Lập trường rõ ràng của Đức Phanxicô về Ukraine
wherepeteris.com, Austen Ivereigh, 2022-05-11
Đức Phanxicô hôn lá cờ Ukraine tại buổi tiếp kiến chung ngày 6 tháng 4 năm 2022. Truyền thông Vatican.
Chiến tranh tạo nên những người bạn chung giường kỳ lạ, và thiệt hại đầu tiên của nó là sự thật. Chiến tranh luôn là giờ của bóng tối, khi rối loạn ngự trị, quyền lực sống sượng ấn định luật lệ, và những người vô tội bị chà đạp; khi ham muốn của con người – thèm khát, tham lam, giận dữ, báo thù – bung ra và được lên tiếng tự do.
Những gì chúng ta nghe thấy bây giờ ở Ukraine sẽ không là gì so với những gì sau này chúng ta sẽ biết, khi tác động đầy đủ cuộc xâm lược của Vladimir Putin được tiết lộ. Nếu cuộc chiến này giống như tất cả các cuộc chiến trước đây trong lịch sử nhân loại, thì nạn nhân không phải chỉ ở phía này, còn kể tấn công ở phía kia. Chúng ta hãy nghĩ đến hơn 15.000 bà mẹ ở Nga đã không thể làm tang lễ cho đứa con trai đã chết trận của mình – nhiều binh lính là thanh thiếu niên – Putin sẽ không cho phép đưa thi thể tử trận hồi hương vì sợ ảnh hưởng đến tinh thần người dân.
Cái giá của chiến tranh luôn do người nghèo trả, và lợi nhuận thì của người giàu buôn bán vũ khí thu được.
Tôi viết những đoạn mở đầu này để nói lên sự thật rằng, giữa những say sưa do chiến tranh khơi dậy, chúng ta thường đánh mất sự thật về cái ác của chiến tranh.
Bây giờ, hãy tưởng tượng bộ máy tuyên truyền của Putin có thể viết những đoạn như thế này nếu họ muốn: “Người viết tiểu sử giáo hoàng nói rằng ‘nạn nhân của cả hai bên’ ở Ukraine”, có thể. Hoặc: “Quý vị nhớ các bà mẹ Nga để tang, người viết tiểu sử giáo hoàng nói.” Hoặc quý vị sẽ nghĩ như thế nào về: “Trang web ủng hộ giáo hoàng ở Mỹ gọi Ukraine là ‘kẻ xâm lược’?”
Bây giờ đến vấn đề đạo đức: nếu bây giờ những tựa đề như vậy xuất hiện ở Nga, thì trang Thánh Phêrô ở đâu, Where Peter Is có nên ngừng đăng bài của tôi không? Tôi có nên chấp nhận “những lời nói bất cẩn phải trả giá bằng mạng sống” như áp phích cũ của Thế chiến thứ hai đã nói không? Có phải tốt hơn là nên bịt miệng sự thật hơn là phó mặc cho tay sai của Putin?
Trong khi quý vị cân nhắc vấn đề này, xin quý vị cho phép tôi điều chỉnh lại một chút.Điều gì sẽ xảy ra nếu những người tìm cách gọi tên những sự thật đó không phải là Austen Ivereigh và Thánh Phêrô ở đâu, tương đối chẳng ai biết và không quan trọng, nhưng thay vào đó là giáo hoàng Phanxicô thì sao?
Độc nhất trong số các nhà lãnh đạo các quốc gia hoặc tôn giáo trên thế giới, kể từ ngày 24 tháng 2, gần như mỗi ngày giáo hoàng Phanxicô nói về cuộc chiến khủng khiếp này. Ngài nói lên sự thật về cuộc chiến này và cầu xin cho nó chấm dứt; hàng ngày và theo những cách không thể luôn công khai, ngài đã hành động để cố gắng chấm dứt chiến tranh. Và vì những điều này, giờ đây ngài đã bị chỉ trích, theo một tiếng vang kỳ lạ của những lời phê bình theo chủ nghĩa bảo thủ-truyền thống đối với Đức Phanxicô, vì bốn học giả cho rằng lời nói và hành động của ngài đang gây hoang mang và ngài mở đường cho ông Putin thao túng.
Đây có lẽ là tình huống trớ trêu, trọng tâm của một bài nói về một quan điểm thiếu sáng suốt do bốn học giả ký và đăng trên trang National Catholic Reporter ở Mỹ và Il Regno ở Ý. Thomas Bremer, Regina Elsner, Massimo Faggioli và Kristina Stoeckl ca ngợi Đức Phanxicô đã làm gián đoạn nỗ lực của tòa thượng phụ Mátxcơva vào giữa những năm 2010 để tạo liên minh thánh với người bảo thủ công giáo và người theo chủ nghĩa truyền thống chống lại các giá trị tự do của phương Tây. Tuy nhiên, họ lập luận, bằng cách tiếp tục tìm cách để đối thoại với thượng phụ Kyrill và không thể “nói rõ quan điểm của Giáo hội công giáo đứng ở đâu về Ukraine,” Đức Phanxicô “có nguy cơ để lọt cửa những lực phản ứng mà ngài đã cố gắng chống đỡ trong nội bộ giáo hội của ngài từ năm 2013.”
Mỉa mai thay, vì chiến lược của những nhà phê bình theo chủ nghĩa truyền thống với Đức Phanxicô chính xác cho rằng ngài đã thất bại trong việc “xóa tan hoang mang” về ly dị, hôn nhân đồng tính hoặc phá thai, và điều này đã không “làm rõ” lập trường của Giáo hội mà ngài đã cứu (hoặc bị thao túng bởi) “kẻ thù”. Các tác giả của trang web này và những người kỳ cựu khác của các cuộc luận chiến biết quan điểm của Đức Phanxicô chính xác là quan điểm của Giáo hội và truyền thống sống động của đức tin công giáo. Chúng ta cũng biết, không phải là không rõ ràng, thông điệp của Đức Phanxicô có một sự rõ ràng làm gây tai tiếng vì nó cho thấy tư tưởng của những người chỉ trích khác xa với Phúc âm và truyền thống công giáo đích thực đến mức như thế nào. Để thấy cùng một chiến thuật được bốn học giả này triển khai thì thật nản. Chúng ta hãy hy vọng họ không bị tai tiếng vì lý do tương tự.
Điều trớ trêu khác của phần này là, trong khi nêu bật sự xuyên tạc của Putin với các tuyên bố của Đức Phanxicô, họ lại bóp méo hoàn toàn những tuyên bố đó. Ví dụ, họ nói, trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Corriere della Sera ngày 3 tháng 5, giáo hoàng tuyên bố, sự bành trướng của NATO “buộc Putin phải mở cuộc xâm lược Ukraine”. Tất nhiên Đức Phanxicô không nói điều này. Ngài nói sự bành trướng của NATO đã kích động (chữ thực tế ngài dùng là “dễ dàng”) làm Putin giận, một tuyên bố thực tế sẽ có trong mọi tài liệu lịch sử về cuộc chiến này. Kẻ xúi giục chiến tranh cần lời biện minh về mặt đạo đức và sẽ bám vào một lời kêu ca để tìm ra nó. Sự mở rộng của NATO – mà những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Nga xem là mối đe dọa hiện hữu và là kết quả của những lời hứa bị phá vỡ của phương Tây – đã cung cấp cho Putin. Đức Phanxicô chỉ đơn giản nói như vậy.
Kỳ lạ hơn, bốn viện sĩ cho rằng Vatican có chính sách “cân bằng”, và coi cuộc xâm lược là “xung đột địa chính trị về lợi ích giữa Nga và Mỹ”, xem Nga là “bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia hợp pháp”. Đó là những lời nói xấu mà họ không cung cấp bằng chứng nào ngoài một nghiên cứu của một cơ quan có tên là Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng lập trường của Vatican là “mềm” khi so sánh với các bài phát biểu của các chính trị gia châu Âu. Các học giả trích dẫn tuyên bố của nghiên cứu cho rằng “vai trò của Giáo hội công giáo chủ yếu nên được hiểu như một hiểu biết về phía Nga”. Thông dịch bởi ai, họ không nói. Nếu họ đang đề cập đến Nga, thì đây là một lập luận rất vòng vo.
Và “mềm” có nghĩa là gì? Đúng là trong những tuần đầu của cuộc chiến, Đức Phanxicô đã cẩn thận để không dự vào những lời lên án ngày càng gay gắt của phương Tây về cuộc xâm lược của Putin. Những tuyên bố của ngài đã được đo lường nhưng chính xác đến kinh khủng. Để phù hợp với truyền thống ngoại giao Vatican, ngài tránh nói đích danh Putin hoặc Nga, để có cơ hội – dù mong manh – đối thoại. Nhưng điều này không có nghĩa là Đức Phanxicô đã tránh đặt tên cho sự thật của những gì đang xảy ra, một cách nhất quán và lặp đi lặp lại. Ví dụ, ngài mô tả cuộc xâm lược là “sự lạm dụng quyền lực và lợi ích đảng phái một cách đồi bại, buộc những người không có khả năng tự vệ phải chịu mọi hình thức bạo lực tàn bạo.”
Sẽ vô ích để liệt kê tất cả những cách mà ngài lên án sự tàn bạo, “sự tàn ác vô nhân đạo và phạm thánh” của cuộc xâm lược, “cuộc chiến tàn khốc và vô nghĩa” và rất nhiều lời cầu nguyện xin chiến tranh kết thúc. “Mềm” không phải là tính từ xuất hiện trong tâm trí. Với những ai quan tâm, nhà báo Filipe d’Avillez đã thu thập một cách hữu ích các tuyên bố công khai của giáo hoàng về cuộc chiến trên blog của ông.
Từ trang nhất của báo L’Osservatore Romano ngày 3 tháng 4 có tiêu đề, Tinh thần Ca-in (“Lo spirito di Caino”).
Nếu các học giả cho rằng Đức Phanxicô không đặt trách nhiệm rõ ràng về nỗi kinh hoàng này trước mặt Putin thì họ nên đọc bài diễn văn của ngài cho các chính trị gia và nhà ngoại giao ở Malta. Trong đó, ngài tố cáo “một số người có tiềm lực, đáng buồn đã bị cuốn vào những tuyên bố lạc hậu về lợi ích dân tộc chủ nghĩa, đang kích động và thúc đẩy xung đột”. Có ai nghĩ ngài không đề cập đến Nga không? Khi trang nhất của báo L’Osservatore Romano đăng bức ảnh chụp một xác chết ở Bucha bên dưới tựa đề lời của Đức Phanxicô “tinh thần Ca-in”, có ai khẳng định mình không biết người mà ngài nghĩ rằng họ đã bị não trạng đó ám?
Không có gì phải nghi ngờ khi các tuyên bố này bị bộ máy tuyên truyền nhà nước Nga phớt lờ hoặc xuyên tạc, nhưng giáo hoàng phải làm gì với điều này? Sự thao túng hậu-sự thật vì lợi ích ý thức hệ hầu như không chỉ giới hạn ở Nga; chỉ cần nghĩ về những gì mà một số phương tiện truyền thông được gọi là “công giáo” ở Mỹ đã làm để lọc ra và bóp méo huấn dạy của Đức Phanxicô là thấy rõ. Tuy nhiên, điều này chưa bao giờ cản bước chân ngài để ngài không công bố sự thật mà ngài thấy và huấn dạy.
Tôi nghĩ điều thực sự thúc đẩy bốn học giả chỉ được tiết lộ ở phần cuối bài báo, khi họ đề cập đến chủ nghĩa đại kết mà họ nghĩ Đức Phanxicô nên thực hiện. Phiên bản ngắn gọn là thế này: họ muốn ngài cắt đứt quan hệ với Kyrill và ngài cũng làm như vậy với những người chính thống giáo, họ lo sợ ngài không làm như vậy trong một chiến thuật ưu tiên cho đại kết. Họ dùng rất nhiều từ để nói về điều này: “Một Vatican tiếp tục đối thoại với hệ thống phân cấp (Mátxcơva) bỏ qua tất cả các lập luận khác của Giáo hội chính thống Nga ở bên trong cũng như ở bên ngoài biên giới Liên bang Nga và phớt lờ Giáo hội chính thống tự lập ở Ukraine, có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho dự án đại kết”. Sau đó họ nói nếu giáo hoàng “đặt hy vọng vào cuộc đối thoại đại kết với giới lãnh đạo hiện tại của Giáo hội chính thống Nga,” họ nghi rằng ngài đã sai, vì “các điều kiện tiên quyết cho cuộc đối thoại này còn thiếu: một cam kết cho hòa bình, cho giá trị của đời sống con người và sự trung thực.”
Sau trích dẫn đầu tiên ở trên, người ta nghĩ rằng giáo hoàng chỉ nói chuyện với Kyrill và phớt lờ các nhà lãnh đạo chính thống giáo của Ukraine. Điều này chắc chắn không đúng; nhưng nếu đúng, thì đó là nhờ thượng phụ, chứ không phải họ, vì ông có một số quyền lực làm cho cuộc chiến này kết thúc. Từ câu trích dẫn thứ hai, họ nghĩ Đức Phanxicô sẽ dự vào các thảo luận học thuật bất tận với Kyrill – có lẽ về tầm nhìn thực nghiệm về Chúa có được trong lý thuyết và học thuyết, hoặc có thể là mệnh đề Filoque – khi bom đạn pháo kích nã vào Mariupol. Nhưng cuộc họp Zoom kéo dài 40 phút của Đức Phanxicô và thượng phụ Kyrill là nói về cuộc xâm lược. Khi thượng phụ cố gắng biện minh đây là cuộc chiến chính nghĩa, thì Đức Phanxicô hoàn toàn bác bỏ bất cứ một quan điểm nào như vậy. Thêm nữa, ngài cảnh báo thượng phụ Kyrill đừng là người giúp lễ của Putin, một giáo sĩ nhà nước đổi Phúc âm để lấy lợi ích thế gian.
Đức Phanxicô có cần có “cuộc đối thoại” này không? Bốn học giả cho rằng không. Họ nghĩ rằng ngài nên cắt đứt mọi quan hệ với Kyrill và Nga, đó là điều mà một số người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine – và nhiều người trong Giáo hội chính thống giáo Ukraine – muốn ngài làm. Đây cũng là quan điểm cho rằng các nhà xã hội học, nhà thần học và nhà đại kết đằng sau bài báo này là những người nêu rõ lập luận nếu ngài không làm. Họ hiểu sai về vai trò xây dựng hòa bình của Giáo hoàng. Như nhà báo Fabrizio Mastrofini đưa ra trong một đoạn gần đây trên tờ Il Riformista, giáo hoàng không thúc đẩy chủ nghĩa hòa bình theo nghĩa chính trị của từ này – từ bỏ việc dùng đến vũ lực. Thông điệp của ngài là xây dựng hòa bình theo nghĩa Phúc âm: tìm kiếm một lô-gích khác để giải quyết xung đột, một lô-gích bắt đầu từ sự công nhận lẫn nhau. Theo ngài, cắt đứt Kyrill và Putin trong một loạt các lời lên án theo tu từ học là lô-gích chiến tranh, và sẽ chỉ làm cứng ngắt lô-gích này. Dù nó không được một số người ở phương Tây dùng để đòi hỏi một nhiệm vụ tinh thần cho viêc leo thang, điều này sẽ xác nhận tuyệt đối tuyên bố dân tộc chủ nghĩa của Nga rằng Đức Phanxicô là “tuyên úy của NATO” và rằng nước Nga kitô giáo đơn độc, bị kẻ thù bao vây.
Quan trọng hơn, nếu Đức Phanxicô đi theo đường lối đó, thì như thế từ bỏ vai trò Tin Mừng của Đức Phanxicô trong cuộc xung đột này: nêu ra sự thật của những gì đang xảy ra và lập trường rõ ràng chống lại lô-gích chiến tranh như bất cứ loại giải pháp nào. Quyền tự vệ của Ukraine có thể rõ ràng, nhưng vòng xoáy leo thang tàn khốc cũng như vậy.
Vì sự thật tàn khốc là chiến tranh càng kéo dài, càng có nhiều vũ khí tràn vào, sự phẫn nộ sẽ tiếp tục chồng chất lên những cơn giận dữ. Và càng khó để thoát ra cái mà Đức Phanxicô gọi là “lô-gích ma quỷ và đồi trụy của vũ khí”. Thánh Gioan Phaolô II nổi tiếng đã mô tả chiến tranh như một cuộc phiêu lưu không có hồi kết, một vòng xoáy bạo lực đi xuống. Đó là lý do vì sao, ngay cả khi Ukraine được chứng minh về mặt đạo đức trong việc chiến đấu để bảo vệ quê hương, thì điều này không thể, ngay cả đối với Ukraine, là cuộc chiến chính nghĩa. Chiến tranh như một phương tiện không bao giờ có thể là chính nghĩa, vì nó làm cho người nghèo và người vô tội hy sinh, vì thế chiến tranh luôn là một bất công.
Đức Phanxicô nêu lên sự thật này và bảo vệ lô-gích khác – lô-gích của Chúa, con đường của lòng thương xót – ngay cả sau khi hầu hết chúng ta đã từ bỏ nó. Lô-gích của Chúa công nhận chiều sâu của mối quan hệ giữa con người với nhau. Lô-gích này yêu cầu chúng ta công nhận nhau như người đồng loại. Lô-gích của Chúa là tất cả chúng ta đoàn kết với nhau trong phẩm giá chung dù cho những điều khủng khiếp chúng ta đã gây ra cho nhau. Nếu Chúa muốn, khi tiếng súng im bặt, sẽ luôn có người nào đó với tư cách đạo đức bao la có thể bước vào và nhắc nhở mọi người về sự thật mà chiến tranh đã làm chúng ta mù quáng. Trong lúc chờ đợi, điều này có nghĩa là hãy cởi mở với Kyrill, dù cho ông có thể kinh khủng và hư hỏng đến đâu, vì chính Kyrill mới là người có thể có cơ hội ngăn chặn cuộc chiến này. Giáo hoàng biết và đã nói điều này là cực kỳ khó xảy ra ở thời điểm này. Nhưng Tin Mừng đòi hỏi ngài tiếp tục cố gắng, không phải vì lợi ích đại kết xa vời nào đó, mà để những phụ nữ bị hãm hiếp và những em bé chạy trốn bom không còn phải kêu khóc nữa.
Lập trường của giáo hoàng không cần làm rõ. Nó không thể rõ ràng hơn. Giữa tiếng gầm rú của vũ khí và tiếng kêu la thảm thiết của nạn nhân, ngài ở giữa các nạn nhân, máu của họ trên chiếc áo chùng của ngài, ngài cầu xin hòa bình, sẵn sàng nói chuyện với bất cứ ai và làm bất cứ điều gì để có được hòa bình.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Ukraine, Vatican và Công đồng Vatican II