Đức Phanxicô ca ngợi sự “dấn thân có tầm nhìn xa” và “tình huynh đệ giữa các dân tộc” của cựu tổng thống Gorbachev

81

Đức Phanxicô ca ngợi sự “dấn thân có tầm nhìn xa” và “tình huynh đệ giữa các dân tộc” của cựu tổng thống Gorbachev

Đức Gioan-Phaolô II và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev trong cuộc gặp lịch sử tại Vatican ngày 1 tháng 12 năm 1989 tại Rôma.

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2022-08-31

Trong bức điện được gởi đi ngày thứ tư, 31 tháng 8, Đức Phanxicô bày tỏ “lòng biết ơn” về các hành động chính trị của cựu  lãnh đạo nhà nước Liên Xô.

Vài giờ sau khi cựu tổng thống Mikhail Gorbachev qua đời, thứ ba ngày 30 tháng 8, Đức Phanxicô đã gởi bức điện đề ngày thứ tư 31 tháng 8 tưởng nhớ cựu tổng thống Liên Xô.

Trong một thông điệp do ngài trực tiếp ký chứ không phải do ngoại trưởng ký như thường lệ, Đức Phanxicô bày tỏ “lòng biết ơn” đối với sự “dấn thân có tầm nhìn xa” và “sự hòa hợp và tình huynh đệ giữa các dân tộc” của cựu tổng thống Mikhail Gorbachev.

Ngài ca ngợi sự dấn thân của vị tổng thống cuối cùng của Liên Xô cho “sự tiến bộ của đất nước vào thời điểm có những thay đổi quan trọng”.

Bức điện gởi cho con gái của cựu tổng thống Gorbachev

Theo truyền thống lời chia buồn của một cựu nguyên thủ quốc gia thường được gởi tới tổng thống đang cầm quyền, như trường hợp cố tổng thống Angola, José Eduardo Dos Santos qua đời vào tháng 7 vừa qua. Nhưng lần này, Đức Phanxicô muốn gởi lời chia buồn trực tiếp đến bà Irina, con gái của tổng thống Mikhail Gorbachev, chứ không gởi đến tổng thống Vladimir Putin, người gây cuộc chiến chống Ukraine vào cuối tháng hai.

Nhật báo L’Osservatore Romano chính thức của Vatican, đã đăng trên trang nhất hình cựu tổng thống Gorbachev và Đức Gioan-Phaolô II trong cuộc gặp tháng 12 năm 1989. Trong bài báo đăng vài giờ trước đó, tác giả bài báo đã ca ngợi cựu tổng thống Mikhail Gorbachev là “nhà nhân văn có tầm nhìn xa”

Tưởng nhớ cựu tổng thống Liên Xô

Bài báo viết: “Tổng thống Gorbachev là người Liên Xô, được giáo dục trong thế giới văn hóa và tư tưởng của chế độ cộng sản, ông có một chủ nghĩa lý tưởng nhân văn, cố gắng kết hợp với di sản tư tưởng của chủ nghĩa xã hội. Ông là một chính trị gia không tránh khỏi những căng thẳng thiêng liêng.”

“Lựa chọn đối thoại và thuyết phục cho công cụ chính trị là nét đặc trưng các hành động của ông, thành công cũng như thất bại. Gorbachev tin rằng perestroika, tái cấu trúc chế độ, dẫn đến một trật tự thế giới mới dựa trên sự hợp tác và bất bạo động”, tác giả bài báo tiếp tục bày tỏ lòng kính trọng đối với cựu tổng thống. Một nhấn mạnh về “bất bạo động” có tiếng vang mạnh mẽ với tình hình địa chính trị hiện tại, và là trọng tâm trong các bài phát biểu của Đức Phanxicô khi ngài nói về cuộc chiến ở Ukraine.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Hội nghị cấp cao của hai người slavơ đã thay đổi vận mệnh châu Âu

Ngày năm triệu tín hữu Nga được trả lại tự do tôn giáo

Lễ rửa tội “không chắc” của Mikhail Gorbachev