Dàn đại pháo Vatican đến Canada và tình bạn của những cổ pháo

319

Dàn đại pháo Vatican đến Canada và tình bạn của những cổ pháo

Trưa chúa nhật 24 tháng 7, 12 giờ, giờ Montréal đi trước giờ Edmonton 2 giờ, khi chiếc máy bay màu xanh đậm ITA hạ cánh, khi thấy đoàn các nhân vật tháp tùng chuyến đi của Đức Phanxicô bắt đầu xuống thang máy bay tôi lạnh người, ôi dàn pháo hạng nặng đi hết như thế này thì ai ở nhà canh kẻ trộm. Nữ hoàng Anh không bao giờ cho phép các gia đình hoàng gia đi chung chuyến bay! Danh ca người Ý Pavarotti có lần lên máy bay thấy vợ đã ngồi trên máy bay vội vàng mời bà xuống!

Mà bây giờ lần lượt hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, phụ tá của ngài là tổng giám mục Edgar Pena Parra, hồng y bộ trưởng bộ Giám mục Marc Ouellet, hồng y bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện Michael Czerny, tổng giám mục ngoại trưởng Richard Gallagher đi xuống máy bay!

Nhà báo Alain Crevier của Radio Canada bình luận: ôi, dàn đại pháo Vatican đến Canada! Khi thấy nhân vật Parra ông nói: “Đây là nhân vật có thể vào phòng giáo hoàng mà không cần gỏ cửa!”

Vậy chuyến đi Canada có tầm quan trọng như thế nào và các chuyến đi khác có như vậy không… Có thể có, có thể không, nhưng chính ông Alain Crevier cũng ngạc nhiên! Chuyến này Đức Phanxicô không là người xuống máy bay đầu tiên như thường lệ, ngài ngồi xe lăn đi lối sau, nên mọi chú ý dồn vào những nhân vật xuống máy bay đầu tiên! Dàn đại pháo từ từ đi xuống tiếp tục dàn hàng ngang trên sân bay thấy mới ghê!!

Vì sao phải nguyên Vatican đi xin lỗi người dân bản địa Canada? Sau khi nhìn dàn pháo này thì giáo hoàng chỉ là người đại diện! Các lý do thì gần như mọi người đã biết, các trường nội trú ở đây được giao cho Giáo hội công giáo phụ trách và họ đã có những việc làm không đúng với các học sinh và nỗi ai oán của họ còn kéo dài triền miên thể hiện qua các bài hát truyền thống của họ, đón Đức Phanxicô tại lán sân bay sau hơn 10 giờ bay, chênh lệch 8 múi giờ, không có bài diễn văn chào đón, chỉ im lặng bắt tay, hôn tay nhưng bài hát và tiếng trống của người bản địa đã chiếm một thời gian kha khá, ai oán làm sao!

Tôi thích đọc tình bằng hữu giữa các thánh, có một kết hiệp sâu đậm giữa những người cùng chí hướng, hiểu nhau, không nói nhiều, không giải thích, cứ thế mà làm. Tất cả bắt đầu từ khởi duyên, khởi sự để đến đồng sự. Duyên nào đã để Thánh Phanxicô Xaviê gặp Thánh I-Nhã và sự nào để Thánh Xaviê đồng tâm với Thánh I-Nhã, lên đường đi Á châu truyền giáo. Một đồng tâm, đồng sự hiếm thấy ở thời chủ nghĩa cá nhân lên ngôi, có thể nào tôi tưởng tượng trong lòng các vị đã nghĩ và không nói ra, “Ồ, 86 tuổi, sức khỏe yếu, biết Chúa gọi giờ nào, thôi bây giờ mình đi theo vì ‘sự’ này quá quan trọng, nếu đây là những thánh lễ cuối cùng mình bên nhau, nếu đây là con đường truyền giáo mình phải bên nhau, nếu đây là chuyện quá quan trọng vì bao thế kỷ nay Giáo hội mình đồng tình với chủ trương ‘khai phá thuộc địa’ của các chính phủ thực dân Âu Mỹ, nếu đây là thoa dịu nỗi đau cho những dân tộc đã bị áp bức bao nhiêu đời nay… Thôi, mình đi!”

Nhìn bức hình các ngài ở bên nhau trong thánh lễ ngày thứ ba 26 tháng 7 ở Sân vận động Commonwealth, Edmonton, tôi nghĩ Đức Phanxicô sẽ rất xúc động, bên cạnh mình là các bạn chí cốt, sự hiện diện của họ nói lên tấm lòng của họ, còn với các vị, làm sao họ không bùi ngùi nhìn cảnh một giáo hoàng mệt mỏi, yếu đuối cố nở nụ cười khi chào khách.

Đoạn cuối của bất cứ chặng đường nào cũng buồn nhưng chặng cuối này có một niềm an ủi lớn lao, có bạn đồng tâm, đồng sự, đồng hành, một tri kỷ không dễ dầu gì ở tầm tay mọi người.

Marta An Nguyễn

Montréal 27-7-2022

Tổng giám mục ngoại trưởng Richard, hồng y bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện Michael Czerny, hồng y bộ trưởng bộ Giám mục Marc Ouellet