Hồng y Sarah: “Chúng ta đến với linh mục vì chúng ta muốn đi tìm Chúa, chứ không phải để muốn cứu hành tinh”

407

Hồng y Sarah: “Chúng ta đến với linh mục vì chúng ta muốn đi tìm Chúa, chứ không phải để muốn cứu hành tinh”

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2022-07-01

Phỏng vấn hồng y Robert Sarah, ngài vừa xuất bản quyển sách Giáo lý về đời sống thiêng liêng (Catéchisme de la vie spirituelle, nxb. Fayard), ngài cho biết, Giáo Hội có mặt là để giúp giáo dân đi tìm Chúa, đó là sự hữu ích duy nhất của Giáo hội.

Cha xuất bản quyển “Giáo lý về đời sống thiêng liêng”: thế giới hiện đại đã quên ý nghĩa của đời sống thiêng liêng rồi sao?

Hồng y Robert Sarah: Tôi viết quyển sách này trong thời gian cách ly. Tôi bị sốc: chúng ta chăm sóc sự sống cho thể xác, nhưng chúng ta để linh hồn chết. Dù vậy đời sống thiêng liêng là những gì thiết thân nhất trong tâm hồn chúng ta, những gì chúng ta quý nhất. Đó là đời sống nội tâm, nơi chúng ta gặp Thiên Chúa. Từ chối đời sống thiêng liêng là phủ nhận những gì làm nên phẩm giá trong tư cách là con người.

Không có đời sống nội tâm, điều gì lớn lao còn lại trong cuộc sống của chúng ta? Điều gì còn lại thoát khỏi quy luật thị trường và vật chất?

Đời sống tâm linh là nơi là nơi bất khả xâm phạm của chúng ta, là nơi ẩn núp để chúng ta đi tìm chân lý và tình yêu, nơi chúng ta đơn độc đối diện với Thiên Chúa.

Vì sao cha dùng phương pháp sư phạm cho giáo lý, cha có thể viết một chuyên luận về đời sống thiêng liêng…

Sách giáo lý là lời nhắc nhở đơn giản về các nguyên tắc cơ bản. Tôi không muốn viết một chuyên luận thần học cho giới trí thức và chuyên gia, nhưng một quyển sách rõ ràng, mọi người có thể đọc được, kể cả người tin và người không tin.

Tôi không tìm cách giải thích và biện minh cho mọi thứ, nhưng chỉ đơn giản là để làm chứng cho kinh nghiệm thiêng liêng của Giáo Hội.

Cha đề nghị người đọc vào “sa mạc”, dừng lại với Chúa. Như thế có hơi khô khan sau hai năm bị hạn chế vì đại dịch không…

Ngược lại! Cuộc khủng hoảng này cho thấy sự khát khao thiêng liêng đáng kinh ngạc mà tâm hồn chúng ta phải chịu đựng. Con người khao khát sự im lặng, chiều sâu, một cuộc sống với Chúa. Trong thời gian cách ly, từ “cầu nguyện” là một trong những từ được tìm kiếm nhiều nhất trên Google. Đại dịch đã cho thấy sự hời hợt, sự phủ nhận đời sống nội tâm là những căn bệnh gây ra đau khổ và lo lắng cho người đương thời chúng ta.

Và cha nói về một “nhật thực của Chúa”?

Đó là nghịch lý của thời đại chúng ta. Trong khi người đi tìm Chúa ngày càng nhiều thì những tranh luận công khai, chính trường lại hơn bao giờ hết loại trừ Ngài. Vì thế đã đến lúc Giáo hội phải trở lại với những gì Giáo hội được mong chờ: nói về Thiên Chúa, về linh hồn, về thế giới bên kia, về cái chết và trên hết là về sự sống vĩnh cửu.

Nhưng vì sao cha cấu trúc cách tiếp cận xoay quanh bảy “bí tích” của Giáo hội công giáo? Chúng chính xác được thảo luận nhiều trong chính Giáo hội, bắt đầu với bí tích Thánh Thể, giải tội, chức linh mục và hôn nhân…

Vậy mà các bí tích là trọng tâm đời sống thiêng liêng, là cách để đến với Chúa. Thật không may, chúng ta chỉ làm theo nghi thức bên ngoài. Nhưng các bí tích lại chính là những phương tiện tinh tế để Chúa chạm đến, chữa lành, nuôi dưỡng, tha thứ và an ủi chúng ta.

Tôi nghĩ ngay cả trong Giáo hội, nhiều người cũng không biết về thực tại bên trong, thiêng liêng và thần bí của các bí tích. Chúng ta chỉ thấy các nghi thức xã hội, nhưng chính dấu chỉ bí tích, mầu nhiệm mặc khải, Ngài ban chính Ngài cho chúng ta.

Vì sao ở điểm này cha nhấn mạnh nhiều vào cải cách thiêng liêng và vào “thập giá” của Chúa Kitô?

Chúng ta dành quá nhiều thì giờ để nói về các cấu trúc của Giáo hội. Chẳng ai buồn quan tâm! Điều quan trọng là cuộc sống vĩnh cửu của chúng ta, đời sống nội tâm trong tình bằng hữu với Chúa. Giáo hội tồn tại để có các người thánh. Phần còn lại là thứ yếu. Cuộc sống theo Chúa mở ra cho chúng ta con đường này. Cuộc sống này đi qua thập giá. Không phải để đau khổ. Thập giá là tình yêu trọn vẹn được thể hiện. Đó là chiến thắng của sự sống trước cái chết và tội lỗi.

Thông điệp tận căn này có được đa số chấp nhận kể cả những người trong Giáo hội không?

Sự thánh thiện không dành riêng cho một tầng lớp nhỏ. Sự thánh thiện dành cho tất cả mọi người. Nên thánh là cho phép mình được Thiên Chúa yêu thương, được theo Chúa Kitô. Mọi người đều có thể bắt đầu theo cách riêng của mình mỗi ngày.

Nhưng các linh mục và giám mục có nói đủ về những gì đang bị đe dọa trong đời sống thiêng liêng này không?

Đôi khi họ bị cám dỗ làm cho mình trở nên hấp dẫn dưới mắt mọi người, bằng cách nói về chính trị hoặc sinh thái học. Nhưng tôi nghĩ chẳng ai quan tâm. Chúng ta đến gặp một linh mục vì chúng ta tìm kiếm Chúa, không phải vì chúng ta muốn cứu hành tinh.

Quan điểm này có xếp cha vào hàng “những người bảo thủ” khi việc quay trở lại đời sống nội tâm này được thế giới phương Tây tôn vinh, chấp nhận và đón nhận với các truyền thống phật giáo và ngay cả với hồi giáo không?

Ít ai quan tâm đến các nhãn hiệu như “bảo thủ” hoặc “tiến bộ”. Nhưng thinh lặng liên quan đến tất cả những ai có thiện tâm. Chúng ta biết rõ nếu không có thinh lặng, không có cầu nguyện, con người sống không ở tầm cao đúng với mình. Con người chết ngạt trong chủ nghĩa vật chất.

Sự quan tâm của người phương Tây với các tôn giáo phương Đông cho thấy họ thiếu tâm linh và cầu nguyện đến mức nào. Không vòng vèo, tôi muốn đưa ra một đời sống nội tâm kitô cho họ, một thần nghiệm phúc âm có thể đến được với tất cả mọi người và giải phóng họ.

Nhưng vì sao Giáo hội không còn dám nói về thần nghiệm của những “mầu nhiệm” nữa, vậy mà nó là trọng tâm của cuộc đời?

Có lẽ Giáo hội sợ mình bị cho là cổ hủ? Đó có phải là một phức tạp? Tuy nhiên, ở Pháp chúng ta đã thấy các Thánh Charles de Foucauld hoặc Thánh Têrêsa Lisiơ đã khơi dậy sự chú ý. Họ không làm điều gì to lớn cho xã hội. Nhưng họ đi tìm Chúa. Giáo hội giúp những ai đi tìm Chúa. Và đó là sựu hữu ích duy nhất của Giáo hội.

Con đường thiêng liêng này có thích ứng với kitô giáo xã hội, với hành động nhân đạo và sinh thái mà hiện nay Đức Phanxicô ủng hộ không?

Tôi nghĩ Đức Phanxicô là người của cầu nguyện. Ngài thường nhắc chúng ta, Giáo hội không phải là tổ chức phi chính phủ. Ngài nói điều này chỉ một ngày sau khi được bầu chọn: nếu Giáo hội ngừng đi tìm Chúa qua lời cầu nguyện thì Giáo hội có nguy cơ phản bội.

Thậm chí ngài còn nói nếu Giáo hội ngừng tìm kiếm Chúa thì Giáo hội có nguy cơ làm công việc của ma quỷ!

Cha đã có một cuộc sống vô cùng phong phú, với những trách nhiệm nặng nề cả ở Phi châu và ở Rôma: về cơ bản, ngày nay có điều gì mang lại cho cha niềm vui và hy vọng trong một thế giới tăm tối, rắc rối và đau khổ này không?

Niềm vui của tôi là tôi biết tôi được Chúa yêu. Niềm vui của tôi là hy vọng một ngày nào đó được diện đối diện với Ngài!

Nhưng cha nói Giáo hội đang vật lộn với một “nỗ lực ma quỷ nhằm phá bỏ nó”. Cha có lo lắng không?

Tôi không lo lắng về tương lai của Giáo hội. Chúa Giêsu hứa sẽ ở với Giáo hội cho đến tận thế. Tôi lo cho những linh hồn bị tước mất đời sống nội tâm và sự thật giải thoát. Những linh hồn này đau khổ và đang gặp nguy hiểm. Tôi có lòng trắc ẩn cho họ.

Lời cầu nguyện chống lại chiến tranh có thể làm gì?

Chiến tranh bắt đầu trong những trái tim căm thù. Lời cầu nguyện mang lại sự bình an cho trái tim.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch