Bài đọc Chặng Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh do Đức Phanxicô chủ trì

132

Bài đọc Chặng Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh do Đức Phanxicô chủ trì

vatican.va, 2022-04-11

Chúng tôi xin lược dịch phần hoàn cảnh của các gia đình làm cảm hứng cho các bài suy niệm và cầu nguyện của Chặng Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh.

Chặng thứ nhất: Một cặp vợ chồng trẻ

Chặng thứ hai: Một gia đình đang làm sứ vụ

Chặng thứ ba: Một cặp vợ chồng lớn tuổi không có con

Chặng thứ tư: Một gia đình đông con

Chặng thứ năm: Một gia đình có con khuyết tật

Chặng thứ sáu: Một gia đình điều hành một căn nhà gia đình

Chặng thứ bảy: Một gia đình có người thân bị bệnh

Chặng thứ tám: Một ông bà ngoại

Chặng thứ chín: Một gia đình có con nuôi

Chặng thứ mười: Một góa phụ và các con

Chặng thứ mười một: Một gia đình có con thánh hiến

Chặng thứ mười hai: Một gia đình mất người con gái

Chặng thứ mười ba: Một gia đình Ukraine và một gia đình Nga

Chặng thứ mười bốn: Một gia đình di cư

Đàng Thánh giá

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

R /. Amen.

Lạy Chúa Giêsu,

Trong ngày Khổ Nạn của Chúa, chúng con xin dâng lên Chúa tiếng kêu của chúng con,

Chúng con xin Chúa nghe tiếng kêu của chúng con. Chúng con chúc tụng Chúa vì Chúa là nguồn sự sống của chúng con,

Chúa chịu khổ nạn vì chúng con, qua thập giá Chúa đã cứu chuộc thế giới.

Chúng con tin tưởng nhờ sự khổ nạn của Chúa mà chúng con được chữa lành,

Chúa không để chúng con một mình trong giờ thử thách,

Tin Mừng của Chúa đích thực khôn ngoan.

Chúng con nhận ra

nơi nhiệm thể tử đạo của Chúa rất nhiều anh chị em chúng con,

bạo lực mà Chúa phải chịu nơi những người bị bức hại,

sự buông bỏ của Chúa nơi đau khổ của những người bị giết.

Chúa đã sống trong một gia đình,

Chúa nhân hậu nhìn gia đình chúng con:

nghe lời cầu nguyện của họ,

nghe lời phàn nàn của họ,

chúc phúc cho những quyết tâm của họ,

đi cùng họ,

hỗ trợ những điều không chắc chắn của họ,

an ủi tình yêu bị tổn thương của họ,

truyền cho họ can đảm để yêu,

ban cho họ ân sủng của tha thứ,

làm cho họ cởi mở với nhu cầu của người khác.

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa là Đấng Phục sinh bị đóng đinh,

Xin cho chúng con không mất hy vọng

Vào một nhân loại mới,

bầu trời mới và trái đất mới,

nơi Chúa sẽ lau tất cả nước mắt trên đôi mắt của chúng con.

Và sẽ không còn những lời than van rên rỉ,

vì những điều cũ sẽ qua đi,

và chúng con sẽ là một gia đình lớn

trong ngôi nhà tình yêu và hòa bình của Chúa.

Chặng thứ nhất

Chúa Giêsu hấp hối ở Vườn Cây Dầu

“Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni. Người nói với các ông: ‘Anh em ngồi lại đây, trong khi Thầy cầu nguyện.’ Rồi Người đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo. Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến. Người nói với các ông: ‘Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức.’ Người đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được. Người nói: ‘Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn.” (Mc 14, 32-36)

Hoàn cảnh của một cặp vợ chồng trẻ

Chúng tôi kết hôn mới được hai năm. Cuộc hôn nhân của chúng tôi chưa bị thử thách vì sóng gió. Nhưng đại dịch đến và đã làm cho mọi thứ phức tạp một chút, nhưng chúng tôi rất vui. Chúng tôi có cảm giác như đang hưởng tuần trăng mật dài ngày, dù cũng có cãi nhau mỗi ngày với những khác biệt của chúng tôi. Nhưng chúng tôi thường sợ khi nghĩ đến những cặp bạn bè lớn tuổi chưa thành công, hàng ngày chúng tôi đọc báo thấy có nhiều cảnh chia ly. Khi người ta nói với chúng tôi, chắc chắn chúng tôi sẽ chia tay nhau vì thế giới là như vậy; đó là thống kê. Khi chúng tôi thấy mình đơn độc vì không được hiểu. Khi sống thiếu hụt. Khi chúng tôi thấy mình là người xa lạ dù ở cùng mái nhà. Khi thức dậy ban đêm chúng tôi cảm thấy lòng mình nặng trĩu và nỗi đau khổ như ở trong “trại mồ côi” của mình; vì chúng tôi quên chúng tôi là trẻ em; vì chúng tôi nghĩ hôn nhân và gia đình chúng tôi chỉ phụ thuộc chúng tôi, vào sức chúng tôi. Chúng tôi nhận ra, hôn nhân không chỉ là cuộc phiêu lưu lãng mạn, mà nó còn là Ghết-sê-ma-nê, còn nỗi thống khổ trước khi chia lìa thân xác vì người kia.

Lời cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã phải sợ và lo lắng bồi hồi.

R/. Xin ban bình an cho chúng con.

Kinh Lạy Cha…

Chúa là Đấng hằng sống, hằng trị, muôn đời. Amen.

Chặng thứ hai

Chúa Giêsu bị Giuđa phản bội và bị các môn đệ bỏ rơi

“Người còn đang nói, thì một đám đông xuất hiện, và kẻ dẫn đầu tên là Giuđa, một người trong Nhóm Mười Hai. Hắn lại gần Đức Giêsu để hôn Người. Đức Giêsu bảo hắn: ‘Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?’ Thấy việc sắp xảy ra, những kẻ đứng chung quanh Người liền hỏi: ‘Lạy Chúa, chúng con tuốt gươm chém được không?’ Thế rồi một người trong nhóm chém tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai bên phải. (Lc 22, 47-50) Khi đó Chúa Giêsu nói: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm. Bấy giờ các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết. (Mt 26, 52,56)

Lạy Chúa, chúng con đã đi truyền giáo gần mười năm, vì hạnh phúc của chúng con không đủ cho chúng con. Chúng con muốn cống hiến đời sống của chúng con để người khác cũng có thể có niềm vui tương tự. Chúng con muốn bày tỏ tình yêu của Chúa Kitô với những người không biết Chúa.

Hoàn cảnh của một gia đình đang làm sứ vụ

Bất cứ nơi đâu. Cuộc sống cộng đồng và các hoạt động hàng ngày giúp chúng con giáo dục con cái với một cái nhìn rộng mở về cuộc sống và thế giới. Nhưng điều này không hề dễ dàng: chúng con không giấu nỗi đau khổ và lo sợ phải đối diện với đời sống gia đình bấp bênh, xa quê hương. Thêm vào đó là nỗi kinh hoàng của chiến tranh, rất bi thảm trong những tháng gần đây. Thật không dễ dàng để chỉ sống bằng đức tin và đức ái vì thường chúng con không thể phó thác hoàn toàn vào Chúa Quan Phòng. Và, đôi khi phải đối diện với những nỗi đau và nỗi thống khổ của một bà mẹ chết khi sinh con, lại thêm dưới làn bom đạn, hoặc một gia đình bị chiến tranh tàn phá, bị nạn đói và các tệ nạn khác nhau, bị cám dỗ phải thanh toán bằng gươm, phải bỏ trốn, phải bỏ rơi chính mình, bỏ mặc mọi thứ nghĩ rằng điều đó không đáng… những điều này sẽ phản bội những anh chị em đáng thương nhất của chúng con, những người ruột thịt của Chúa trên thế giới, những người luôn nhớ Chúa là Chúa hằng sống.

Lời cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã bị phản bội bằng một cái hôn.

R/. Xin ban bình an cho chúng con.

Kinh Lạy Cha…

Chúa là Đấng hằng sống, hằng trị, muôn đời. Amen.

Chặng thứ ba

Chúa Giêsu ra trước tòa

Bấy giờ các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng tìm lời chứng buộc tội Đức Giêsu để lên án tử hình, nhưng họ tìm không ra. Bấy giờ vị thượng tế lại hỏi Người: ‘Ông có phải là Đấng Kitô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?’ Đức Giêsu trả lời: ‘Phải, chính thế’. Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao?. Tất cả đều kết án Người đáng chết.” (Mc 14, 55,61 – 62,64)

Hoàn cảnh của một cặp vợ chồng lớn tuổi không có con

Chúng tôi đính hôn được vài tháng, sau đó cuộc sống làm chúng tôi xa cách nhau, chúng tôi trải qua cảnh đau lòng ở xa nhau. Và khi gặp lại nhau, chúng tôi kết hôn ngay, trong vội vàng của những người đã chờ đợi và lo sợ rất nhiều. Chúng tôi rời ngôi nhà ban đầu để ra sống riêng. Chúng tôi bắt tay vào xây dựng như những cặp vợ chồng mới cưới đầy những dự án và ảo tưởng của tuổi trẻ. Sau đó, cuộc sống làm chúng tôi nhận ra chúng tôi mong manh hơn, đồng thời tước đi các mong chờ của chúng tôi, dẫn chúng tôi đi trên con đường thường khó khăn, cuối cùng chúng tôi phải đối diện với việc chúng tôi không thể làm cha mẹ; chúng tôi trải qua kinh nghiệm đau đớn về những xét đoán cho việc vô sinh của chúng tôi. “Làm thế nào mà anh chị lại không có con?” Chúng tôi nghe câu hỏi này cả ngàn lần, như muốn nói hôn nhân và tình yêu của chúng tôi không đủ để tạo thành một gia đình. Chúng tôi đã phải chịu những cái nhìn ít thông cảm. Nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục bước đi mỗi ngày, nắm tay nhau, chăm sóc một cộng đồng anh em và bạn bè, những người mà trong đơn độc và dịu dàng, theo thời gian đã trở thành một mái ấm và gia đình.

Lời cầu nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã bị lên án bất công.

R/. Xin ban bình an cho chúng con.

Kinh Lạy Cha…

Chúa là Đấng hằng sống, hằng trị, muôn đời. Amen.

Chặng thứ tư

Ông Phêrô chối Chúa

“Khi ông Phêrô đang ở dưới sân, có một người tớ gái của thượng tế đi tới; thấy ông ngồi sưởi, cô ta nhìn ông chòng chọc mà nói: ‘Cả bác nữa, bác cũng đã ở với cái ông người Na-da-rét, ông Giêsu đó chứ gì!’ Ông liền chối: ‘Tôi chẳng biết, chẳng hiểu cô muốn nói gì!’ … Ngay lúc đó, gà gáy lần thứ hai. Ông Phê-rô sực nhớ điều Đức Giêsu đã nói với mình: ‘Gà chưa kịp gáy hai lần, thì anh đã chối Thầy đến ba lần.’ Thế là ông òa lên khóc. (Mc 14, 66-68,72)

Hoàn cảnh cuả một gia đình đông con

Khi kết hôn, chúng tôi nghĩ rằng mình không thể có con. Sau đó, trong tuần trăng mật, đứa con đầu tiên đến và nó đã làm  cuộc đời chúng tôi thay đổi. Chúng tôi ít có những dự án không gấp gáp: hoàn thành công việc của mình, đi du lịch, cố gắng sống ít nhất một thời gian như những người mãi mãi đính hôn … Và rồi, khi chúng tôi đang còn hoài nghi về vẻ đẹp của món quà này thì đứa con thứ hai ra đời: một bé gái.

Và cứ thế, hôm nay khi nghĩ về những chuyện này, chúng tôi thấy các đứa con khác cũng đến như thế, chúng tôi không nhận ra. Còn ước mơ của chúng tôi? Chúng được định hình qua các sự kiện. Còn sự phát triển nghề nghiệp của chúng tôi? Nó cũng thay đổi do các sự kiện bất ngờ xảy ra. Và sau đó là nỗi sợ một ngày nào đó chúng tôi phủ nhận như ông Phêrô; nỗi khổ và hối hận khi đối diện với những chi phí không lường trước được; lo lắng với những căng thẳng của các con ở tuổi vị thành niên. Những khao khát cũ lấy chỗ trong gia đình chúng tôi. Dĩ nhiên là không dễ dàng, nhưng nó cũng đẹp hơn vô cùng một cách nào đó. Vì những suy nghĩ và đời sống bận rộn dường như không bao giờ là đủ, nhưng chúng tôi không bao giờ hối tiếc.

Lời cầu nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã lau nước mắt cho ông Phêrô

R/. Xin ban bình an cho chúng con.

Kinh Lạy Cha…

Chúa là Đấng hằng sống, hằng trị, muôn đời. Amen.

Chặng thứ năm

Chúa Giêsu bị quan Philatô xét xử

Ông Philatô lại hỏi: “Vậy ta phải xử thế nào với người mà các ông gọi là vua dân Do-thái?” Họ la lên: “Đóng đinh nó vào thập giá!” Ông Philatô lại hỏi: “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác?” Họ càng la to: “Đóng đinh nó vào thập giá!” Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Philatô phóng thích tên Baraba, truyền đánh đòn Đức Giêsu, rồi trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá. (Mc 15, 12-15)

