Miho Matsunuma: “Tôi tin vào các giá trị của phương Tây để cải thiện thế giới”

72

Miho Matsunuma: “Tôi tin vào các giá trị của phương Tây để cải thiện thế giới”

Cuộc phỏng vấn lớn trong Lịch sử phương Tây. Thích tranh luận, tự do ngôn luận, chủ nghĩa phổ quát… Theo nhà sử học Nhật Bản Miho Matsunuma, những giá trị này khẳng định phương Tây và giải thích vì sao mô hình xã hội phương Tây vẫn hấp dẫn dù cũng có những khiếm khuyết.

lavie.fr, Chantal Cabé, 2021-04-20

Miho Matsunuma , RODOLHE BEAULIEU / REA FOR LIFE

Sở thích văn hóa, kiến thức, nghệ thuật sống, nói rộng hơn là vô số chuyện, đó là những đặc thù của phương Tây. Một số giá trị chẳng hạn quyền tự do ngôn luận đều được tất cả mọi người công nhận và tiếp tục truyền cảm hứng cho thế giới, với cả người Nhật, dù họ chìm trong chủ nghĩa phong tục tập quán và không tin vào chủ nghĩa phổ quát.

Là phụ nữ Nhật lớn lên ở Tokyo, học ở Pháp và hiện đang sống ở Canada, bà định nghĩa phương Tây như thế nào?

Bà Miho Matsunuma: Trước hết là qua truyền thống triết lý, với những thảo luận xung quanh các vấn đề cơ bản và thời sự như dân chủ, tự do hay nhân quyền. Các triết gia chuyên nghành được đào tạo ở đó,  kiến thức của họ phổ biến cho toàn dân qua giáo dục. Các chính trị gia, nhà hoạt động hoặc bất kỳ ai quan tâm đến những vấn đề như vậy đều quy chiếu về các triết gia từ Hy Lạp cổ đại, thời kỳ Khai sáng hoặc các thời đại gần đây hơn để nuôi dưỡng cuộc tranh luận công khai.

Ngay cả khi bàn đến các vấn đề thời sự, bạn cũng có thể quay trở lại với các triết gia Plato hoặc Aristotle! Điều này rất khác với Nhật Bản, nơi chúng tôi ít tranh luận hơn (chúng tôi không thích xung đột), và khi  trao đổi, chúng tôi không đề cập đến các tác phẩm kinh điển, đến Khổng tử hay một số trường phái tư tưởng khác, cũng không nhắc đến các tác giả hiện đại.

Thứ hai, theo quan điểm của tôi, phương Tây đặc trưng là do họ tìm kiếm một chân lý hoặc một lý tưởng vượt thời gian, những đặc thù và áp dụng cho toàn nhân loại. Tuyên ngôn Nhân quyền là biểu tượng cho điều này, cũng như cuộc tranh luận về chủ nghĩa thế tục ở Pháp.

Nước Nhật được công nhận là cường quốc quốc tế từ những năm 1920, khi đó nước Nhật  là một phần của “phe phương Tây”, và ngày nay nước Nhật là quốc gia hiện đại và độc lập. Nước Nhật có thực sự là một phần của phương Tây nữa không?

Trong tiếng Nhật, khái niệm phương Tây được dịch bằng thành ngữ “lĩnh vực văn hóa có nguồn gốc châu Âu”. Ý nghĩa này thường tương đương với Châu Âu và Hoa Kỳ, mặc dù cách viết không giống nhau. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, sự phân chia địa chính trị cho rằng nước Nhật ở khu vực phương Tây đã không còn phù hợp nữa. Nhưng để trả lời câu hỏi này theo cách khác, tôi sẽ lấy ví dụ về việc giảng dạy lịch sử ở trường đại học Nhật Bản.

Để nhanh chóng xây dựng một nhà nước giàu mạnh trong thời Minh Trị (1868-1912), nước Nhật mô phỏng theo thể chế hiện đại của các nước phương Tây. Khoa lịch sử đầu tiên của chúng tôi, được thành lập vào những năm 1880 – dưới sự chỉ đạo của nhà sử học Đức Ludwig Riess – được chia thành ba phần: lịch sử quốc gia (Nhật), lịch sử các nước phương Tây (với Đức là ví dụ, Anh và Pháp là chủ yếu) và lịch sử của các nước phương đông (chủ yếu là Trung Quốc).

Sự phân chia địa lý này vẫn còn hiệu lực trong các trường đại học Nhật, trái ngược với phương pháp ghi niên đại của Pháp, nơi có thể nghiên cứu lịch sử của các nước châu Âu hoặc phương Tây dưới nhãn hiệu “khoa lịch sử”. Ở Pháp, nếu sinh viên quan tâm đến lịch sử của Nhật Bản, Trung Quốc hoặc các nơi khác, họ thường đến các cơ sở khác. Những nhận thức về thế giới này do đó rất khác nhau.

Sự trỗi dậy hùng cường của Trung Quốc như chúng ta đã chứng kiến từ vài chục năm nay chẳng có tác dụng đưa Nhật Bản trở lại bản sắc châu Á của mình sao?

Kể từ thời Minh Trị, rồi từ khi nước Nhật mở cửa ra với bên ngoài… và do đó, đối với phương Tây, bản sắc châu Á là vấn đề trọng tâm của đất nước. Tất nhiên, về mặt địa lý, đây là một phần của Châu Á.

Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo chính trị và văn hóa Nhật đã đặt câu hỏi về vấn đề thuộc về này, một lý do đơn giản: vào thời điểm đó, Nhật Bản là quốc gia duy nhất ở châu Á thoát khỏi tình trạng mất chủ quyền toàn bộ hoặc một phần, điều này đặc biệt xảy ra với các đế quốc lớn như Ấn Độ và Trung Quốc.

Trong bối cảnh này, hai lập trường được đưa ra tranh luận: hoặc Châu Á là phản-đại diện để tránh với người Châu Á lạc hậu, nghèo nàn và kém cỏi; hoặc ngược lại, Nhật Bản nên bám rễ ở châu Á để hướng dẫn các dân tộc lạc hậu này.

Nhật Bản đã đi từ mặc cảm tự ti sang mặc cảm tự tôn chưa?

Các mối quan hệ quốc tế vào thời điểm đó vừa biện minh cho quá trình thực dân hóa theo các Quốc gia cao và thấp. Người Nhật đã bị phân chia giữa hai lựa chọn: rời khỏi châu Á và thỏa thuận với phương Tây để tiếp tục con đường tiến bộ hoặc định cư ở một châu Á để thống trị.

Bằng cách phát động cuộc chiến chống Trung Quốc từ năm 1937, sau đó, từ năm 1941, chống lại Hoa Kỳ, những quốc gia phản đối cuộc phiêu lưu trên lục địa này, Nhật Bản đã chọn phương án châu Á.

Sau Thế Chiến Thứ Hai, khi nước Nhật trở thành quốc gia duy nhất châu Á nằm trong nhóm các nước được gọi là “phát triển”,  câu hỏi về bản sắc châu Á vẫn chưa được giải đáp. Cuối cùng, từ những năm 1990, châu Á đã phát triển tốt đẹp: không còn nghèo, không còn thua kém, thậm chí còn đại diện cho tương lai. Do đó, Nhật Bản không gặp vấn đề gì khi khẳng định mình.

Nếu châu Âu dường như đang đóng cửa với vấn đề di cư, thì điều này không là gì so với Nhật, quốc gia tuân theo nguyên tắc không hoặc gần như không nhập cư. Vì sao lại đóng cửa với “người khác”?

Trước hết, có một bối cảnh địa lý cụ thể. Nước Nhật không có Syria ngay trước cửa nhà. Thêm nữa, trong một thời gian lịch sử rất dài, nước Nhật không cần lao động nước ngoài. Vấn đề là dân số của họ quá đông. Nhưng ngày nay, nước Nhật già già đi: họ không còn đủ thanh niên, và chúng tôi sẽ nhanh chóng cạn kiệt sinh lực.

Tuy nhiên, thay vì đưa ra một chính sách di cư nghiêm túc, chính phủ Nhật chọn cách phát minh ra người máy! Thêm nữa chắc chắn người di cư sẽ không có tương lai rõ rệt ở Nhật (do hàng rào ngôn ngữ, văn hóa, v.v.) như ở Hoa Kỳ, Châu Âu hoặc các nước nói tiếng Anh. Sự thiếu mở ra này chắc chắn sẽ hạn chế đơn xin nhập cư.

Nhưng trên tất cả – và đây là trọng tâm của câu hỏi của bà – việc cự lại với vấn đề di dân bắt nguồn từ tính cách của người Nhật, họ tự xem mình là độc nhất vô nhị. Mặc dù họ tốt bụng và lịch sự, nhưng trong sâu thẳm họ nghĩ người nước ngoài sẽ không bao giờ hiểu họ. Họ cảm thấy khó khăn khi xem những người này là công dân chính thức để cùng xây dựng một xã hội chung.

Về khía cạnh này, nước Nhật ngược với Canada, đất nước nhập cư nơi tôi đã sống hai năm rưỡi, bạn bè và láng giềng đã xem tôi là công dân tương lai, sẵn sàng cùng họ xây dựng xã hội ngày mai.

Chủ nghĩa phổ quát do đó sẽ là một khái niệm khó hiểu đối với người Nhật…

Như tôi đã nói, người Nhật về cơ bản tin rằng họ là một dân tộc độc đáo và khác biệt, ngôn ngữ và văn hóa của họ người nước ngoài sẽ không thể hiểu được. Và ngay cả khi một người không phải là người Nhật có thể thông thạo ngôn ngữ, họ sẽ không bao giờ là người Nhật. Vì thế không có tìm kiếm nào về tính phổ quát vượt qua văn hóa Nhật Bản.

Hơn nữa, nước Nhật không tin vào cái phổ quát: họ cảnh giác với mọi thứ tuyệt đối và áp dụng cho tất cả mọi người, vì trong văn hóa Nhật mọi thứ đều là tương đối và phù du.

Nhật Bản chính thức theo Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền của Liên hợp quốc và các hiệp ước liên quan, nhưng tôi không chắc người Nhật có thực sự bị thuyết phục về giá trị phổ quát của nó hay không.

Nếu có người đòi điều tuyệt đối ở Nhật, họ bị xem là thiếu linh hoạt và không thể thích nghi. Hơn nữa, tôi nghĩ chính phủ Bảo thủ hiện tại dự định sửa đổi Hiến pháp năm 1947, đặc biệt để đặt vấn đề về các quyền cơ bản của con người. Các quyền này, đã được đăng ký và công nhận, liên quan đến các khía cạnh khác nhau của đời sống chính trị, kinh tế xã hội, văn hóa, v.v.

Ngày nay, dù có những sai lầm và do dự của họ, người phương Tây vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho thế giới. Theo bà, bí quyết thành công của phương Tây là gì?

Phải công nhận phương Tây ngày nay gần như là không gian duy nhất mà người dân có thể chỉ trích trật tự được thiết lập của một quốc gia hoặc một chế độ và tranh luận về nó một cách công khai. Dĩ nhiên, mọi thứ chỉ là tương đối. Dù sao, quyền tự do ngôn luận, tư tưởng và lời nói là những giá trị được công nhận, dù không đạt được trạng thái hoàn hảo (không thể đạt được), mà để cải thiện một số bất công hoặc bất bình đẳng nào đó.

Những người phản đối không nhầm lẫn, họ bị thu hút bởi giá trị dân chủ này. Tuy nhiên, những quyền này được công nhận hợp pháp ở các quốc gia không phải phương Tây, kể cả nước Nhật, nơi mà sức nặng của chủ nghĩa phong tục tập quán đè nặng đến mức tiếng nói bất hòa khó được lắng nghe.

Và ở nhiều quốc gia, những người thách thức chính quyền cai trị địa phương, họ không thể được như phương Tây, họ buộc phải im lặng hoặc bị đàn áp hoặc tệ hơn là bị nhốt trong các trại tập trung như người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc.

Một đặc điểm lớn khác của người châu Âu là họ đặt cao tầm quan trọng của nghệ thuật, văn hóa và di sản lịch sử, hay thậm chí cái mà người Pháp các bạn gọi là “chất lượng cuộc sống”.  Những giá trị phi tiền tệ này người Nhật không thể hiểu được, với họ, tiền là ưu tiên hàng đầu (chúng ta làm việc và chúng ta tiêu dùng), di sản lịch sử và thiên nhiên dễ bị phá hủy hơn nhiều so với ở châu Âu – việc chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic mùa hè năm 2020 làm nổi bật xu hướng này.

