Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Télam, Đức Phanxicô nói đến sự tàn khốc của chiến tranh
Nhà báo Bernarda Lorente của hãng thông tấn Argentina Télam phỏng vấn Đức Phanxicô, đăng ngày 1 tháng 7 năm 2022. Truyền thông Vatican
Trong cuộc phỏng vấn ngày 1 tháng 7 với hãng thông tấn Argentina Telam, Đức Phanxicô nhắc lại, các chiến tranh thường là do thiếu đối thoại, ngài thất vọng vì Liên Hiệp Quốc đã không ngăn chặn được chiến tranh. Trong cuộc phỏng vấn, ngài mời gọi người Châu Mỹ La-tinh tự giải phóng mình khỏi “các đế quốc bóc lột” bằng cách thúc đẩy sự gặp gỡ giữa người dân và nhà cầm quyền.
vaticannews.va, Antonella Palermo, Vatican, 2022-07-01
“Chúng ta không thể quay trở lại sự an toàn giả tạo của các cấu trúc kinh tế và chính trị mà chúng ta đã có trước đây”. Đó là một trong những đoạn quan trọng nhất của cuộc phỏng vấn dài ngày 1 tháng 7 của Đức Phanxicô dành cho nhà báo Bernarda Llorente của hãng thông tấn Telam, Argentina.
Ngài nói lên suy nghĩ của ngài về các chủ đề chính như đại dịch, chăm sóc ngôi nhà chung, người trẻ và cam kết của ngài với chính trị. Ngài cũng nói đến chỗ đứng của Giáo hội Châu Mỹ La-tinh, cuộc khủng hoảng thể chế, chủ đề chiến tranh, và cuối cùng là bản tổng kết triều giáo hoàng của ngài. Cuộc phỏng vấn bắt đầu với câu hỏi trọng tâm là các cuộc khủng hoảng được giải quyết hoặc không được giải quyết như thế nào.
Ngài nói: “Xung đột là một cái gì đó tự nó khép lại, nó tự tìm giải pháp cho chính nó và vì thế nó tự hủy hoại.”
Phi châu không có vắc xin: một ví dụ về sự quản lý yếu kém của đại dịch
Đức Phanxicô tố cáo tình hình sức khỏe hiện tại ở lục địa châu Phi, vắc-xin không được cung cấp đầy đủ. Ngài thấy những lợi ích khác tác dụng lên việc quản lý: “Dùng khủng hoảng cho lợi ích riêng, đó là thoát khỏi một cách tồi tệ và nhất là thoát ra một mình”. Vì thế ngài chỉ trích khi một nhóm có thể ra khỏi khủng hoảng: thực chất đó là ảo tưởng, chỉ cứu một phần, kinh tế, chính trị hoặc một số lĩnh vực quyền lực.
Chiến tranh là thiếu đối thoại
Trong số những khủng hoảng bi thảm nhất thế giới chúng ta, đó là chiến tranh. Cuộc phỏng vấn dành phần lớn thì giờ để nói về chiến tranh. Đề cập đến Ukraine là chính, nhưng ngài cũng nói đến các thảm kịch ở Rwanda, Syria, Lebanon và Miến Điện. “Thật bất hạnh, một ngày chiến tranh là một ngày tàn khốc. Trong chiến tranh, chúng ta không nhảy múa, chúng ta giết người”, ngài cay đắng nói, một lần nữa ngài tố cáo hệ thống bán vũ khí chiến tranh. Ngài nhắc lại khái niệm “chiến tranh chính nghĩa”, ngài nói: “Có thể có một chiến tranh chính nghĩa, có quyền bảo vệ mình, nhưng chúng ta phải suy nghĩ lại về cách dùng khái niệm này ngày nay”. Ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khả năng lắng nghe nhau – dù chỉ đơn giản trong cuộc sống hàng ngày – để có thể đối thoại và xóa tan mọi khả năng xung đột.
Ukraine: Đức Phanxicô kêu gọi xóa bỏ chiến tranh
Về vấn đề này, Đức Phanxicô nhớ lại chuyến thăm nghĩa trang Redipuglia (Friuli-Venezia Giulia, miền bắc nước Ý) tháng 9 năm 2014 nhân kỷ niệm một trăm năm cuộc chiến năm 1914, ngài đã khó cầm được nước mắt. Một cảm xúc tương tự cũng đã đến với ngài tại nghĩa trang Anzio, trong vùng Rôma: “Thật tàn nhẫn!” Nghĩ đến cuộc đổ bộ Normandy và 30.000 thanh niên bị Đức quốc xã giết trên bãi biển, ngài đặt câu hỏi: “Điều này có chính đáng không?”. Vì thế ngài mời mọi người đến thăm các nghĩa trang quân sự ở châu Âu để có một nhận thức cá nhân hơn về thảm kịch chiến tranh.
Liên Hiệp Quốc không có quyền áp đặt để ngăn chặn chiến tranh
Trước những nhận xét này, và với sự thẳng thắn thường thấy, Đức Phanxicô thất vọng trước công việc của Liên Hiệp Quốc, dù khi Liên Hiệp Quốc đã giúp tránh chiến tranh như trường hợp ở Síp, nhưng Liên Hiệp Quốc đã không có quyền lực nào để ngăn chặn chiến tranh. Ngài còn đi xa hơn khi nói, có những “thể chế xứng đáng” trong thời kỳ khủng hoảng – ngài mang một số hy vọng ở họ – và có những thể chế khác thì lại can thiệp vào các vấn đề nội bộ. Ngài kêu gọi các tổ chức quốc tế thể hiện lòng dũng cảm và sáng tạo để vượt lên những gì mà ngài gọi đó là những tình huống “chết người”.
Một bản chất tàn nhẫn
Ngài cũng không quên cuộc khủng hoảng môi trường, ngài nói đến việc sử dụng sai lệch mà con người đã làm với thiên nhiên và điều này “chúng ta phải trả giá”. Ngài giải thích, một cách nào đó, chúng ta đang liên tục tát vào vũ trụ. “Chúng ta đã dùng sai sức lực của chúng ta”. Quan tâm liên hệ đến việc khí hậu toàn cầu nóng lên, ngài kể nguồn gốc thông điệp Laudato si’ và nhấn mạnh, thiên nhiên không hận thù nhưng “không tha thứ” nếu chúng ta đi trên tiến trình hủy hoại.
Truyền thống không phải là quay lại đàng sau
Người trẻ chiếm một phần lớn trong cuộc phỏng vấn, nhất là về việc họ không dấn thân vào lãnh vực chính trị, tạo nên một tình trạng khắc nghiệt: “Họ chán nản” mà theo ngài những thỏa thuận trong giới mafia và tham nhũng là một trong những nguyên do làm họ thất vọng. Vì thế ngài mời gọi nên tìm hiểu “khoa học về chính trị, về sự chung sống, về cuộc đấu tranh để loại bỏ tính ích kỷ của chúng ta để làm cho chúng ta tiến về phía trước”. Nhưng ngài tin vào người trẻ, dù họ không đi lễ: điều quan trọng là giúp họ trưởng thành và đồng hành với họ. Trích lời nhà soạn nhạc Áo Gustav Mahler, ngài nhắc: “Truyền thống là đảm bảo cho tương lai. Truyền thống không phải là tác phẩm của viện bảo tàng. Truyền thống là thứ mang lại cho bạn cuộc sống, miễn là nó làm cho bạn phát triển. Đó là một chuyện khác hoàn toàn với chuyện đi lui lại đàng sau của ‘chủ nghĩa bảo thủ không lành mạnh’.”
Triết lý về sự khác biệt để vượt lên “tệ nạn chiếc gương”
Đức Phanxicô tiếp tục mô tả những gì ngài xem là tệ nạn của thời đại chúng ta: thói tự mê, chán nản và bi quan, những tệ nạn của cái gọi là tâm lý học phản chiếu. Theo ngài, chúng ta phải chiến đấu nhờ tính hài hước “làm chúng ta trở nên nhân bản hơn” và biết đối đầu, nhờ triết lý về sự khác biệt.
Năm 2023, mười năm triều giáo hoàng
Trước thềm mười năm triều giáo hoàng vào năm tới, ngài xem lại bản tổng kết mười năm ở ngai Thánh Phêrô. Ngài nhấn mạnh, ngài đã “ghi nhận tất cả những gì các hồng y đã nói trước khi vào mật nghị”. Ngài thừa nhận: “Tôi không nghĩ có cái gì đó có nguyên gốc bắt đầu từ phía tôi, nhưng tôi bắt đầu với những gì chúng tôi đã quyết định với nhau.”
Cốt tủy phong cách của tân Hiến chế tông đồ Anh em hãy rao giảng Tin Mừng, Praedicate Evangelium là kết quả của tám năm rưỡi làm việc và tham vấn đã được chuẩn bị từ một thời gian. Từ đó, kinh nghiệm truyền giáo của Giáo hội đã được ra đời. Ngài nhấn mạnh vào thực tế, ngài không muốn nhận quyền làm cha, theo nghĩa đúng hơn, ngài là xúc tác của một quá trình: “Có nghĩa đây không phải là ý tưởng của tôi. Phải rõ ràng. Đây là ý tưởng của toàn thể Hồng y đoàn”.
Dấu ấn của Châu Mỹ La-tinh
Đức Phanxicô công nhận có một cách tiếp cận điển hình của Châu Mỹ La-tinh để trở thành một Giáo hội đối thoại với dân Chúa và chắc chắn đã ghi dấu ấn trong Huấn quyền. Về mặt này, nhân tiện ngài nhắc lại, Giáo hội này “đã bị bóp méo khi mọi người không thể thể hiện bản thân và cuối cùng trở thành một Giáo hội của những thừa tác viên xoàng xĩnh lo mục vụ.” Đức Phanxicô khuyên nên đọc triết học và nhân chủng học của tác giả Argentina Rodolfo Kusch (1922-1979), “người hiểu rõ nhất thế nào là dân tộc”.
Ngài nhấn mạnh người Châu Mỹ La-tinh đã có thể thể hiện chính xác chủ nghĩa phản kháng thực sự của họ trong lĩnh vực tôn giáo, ngài không quên đề cập đến những nỗ lực ý tưởng hóa mà chính Giáo hội đã có, như phân tích chủ nghĩa Mác về thực tại của thần học giải phóng. Ngài ghi nhận: “Đó là một công cụ tư tưởng hóa, một con đường giải phóng của Giáo hội bình dân Mỹ Latinh. Nhưng dân tộc là một chuyện, dân chúng là một chuyện khác.”
Đưa con người và chủ quyền gặp nhau: một công việc cho Châu Mỹ La-tinh vượt ra ngoài các hệ tư tưởng
Ngài nói tiếp: “Trong một số trường hợp, Giáo hội Châu Mỹ La-tinh cho thấy các khía cạnh của sự phục tùng ý thức hệ, đã có và sẽ còn, vì đó là giới hạn của con người. Nhưng đó là một Giáo hội đã biết và biết ngày càng tốt hơn cách thể hiện lòng mộ đạo bình dân của mình”. Ngài nhắc lại tầm quan trọng của việc nhìn thế giới từ ngoại vi hiện sinh và xã hội, chính xác dưới ánh sáng của mối liên kết giữa những vùng này và con người. Vì thế ngài mời gọi chúng ta đến thăm những người đã về hưu, trẻ em, khu dân cư, nhà máy, trường đại học, “nơi có cuộc sống hàng ngày”.
