Chiến tranh ở Ukraine: “Lời hùng biện tôn giáo là báng bổ”

258

Chiến tranh ở Ukraine: “Lời hùng biện tôn giáo là báng bổ”

Linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, giám đốc tạp chí La Civiltà Cattolica giải thích việc Putin dùng ngôn ngữ tôn giáo để biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine, một lô-gích bộ tộc đi ngược với Phúc âm như thế nào.

la-croix.com, Antonio Spadaro, Linh mục giám đốc tạp chí La Civiltà Cattolica, 2022-03-29

Vladimir Putin trong lễ kỷ niệm tám năm ngày Crimea sáp nhập vào nước Nga tại sân vận động Luzhniki, Mátxcơva ngày 18 – 3 – 2022. VLADIMIR ASTAPKOVICH / SPUTNIK / EPA

Chính Lịch sử mà Vladimir Putin viện đến, một lịch sử bị sa lầy trong vũng bùn cuộc xâm lược mà giáo hoàng tuyên bố là tàn ác, vô tri, man rợ và phạm sự thánh. Một cuộc chiến mà ông thất bại ngay ngày hôm sau khi chiến thắng, nếu ông phải quản trị một “hậu” chiến tranh tế nhị, biết rằng một chiếm đóng như thế là không chấp nhận được. Giống như Pháp trong cuộc chiến tranh Algeria từ năm 1954 đến năm 1962.

Tuy nhiên, ảo tưởng về đế quốc này phần lớn bị nhà tư tưởng Alexander Douguin châm mồi – định nghĩa như một ý thức hệ của Putin – ông viết trên Facebook (!) bằng tiếng Anh (như thế là viết cho toàn thế giới): “Nước Nga sẽ khôi phục trật tự ở Ukraine, cũng như khôi phục công lý, thịnh vượng và một mức sống khá.” Vì sao? “Vì nước Nga mang lại tự do. Nước Nga là nước sla-vơ duy nhất đã thành đế chế toàn cầu. Xây dựng Đế quốc Toàn cầu là sứ mệnh của chúng tôi, chúng tôi biết cách làm. Đó là lý do vì sao chúng tôi là Rôma. Mục tiêu tận thế của nước Nga là lật đổ ‘Con Điếm Vĩ đại Babylon’.” Ông Douguine kết luận: “Chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ, không bao giờ bỏ các mô hình của lịch sử thiêng liêng”, cho rằng các đặc điểm thiêng liêng gắn kết với việc xây dựng đế quốc Nga. Một tân Đế quốc la-mã?

Đức tin Kitô giáo và bom hạt nhân

Tổng thống Vladimir Putin xuất hiện ở sân vận động Luzhniki, Mátxcơva trong một bài diễn văn ngắn trước đám đông đồ sộ.  Một thay đổi trong lời hùng biện khác với cách nói xa vời và lạnh giá mà ông đưa ra từ trước đến nay. Đó là ngày 18 tháng 3, kỷ niệm tám năm ngày Cimea sáp nhập vào nước Nga, nhưng đặc biệt là ngày sinh của Fyodor Fyodorovich Ushakov, đô đốc Nga lừng lẫy, bất bại trong thời Nga hoàng, được Giáo hội Chính thống Nga phong thánh năm 2001. Thông điệp mang tính biểu tượng rất rõ: cuộc chiến đang diễn ra dưới sự bảo vệ của một chiến binh thần thánh, năm 2005 được tuyên bố là bổn mạng cho các các phi công ném bom nguyên tử.

Chúng ta nhớ lại lời Putin đã nói trong một cuộc họp báo năm 2007: “Niềm tin truyền thống của Liên bang Nga và tấm khiêng hạt nhân Nga là hai thứ củng cố nhà nước Nga và tạo điều kiện cần thiết để đảm bảo an ninh trong và ngoài nước.” Đức tin kitô giáo và các quả bom hạt nhân ở đây có mối liên hệ bi thảm với việc phục vụ nhà nước và “an ninh” của nó.

Đầu tháng 3, thượng phụ Kyrill, Mátxcơva đã cho rằng cuộc xâm lược Ukraine là “cuộc đấu tranh không có ý nghĩa về thể lý mà có ý nghĩa siêu hình”. Vì thế ông phóng chiếu hành vi hiếu chiến có bản chất chính trị lên kịch bản của một trận chiến tận thế, một cuộc đối đầu cuối cùng giữa thiện và ác. Tính thần thiêng thành động cơ phóng chiếu lý tưởng của quyền lực được cấu thành. Quốc gia là “dân được chọn” và chính đức tin chống lại những người không thuộc về mình, tức là “kẻ thù” và kẻ bất đồng chính kiến, được Putin định nghĩa là “con mòng mòng đáng phỉ nhổ.” Viện đến tận thế trong lời kêu gọi của mình, Putin luôn biện minh quyền lực của ông là do thần thánh muốn. Và đó là chủ nghĩa thánh chiến chẳng hạn, nhưng đó cũng là những hình thức của các chủ nghĩa tối thượng được thấy gần đây ở Mỹ.

Và cũng vì thế, trong tinh thần anh em, Đức Phanxicô nói với thượng phụ Kyrill qua video truyền hình, rằng “Giáo hội không được dùng ngôn ngữ chính trị nhưng ngôn ngữ của Chúa Giêsu,” ngôn ngữ chính trị của hòa giải, của hòa bình và tình yêu. Đúng, ngôn ngữ của tình yêu. Ở sân vận động Luzhniki, chính ông Putin đã nhắc lại lời Chúa Giêsu trong Phúc âm Thánh Gioan: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” để biện minh cho sự xâm lược và hận thù. Tuy nhiên, quan niệm bộ tộc về tôn giáo và tình bạn đi ngược với Tin Mừng, vốn dựa trên nền tảng “hãy yêu kẻ thù của mình” (Mt 5:43). Vì thế viện đến lời hùng biện tôn giáo về quyền lực và bạo lực là báng bổ, vì nó viện đến Chúa để làm băng hoại chính bản sắc con người: chính xác là tình yêu. Chúng ta biết, chính tổng thống Joe Biden cũng tránh dùng lời hùng biện tôn giáo, ông trích dẫn Thánh Gioan Phaolô II trong chuyến đi Warsaw: “Đừng sợ”. Nhưng ông quên phần thứ hai của lời kêu gọi này: “Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô!” Diễn ngôn tôn giáo không bao giờ được biến thành diễn ngôn chính trị.

Bi kịch kitô giáo

Sự tăng cường truyền thông của Putin nhằm có được sự ủng hộ thần học để biện minh cho quyền lực và xung đột. Và, Đức Phanxicô đã nói với chúng ta, “thật đáng buồn biết bao khi có những người, những dân tộc tự hào mình là người kitô giáo lại xem người khác là kẻ thù và nghĩ đến việc gây chiến với họ! Thảm kịch Ukraine vì thế cũng là thảm kịch của kitô giáo. Đó là lý do vì sao chúng ta phải giữ cánh cửa đối thoại đại kết rộng mở, để tác động đến tương lai chính trị có lợi cho sự hòa giải giữa hai dân tộc khi cần thiết. Vì thế phải hy vọng một cuộc gặp mới giữa Đức Phanxicô và thượng phụ Kyrill. Cũng tốt nếu Đức Phanxicô đến được Kyiv, nhưng cẩn thận vì giáo hoàng không làm những “cây cầu” vô ích, đặc biệt là ở vùng đất chính thống giáo, thêm nữa là một chính thống giáo bị chia rẽ và tổn thương. Ngài chỉ đi nếu sự hiện diện của ngài là dịp để hòa giải – như trường hợp ở Bangui và sắp tới là ở Juba – chứ không phải vì những chia rẽ về sau.

Là tín hữu, chúng ta nên mong chờ gì? Chắc chắn, chiến thắng của tự do và thất bại của xâm lược, nhưng cũng là hiến chương cho các cuộc đàm phán chứ không phải của vũ khí, không bao giờ mong muốn sự sỉ nhục của Nga với tư cách là một quốc gia. Mặt khác, chúng ta phải hy vọng về một nước Nga hòa nhập vào tầm nhìn châu Âu đi từ Đại Tây Dương đến Urals, điều mà Thánh Gioan-Phaolô II mơ ước, và điều này thậm chí còn được thể hiện qua bài phát biểu mà thời trẻ Putin đã thực hiện. Năm 2001 tại Bundestag. Cuối cùng, lịch sử của Thế chiến thứ hai chứng minh rằng không thể xây dựng một trật tự quốc tế với một cường quốc bị sỉ nhục đang tìm cách trả thù.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Suy nghĩ về thời hậu Putin

Sự sống và bạo chúa. Pháp luật lên án bạo chúa (và chúng tự sát)