Tuần lễ thời trang và tôn giáo Chúng ta có thể nói về sứ mệnh kitô của nhà tạo mẫu”
Các nhà thiết kế vĩ đại thời trang nam diễu hành từ ngày 21 đến ngày 26 tháng 6 năm 2022. Đây là cơ hội để linh mục dòng Đa Minh Alberto Fabio Ambrosio cập nhật những mối liên hệ sâu sắc luôn có giữa đạo công giáo và thời trang.
lavie.fr, Philippe Clanché, 2022-06-24
Linh mục Alberto Fabio Ambrosio – LSRS
Là tu sĩ dòng Đa Minh tại Tu viện Truyền tin ở Paris, linh mục Alberto Fabio Ambrosio là giáo sư Trường Tôn giáo và Xã hội Luxembourg và là giám đốc nghiên cứu tại Viện Bernardins. Linh mục đã xuất bản quyển Thần học về thời trang (Théologie de la mode, nxb. Hermann, 2021).
Cha nghĩ gì về lời buộc tội đáng ngạc nhiên của giáo hoàng chống lại “phẩm phục đăng-ten” được một số linh mục Ý thích?
Linh mục Alberto Fabio Ambrosio: Các lựa chọn của chúng ta, cả về trang phục và phụng vụ, đều mang một ngôn ngữ, và giáo hoàng xin các linh mục này cập nhật sở thích theo thời, nhìn vào bối cảnh thế giới đương đại. Như giáo hoàng nói, một số chủng sinh chọn “áo quần của bà ngoại”. Có đăng-ten trong chương trình nghị sự không? Trong bài phát biểu đó, Đức Phanxicô nói về các bài giảng, về ngôn ngữ tiêu biểu.
Lệnh cấm chủng sinh mặc áo chùng của giám mục Le Gall, giáo phận Toulouse là một phần của động thái tương tự?
Đúng, giám mục Le Gall có lý. Y phục là một hành động biểu hiệu bản thân. Nếu nó là ngôn ngữ, thì chúng ta phải chọn y phục vừa cho mình, vừa cho tất cả người khác. Vì thế không nên áp đặt. Cũng như không nên dùng ngôn ngữ thô lỗ trong bài giảng, ngay cả khi cần để mang lại sức mạnh cho ý tưởng của mình. Các chủng sinh trẻ đòi quyền mặc áo chùng theo khuynh hướng truyền thống, họ nghĩ họ biết nhưng họ không biết về truyền thống thần học, họ nói ra như một loại diễn văn thuần túy.
Vì sao các chủng sinh Pháp không được mặc áo chùng?
Thời trang là một thiết bị đương đại. Nhưng chiếc áo chùng đi ra khỏi thiết bị này. Một số người mặc vì muốn phá vỡ biện chứng, muốn khác biệt. Từ đó, họ rời khỏi đối thoại và trao đổi. Phép biện chứng không tạo ra sự rõ ràng của sự thật nhưng đối lập, chia rẽ. Đây là việc nối kết với bối cảnh đương đại… nhưng không ở trong thời trang. Cuối cùng, tổng giám mục Toulouse chỉ đơn thuần nhắc lại luật.
Cha đã làm việc nhiều năm về mối liên hệ giữa thời trang và tư tưởng công giáo. Vì sao lĩnh vực xã hội này lại ít được thần học khám phá?
Kể từ khi thời trang ra đời vào thế kỷ 16 tại Triều đình Pháp, nó đã bị cho là phù phiếm. Vì thế Giáo hội công giáo đã không quan tâm đến hiện tượng xã hội này. Ngược với người tin lành, chắc chắn họ nhạy cảm hơn với thế giới đương đại.
Thật đáng tiếc, trong khi các mối liên hệ giữa thần học công giáo và điện ảnh chẳng hạn, thì lại được thảo luận thường xuyên. Là hiện tượng xã hội của toàn cầu hóa, thời trang không thể bị bỏ quên. Ngay cả ở cấp độ mục vụ. Thời trang là một hệ thống niềm tin bao trùm, giống như thể thao. Ở Paris hoặc ở Tokyo, chúng ta đều thấy cùng những nhãn hiệu tương tự. Không theo ngôn ngữ hoàn vũ và phổ quát này là một vi phạm thiếu sót. Đạo công giáo phải có mặt ở những nơi đang xảy ra sự việc, nếu không các nhà thờ sẽ trống rỗng.
Những câu hỏi về đạo đức do thời trang đặt ra có phải là một góc độ tiếp cận?
Đúng vậy, chúng ta có thể quan tâm đến những khía cạnh đáng lo ngại của một lãnh vực hoạt động kinh tế rất ô nhiễm, khuyến khích lãng phí. Để khám phá thế giới sản xuất, tôi đã thực tập ở nhà thời trang cao cấp Vivienne Westwood. Các tiêu chuẩn sản xuất có đạo đức là chủ yếu. Giáo hoàng nói về sinh thái học, nhưng không nói gì về chủ đề này. Ngài báo động về các vấn đề sinh thái và xã hội đặt ra trong việc khai thác ngành dệt may, ngài có thể ảnh hưởng đến xã hội.
Trong lĩnh vực này, việc thực hành, giống như giáo lý của Giáo hội, chúng ta có nhiều thứ để cung cấp hơn là học hỏi. Chúng ta nhìn vào thời trang của tu viện. Họ dạy cho tín hữu giữ quần áo mà không thay thường xuyên, hãy nghĩ đến những loại vải có thể sửa lại được. Tôi quan sát thấy phong trào “cách mạng thời trang” được truyền cảm hứng từ kỹ thuật của các bà nội-ngoại: không vứt gì, sửa lại được hết. Giáo hội nói về siêu-tiêu thụ như một căn bệnh của tâm hồn.
Trong quyển sách của cha, cha nói về một Thiên Chúa là “thợ may ba lần”. Xin cha cho chúng tôi biết về hình ảnh này?
Trong sách Sáng thế, Thiên Chúa làm áo da cho con người (St 3, 21). Sau đó, Ngài tạo chiếc áo liền thân, do chính Thiên Chúa thiết kế cho chính mình: đó là chiếc áo Chúa Kitô mặc khi chịu nạn (Ga 19:23). Trên Thập giá, đó là dấu hiệu của sỉ nhục, Chúa Kitô trần trụi, có lẽ chỉ còn chiếc khố. Khi Phục sinh, các tấm khăn được đặt bên cạnh ngôi mộ, do đó xác suất của Đấng Phục sinh là trần truồng. Cơ bản trang phục của chúng ta là da thịt. Khi viết “Hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô” (Rm 13: 14), Thánh Phaolô giải thích Đấng Kitô là chiếc áo. Thánh Tôma Aquinô dùng lại ý tưởng này.
Cuối cùng, trong sách Khải Huyền, Chúa thành thợ may lần thứ ba khi Ngài may áo cưới cho những người được chọn: “Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ dâng Chúa lời tôn vinh, vì nay đã tới ngày cử hành hôn lễ Con Chiên, và Hiền Thê của Người đã trang điểm sẵn sàng, nàng đã được mặc áo vải gai sáng chói và tinh tuyền.” (Kh 19, 7-8). Những gì Thiên Chúa đã làm với Đấng Kitô, Ngài ban cho tất cả mọi người.
Như thế có thể làm những chiếc cầu giữa thời trang và thần học công giáo không?
Bằng cách làm nổi bật khảo cổ học tôn giáo và thần học về quần áo là gì và thời trang hiện đại của nó, tôi đặt mình vào cách tiếp cận tích cực có chủ ý.
Chúng ta hãy xem nhà thiết kế thời trang như một nghệ sĩ sáng tạo, do đó là theo hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa. Chúng ta có thể nói về sứ mệnh kitô giáo của nhà thiết kế. Kể cả trong vô thức. Ngay cả khi họ tạo ra những chiếc áo hở ngực. Điều này cũng có thể giải thích tính cách bị tra tấn của nhà tạo mẫu. Nhà văn Françoise Sagan đã mô tả thực tế này khi nói về nhà tạo mẫu Yves Saint Laurent.
Tinh hoa của hiện đại phương Tây và đắm mình trong nền văn hóa tục hóa, thời trang ngày nay dựa trên trí tưởng tượng ẩn ngầm trong văn hóa do thái giáo-kitô giáo. Và sự xuất hiện của burkini hay mạng che mặt cho thấy thời trang không chỉ có thế tục và giáo dân.
Ngày nay, thời trang xem trọng ý tưởng về một cuộc sống thứ hai cho quần áo, đồ cũ và đồ sửa chữa. Mà chúng ta tin Chúa Kitô là Đấng sửa chữa. Ngài đã phải trả một giá cho nó. Đồng thời, thời trang không ngừng muốn tiến lên trong sự mới lạ. Ai đó nói về sự mới lạ hơn kitô giáo?
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch