Charles de Foucauld, hình ảnh quy chiếu của Đức Phanxicô
Đức Phanxicô trong thánh lễ phong thánh cho mười thánh mới ngày chúa nhật 15 tháng 5 ở Quảng trường Thánh Phêrô, Rôma. VINCENZO PINTO / AFP
fr.aleteia.org, Camille Dalmas, 2022-05-15
Kể từ đầu triều giáo hoàng của ngài, Đức Phanxicô đã liên tục nhắc đến chân phước Charles de Foucauld, người mà hôm nay 15 tháng 5 ngài phong thánh. Ngài đã trích dẫn trong hai thông điệp và ba tông huấn và ngài đã tặng cho giáo triều quyển tiểu sử chân phước, Charles de Foucauld là thánh ẩn tu Sahara, hình ảnh quy chiếu của Đức Phanxicô.
Lần trích dẫn đầu tiên là trong chuyến đi ngũ niên ad limina của các giám mục Bắc Phi năm 2015. Ngài nói đến tầm quan trọng của “hình ảnh thánh thiện” mà chân phước Charles de Foucauld, cùng với Thánh Cyprien và Thánh Augutinô đã mang lại “năng lực phúc âm” cho vùng của họ. Vài tháng sau, trong Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si về sinh thái, ngài nêu tấm gương “hiểu biết phong phú và lành mạnh về công việc” của chân phước.
Vào cuối năm 2014, ngài nhắc đến chân phước Charles de Foucauld trước các giám mục Ý trong lần nói về gia đình. Ngài giải thích chân phước đã nhận thức “như một số người khác (…) tầm mức linh đạo tỏa ra từ Nadarét”. Thành phố trong thời trẻ, Chúa Giêsu sống trong gia đình Thánh gia đã làm cho chân phước nhận ra “sự khô cằn trong khát khao giàu có và quyền lực”, và từ đó ngài hướng đến “con đường tông đồ tốt lành, gần gũi trong tình huynh đệ” với những người thấp bé nhất. Đức Phanxicô giải thích: “Chân phước hiểu cuối cùng thì chính người nghèo mới là người truyền giáo cho chúng ta, giúp chúng ta lớn lên trong tình nhân loại.” Ngài kết luận: “Một cuộc sống trong tình huynh đệ cũng là một cuộc sống khiêm nhường, tôn trọng và kiên nhẫn, đó là điều quan trọng chúng ta phải thấy trong gia đình ngày nay.”
Một suy tư được ghi lại trong Tông huấn Niềm vui của Tình yêu, Amoris Laetitia được công bố sau hai thượng hội đồng dài về gia đình. Ngài nhấn mạnh, chân phước Charles de Foucauld cũng như Thánh Phanxicô Assisi và Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu được “mầu nhiệm” của Thánh Gia cuốn hút, một mầu nhiệm giúp các gia đình giải tỏa cơn khát “tái tạo niềm hy vọng và niềm vui của họ”.
Ngày 1 tháng 12 năm 2016, kỷ niệm một trăm năm vụ ám sát chân phước Charles de Foucauld, Đức Phanxicô đã đề cập đến điều này trong bài suy niệm buổi sáng ở Nhà nguyện Thánh Marta. Theo ngài, chân phước Charles de Foucauld là “người đã vượt lên nhiều kháng cự và đã làm chứng cho điều tốt lành của Giáo hội”. Cầu xin chân phước ban phúc lành và giúp đỡ, Đức Phanxicô mời gọi chúng ta đi theo chân phước trên con đường khó nghèo, chiêm nghiệm và phục vụ người nghèo.
Các câu trích dẫn thường hay được lặp lại
Năm 2017, khi tiếp các Nữ tu Dòng Tiểu muội Chúa Giêsu trong buổi tổng công nghị, Đức Phanxicô nêu bật các Nữ tu đã hiểu và “noi theo” Charles de Foucauld đến mức nào, để nhận thấy Chúa đã “không ngại để mình hạ thành hài nhi trong vòng tay Mẹ Maria, để xuống thế yêu thương chúng ta đến cùng”. Ý tưởng phó thác hết cho Chúa là đặc điểm của người sĩ quan được tìm thấy trong Tông huấn Vui mừng và Hân hoan Gaudete et exsultate về sự thánh thiện. Ngài trực tiếp trích dẫn lời của Charles de Foucauld: “Ngay khi tôi tin rằng có Chúa, tôi hiểu rằng tôi không thể làm gì khác hơn là chỉ sống cho Chúa”.
Năm sau, trong Tông huấn Đức Kitô Sống công bố sau Thượng Hội đồng về người trẻ ngày 25 tháng 3 năm 2019, lần này ngài nêu tấm gương cho người trẻ về tầm quan trọng của việc làm đối với con người. Sau đó, trong một chuyến đi đến Naples, ngài nói đây là “chứng từ của việc hy sinh mạng sống của mình.”
Thông điệp Tất cả anh em Fratelli Tutti
Nhưng thông điệp cho thấy ảnh hưởng của chân phước Charles de Foucauld rõ nhất với Đức Phanxicô là Thông điệp Tất cả anh em Fratelli Tutti (2020), trong đó ngài kết luận những nhận xét của mình về vị ẩn tu. Sau khi so sánh chân phước với Martin Luther King, Desmond Tutu và Mahatma Gandhi, Đức Phanxicô mô tả chân phước là “người có đức tin sâu đậm, từ kinh nghiệm mãnh liệt của ngài với Chúa, ngài đã làm một hành trình trở lại cho đến khi ngài cảm nhận mình là người anh em của tất cả mọi người”.
Và từ đó ngài kết luận với những lời: “Ngài hướng lý tưởng tận tụy với Chúa đến sự đồng nhất với người thấp bé nhất, bị bỏ rơi nhất trong sâu thẳm sa mạc Châu Phi. Trong bối cảnh này, ngài bày tỏ khát khao được cảm nhận nơi mỗi người là người anh em của mình và xin được là bạn: ‘Xin anh chị em cầu nguyện để tôi thật sự là anh em của tất cả các linh hồn của đất nước này’. Cuối cùng, ngài muốn là ‘người anh em chung’, nhưng chỉ khi thấy mình nơi những người thấp bé nhất mà ngài mới có thể là người anh em với mọi người. Xin Chúa cảm hứng lý tưởng này nơi mỗi chúng ta.”
Vài tháng sau, trong một phát biểu đáng nhớ về cuộc khủng hoảng – đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng sức khỏe – Đức Phanxicô đã tặng quyển tiểu sử chân phước Charles de Foucauld của tác giả Pierre Sourrisseau cho các thành viên Giáo triều. Ngài khẳng định: “Charles de Foucauld là bậc thầy của cuộc khủng hoảng, ngài đã để lại cho chúng ta một di sản tuyệt đẹp.”
Lần cuối Đức Phanxicô trích dẫn chân phước Charles de Foucauld là tháng 5 năm 2021, trong thông điệp nhân Ngày Thế giới Người lớn tuổi: “Câu chuyện của chân phước cho thấy làm thế nào, dù trong cô độc của sa mạc của riêng mình, chúng ta có thể cầu bầu cho những người nghèo trên khắp thế giới và thực sự trở thành người anh chị em chung của mọi người.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Charles de Foucauld, “người của tình huynh đệ tận căn”
Hình ảnh lễ phong thánh tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày chúa nhật 15 tháng 5-2022