Linh mục Rudzinski bị đâm ở Nice: “Bây giờ cuộc sống mới của tôi bắt đầu!”
Ở Nice, dù có gì đi nữa, các nhà thờ vẫn được mở cửa
Ngày chúa nhật 24 tháng 4, linh mục Christophe Rudzinski bị một người mất thăng bằng tâm lý đâm nhiều nhát ở nhà thờ Saint-Pierre d’Arène, thành phố Nice, nước Pháp. Cuộc tấn công mới này xảy ra 18 tháng sau cuộc tấn công vào vương cung thánh đường Nice tạo ấn tượng các nhà thờ ở đây gặp nhiều bạo lực.
lavie.fr, Youna Rivallain, 2022-05-05
06Linh mục Christophe Rudzinski ở bệnh viện Pasteur, Nice ngày 30 tháng 4 năm 2022. FREDERIC PASQUINI – La Vie
Bị đâm từ 20 đến 30 vết đâm. Bây giờ chính linh mục Krzysztof Rudzinski cũng không biết thực sự mình bị đâm bao nhiêu nhát. Điều chắc chắn cha biết đó là cha còn sống. “Đó là điều cốt yếu!”
Ngày 24 tháng 4 – 2022, khoảng 9:45 sáng, chúa nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh và cũng là chúa nhật lễ lòng thương xót Chúa, linh mục Rudzinski người Ba Lan đang ở nhà thờ Saint-Pierre-d’Arène, gần Promenade des Anglais ở Nice, nơi cha làm cha đại diện từ 14 năm nay. Thánh lễ bắt đầu lúc 10g30. Như thường lệ, cùng với nữ tu thánh hiến Marie-Claude Marty cha đến sớm để chuẩn bị thánh lễ: micro, sách lễ, đồ dùng phụng vụ…
Khi rời phòng thánh với các ghi chú bài giảng, cha Krzysztof cảm thấy có gì châm chích sau lưng. Quay lại, cha thấy Kevin, một thanh niên thường xuyên gặp ở giáo xứ vài năm nay, ông có tâm lý không ổn định. Ông dùng lưỡi dao dài 8 xăng-ti-mét đâm vào chân, tay và ngực cha. Cha gục ngã ở cửa thông gió giữa phòng thánh và nhà thờ. Cha không bất tỉnh và thấy sơ Marie-Claude Marty đang tiến về phía kẻ tấn công. Ông Kevin nói với nữ tu: “Nếu bà động đậy, tôi sẽ giết bà!”, sơ cố gắng tước vũ khí khỏi tay. Sơ bị thương ở tay, linh mục chạy thoát được làm cho ông Kevin bàng hoàng.
“Tôi là người được phép lạ”
Cha Krzysztof kể câu chuyện này trong phòng bệnh của cha, cha nhập viện và được chăm sóc kể từ khi bị tấn công sáu ngày trước. Trên tường là các tranh vẽ của các em học giáo lý trong giáo xứ. Chân của linh mục quấn đầy băng, tay trái bị băng bột. Trên chiếc ghế bành đặt gần cửa sổ nhìn ra núi Boron, cha dùng ngón cái và ngón trỏ tay phải để lật các trang báo địa phương. Nụ cười của cha vẫn còn nguyên.
Ở khoa phẫu thuật tạo mình, mọi người đặt cho cha biệt danh “người luôn cười đủ chuyện”, thật đáng ngạc nhiên. Cha nói: “Tại sao tôi phải khóc? Lòng tôi không hận thù!” Vì cha Krzysztof tin chắc điều này: cha là người được phép lạ. Cha nói: “Các bác sĩ đến khám cho tôi rất ngạc nhiên, họ chưa thấy ai có nhiều vết thương như vậy.” Nhưng trên hết là cha phục hồi rất nhanh làm các chuyên gia phải kinh ngạc. “Bác sĩ nói tôi được chữa lành nhanh hơn cả một em bé!”
Bị tấn công vào ngày chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót, linh mục nghĩ mình sống sót là nhờ chân phước Michael Sopocko, cha giải tội của Thánh Faustina và là người cùng gốc giáo xứ với cha ở giáo phận Bialystok, Ba Lan. Linh mục lặp lại: “Tôi đã có được cơ hội sống thứ nhì, một phiêu lưu tuyệt vời. Bây giờ cuộc sống mới của tôi bắt đầu!”
Một giáo xứ đang trên đường ra đi
Ở cách nhà thờ Saint-Pierre-d’Arène năm cây số, cha tổng đại diện giáo phận Cyril Geley đến cử hành thánh lễ trợ lực cho giáo xứ. Trong thánh lễ, cha ca ngợi sơ Marie-Claude Marty có mặt trong thánh lễ. Khi thánh lễ kết thúc, giáo dân tụ chung quanh người nữ tu nhỏ bé với nụ cười dịu dàng và bàn tay còn băng bó. Nếu không có sơ, cha Rudzinski sẽ có thể chết. Sơ kể: “Khi ông Kevin nói ‘nếu bà động đậy, tôi sẽ giết bà!’ thì con dao trượt vào tay tôi. Tôi không suy nghĩ gì. Phản xạ này như đã được chuẩn bị từ trước.” Như thử suốt cuộc đời, sơ Marie-Claude đã chuẩn bị để dâng hiến cuộc sống của mình, không nghĩ đến bản năng sinh tồn của mình.
Nữ tu Marie-Claude thực sự đã cứu sống linh mục bị đâm ở Nice, nước Pháp
Cuối thánh lễ, cha xứ Gil Florini của nhà thờ Saint-Pierre-d’Arène mời mọi người ly rượu nhỏ ở cuối nhà thờ. “Chúng ta uống để mừng sức khỏe cha Krzysztof!” Ở đây, thời gian cùng gặp nhau như thế này là một thói quen. Tại đây, chúng tôi đối diện với khó khăn hàng ngày bằng tình đoàn kết. Chính tại đây, trong vụ tấn công ngày 14 tháng 7 năm 2016, các nạn nhân đã đến trú ẩn sau khi bị chiếc xe tải giết người cán. Cũng chính ở nhà thờ này, nơi được trang trí bằng cây thánh giá màu xanh, là nơi hàng năm có thánh lễ cho các nghệ sĩ vào ngày Thứ Tư Lễ Tro. Cũng tại khuôn viên nhà thờ, một số người lang thang thường đến để ẩn náu, để ngủ và ngay cả uống ly rượu với linh mục đêm giao thừa. Mọi người đều được chào đón tại đây. Cha Florini nhớ lại: “Ở nhà thờ này có người đến ngủ, có người đến nhảy, có người đến hát… Lần này có kẻ bạo lực.”
Nhà thờ, nơi ẩn náu
Không bao giờ, kể cả sau vụ tấn công đồng hữu của mình, linh mục Florini có ý định đóng cửa nhà thờ hoặc nhờ cảnh sát canh gác thường xuyên. Cha nói: “Nhà thờ là nơi nương tựa. Đóng cửa là vô lý theo nghĩa thần học, và nó ngăn cản việc phản ứng với điều bất ngờ. Sợ hãi phát sinh sợ hãi.” Và dù cho nếu giáo xứ của cha đôi khi giống như nơi của các phép lạ; đó là mục đích. Cha tin chắc về điều đó: trong nhà thờ của cha, bạo lực không phải là những hành động bài-kitô giáo nhưng là những hành động khiếm nhã ở những nơi mở cửa này. Tất cả nằm trong vùng xuyên biên giới, nơi những người lang thang đến vì khí hậu ôn hòa.
Tuy nhiên cha tổng đại diện Cyril Geley cũng cảm thấy mệt mỏi. Chỉ 18 tháng sau cuộc tấn công vào vương cung thánh đường ngày 29 tháng 10 năm 2020, một nhân viên phòng thánh và hai nữ giáo dân đã chết, và khi giáo phận đang chuyển tiếp từ giám mục André Marceau qua giám mục Jean-Philippe Nault – ngài sẽ nhận nhiệm sở ngày 8 tháng 5 -, thì tin vụ tấn công mới này cho cảm tượng như nơi đây dồn dập có các vụ không may. Cha kể những chuyện không tốt đến với giáo phận trong những năm gần đây: cuộc tấn công vào vương cung thánh đường ngày 14 tháng 7 năm 2016, tai ương của cơn bão Alex vào năm 2020, trận lụt chết người ở Mandelieu-la-Napoule năm 2015…
Mỗi sự kiện đều có đau khổ, có an ủi và phải quản lý các cơn khủng hoảng. Linh mục nói: “Và đến lúc chúng ta không loan báo Chúa Kitô. Nhưng thực tế, có lẽ Chúa cho phép tất cả những điều này, chính xác là để làm chứng cho niềm hy vọng có vẻ phi lý, điên rồ ở giữa tất cả những đau khổ này. Nhưng chúng ta có một Thiên Chúa để mình bị giết như một con chiên”, cha trích lời tiên tri Isaia. Điều quan tâm của linh mục là tiếp tục đồng hành với những người mong manh về tâm lý, đồng thời tiếp tục trấn an giáo dân, tránh thu mình lại. “Nhà thờ không bao giờ được trở thành boongke.”
Ở vương cung thánh đường Đức Mẹ Lên Trời có rất nhiều vụ khiếm nhã
Cha xứ Franklin Parmentier ở vương cung thánh đường Đức Mẹ Lên Trời cho biết có nhiều người có tâm lý mong manh ở đây. Giáo xứ nằm trên huyết mạch thương mại và du lịch của Đại lộ Jean-Médecin, giữa nhà ga và Old Nice, các nhân viên và tình nguyện viên thường thấy các vụ khiếm nhã. Tòa giải tội đôi khi bị dùng như nơi đi tiểu công cộng, nhân viên phòng thánh bị đe dọa… Thứ năm tuần trước, trước khi cha Rudzinski bị đâm, một tình nguyện viên tại vương cung thánh đường đã bị một kẻ lang thang say xỉn đánh.
Trong cộng đồng đang được tái thiết kể từ cuộc tấn công tháng 10 năm 2020, linh mục quản xứ đã quyết định đóng cửa nhà thờ từ giữa trưa đến 3 giờ chiều, và không để nhà thờ mở cửa mà không có người trông coi. Một quyết định mà không phải ai trong giáo phận cũng hiểu. “Chúng tôi muốn vương cung thánh đường là nơi cầu nguyện và hòa bình, và trên hết là nơi an ninh cho chúng tôi. Có lẽ tôi sai. Nhưng chúng tôi không thể tiếp tục bị phá như trước, chúng tôi phải có khả năng phục hồi.” Vì thế, thỉnh thoảng khi nhà thờ đóng cửa, các tình nguyện viên và linh mục dành thì giờ để ăn chung với nhau. Để chữa lành vết thương, để chăm sóc nhau, cùng nhau tiến về phía trước. Đơn giản là để yêu thương nhau. Chung quanh bàn ăn luôn rộn rã tiếng cười.
Một giáo xứ gần như bình thường
Linh mục mỉm cười nói sau cặp kính cận: “Cuối cùng chúng tôi cũng trở về lại với những vấn đề của một giáo xứ bình thường, chẳng hạn bàn tán nên sắp xếp hoa như thế nào trong nhà thờ.” Bên cạnh cha là các bức ảnh của Vincent, Nadine và Simone, ba nạn nhân của ngày 29 tháng 10 năm 2020, những bức chân dung của họ cho đến nay được chưng ở nhà nguyện bên cạnh vương cung thánh đường, bây giờ được thay thế bằng tấm bảng kỷ niệm, một năm sau vụ tấn công. Cuối cùng, để có thể nghĩ về tương lai.
Còn về phần cha Krzysztof Rudzinski, cha chuẩn bị cho ngày rước lễ lần đầu của các em trong giáo xư ngày 5 tháng 6 sắp tới. Hôm đó, cha hy vọng sẽ về nhà thờ nơi cha bị tấn công, ngồi trên chiếc ghế cha đã bị mất máu rất nhiều. Cha nói: “Vào cuối thánh lễ, tôi sẽ đứng dậy khỏi chiếc ghế này. Lần này, tôi sẽ không nằm trên cáng nhưng trên đôi chân của tôi. Sẵn sàng để lên đường với cuộc sống mới.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch