Vai trò của phụ nữ trong Giáo hội? “Có điều gì đó đang diễn ra”
cath.ch, Ban biên tập, 2022-06-17
Thần học gia Anne Marie Pelletier giải thích: “Sự bất bình đẳng giữa nam và nữ là một thực tế văn hóa không thể chối cãi của thế giới mà lịch sử Kinh thánh đã mở ra.” Anne-Marie Pelletier | DR
Anne-Marie Pelletier là một trong những nữ thần học gia (quá hiếm hoi) thực sự được công nhận trong thế giới công giáo. Thạc sĩ văn chương, tiến sĩ khoa học tôn giáo, bà cống hiến một phần công việc của mình cho vị trí của phụ nữ trong Giáo hội. Trong quyển Giáo hội và phụ nữ (L’Église et le féminin) bà xem lại Truyền thống với mục đích giải phóng vấn đề này ra khỏi những định kiến văn hóa nhất định về phụ nữ.
Khi các cộng đồng kitô giáo đầu tiên ra đời, phụ nữ có “chức vụ” giống nam giới không? Theo bà Anne-Marie Pelletier, câu hỏi này liên quan đến nguy cơ phóng chiếu những thực tế ngày nay vào quá khứ. Đối với chuyên gia Kinh thánh, thực tế vẫn là Tân ước khẳng định quyền bình đẳng cơ bản của nam giới và nữ giới. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, văn hóa phụ hệ Địa Trung Hải sẽ ảnh hưởng đến các cộng đồng kitô giáo đầu tiên, dẫn đến sự phân biệt đối xử với phụ nữ. Vì thế ngày nay rất thích hợp để phân biệt điều gì là thiết yếu và điều gì là phụ trong Truyền thống dưới ánh sáng Tin Mừng. Với kết quả là, một sự tái sinh các chức vụ trong Giáo hội, liên quan đến cả phụ nữ và nam giới.
Chúng ta có thể nói vị trí của phụ nữ trong Giáo hội đã phát triển một cách tích cực trong những năm gần đây, đặc biệt là dưới triều Đức Phanxicô không?
Anne-Marie Pelletier: Quan sát nổi bật đầu tiên là tính thời sự ngày càng tăng của các câu hỏi về tình trạng phụ nữ trong Giáo hội. Quyền tự do ngôn luận nhờ vào công việc của thượng hội đồng, chứng minh rằng câu hỏi này là một ưu tiên trong các cộng đồng kitô giáo. Huấn quyền, đang đối đầu với tương lai của Giáo hội trong một tình hình phức tạp và đáng lo ngại, chúng ta không thể làm ngơ.
Ngay từ đầu triều giáo hoàng của ngài, Đức Phanxicô đã biểu thị bằng lời nói và cử chỉ rằng ngài đặc biệt nhạy cảm với sự cấp bách này. Ngay từ năm thứ nhất, ngài đã nhân rộng các tuyên bố về chủ đề phụ nữ, kêu gọi đào sâu về thần học. Kể từ đó, đã có những cuộc bổ nhiệm nhiều phụ nữ chưa từng có vào các vị trí dành riêng cho các giáo sĩ, ngay cả trong Giáo triều. Do đó, chẳng hạn, một phụ nữ đã được bổ nhiệm vào Ban Thư ký Tòa thánh vào tháng 1 năm 2020. Một người khác được thăng chức làm Thư ký Bộ Phát triển Con người Toàn diện. Một phụ nữ khác đã được bổ nhiệm làm thư ký của Thượng hội đồng giám mục sắp tới. Chưa bao giờ thấy, không thể không có hệ quả, dù cho, giáo hoàng thích lặp lại, các sắp xếp chức năng không làm kiệt sức cho những câu trả lời mang đến cho “vấn đề phụ nữ”.
“Theo mẫu mực ở Bỉ và Thụy Sĩ nói tiếng Pháp, phụ nữ được bổ nhiệm làm đại biểu cho tòa giám mục”
Chúng ta cũng thấy các giáo phận mở ra với những hợp tác mà cách đây vài năm vẫn chưa tưởng tượng được. Giáo dân, nam và nữ, tham gia vào hội đồng giám mục, can thiệp vào việc quản trị bên cạnh các linh mục tổng đại diện. Một cách mẫu mực ở Bỉ và ở Thụy Sĩ nói tiếng Pháp, phụ nữ được bổ nhiệm làm đại diện cho tòa giám mục. Những phát triển này có khả năng làm đổi mới hoạt động của thể chế Giáo hội. Tuy nhiên, theo tôi, chúng không thể miễn để chúng ta không tiến tới một tập hợp các câu hỏi cơ bản đặt cho Giáo hội, được kêu gọi tái tạo với sự táo bạo thực sự của Tin Mừng.
Bà có cho rằng Kinh thánh và Truyền thống bao gồm những thành kiến ghét phụ nữ không?
Làm thế nào để không nghi ngờ? Thậm chí tôi còn nói, làm sao lại ngạc nhiên? Từ lâu, mặc khải trong Kinh thánh luôn được hình thành ở những nơi của các xã hội bị đánh dấu qua sự bất cân xứng gần như bản thể học (ảnh hưởng đến bản thể) giữa nam và nữ. Thông điệp của Kinh thánh truyền qua lời nói của con người, vì thế nó giả định tất cả những gì ngôn ngữ chúng ta mang theo nó về mặt biểu đạt, và do đó cũng có những định kiến, đặc biệt khi nói đến quan hệ giữa hai giới tính. Tân Ước không phải là ngoại lệ với thực tế này. Hơn nữa, điều được gọi là “mầu nhiệm Nhập thể” thực sự có mối quan hệ với sự đan xen giữa những gì là con người nhất và thần thánh nhất trong Lời Chúa.
Tất nhiên khi nói đến ghét phụ nữ, mọi thứ vẫn vô hình chừng nào chỉ có đàn ông mới là người diễn dịch và giáo dục đức tin, chừng nào họ còn có thẩm quyền trong tổ chức giáo hội. Ngay khi các phụ nữ kitô giáo bắt đầu tồn tại dưới danh nghĩa của họ và, tôi sẽ nói, bằng chính giọng nói của họ, họ đã thể hiện mình bên cạnh nam giới khi đó họ mới áp đặt sự chú ý, cho đến khi đó, những thực tế vẫn còn bị không biết. Đặc biệt, không còn phớt lờ trong im lặng những phân biệt đối xử mà từ nhiều thế kỷ, đã âm thầm quy định các mối quan hệ giữa nam và nữ trong các cộng đồng kitô giáo và trong toàn thể chế khi tôn vinh nam giới một cách có hệ thống, hơn thế nữa được tô điểm bằng uy tín của chức tư tế.
“Khi nói đến ghét phụ nữ, mọi thứ vẫn vô hình chừng nào chỉ có đàn ông mới là người diễn dịch và giáo dục đức tin”
Chẳng hạn, không còn có thể tạo ngõ cụt trên một truyền thống ghét phụ nữ lâu đời liên hệ đến việc đọc sách Sáng thế ký, biến bà Evà thành biểu tượng đáng nguyền rủa của người phụ nữ yếu đuối trước cám dỗ, nguy hiểm cho người bạn nam của mình. Chúng ta không thể quên Tân Ước có một số câu ghê gớm về phụ nữ.
Chẳng hạn?
Tôi đặc biệt nghĩ đến lệnh buộc họ phải im lặng trong các cuộc họp, hoặc khẳng định người phụ nữ không thể điều khiển một người đàn ông. Không đề cập đến những điều cấm kỵ rất cổ xưa, nhưng tất cả những điều kiên trì hơn, liên quan đến sự không trong sạch của phụ nữ. Ngay cả khi trong Tin Mừng, Chúa Giêsu phản bác thành kiến này một cách rõ ràng, bài học vẫn không được hiểu, nơi mà ngay cả ngày nay chúng ta tuyên bố dành quyền được ở trên bàn thờ cho nam giới trong các nhà thờ chúng ta.
Tuy nhiên, chúng ta có thể nói, bất chấp bối cảnh văn hóa “phân biệt giới tính” này của Tân Ước là khẳng định sự bình đẳng cơ bản giữa nam và nữ không?
Sự bất bình đẳng giữa nam và nữ là một thực tế văn hóa không thể chối cãi của thế giới mà lịch sử Kinh thánh cho chúng ta thấy. Từ Cựu ước đến Tân ước, Sách Thánh minh chứng điều này. Định đề muốn người phụ nữ phải là trẻ vị thành niên, phụ thuộc vào một người đàn ông nắm quyền và độc quyền cho lời nói uy tín, được chứng thực vào lúc quyết định nhất cho nhân chứng Phúc âm: vào buổi sáng phục sinh, câu chuyện về những phụ nữ báo cáo việc họ khám phá ra ngôi mộ trống bị các tông đồ cho là những đồn thổi không giá trị.
“Sự bất bình đẳng giữa nam và nữ là một thực tế văn hóa không thể chối cãi của thế giới mà lịch sử Kinh thánh cho chúng ta thấy”
Trong những điều kiện này, càng ấn tượng hơn khi chúng ta thấy, trên thực tế, cùng một lịch sử Kinh thánh này được nhấn mạnh bởi sự hiện diện mang tính quyết định của phụ nữ. Tôi muốn nói, sự hiện diện của phụ nữ mà không có họ sẽ không có gì trong kế hoạch cứu rỗi của Chúa. Điều này từ sự can thiệp của các bà mụ Israel đã mưu mẹo cứu được ông Môsê khỏi kế hoạch giết người của vua Pharaô, đến sự kết hiệp của Maria, con gái Israel vào công việc Nhập thể. Đó là điểm nhọn của lịch sử cứu rỗi được hình thành qua ngòi bút của Thánh Phaolô, trong một khẳng định đích thực mang tính cách mạng về sự bình đẳng giới. Ngài tuyên bố, từ nay sự thuộc về Chúa Kitô mở ra quyền bình đẳng cho tất cả những người đã được rửa tội, không phân biệt giới tính. “Không còn đàn ông cũng như đàn bà” của bức thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Galát nên được hiểu đây là lời khẳng định, trong Chúa Kitô, không còn sự phân biệt kỳ thị nào giữa các giới. Một tuyên ngôn vẫn còn phải được lắng nghe… Hai mươi thế kỷ kitô giáo cho thấy còn rất nhiều chống cự với nó.
Sự tham gia của phụ nữ trong “guồng máy” Giáo hội có phải thông qua việc truyền chức giám mục, linh mục hay phó tế không?
Trước hết chúng ta phải nhớ, theo thần học công giáo, mỗi người được rửa tội được cấu thành bằng phép rửa của họ thì người đó là “linh mục, tiên tri và vua”. Chức danh cuối cùng này ngụ ý sự góp phần của họ vào “guồng máy”. Điều này cuối cùng lại tập trung vào tay các linh mục và giám mục. Nhưng Công đồng Vaticanô II đã đưa chúng ta trở lại với căn tính kitô giáo đầy đủ này, căn tính áp dụng cho tất cả những ai được rửa tội. Nói cách khác, trách nhiệm “quản trị guồng máy” vượt ngoài giới giáo sĩ. Nó bao gồm tất cả tín hữu, mỗi người “tùy theo tình trạng của mình”. Điều này mở ra một lĩnh vực rộng lớn cho sự tham gia hiệu quả của giáo dân, và đặc biệt là phụ nữ, những người có thể nhận một cách hợp pháp là đại diện của “guồng máy”. Như thế rõ ràng phụ nữ có thể có thẩm quyền trên nam giới trong Giáo hội. Một cuộc cách mạng Copernicus thực sự, nơi các não trạng bị tê liệt trong những khuôn mẫu bất bình đẳng cọng thêm vào đó với những biện minh thần học.
Có lập luận nào biện minh rằng chức linh mục và giám mục chỉ dành cho nam giới không?
Cuộc tranh luận đã mở ra từ nhiều nhiều thập kỷ nay. Phần lớn, nếu không phải là tất cả, được cho là ủng hộ hoặc chống lại việc phong chức cho phụ nữ. Về mặt thể chế, cuộc tranh luận này đã được giải quyết bằng phản ứng tiêu cực trong hai văn bản giáo huấn của Đức Phaolô VI và sau đó là của Đức Gioan-Phaolô II vào cuối thế kỷ trước. Rôma thường nhắc lại quyết định này bằng giọng điệu đe dọa. Rõ ràng là có một cảnh giác lo lắng của huấn quyền xung quanh vấn đề này. Giống như một biên giới phải được canh giữ cẩn mật.
“Cuộc tranh luận đã mở ra từ nhiều nhiều thập kỷ nay. Phần lớn, nếu không phải là tất cả, được cho là ủng hộ hoặc chống lại việc phong chức cho phụ nữ”
Làm thế nào để hiểu được sự cảnh giác này?
Trong mọi trường hợp, có lý do để tự hỏi: theo cách nào thì tòa nhà giáo hội rõ ràng sẽ bị hủy hoại nếu phụ nữ được chịu chức? Cuối cùng, ngày nay có hai thái độ cùng tồn tại: đó là thái độ của phụ nữ, bất chấp tất cả vẫn tiếp tục mơ được nhận vào chức tư tế, nên nhớ, một số nhà thần học vĩ đại, không thể tranh cãi, đã tuyên bố ủng hộ; và thái độ của những phụ nữ khác, họ nêu lên vấn đề cấp bách thực sự là “giải-giáo sĩ hóa”, giải-căn tính giáo sĩ, nói cách khác là tham gia vào công việc sửa đổi thần học về chức tư tế.
Phụ nữ có nên có những sứ mệnh “cụ thể” trong Giáo hội không? Phụ nữ và đàn ông trong Giáo hội có bổ sung cho nhau không?
“Tính đặc trưng của phái nữ” và “tính bổ sung” là những khái niệm luôn được nhắc đến trong các bài diễn văn huấn quyền. Cách diễn đạt đầu tiên có nhược điểm là ngay lập tức gán phụ nữ vào một danh tính trừu tượng, vào một định nghĩa có trước đời sống cụ thể của họ. Như thể có một cốt tủy phải “là phụ nữ”. Chân dung-người máy này của phụ nữ thực sự là hình ảnh do các ông tạo ra. Nó mang một số định kiến của nam giới, dù căn tính này nhằm mục đích ca ngợi. Đối với “tính bổ sung”, nó rất có thể đóng vai trò là vỏ bọc che giấu cho sự bất bình đẳng.
Và đó là những lý do để coi chừng với những từ phổ biến này. Đây cũng là lý do vì sao theo tôi, điều cần thiết là phải luôn khởi đi từ việc công nhận một bản sắc rửa tội thiết yếu, thiết lập sự bình đẳng giữa tất cả mọi người, giáo sĩ và giáo dân, nam và nữ. Một khi sự bình đẳng này được khẳng định, công nhận và tôn vinh một cách rõ ràng, thì có thể có quyền cho những khác biệt. Nhưng chỉ thứ yếu mà thôi, và không cần khởi đi từ thận trọng, như hệ thống phân cấp thường hay làm với sự khác biệt. Chúng ta cũng cần lưu ý khi Thánh Phaolô nêu lên những đặc sủng khác nhau có trong Giáo hội, những đặc sủng này hoàn toàn không “giới tính hóa”, để sử dụng trong từ vựng đương thời của chúng ta.
Bà thấy vai trò phụ nữ trong Giáo hội sẽ phát triển như thế nào trong những năm tới?
Tôi không nghĩ Giáo hội có thể tự tái tạo cách nghiêm túc trong các xã hội thế tục hóa của chúng ta mà không làm thay đổi sâu sắc cách thể hiện các mối quan hệ giới bên trong mình. Chúng ta đừng quên phong trào nền tảng hoạt động trên bản tin thời sự thế giới là tố cáo bạo lực với phụ nữ, một thực tế đáng ghi nhận trong thời đại chúng ta. Giáo hội không thể tránh xa điều mà Giáo hội phải công nhận là “dấu chỉ của thời đại” như Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII nói.
Và vì thế?
Xác tín của tôi là thể chế phải kiên quyết giải phóng mình khỏi thói quen cũ đã kéo dài từ thế kỷ 12 về việc biến sự phân biệt giữa giáo sĩ và giáo dân thành cơ sở cho bản sắc của họ. Cái gọi là “vấn đề phụ nữ” thực tế là sự phát huy toàn bộ nhận thức mà Giáo hội có về chính mình. Đặc biệt, vấn đề đặt ra ở gốc rễ, tòa nhà cấp bậc mà chức tư tế thừa tác là nền tảng. Theo nghĩa này, vấn đề mang tính cách quyết định trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa giáo quyền, những hậu quả bi thảm mà chúng ta đang trải qua ngày nay. Hay nói cách tích cực, nó tham gia vào việc thực hiện tất yếu tính hiệp hành, nơi mà mọi người được kêu gọi để thấy mình đảm trách một cách bình đẳng sứ mệnh của Giáo Hội.
Một cái gì đó ở đó đang chuyển động không thể cưỡng lại được, ngay cả khi những cơn gió ngược chiều có thể phản đối. Chúng ta hãy lặp lại điều này, không chỉ phụ nữ là một phần của sự tiến hóa chúng ta đang sống, mà thực sự là toàn bộ Giáo hội và tương lai của Giáo hội trong các xã hội đang chuyển hóa theo thay đổi của chúng ta.
Anne-Marie Pelletier, Giáo hội và phụ nữ – Ôn lại lịch sử để phục vụ Tin Mừng (L’Eglise et le féminin – Revisiter l’histoire pour servir l’Évangile, Nxb. Salvator, 2021)
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Anne-Marie Pelletier: “Chúng ta phải nhận thức đạo công giáo một cách khác”