Những thách thức trong chuyến đi của Đức Phanxicô đến Canada là gì?
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, đặc phái viên thường trực tại Rôma, 2022-07-24
Đức Phanxicô sẽ đến Canada, từ ngày 24 đến 30 tháng 7 để “hành hương sám hối”. Ngài sẽ xin lỗi người dân bản địa sống sót trong các trường nội trú do Giáo hội công giáo điều hành trong hơn một thế kỷ.
Với những người trong nhiều tuần nay đã cho rằng ngài không đủ sức để đi Canada, ngài đã có câu trả lời rõ ràng. Sáng chúa nhật 24-7, ngài đã bay đi Canada, cho thấy ngài không có ý định hủy chuyến đi dù ngài bị đau đầu gối và đi đứng khó khăn.
Nhưng đó không phải là lý do duy nhất vì sao ngài dứt khoát đi Canada trong chuyến đi sáu ngày này. Còn hơn thế nữa, ngài xem chuyến đi là “không thể thiếu”, theo một trong những cộng tác viên của ngài, là vì ngài chuẩn bị thực hiện một hành vi lịch sử được mong chờ rất lớn ở Canada: xin tha thứ cho những gì Giáo hội công giáo đã làm trong các trường nội trú dành cho người bản địa từ năm 1830 đến năm 1996.
Iqaluit, Maskwacis và Lac Sainte-Anne, những địa điểm mang tính biểu tượng cao
Tổng cộng đã có 150.000 trẻ em đã học ở 132 trường do Giáo hội điều hành, theo yêu cầu của nhà nước liên bang Canada, họ đã tài trợ cho các em với mục tiêu là hòa nhập các cộng đồng Thổ dân vào Quốc gia Canada. Ít nhất có 5.300 kẻ xâm hại tình dục đã tác hại ở đó và từ 3.500 đến 10.000 học sinh nội trú đã chết ở những nơi quá đông đúc và kém thông thoáng như bản báo cáo tóm tắt ngày nay cho biết, các nỗ lực để “giết người Anh-điêng trong trẻ em”.
Người bản địa Canada: “Ở trường nội trú, họ muốn giết chết người Anh-điêng trong tôi”
Chính câu chuyện khủng khiếp này đã đưa Đức Phanxicô đến Bắc Mỹ, để hoàn thành một “chuyến hành hương sám hối”, như chính ngài tuyên bố ngày chúa nhật 17 tháng 7. Các nhà tổ chức Canada nói về một “chuyến hành hương chữa lành, hòa giải và hy vọng”. Trong chuyến đi này, ngài sẽ đến thành phố Edmonton và Quebec, trước khi về lại Rôma, ngài dành vài giờ ở Iqaluit, thành phố cực bắc Canada, nơi có 3.900 trong số 8.000 người dân là người Inuit.
Trong chuyến đi này, Đức Phanxicô sẽ đến thăm những nơi mang tính biểu tượng cao như Lac Sainte-Anne, nơi hàng năm có nhiều người bản địa đến hành hương, như nghĩa trang của khu dành cho người bản địa sinh sống ở Maskwacis. Trong chín bài phát biểu được lên kế hoạch cho chuyến đi, tất cả sẽ được phát bằng tiếng Tây Ban Nha và dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp, Đức Phanxicô cũng sẽ có cơ hội đề cập đến một trong những chủ đề quen thuộc của ngài: thực dân hóa ý thức hệ.
Ngài nói với các đại diện người bản địa khi họ đến Vatican vào đầu tháng 4-2022: “Bản sắc và văn hóa của anh chị em đã bị tổn thương, nhiều gia đình ly tán, nhiều người trẻ đã trở thành nạn nhân của hành động này (…), được ủng hộ bởi ý tưởng rằng sự tiến bộ phải đi qua giai đoạn thực dân hóa ý thức hệ, theo các chương trình được nghiên cứu chi tiết hơn là tôn trọng cuộc sống của các dân tộc.”
Đầu tháng 4-2022, Đức Phanxicô đã tiếp rất lâu các người bản địa Canada tại Vatican. Trước mặt họ, lần đầu tiên ngài nói lời xin lỗi, đặc biệt nhấn mạnh đến sự “phẫn nộ, đau đớn và xấu hổ” của ngài. Ba từ này sẽ xuất hiện thường xuyên trong suốt chuyến đi, trong đó có yêu cầu trả về lại Canada các đồ vật bản địa ở Bảo tàng Vatican có thể sẽ được giải quyết.
Chuyến thăm của giáo hoàng hoàn thành chu kỳ xin lỗi mà Giáo hội công giáo đã bắt đầu đưa ra từ năm 1991, với quan điểm của Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ Canada. Sau đó qua năm tháng là các lời xin lỗi của các dòng tu liên quan đến các trường học nội trú như Dòng Tên nói tiếng Anh của Canada, các nhà truyền giáo và giám mục của đất nước.
Những lời không đủ của Đức Bênêđíctô XVI
Năm 2009, khi kết thúc cuộc họp được tổ chức tại Vatican với những người sống sót trong các trường nội trú, Đức Bênêđíctô XVI cũng đã “bày tỏ nỗi đau buồn gây ra bởi hành vi đáng trách của một số thành viên Giáo hội” tại các trường nội trú. Nhưng những từ đã được xem là không đủ.
Chuyến tông du của Đức Phanxicô, ai đã xin người bản địa tha lỗi?
Trong số 94 khuyến nghị trong báo cáo của Ủy ban Sự thật và Hòa giải Canada công bố năm 2015, trong đó chỉ có 4 khuyến nghị liên quan đến các Giáo hội, khuyến nghị thứ 58 đề cập cụ thể đến giáo hoàng: “Chúng tôi yêu cầu giáo hoàng trình bày, thay mặt cho Giáo hội công giáo la-mã , một lời xin lỗi đến những người sống sót, gia đình của họ và các cộng đồng bị ảnh hưởng vì sự lạm dụng tinh thần, văn hóa, tình cảm, thể chất và tình dục mà trẻ em các Quốc gia Thứ nhất, Inuit và Métis phải gánh chịu trong các trường nội trú của Giáo hội công giáo.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Đức Phanxicô ở Canada: “Lịch sử của người bản địa không còn là trang sử trống”
Vì sao Đức Phanxicô muốn xin người bản địa Canada tha thứ?
Đức Phanxicô trên chuyến bay đi Canada ngày chúa nhật 24 tháng 7-2022