Hồng y Parolin: Đức Phanxicô không phải là người “thân Nga”

70

Hồng y Parolin: Đức Phanxicô không phải là người “thân Nga”

“Ở Ukraine, một lần nữa, tiếng nói của Đức Phanxicô là tiếng khóc của một người trong đồng vắng, một tiếng nói vang lên trong sa mạc”, hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin nói trong cuộc phỏng vấn dài 8 trang về chính sách ngoại giao của Giáo hoàng đăng trên tạp chí địa chính trị ý Limes số tháng 7 – 2022. L.FERRIERE-HANS LUCAS

famillechretienne.fr, I.Media, 2022-08-10

Hồng y Parolin cho rằng lời kêu gọi hòa bình của Đức Phanxicô là “lời tiên tri sáng suốt” như hạt giống cần mảnh đất màu mỡ để sinh hoa kết trái. Ngài nhắc lại nhiều lần các cảnh báo của các giáo hoàng tiền nhiệm của Đức Phanxicô bị các cường quốc phớt lờ: lời cảnh báo của Đức Bênêđíctô XV trong Thế chiến thứ nhất, lời cảnh báo của Đức Piô XII trong Chiến tranh Triều Tiên hoặc lời cảnh báo của Đức Gioan-Phaolô II năm 2003 trước cuộc xâm lược Iraq. Hồng y xác nhận: “Ngay cả ngày nay, trong thảm kịch Ukraine, dường như không còn ý chí để tham gia vào các cuộc thương thuyết hòa bình thực sự, chấp nhận lời đề nghị của một trung gian hòa giải không thiên vị.”

Nhưng theo hồng y, thông điệp của Đức Phanxicô “tác động đến lương tâm, làm cho mọi người nhận thức rõ hơn hòa bình và chiến tranh bắt đầu từ trong tâm hồn chúng ta”. Hồng y giải thích, theo quan điểm này, Đức Phanxicô theo bước chân của các tiền nhiệm của ngài, từ chối trở thành “tuyên úy của phương Tây” nhưng ngài bảo vệ “quan điểm đa phương” về các vấn đề quốc tế và đề xuất một Giáo hội “ít quy vào trọng tâm Âu châu hơn”.

Ngài nhắc lại, nhiều xung đột đang hoành hành trên các vùng khác nhau trên thế giới, Đức Phanxicô đã báo động nguy cơ mà ngài cho là “Chiến tranh thế giới thứ ba từng phần” đang xảy ra. Và cho đến nay, chúng ta “chưa thể dự đoán hoặc tính toán được hệ quả những gì đang xảy ra ở Ukraine”.

Ngoại giao của Đức Phanxicô theo đường lối trung lập và khẳng định hòa bình

Đức Phanxicô lên án cuộc xâm lược của Nga ngay từ khi bắt đầu cuộc chiến.

Trong cuộc xung đột này, hồng y Parolin dứt khoát bác bỏ những chỉ trích cho rằng Đức Phanxicô “thân Nga”. Ngài phản bác: “Chúng ta không thể đơn giản hóa thực tế đến mức này!” Ngài đã lên án cuộc xâm lược của Nga “ngay từ đầu, với những lời lẽ dứt khoát” và ngài cũng không bao giờ đặt kẻ xâm lược và kẻ bị tấn công “ngang hàng nhau”.

Ngược lại, ngài “luôn gần gũi như nhau” với tất cả những ai phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh, các nạn nhân dân sự và quân sự Ukraine, nhưng cũng với các bà mẹ ” của những người lính Nga còn rất trẻ, các bà mẹ còn không có tin tức gì về những đứa con chết trận của mình”. Ngài nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc không “đầu hàng trước cám dỗ quỷ hóa kẻ thù”.

Hồng y giải thích, giáo lý Giáo hội công giáo nhấn mạnh đến quyền tự vệ nhưng “không xem chiến tranh là giải pháp”. Ngài nhấn mạnh: “Giải trừ vũ khí là câu trả lời duy nhất đầy đủ và kiên quyết duy nhất cho những vấn đề này.”

Nếu không có thỏa thuận, “sẽ không còn Giáo hội công giáo ở Trung Quốc”

Sau đó được hỏi về các thỏa thuận mục vụ ngoại giao Tòa thánh ký kết với Trung Quốc để bổ nhiệm các giám mục, ngài giải thích: “Thỏa thuận quy định việc bổ nhiệm phải tuân theo các thủ tục đặc biệt, bắt nguồn từ lịch sử gần đây của kitô giáo, nhưng không bỏ qua các yếu tố cơ bản và bất khả xâm phạm của học thuyết kitô giao.”

Hồng y cảnh báo: “Nếu không có thỏa thuận này, sẽ không còn Giáo hội công giáo ở Trung Quốc mà là “một cái gì đó khác.” Ngài kêu gọi chúng ta không nên cho rằng các nhà cầm quyền Trung quốc có tiếng nói quyết định của họ, nhưng các giám mục được bổ nhiệm có được “tự do công bằng” và họ là những mục tử đích thực.

Hồng y lượng định, từ khi ký kết các thỏa thuận năm 2018, “các bước tiến” đã được thực hiện, nhưng hồng y xác nhận “tất cả các trở ngại” vẫn chưa vượt qua được. Ngài kêu gọi Trung Quốc “đối thoại chân thành để có thể cải thiện quan hệ hợp tác giữa hai bên”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Giáo hoàng và chiến tranh, ngoại giao tay không