Trong hậu trường “bạn cùng phòng” của giáo hoàng với người nghèo

199

Trong hậu trường “bạn cùng phòng” của giáo hoàng với người nghèo

cath.ch, I.Media, 2022-03-24

Một số người vô gia cư đã sống ba ngày với Đức Phanxicô ở Nhà Thánh Marta | © Editions du Seuil

Ở chung với “người mặc áo trắng” ba ngày ở Nhà Thánh Marta. Đó là trải nghiệm của những người trước đây vô gia cư, họ thay mặt cho những người sống bên lề trên thế giới để  phỏng vấn Đức Phanxicô.

Hãng tin I.Media đã phỏng vấn cô Sibylle de Malet, một trong những người dự cuộc gặp này, cô ở hiệp hội Ladarô, cô giải thích hậu trường các cuộc trò chuyện được ghi lại trong quyển sách Từ người nghèo đến giáo hoàng. Từ giáo hoàng đến thế giới (Des pauvres au pape. Du pape au monde, nxb. Seuil) sẽ được phát hành ngày 1 tháng 4 năm 2022.

“Buổi sáng thức dậy, tôi tự nhủ: Tôi đang ngủ trong phòng của một hồng y, ồ lạ quá và thật tuyệt vời. Nhưng tại sao lại là tôi? ”. Người tự cho mình là “tín hữu kitô xoàng xỉnh, tất cả không có gì bình thường hơn”, cô ngoài ba mươi tuổi, yêu đời, tuy nhiên đã sống qua một đời sống ngoại thường.

Tất cả bắt đầu với đại dịch Covid, vì đã làm cho buổi gặp đã dự kiến với hiệp hội Ladarô bị hủy bỏ, do phải giãn cách giữa người vô gia cư và các thanh niên cùng sống chung với họ. Đừng lo, giáo hoàng đồng ý gặp những người bạn cùng phòng qua video truyền hình. Trong 1h30, ngài thoải mái trả lời các câu hỏi của họ. Sau thành công của cuộc gặp này, một nhóm nhỏ xin gặp thêm để mở rộng cuộc nói chuyện với những người nghèo trên thế giới, và làm một quyển sách về cuộc gặp này.

Được giáo hoàng đồng ý, các tổ chức phi chính phủ tham gia dự án thu thập hơn một ngàn câu hỏi tại hơn 80 quốc gia của những người sống trong tình trạng bấp bênh, trong khu phố nghèo, phụ nữ mại dâm, tù nhân, người tị nạn, trẻ em đường phố. Một trăm câu hỏi được chọn và một số “trong những người gặp khó khăn này” sẽ đến Vatican để làm phát ngôn viên cho họ, cùng với người đại diện chung của hiệp hội Ladarô là ông Lọc Luisetto. Họ là những người nói tiếp Pháp và Tây Ban Nha.

 Đi chân trần ở Vatican

Đó là vào mùa xuân năm 2021, hành tinh vẫn còn bị đại dịch hoành hành, nhiều quốc gia châu Âu bị hạn chế. Tám “nhà báo nghiệp dư của giáo hoàng” sẽ sống ở Nhà Thánh Marta, giữa các quan chức, hiến binh, cận vệ Thụy Sĩ, những chiếc áo nỉ đủ màu của họ nổi bật giữa đời sống hàng ngày tại đây. Họ ở đó ba ngày, có khi gặp giáo hoàng bất ngờ ở cuối hành lang, kết bạn bất ngờ và tổ chức sinh nhật ở nhà bếp Nhà Thánh Marta.

Quyển sách “Từ người nghèo đến giáo hoàng. Từ giáo hoàng đến thế giới” kể lại trải nghiệm khó tin của những người vô gia cư ở Vatican | © Editions du Seuil

“Chúng tôi không biết gì hết về các quy tắc của những người sống ở đây”, cô Sibylle vui đùa nói, hiện nay cô là người phụ trách phát triển hiệp hội Ladarô quốc tế. Cô nói: “Chúng tôi không có tôn giáo, một số trong chúng tôi lại không tin gì hết. Christian phì phèo điếu thuốc trước mắt các cận vệ Thụy Sĩ đang canh gác, cô Diana đi chân trần ở Vatican để cảm thấy “chân đạp đất”… Ban đầu, những người tiếp tân ngạc nhiên nhìn chúng tôi”.

Nhưng mọi người đều thích ứng với chúng tôi. Cô gái trẻ vùng Nantes nói: “Chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy không thoải mái ở đây. Chúng tôi mặc chiếc áo len vàng đi gặp giáo hoàng, không hề biết theo nghi thức ngày xưa phải mặc màu đen. Những người chúng tôi đi ngang qua, họ rất thân tình tiếp đón.”

Vì cuộc phỏng vấn kéo dài 1h30 nhưng vẫn không xong, nên Đức Phanxicô đề nghị một cuộc gặp thứ hai. Cô Sibylle nói: “Cuối cùng ngài muốn gặp lại chúng tôi vào một buổi sáng thêm một lần nữa để cho xong việc”. Hiếm khi ngài dành nửa ngày để làm một cái gì trong lịch làm việc của ngài, nhưng ngài quyết định dành cho “những người bạn cùng phòng” trở lại Nhà Thánh Marta làm việc thêm bốn giờ nữa với ngài.

 Giáo hoàng thích những người thẳng thắn

Cô Sibylle kể: “Chúng tôi cảm thấy ngài ở đó với chúng tôi. Ngài rất thoải mái với chúng tôi, như trong một gia đình. Lần thứ hai, ngài đến mà không đội mũ chỏm, ngài mặc đơn giản. Không có gì là chính thức. Chúng tôi có một nút bấm, ngài có thể bấm nếu ngài muốn bỏ qua một câu hỏi, nhưng ngài không bao giờ dùng. Ngài rất tự nhiên, nhất là tiếng cười. Ngài nói với chúng tôi, ngài thích những người không mang mặt nạ”.

Những người bạn từ hè phố này đến từ Tây Ban Nha, Colombia, Pháp, họ rất xem trọng vai trò phát ngôn viên của họ. Cô Sibylle nói: “Họ đọc những câu hỏi rất hay, đôi khi rất khó.” “Thật là một kinh nghiệm không thể tin được”, đó là câu mọi người nói trên đầu môi sau mấy ngày ở quốc gia nhỏ nhất thế giới này.

Chẳng hạn với ông Ricardo, có một Ricardo trước và một Ricardo sau. Anh người Tây Ban Nha, lòng đầy nhiệt huyết, anh thốt lên: “Thật không thể nào quên được chuyện này trong đời tôi! Tôi muốn có kinh nghiệm này lại. Giáo hoàng thật tuyệt vời, đáng yêu, sẽ thật tuyệt nếu tất cả những người bạn cùng phòng đều giống ngài! Chưa bao giờ trong đời tôi, tôi nghĩ tôi sẽ trải qua một điều gì đó mạnh mẽ đến như thế”.

Có còn các dự án nào khác được lên kế hoạch với giáo hoàng không? Cô Sibylle trả lời: “Cho đến nay là không, nhưng với ngài, chúng tôi có thể ngạc nhiên… Chúng tôi đề xuất mở một ngôi nhà Ladarô ở Vatican, nhưng ngài trả lời ngài phải có can đảm và ngài xin cầu nguyện cho ngài có can đảm”. Cô Sibylle cười nói: “Phần còn lại chúng tôi sẽ thông báo cho quý vị sau.”

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: “Nóng giận, sốt ruột”, Đức Phanxicô tâm sự và nhìn lại tình yêu thời học trò của ngài