Tuyên bố của Đức Phanxicô: ngài “chuẩn bị lối ra”

73

Tuyên bố của Đức Phanxicô: ngài “chuẩn bị lối ra”

Tuyên bố của Đức Phanxicô: “ ngài chuẩn bị lối ra, bài của bà Isabelle de Gaulmyn, chuyên gia về các vấn đề tôn giáo.

francetvinfo.fr, Isabelle de Gaulmyn, nhà báo chuyên về vấn đề tôn giáo, 2022-07-30

Trở về từ Canada, Đức Phanxicô, 85 tuổi, sức khỏe suy yếu vì đau đầu gối, ngài thừa nhận ngài “không còn có thể đi lại” với nhịp độ và thậm chí ngài còn nói đến “khả năng” xem xét việc từ nhiệm trong tương lai.

Đức Phanxicô trong cuộc họp báo trên máy bay đưa ngài từ Canada về Rôma ngày 29 tháng 7 năm 2022. (GUGLIELMO MANGIAPANE / POOL)

Ngày thứ bảy 30-7, bà Isabelle Gaulmyn giải thích trên đài franceinfo: “Đức Phanxicô mệt mỏi vì đau đầu gối (…) nhưng ngài không bị suy giảm trí tuệ”, bà là tổng biên tập báo La Croix.

Khi trở về từ chuyến tông du Canada, Đức Phanxicô đề cập đến khả năng “để mình qua một bên”, nhà báo tin rằng ngài “chuẩn bị chuyến đi này và chuẩn bị một cách có chiến lược”.  Theo bà, Đức Phanxicô đang trong quá trình “đặt mọi người thuận theo lối đi của ngài, một lối đi mở ra với thế giới, trong đó Giáo hội nhận ra những sai sót của mình” trước khi mất kiểm soát và mất quyền lực. Bà tóm tắt: “Đây là điều hướng dẫn ngài. Lúc ngài cảm thấy ngài không còn đủ quyền hạn và năng lực để áp đặt quan điểm của mình, lúc đó ngài sẽ từ nhiệm.”

franceinfo: Có phải giáo hoàng đang cân nhắc sự ra đi của ngài không?

Bà Isabelle de Gaulmyn: Đúng, ngài nói điều này khá hài hước. Ngài nói: “Quý vị nghe này, thay đổi giáo hoàng không phải là một thảm họa”, điều này khá thú vị, vì kể từ khi Đức Bênêđíctô XVI, giáo hoàng đầu tiên từ nhiệm, thì giáo hoàng không còn xem mình là nhân vật thần thánh, người phải gắn bó với nhiệm vụ của mình đến cùng như Thánh Gioan-Phaolô II đã làm. Trên thực tế, Đức Phanxicô đã mệt mỏi và cũng thành rất khuyết tật vì đau đầu gối, ngài không muốn phẫu thuật vì ca mổ cuối cùng ngài đã gặp khó khăn với quá trình gây mê toàn thân. Vì vậy, ngài nói, nếu hôm nay ngài chưa nghĩ đến việc từ nhiệm thì có thể là ngày mốt ngài sẽ nghĩ. Đó là cách để không bi thảm hóa việc thay đổi giáo hoàng.

Chức năng giáo hoàng có trở nên đòi hỏi hơn với việc phải đi lại nhiều không?

Trong quá khứ, đúng là giáo hoàng bị giam trong cung cấm Vatican. Các ngài không ra ngoài. Kể từ Đức Phaolô VI, các giáo hoàng đã bắt đầu ra ngoài. Các chương trình nghị sự của các ngài ngày càng trở nên quan trọng, Đức Phanxicô đã 85 tuổi, chúng ta nghĩ ngài có quyền nghỉ ngơi. Câu hỏi được đặt ra là liệu có còn là giáo hoàng khi không còn di chuyển được nữa hay không?

 “Một giáo hoàng không còn có thể di chuyển, không còn đi nước ngoài, sẽ trở thành một giáo hoàng không quyền lực.”

Đó là vấn đề, vì giáo hoàng không có quân đội, không có quyền lực, không có kinh tế, không có doanh nghiệp, vũ khí duy nhất của ngài là lời của ngài, và chúng ta chỉ nghe khi ngài đi ra ngoài, khi các nhà báo ở đó để ghi lại lời của ngài.

Giáo hoàng sẽ trông như thế nào trong vài tháng, vài năm tới nếu ngài bị suy sút về thể chất như vậy?

Ngài không bị khiếm khuyết về trí tuệ, điều rất quan trọng là phải nói lên như thế, vì mọi người đều nghĩ đến những năm cuối của Đức Gioan-Phaolô II, ngài bị khiếm khuyết về thể chất và trí tuệ. Tôi nghĩ đó là điều mà Đức Phanxicô muốn tránh: một cuối triều mà quyền lực ở trong tay những người chung quanh, mình không còn kiểm soát được. Đó là những gì hướng dẫn ngài.

“Lúc ngài cảm thấy ngài không còn đủ quyền hạn và năng lực để áp đặt quan điểm của mình, lúc đó ngài sẽ từ nhiệm.” Isabelle de Gaulmyn, nhà báo chuyên về tôn giáo tại franceinfo

Liệu bây giờ ngài còn ảnh hưởng khi chúng ta biết ngài có dự định từ nhiệm không?

Trong vài tháng qua, chúng ta đã thấy ngài cố gắng thúc đẩy cải cách rất nhiều và ngài có những bổ nhiệm quan trọng các nhân vật gần gũi với ngài và đặc biệt là các hồng y vì chính các hồng y sẽ bầu chọn giáo hoàng tiếp theo. Ngài chuẩn bị lối ra này và chuẩn bị chiến lược bằng cách đặt những người có lợi cho đường lối của ngài, một con đường mở ra thế giới, trong đó Giáo hội nhận ra những sai sót của mình. Đường hướng này không phải khi nào cũng được tất cả các hồng y nhận thức rõ ràng. Vì thế ngài củng cố con đường cởi mở này, để đảm bảo triều giáo hoàng của ngài được nối tiếp bằng một triều giáo hoàng đi theo cùng chiều hướng với ngài.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Từ nhiệm: “Cánh cửa mở!”, Đức Phanxicô trả lời trên chuyến bay từ Canada về Rôma