Cái nhìn của Đức Phanxicô về lục địa của ngài là cái nhìn của một người nhìn lục địa đi trên con đường chậm chạp, về đấu tranh, về giấc mơ của San Martín và Bolívar, về sự thống nhất. Ngài nhấn mạnh: “Nó luôn là nạn nhân và sẽ luôn như vậy cho đến khi nó hoàn toàn không bị các đế quốc bóc lột,” ngài lưu ý tất cả các quốc gia đều có vấn đề này. Do đó, ngài kêu gọi chúng ta làm việc để đáp ứng với “tất cả các dân tộc ở Mỹ Latinh, ngoài các hệ tư tưởng, với chủ quyền, để mỗi dân tộc cảm thấy mình có bản sắc riêng nhưng cũng cần bản sắc của người kia”, ngài công nhận điều này không dễ dàng.
Cẩn thận với các méo mó của phương tiện truyền thông: Hãy trung thực
Về tầm quan trọng tiếng nói của ngài trong thế giới ngày nay ở cấp độ xã hội và chính trị, ngài nhấn mạnh sự nhất quán, giữa những gì ngài cảm nhận trước Thiên Chúa và trước người khác, đó là điều hướng dẫn hành động và tuyên bố của ngài. Ngài suy nghĩ đến sự việc, phải hết sức thận trọng trước nguy cơ bị giới truyền thông thao túng ý tưởng của mình, ngài đưa ra ví dụ về cuộc tranh cãi nảy sinh khi bình luận về cuộc chiến Ukraine, qua việc không lên án Putin. Ngài nói: “Thực tế là tình trạng chiến tranh là cái gì đó phổ biến hơn, nghiêm trọng hơn nhiều và không có kẻ tốt cũng như kẻ xấu. Bao gồm tất cả chúng ta và đó là điều mà chúng ta phải học”.
Nói một cách tổng quát hơn, ngài cảnh báo chống lại các khuynh hướng truyền thông dẫn đến việc bóp méo thực tế, theo ngài, truyền thông có nghĩa là “dấn thân tốt”. Về mặt này, ngài nêu lên bốn “tội của giao tiếp”: sai lệch thông tin (nói những gì để dàn xếp); vu khống (bịa ra để gây bất lợi cho một người); phỉ báng (quy cho ai đó một suy nghĩ đã thay đổi từ đó); thích gây tai tiếng. “Truyền thông là một cái gì đó thiêng liêng” và nó phải được thực hiện với “tính trung thực và xác thực”, ngài xin giới truyền thông có sự khách quan lành mạnh, nhưng “không có nghĩa là trở thành nước cất tinh lọc”. Ngài nói: “Người truyền thông là người giao tiếp tốt, và phải là người đúng đắn.”
Cuộc sống tươi đẹp nếu chúng ta biết chờ, theo đúng phong cách của Chúa
Trong phần cuối cuộc phỏng vấn, Đức Phanxicô nhắc lại thời gian diễn ra mật nghị, sự thay đổi cuộc sống sau khi được bầu chọn, ngài nói đến cuộc sống của ngài trước khi là giáo hoàng, ngài thừa nhận: “Đó là câu chuyện của một đời sống với rất nhiều ơn của Chúa, với rất nhiều thiếu sót của tôi, với những quan điểm không phổ biến lắm”. Trong cuộc sống, chúng ta học cách phổ biến, làm việc bác ái, bớt xấu xa. Ngài nói đến những thăng trầm trong đời và biết ơn các người bạn đã giúp đỡ, đã đồng hành cùng ngài đến mức ngài chưa bao giờ cảm thấy đơn độc.
“Trong cuộc đời, tôi đã có những giai đoạn cứng nhắc, tôi đòi hỏi quá nhiều. Nhưng sau đó tôi hiểu, tôi không thể đi theo con đường này, phải biết điều chỉnh. Đó là thiên chức làm cha”. Ngài không ngần ngại chỉ trích thái độ của mình khi làm giám mục, ngài thừa nhận đã quá nghiêm khắc. Ngài nói cuộc sống thật tươi đẹp nếu biết chờ, như Chúa đã làm với chúng ta, một phong cách của Chúa, trưởng thành với thời gian.
Cuối cùng nhà báo hỏi: “Chúng tôi sẽ có giáo hoàng Phanxicô trong một thời gian nữa không?” Ngài trả lời: “Chúng ta hãy để Chúa nói.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch