cho các hồng y cử hành, nhưng vì địa vị của giáo hoàng Albino Luciani nên ngài cử hành, cũng như ngài đã cử hành lễ phong chân phước cho Đức Phaolô VI ngày 19 tháng 10 năm 2014.
Nhân dịp này, ban tổ chức đã thảo một văn bản của Đức Gioan-Phaolô I và sẽ được triển lãm tại Rôma trước khi gởi về lại giáo phận Belluno. Ngày 3 tháng 9, một buổi cầu nguyện được tổ chức ở vương cung thánh đường Thánh Gioan Lateran. Chiều chúa nhật 4 tháng 9, một thánh lễ khác sẽ được cử hành ở thành phố Canale d’Agordo, thành phố quê hương của Đức Gioan-Phaolô I, thánh lễ này do hồng y Đức ông Francesco Moraglia, thượng phụ Venice cử hành.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: “Gioan-Phaolô I”, một lựa chọn tên táo bạo