Chiến tranh ở Ukraine, tấn công thiêng liêng của Đức Phanxicô
Ngày thứ sáu 25 tháng 3, Đức Phanxicô sẽ dâng hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria tại Đền thờ Thánh Phêrô. Buổi lễ đánh dấu một mốc quan trọng trong phản ứng thiêng liêng của Vatican với cuộc chiến ở Ukraine.
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2022-03-25
Đức Phanxicô tại Vatican ngày 19 tháng 3. Andrew Medichini / AP
Đức Phanxicô đã có nhiều những lời kêu gọi ăn chay cầu nguyện, xem cuộc chiến là “xúc phạm đến Chúa”, xem trẻ em chết dưới bom là Chúa Hài đồng… Kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công của Nga đêm 23 rạng sáng ngày 24 tháng 2, song song với can thiệp ngoại giao, ngài đã có nhiều thông điệp thiêng liêng nhằm đạt được hòa bình trong khu vực.
Bằng việc dâng hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, thêm một lần nữa, Đức Phanxicô bước thêm một bước mà một số người ở Rôma không ngần ngại gọi là “cuộc tấn công thiêng liêng” của ngài.
Việc ngài sắp thực hiện bắt nguồn từ việc Đức Mẹ hiện ra ở Fatima năm 1917, trên thực tế việc này có liên hệ mật thiết với lời cầu nguyện khẩn thiết cho hòa bình của người công giáo. Một chuyên gia về thế giới chính thống giáo ở Vatican nhận xét: “Ngài đáp trả vũ khí chiến tranh bằng vũ khí cầu nguyện.” Và cũng trên chiều kích thiêng liêng này Đức Phanxicô đã nói chuyện với thượng phụ Kyrill của Mátxcơva ngày thứ tư 16 tháng 3.
Một trong những người thân cận với Đức Phanxicô nhận xét: “Ngài xem khía cạnh thiêng liêng của cuộc xung đột này cách nghiêm túc.” Kể từ đầu cuộc chiến, biện minh về mặt thần học của thượng phụ Mátxcơva Kyrill về chiến tranh, “cho rằng đây là chiến tranh siêu hình” đã không thoát con mắt của Vatican. Vì thế tất cả những khó khăn của Đức Phanxicô là trả lời cho thượng phụ trên lãnh vực thiêng liêng này, ngài không đóng vai tuyên úy của phương Tây, điều mà các giáo hoàng luôn từ chối. Ngài nhắc lại quan điểm này ngày 13 tháng 3: “Chúa chỉ là Chúa của hòa bình, không phải là Thần chiến tranh. Bất cứ ai ủng hộ bạo lực đều xúc phạm thánh danh Chúa.”
“Một tiến trình thần bí”
Một cố vấn trong vòng thân cận Đức Phanxicô nói tiếp: “Với việc thánh hiến cho Đức Mẹ, Đức Phanxicô tìm cách nhấn mạnh trên tâm hồn người chính thống, viện đến một hình ảnh chung của người Nga và Ukraine. Đó là tiến trình thần bí.”
Cũng nguồn tin này giải thích thêm, giáo hoàng đặt tiến trình thiêng liêng này cho hòa bình trong sự liên tục của một sáng kiến khác cùng loại, được tổ chức đúng hai năm trước, khi thế giới bước vào thời điểm khủng hoảng trầm trọng khác: “Rõ ràng buổi lễ dâng hiến này liên hệ với lời cầu nguyện ngày 27 tháng 3 năm 2020 tại Quảng trường Thánh Phêrô.”
Ngày hôm đó, ngài, một mình cầu nguyện tại Quảng trường Thánh Phêrô vắng vẻ để xin Chúa giúp đỡ khi đối diện với đại dịch vừa bùng phát. Hình ảnh này sau đó đã đi khắp thế giới.
Bài đọc thêm: Tất cả chi tiết về việc thánh hiến nước Nga và Ukraine cho Đức Mẹ
“Hai năm sau, chúng ta cũng ở trong hoàn cảnh tương tự, đối diện với một tầm mức quy mô lớn đã làm thay đổi thế giới, chúng ta đang cận kề với Thế chiến thứ ba: với Đức Phanxicô, huy động mọi sức lực thiêng liêng là điều cấp thiết,” nguồn tin thân cận Đức Phanxicô cho biết.
Cầu nguyện, ngoại giao và đoàn kết
Tại Vatican, kể từ khi bắt đầu xung đột, việc cầu nguyện được liên kết chặt chẽ với các nỗ lực ngoại giao. Một nhà ngoại giao ở Vatican nhận xét: “Chúng tôi không đặt hoạt động ngoại giao trong hộp này và hoạt động thiêng liêng trong một hộp khác. Nếu chúng tôi thực hiện đường lối ngoại giao này, đó là vì chúng tôi là người công giáo.”
Ukraine-Nga, sự cân bằng tinh tế trong ngoại giao Vatican
Một trong những người am tường về Đức Phanxicô trong giáo triều giải thích: “Có nhiều cấp độ hành động khác nhau để hành động, chúng ta có ba cấp độ: cầu nguyện, ngoại giao và đoàn kết. Các chiều kích này như các tầng của một tòa nhà. Giáo hoàng dòng Tên áp dụng châm ngôn: Hãy cầu nguyện như thể mọi thứ phụ thuộc vào Chúa, làm việc như thể mọi thứ phụ thuộc vào mình. Với Đức Phanxicô, Chúa là Chúa duy nhất của lịch sử, nhưng Ngài hành động thông qua những người bất toàn như chúng ta”.
Thật ra, việc có nhiều công bố này, đặc biệt là công bố dâng hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria đã làm cho các nhà ngoại giao ở Vatican bối rối cũng như khó hiểu. Một người trong số họ phân tích: “Chắc chắn khi đến cầu nguyện là do hoàn cảnh buộc phải dấn thân…”
Một nhà ngoại giao khác nói: “Với tình hình tại chỗ thì không còn không gian cho chính trị nữa. Vì vậy, giáo hoàng cố gắng đánh một bàn cờ khác, với khía cạnh thiêng liêng hơn nhiều. Đây là bàn cờ mà chỉ có Vatican mới có thể đánh được.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: “Đây không phải là công thức thần diệu”: bài giảng của Đức Phanxicô trong buổi hiến dâng nước Nga và Ukraine cho Đức Mẹ
Dù đang chiến đấu, giáo dân Ukraine cũng chuẩn bị dâng hiến nước Ukraine cho Đức Mẹ