cath.ch, 2022-08-03
Si Pih Ko hát bài hát cổ truyền theo nhịp giống với quốc ca Canada trong chuyến hành hương sám hối của Đức Phanxicô ở Canada. ADAM SCOTTI / PMO / REUTERS
Ngày thứ tư trong buổi tiếp kiến chung ở Quảng trường Thánh Phêrô, sau chuyến đi xin người bản địa Canada tha thứ cho những đối xử không đúng trong các trường nội trú do Giáo hội điều hành, Đức Phanxicô nói ngài như nhận “cái tát vào mặt” khi nghe chứng từ của họ.
Ngài về lại Rôma ngày thứ bảy 30 tháng 7 sau chuyến đi sáu ngày gặp các đại diện của Quốc gia Thứ nhất, Métis và Inuit, những người ngài xin họ tha thứ cho những gì ngài gọi là “tội ác“ đã phạm trong các trường nội trú do chính phủ thành lập vào thời đó và chủ yếu do Giáo hội công giáo điều hành.
Ngài nhắc lại, nếu có một số người công giáo bảo vệ kiên quyết và can đảm nhất cho phẩm giá người bản địa thì cũng có một số người tham dự vào các chương trình “không thể chấp nhận, trái với Phúc âm” trong các trường này.
Edmonton: Ký ức, Hòa giải, Chữa lành
Trong chặng dừng chân đầu tiên tại Edmonton, Đức Phanxicô đến Maskwacis để tưởng nhớ địa điểm của một trường nội trú cũ. Đó là giây phút nhớ lại “ký ức tốt đẹp về lịch sử ngàn năm của các dân tộc” nhưng cũng là “ký ức đau đớn về những vụ lạm dụng” xảy ra trong các trường nội trú “vì các chính sách đồng hóa văn hóa”.
Sau lễ tưởng niệm, Đức Phanxicô đã cử hành hai thánh lễ, một ở giáo xứ bản địa, một ở sân vận động Edmonton, trong quá trình “hòa giải” không phải là “thỏa hiệp” nhưng là một khám phá lại. Đặc biệt, ngài nhấn mạnh khả năng của các cộng đồng đã trở thành công giáo để giúp thế giới khám phá lại “chiều kích vũ trụ” của Thập giá và Thánh Thể.
Cuối cùng, ngài đến Hồ Thánh Anà vào ngày lễ kính Thánh Anà, thân mẫu Đức Mẹ trong quá trình “chữa lành” cho người bản xứ nhưng cũng cho tất cả các cộng đồng kitô giáo. Từ quá trình ký ức, hòa giải và chữa lành này, ngài hy vọng “nảy sinh một hy vọng cho Giáo hội và mọi nơi khác”.
Quebec: chống lại thực dân hóa ý thức hệ
Chặng kế tiếp ngài đến Québec để gặp các nhà chức trách. Ngài cám ơn họ vì sự tiếp đón thân tình. Ngài khẳng định “ý chí tích cực” của Tòa thánh và Giáo hội trong việc “thúc đẩy văn hóa bản địa”. Ngài cũng cảnh báo chống “thực dân hóa ý thức hệ” vẫn đang hoạt động đe dọa các truyền thống, đặc biệt là các tôn giáo, bằng cách “xóa bỏ những khác biệt”, và rao giảng “sự hòa hợp giữa văn hóa hiện đại và tổ tiên, giữa thế tục hóa và các giá trị tinh thần”.
Trong buổi gặp giáo dân ở đền thánh Sainte-Anne-de-Beaupré, ngài nhắc lại sự hòa hợp này là sứ mệnh của Giáo hội và xin họ trở thành “những người xây dựng cho hy vọng”. Ngài ca ngợi sự hiệp nhất của các giám mục Canada.
Iqaluit: Ký ức và ngôn sứ
Chặng dừng cuối là ở Iqaluit, miền cực bắc Canada, chỉ cách Vòng Bắc Cực 300 cây số, tại đây Đức Phanxicô đã gặp người trẻ và người lớn tuổi. Ngài khẳng định người trẻ và người già phải “đối thoại để cùng nhau bước đi trong lịch sử giữa ký ức và ngôn sứ”.
Chủ đề về người cao tuổi – đặc biệt là mối quan hệ của họ với các thế hệ mới – cũng là chủ đề suy tư được Đức Phanxicô đưa ra trong các bài giáo lý trong các buổi tiếp kiến chung trước kỳ nghỉ hè truyền thống tháng bảy. Ngài sẽ trở lại các buổi tiếp kiến chung vào đầu tháng 8.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Thích điều này:
Thích Đang tải...