Hoàn cảnh của một gia đình có con khuyết tật

Con trai chúng tôi đã bị xét đoán khi sinh ra. Chúng tôi gặp các bác sĩ trước khi sinh cháu. Họ nói tốt hơn chúng tôi không nên sinh cháu. Và khi chúng tôi quyết định chọn sự sống thì chúng tôi bị đánh giá: “Nó sẽ là gánh nặng cho chúng tôi và cho xã hội”. “Đóng đinh hắn”. Nhưng cháu đã không làm gì sai. Xét đoán thường vội vàng và hời hợt và đã làm tổn thương chúng ta như thế nào, dù chỉ bằng một cái nhìn đơn giản. Chúng ta mang trong mình nỗi xấu hổ về sự đa dạng, nó thường tạo sự thương hại, nhưng không tạo sự sống. Khuyết tật không phải là vinh quang cũng không phải là nhãn mác, mà là lớp áo của một tâm hồn thường thích im lặng trước những xét đoán bất công, không phải vì xấu hổ mà vì thương hại cho những người phán xét. Chúng ta không tránh khỏi nghi ngờ hoặc cám dỗ để tự hỏi mọi thứ sẽ như thế nào nếu mọi thứ khác đi. Nhưng, trên thực tế, khuyết tật là một tình trạng, không phải là một đặc điểm, và tạ ơn Chúa, tâm hồn chúng ta không có rào cản nào.

Lời cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa nhìn những kẻ chống đối Chúa với tình thương.

R/. Xin ban bình an cho chúng con.

Kinh Lạy Cha…

Chúa là Đấng hằng sống, hằng trị, muôn đời. Amen.

Chặng thứ sáu

Chúa Giêsu bị đánh đòn và bị đội mũ gai. 

Vì muốn chiều lòng đám đông, ông Philatô phóng thích tên Baraba, truyền đánh đòn Đức Giêsu, rồi trao Người cho họ đóng đinh vào thập giá. Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người. Rồi chúng bái chào Người: “Vạn tuế đức vua dân Do-thái!” Chúng lấy cây sậy đập lên đầu Người, khạc nhổ vào Người, và quỳ gối bái lạy. (Mc 15, 15,17-19)

Hoàn cảnh của một gia đình điều hành căn nhà gia đình

Ngôi nhà của chúng tôi rộng, không chỉ về không gian, mà hơn hết là về sự phong phú của con người sống ở đó. Kể từ khi lấy nhau, chúng tôi chưa bao giờ chỉ có hai người. Ơn gọi đón nhận nỗi đau của chúng tôi đã, đang và vẫn là sau 42 năm chung sống, ba người con, chín đứa cháu và năm đứa con nuôi không tự lập và gặp khó khăn nghiêm trọng về tâm lý; tất cả ngược lại với buồn. Chúng tôi không xứng đáng nhận ơn phúc như vậy trong cuộc sống. Đối với những ai nghĩ rằng để những ai đau khổ sống một mình là phi nhân, nhưng Chúa Thánh Thần đã đặt ý chí hành động và không dửng dưng ở tận trong sâu thẳm đáy lòng họ. Nỗi đau đã thay đổi chúng ta, đưa chúng ta về lại điều cốt yếu, đặt các ưu tiên của cuộc sống vào đúng vị trí của chúng và như thế khôi phục sự đơn giản của phẩm giá con người. Trên đường đời đau khổ của biết bao người bị đày đọa và bị đóng đinh, bên cạnh họ, dưới sức nặng của thập giá, chúng ta khám phá ra, vị vua đích thực chính là người đã hiến thân và hiến mình ban thức ăn cho thể xác và linh hồn.

Lời cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã bị đánh đòn trong thân xác và trong tâm trí

R/. Xin ban bình an cho chúng con.

Kinh Lạy Cha…

Chúa là Đấng hằng sống, hằng trị, muôn đời. Amen.

Chặng thứ bảy

Chúa Giêsu vác thánh giá

Chế giễu chán, chúng lột áo điều ra, và cho Người mặc áo lại như trước. Sau đó, chúng dẫn Người đi để đóng đinh vào thập giá (Mc 15, 20)

 Hoàn cảnh của một gia đình có người thân bị bệnh

Một buổi sáng như bao buổi sáng khác, vợ tôi bị ngất xỉu hai lần. Chúng tôi vội vã đến bệnh viện và phát hiện ra một căn bệnh đã ngấm nọc độc vào đầu. Phẫu thuật, phục hồi chức năng, các điều trị…; và bây giờ cuộc sống hàng ngày hoàn toàn khác hẳn. Chúa nói với chúng ta qua những sự kiện mà không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu được, và chính tay Ngài dẫn dắt phần tốt nhất trong chúng ta để nó được lớn lên. Vợ tôi có một vai trò, một vị trí, một địa vị; và bây giờ bà là một người hoàn toàn khác, trần trụi, không khả năng tự vệ, bị đóng đinh. Và tôi cùng với vợ tôi. Qua cơn bạo bệnh này, trên thập giá này, chúng tôi đã thành trụ cột mà con cái biết chúng có thể dựa vào. Trước đây không như vậy. Gần như tôi có thể nói, hôm nay, với đôi mắt thấu xương trong nỗi đau khôn cùng, bà đã trở thành người mẹ và người vợ trọn vẹn. Không màu mè, trong cốt tủy của một cuộc sống mới, khó khăn hơn. Sự việc bị khóa mình, bị đóng đinh do phải luôn chú ý, buộc tôi, trên tất cả, tôi, người cố chấp kiêu ngạo, phải khám phá ở các gia đình khác món quà kỳ diệu mà họ là: những người cố gắng làm cho bạn cười, những người phụ bếp, những người đưa con đi học giáo lý, những người lắng nghe, những người hiểu mình bằng cái nhìn, những người, dù họ ở trong hoàn cảnh phức tạp, nếu không muốn nói là phức tạp hơn, luôn lo lắng cho bạn.

Lời cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa không tìm vinh dự trần thế.

R/. Xin ban bình an cho chúng con.

Kinh Lạy Cha…

Chúa là Đấng hằng sống, hằng trị, muôn đời. Amen.

Chặng thứ tám

Chúa Giêsu được ông Simon phụ vác thánh giá

Khi điệu Đức Giêsu đi, họ bắt một người từ miền quê lên, tên là Simôn, gốc Kyrênê, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức Giêsu.  (Lc 23, 26)

 Hoàn cảnh của ông bà ngoại

Chúng tôi đã nghỉ hưu cách đây hai năm, và khi chúng tôi bắt đầu mơ chúng tôi sẽ dùng năng lượng mới như thế nào thì chúng tôi hay tin con rể chúng tôi bị thất nghiệp. Trong đại dịch, chúng tôi bất lực nhìn hôn nhân con gái đầu của tôi bị khủng hoảng. Các cháu ngoại tràn vào nhà chúng tôi với sức sống và mất trật tự, không phải chỉ ngày chúa nhật, nhưng nhất là không như các con chúng tôi khi còn nhỏ. Chúng tôi ráp ghế trẻ em lên xe và mua một tấm bảng ghi lại các chi tiết của năm đứa cháu, để khỏi quên chuyện gì. Bắp thịt chúng tôi không còn như trước, nhưng kinh nghiệm phong phú hơn với cuộc sống so với khi chúng tôi còn sức để chạy. Thập giá của gia đình bấp bênh và nghề nghiệp làm chúng tôi lo lắng. Và bây giờ khi chúng tôi bắt đầu mệt mỏi, nỗi sợ chết không thể phủ nhận, thì lại chịu một thập giá bất ngờ đặt lên vai dù mình không muốn. Bước chân thường chậm chạp, buổi tối sau khi cười xong thì lại khóc vì thương tâm. Nhưng chúng tôi được là “dưỡng khí” cho gia đình con chúng tôi, đó là món quà đưa chúng tôi trở lại những cảm xúc mà chúng tôi đã cảm thấy khi con cái còn nhỏ. Chúng ta không bao giờ ngừng làm mẹ và làm cha.

Lời cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chia sẻ gánh nặng thập giá.

R/. Xin ban bình an cho chúng con.

Kinh Lạy Cha…

Chúa là Đấng hằng sống, hằng trị, muôn đời. Amen.

Chặng thứ chín

Chúa Giêsu gặp các phụ nữ thành Giêrusalem

 Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giêsu quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu!” (Lc 23, 27-28)

 Hoàn cảnh của một gia đình có con nuôi

Bây giờ chúng tôi có bốn. Trong nhiều năm, chúng tôi chỉ có hai, chúng tôi phải đối diện với thập giá cô đơn và khó khăn sinh con ngoài những gì chúng tôi có thể hình dung. Nhận con nuôi là câu chuyện của một cuộc đời bị tác động vì bị bỏ rơi, nhưng được chữa lành qua việc được nhận nuôi. Nhưng bị bỏ rơi là một vết thương luôn rỉ máu. Và nhận con nuôi là một thập giá mà cha mẹ và con cái cùng gánh trên vai, cùng nâng đỡ, cố gắng giảm bớt đau khổ, và yêu con như con ruột mình. Nhưng thật đau lòng khi thấy một đứa bé phải chịu đựng quá khứ của mình. Thật đau lòng khi thấy yêu thương rất nhiều nhưng không làm giảm được đau khổ của đứa bé. Chúng tôi thích ứng với nhau. Và không có ngày nào khi thức dậy mà chúng tôi không thấy, đó là điều đáng làm và những cố gắng này không hoài công, rằng thập giá này dù đau lòng nhưng ẩn giấu một hạnh phúc thầm kín.

Lời cầu nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã nhìn đến các phụ nữ thành Giêrusalem.

R/. Xin ban bình an cho chúng con.

Kinh Lạy Cha…

Chúa là Đấng hằng sống, hằng trị, muôn đời. Amen.

Chặng thứ mười

Chúa Giêsu bị đóng đinh

Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giêsu cầu nguyện rằng: ‘Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm’. Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm.

Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: ‘Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!’ Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: ‘Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!’ Phía trên đầu Người, có bản án viết: ‘Đây là vua người Do-thái’. (Lc 23, 33-38)

Hoàn cảnh của một góa phụ và các con

Gia đình chúng tôi, một mẹ và hai con. Trong bảy năm, chúng tôi là ghế ba chân thay vì bốn chân: đẹp và quý dù hơi bất ổn. Dưới thập giá, mỗi gia đình dù chao đảo nhất, đau đớn nhất, lạ lùng nhất, tan nát nhất đều tìm thấy ý nghĩa sâu xa nhất của nó. Gia đình chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi đã sống qua, không phải không nước mắt và không đau đớn, rằng Chúa Giêsu trên thập giá đóng đinh, nhìn chúng ta và không bao giờ để chúng ta một mình.

Ngài không những cho chúng ta một tình yêu chung của  đấng sáng tạo với các tạo vật của mình, nhưng Ngài còn cho chúng ta người bạn, người mẹ, người con trai, người anh em. Với một Giáo hội, với tất cả lỗi lầm của mình, đến với chúng ta và dường như không thể, đôi khi lại mang đến gánh nặng cho chúng ta, nhưng cũng có lúc giúp chúng ta lấy lại sức. Tình yêu nhân lên gấp bội vì tình yêu là nhưng không, ngay cả khi tôi bị cám dỗ để hiểu vì sao, nếu “Ngài cứu người khác … nếu Ngài là Đấng Kitô” vì sao Ngài không cứu chồng tôi. Nhưng vết thương của Đấng trên thập giá vừa là di sản, vừa là mối ràng buộc và là mối quan hệ. Tình yêu là hữu hình, vì trong vực thẳm và khó khăn của chúng ta, chúng ta không bị bỏ rơi.

Lời cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã giang tay trên thập giá.

R/. Xin ban bình an cho chúng con.

Kinh Lạy Cha…

Chúa là Đấng hằng sống, hằng trị, muôn đời. Amen.

Chặng thứ mười một

Chúa Giêsu hứa cho người trộm lành được lên thiên đàng

Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái . Một trong hai người nói với Ngài: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23, 33,42-43)

Hoàn cảnh của một gia đình có con thánh hiến

Đến bây giờ chúng tôi mới mỉm cười nhớ lại tất cả những mong chờ chúng tôi đã đặt vào con trai. Chúng tôi nuôi dạy để con phát triển, để con hạnh phúc. Để tiếp bước ông nội. Đúng, có lẽ chúng tôi đã muốn con tôi có một cuộc sống khác. Một gia đình, một công việc, có con cái, cháu chắt. Tóm tắt. Một cuộc sống “bình thường.” Chúng tôi đã sống cuộc đời thay cho con. Nhưng Chúa đã đến, đã thay đổi mọi thứ. Đã phá hủy giấc mơ của chúng tôi để cho chúng tôi một điều gì đó thậm chí còn lớn hơn. Chúa đã làm để cuộc đời của con tôi không theo lô-gích “người ta luôn làm như vậy” và Chúa đã gọi con chúng tôi đến với Chúa. Bằng cách nào? Nhưng tại sao lại là con tôi? Tại sao chính xác là con tôi. Mới đầu chúng tôi không hiểu con tôi. Chúng tôi phản đối. Chúng tôi bỏ mặc con. Chúng tôi nghĩ sự lạnh lùng của chúng tôi sẽ làm con chùn bước. Chúng tôi ráng gieo nghi ngờ vào đầu con, rằng con đã hoàn toàn sai. Giống như hai tên trộm. Nhưng chúng tôi hiểu chúng tôi không thể chống lại Chúa. Chúng tôi là cái bình, và Chúa là biển, chúng tôi là tia lửa và Chúa là ngọn lửa. Vì thế giống như người trộm lành, chúng tôi xin Chúa nhớ đến chúng tôi khi Ngài vào Vương quốc của Ngài.

Lời cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đấng đã chết như một kẻ gian ác. Chúa đã tiết lộ cho chúng con bí ẩn Nước Chúa.

R/. Xin ban bình an cho chúng con.

Kinh Lạy Cha…

Chúa là Đấng hằng sống, hằng trị, muôn đời. Amen.

Chặng thứ mười hai

Chúa Giêsu giao phó Mẹ mình cho người môn đệ yêu dấu

Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình. (Ga 19, 25-27)

 Hoàn cảnh của một gia đình mất người con gái

Chúng tôi có năm người trong nhà: tôi, chồng tôi và ba đứa con. Năm năm trước, cuộc sống trở nên phức tạp. Một chẩn đoán khó chấp nhận, căn bệnh ung thư trên khuôn mặt con gái út chúng tôi. Căn bệnh chưa bao giờ chấm dứt nụ cười của con, lại càng làm đau đớn hơn vì chúng tôi cảm thấy bất công. Thêm vào đó, một trớ trêu như bao trùm chúng tôi, chỉ sau sáu năm chung sống, chồng tôi đã ra đi đột ngột để lại bốn mẹ con chúng tôi trên đường đời cô đơn, đau thương, trong hai năm, chúng tôi đồng hành với đứa con nhỏ nhất nhà về nơi an nghỉ cuối cùng. Năm năm trôi qua kể từ khi chúng tôi sống hành trình mà chúng tôi không thấy có gì là hợp lý, nhưng điều chắc chắn là cây thánh giá vĩ đại này là nơi ở của Chúa và Chúa vẫn còn ở cho đến ngày nay. “Chúa không gọi những người có khả năng, nhưng Ngài làm cho những người Ngài gọi có khả năng”: đó là câu một nữ tu nói với chúng tôi, và những lời này đã thay đổi cách nhìn của chúng tôi về cuộc sống trong những năm gần đây.

Lời nói dối lớn nhất mà chúng tôi phải đấu tranh là chúng tôi không còn là một gia đình nữa. Tôi không biết cách nào khác để phản ứng lại với nỗi đau trong tâm hồn, trong thân xác, tôi chỉ biết phó thác vào Chúa, Đấng đang sống cuộc hành trình trần gian này với tôi. Vì vậy, trong các đợt hóa trị của con gái, tôi cảm thấy tôi như Mẹ Maria dưới chân thập giá; và trải nghiệm này làm cho ngày hôm nay tôi cảm nhận – dù chỉ trong một khoảng khắc ngắn – tôi là mẹ của Chúa của tôi.

Lời cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đấng đã biết sự dày vò của tình trìu mến.

R/. Xin ban bình an cho chúng con.

Kinh Lạy Cha…

Chúa là Đấng hằng sống, hằng trị, muôn đời. Amen.

Chặng thứ mười ba

Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng trên thập giá

Vào giờ thứ chín, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma xa-bác-tha-ni!” Nghĩa là: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Rồi có kẻ chạy đi lấy một miếng bọt biển, thấm đầy giấm, cắm vào một cây sậy, đưa lên cho Người uống mà nói: “Để xem ông Ê-li-a có đến đem hắn xuống không.” Đức Giêsu lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở. (Mc 15, 34,36-37)

Hoàn cảnh của một gia đình Ukraine

Cái chết chung quanh. Cuộc sống gần như mất giá trị của nó. Mọi thứ thay đổi trong vài giây. Sống, ngày tháng, tuyết rơi nhẹ mùa đông, đi làm, đưa đón con đi học, những vòng ôm, tình bạn… tất cả. Mọi thứ bỗng nhiên mất giá trị. Chúa ở đâu, thưa Chúa? Chúa trốn ở đâu? Chúng con muốn tìm lại đời sống trước đây. Tại sao có tất cả những chuyện này? Chúng con đã phạm lỗi gì? Tại sao Chúa bỏ chúng con? Tại sao Chúa bỏ dân tộc chúng con? Tại sao Chúa chia cắt gia đình chúng con như thế này? Tại sao chúng con không còn ý chí để sống, để mơ? Tại sao vùng đất chúng con lại nên tăm tối như đồi Gôngôta ngày xưa.

Nước mắt ngừng chảy. Tức giận đã nhường chỗ cho cam chịu. Chúng tôi biết Chúa yêu chúng tôi, nhưng chúng tôi không cảm thấy tình yêu đó, và nó làm chúng tôi phát điên. Chúng tôi thức dậy buổi sáng, trong một vài giây, chúng tôi thấy mình hạnh phúc, nhưng ngay lập tức chúng tôi nhớ, sẽ rất khó hòa giải. Chúa ơi, Chúa ở đâu? Xin Chúa nói trong im lặng của cái chết và chia rẽ và dạy chúng con xây dựng hòa bình, trở thành anh chị em của nhau, xây dựng lại những gì mà bom đạn muốn phá hủy.

 

Lời cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đấng đã yêu thương chúng con đến cùng.

R/. Xin ban bình an cho chúng con.

Kinh Lạy Cha…

Chúa là Đấng hằng sống, hằng trị, muôn đời. Amen.

Chặng thứ mười bốn

Táng xác Chúa Giêsu trong mộ

Khi đã nhận thi hài, ông Giô-xếp lấy tấm vải gai sạch mà liệm, và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá, dành cho ông. Ông lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về. Còn bà Maria Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Maria ở lại đó, quay mặt vào mồ. (Mt 27, 59-61)

Hoàn cảnh cùa một gia đình di cư

Chúng tôi ở đây. Chúng tôi chết với quá khứ của chúng tôi. Chúng tôi muốn sống trên mảnh đất của chúng tôi,  nhưng chiến tranh không cho chúng tôi sống. Thật khó cho một gia đình khi họ phải lựa chọn giữa ước mơ và tự do của họ. Giữa ham muốn và sinh tồn. Chúng tôi ở đây sau những hành trình mà chúng tôi chứng kiến phụ nữ và trẻ em, bạn bè, anh chị em chết. Chúng tôi ở đây, những người sống sót. Bị cho là gánh nặng. Chúng tôi là những người quan trọng ở đất nước chúng tôi, nhưng ở đây chúng tôi là những con số, là thể loại, là tối thiểu hóa. Nhưng chúng tôi còn hơn nhiều so với những người nhập cư. Chúng tôi là những người. Chúng tôi đến đây vì con cái của chúng tôi. Chúng tôi chết mỗi ngày cho chúng vì chúng có thể sống một cuộc sống bình thường ở đây, không bom đạn, không đổ máu, không khủng bố. Chúng tôi là người công giáo, dù điều này đôi khi chỉ là thứ yếu so với thực tế chúng tôi là những người di cư. Nếu chúng tôi không cam chịu, chính là vì chúng tôi biết một ngày nào đó tảng đá lớn trước cửa mộ sẽ được lăn đi.

Lời cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nhờ những bàn tay thân thiện cất gánh nặng của thập giá.

R/. Xin ban bình an cho chúng con..

Kinh Lạy Cha…

Chúa là Đấng hằng sống, hằng trị, muôn đời. Amen.

Lời cầu nguyện cuối cùng

 

Lạy Cha nhân từ,

Cha làm cho mặt trời mọc trên kẻ tốt cũng như kẻ xấu,

Xin Cha đừng lơi công việc của Cha,

Cha đã cho Con Một của Cha,

sinh ra bởi Trinh nữ,

bị đóng đinh dưới thời quan Philatô,

bị chết và táng xác trong mộ,

ngày thứ ba sống lại từ cõi chết,

hiện ra với bà Maria Mácđala,

với Thánh Phêrô và các thánh Tông đồ, các môn đệ,

vẫn còn sống trong Giáo hội,

trong Nhiệm thể giữa lòng thế giới.

Xin Cha thắp sáng trong gia đình chúng con

ngọn đèn Phúc Âm.

Xin ngọn đèn Phúc Âm soi sáng niềm vui và nỗi buồn,

nỗ lực và hy vọng:

rằng mọi ngôi nhà phản ánh gương mặt của Giáo hội,

mà luật tối hậu là tình yêu.

Do Thần Khí Chúa tuôn tràn

Giúp chúng con bỏ con người cũ,

bị thoái hóa với những đam mê lừa dối,

và mặc cho chúng con con người mới

được tạo ra trong sự công chính và thánh thiện.

Xin nắm tay chúng con như người Cha,

để chúng con không lạc khỏi Cha.

Xin hoán cải trái tim nổi loạn của chúng con thành trái tim của Cha,

để chúng con biết đi theo các dự án hòa bình.

Xin cha dẫn dắt các đối thủ bắt tay,

để họ có thể tha thứ cho nhau.

Vô hiệu hóa bàn tay anh em chống nhau,

để nơi hận thù là nơi hòa hợp.

Xin đừng để chúng con cư xử với nhau như kẻ thù của thập giá Chúa Kitô,

để chúng con được tham dự vào vinh quang phục sinh của Chúa.

Người là Đấng hằng sống, hằng trị muôn đời.

Amen.

Marta An Nguyễn dịch