Theo tôi, việc đề cập những thứ không thể đếm được, những thứ không thể mua được, là bí mật và là một trong những nét quyến rũ của châu Âu. Bây giờ tôi càng nhấn mạnh hơn khi tôi sống ở Canada. Bắc Mỹ và Nhật Bản giống nhau nhiều ở điểm này: trong biếm họa, chỉ có cái mới, mới đáng kể.

Từ hơn một thập kỷ nay, quan điểm cân bằng địa chính trị mà Hoa Kỳ đặt lên hàng đầu đã chuyển sang Châu Á – Thái Bình Dương, với một định hướng lại về khu vực này trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, được khởi xướng dưới thời Barack Obama. Bà nghĩ gì về sự phát triển này?

Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Trung Quốc bị cho là đang đe dọa quyền bá chủ của Hoa Kỳ, do đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhằm đào sâu sự hội nhập tân tự do của các nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương và của Hoa Kỳ để loại trừ Trung Quốc. Thỏa thuận này được ký kết vào tháng 2 năm 2016, đã khơi dậy sự phản kháng mạnh mẽ từ người dân các nước liên hệ.

Họ lo sợ việc phá bỏ nền nông nghiệp, dịch vụ công cũng như chất lượng sản phẩm tiêu dùng của họ bị suy giảm (chẳng hạn như kém minh bạch, truy xuất nguồn gốc, các quy định về sức khỏe hoặc môi trường), bao gồm cả người Nhật dù phần lớn là thân Mỹ và hiếm khi thách thức các quyết định của nhà chức trách.

Tổng thống Donald Trump từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương khi Trung Quốc và 14 quốc gia khác trong khu vực đã ký hiệp định thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay (Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) vào tháng 11 năm 2020.

Tất nhiên, đối với những người bảo vệ các giá trị và quyền được coi là cơ bản, chiến thắng của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – một chế độ giám sát và áp bức độc tài không còn che giấu tham vọng chinh phục thế giới – sẽ không thích sự thống trị hoàn toàn của chủ nghĩa tư bản tân tự do. Vì vậy, làm thế nào chúng ta có thể hình dung thế giới của ngày mai? Tôi không có câu trả lời.

Liệu bước ngoặt này trên trường quốc tế có nghĩa là sự kết thúc của nền văn minh phương Tây và các giá trị của nó hay ngược lại, sự phổ biến của chúng trên toàn thế giới? Đó là suy đồi hay đổi mới?

Câu trả lời của tôi không dứt khoát được. Rõ ràng phải vượt lên một số yếu tố của nền văn minh phương Tây như thiệt hại về vật chất, môi trường, con người do kinh tế tư bản gây ra, vì biết rằng phương Tây không đơn độc gây ra thiệt hại này.

Tuyên ngôn đầu tiên về các quyền của con người và quyền công dân đã loại trừ nhiều người (nô lệ, phụ nữ…) ra khỏi phạm vi của nó. Tuy nhiên, cũng kể từ thời điểm đó, nhiều người đã đấu tranh để từng bước cải thiện tình trạng phân biệt đối xử.

Ví dụ, ở Hoa Kỳ, nếu sự phân biệt chủng tộc được chính thức viết ra, một số vấn đề đã được xác định và đã được đưa ra công luận, cuối cùng được cải thiện. Ở Nhật Bản, điều ngược lại mới đúng: thay vì xác định và trình bày vấn đề, chúng tôi có xu hướng che giấu nó hoặc trốn chạy.

Vì vậy, ngay cả khi không có gì là hoàn hảo, và đặc biệt là ngay cả khi tôi còn rất lâu mới có thể hiểu được tất cả các nền văn hóa và văn minh, tôi muốn trong tương lai, chúng ta dựa vào những giá trị cơ bản nhất định mà tôi đã học được và tiếp tục học hỏi từ phương Tây (nhân quyền, tự do, bình đẳng nam nữ, dân chủ…) để cải thiện cách thức hoạt động của thế giới.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch