Vì sao thượng phụ Kyrill lại nói chuyện với giáo hoàng và giáo chủ Giáo hội anh giáo?
Ngày thứ tư 16 tháng 3, thượng phụ Kyrill đã nói chuyện với Đức Phanxicô, sau đó với tổng giám mục Justin Welby, giáo chủ anh giáo. Một cách để người đứng đầu Giáo hội chính thống Nga cố gắng khôi phục vị trí của mình với các nhà lãnh đạo tôn giáo.
la-croix.com, Marguerite de Lasa, 2022-0317
Chiến tranh ở Ukraine: Vì sao thượng phụ Kyrill lại nói chuyện với giáo hoàng và giáo chủ Giáo hội anh giáo?
Đức Phanxicô và thượng phụ Kyrill trong buổi nói chuyện video trực tuyến ngày thứ tư 16 tháng 3. VATICAN MEDIA HANDOUT / EPA / MAXPPP
Sau một loạt tuyên bố để biện minh cho việc Nga xâm lăng Ukraine, ngày thứ tư 16 tháng 3, thượng phụ Kyrill đã nhanh chóng nói chuyện với Đức Phanxicô, sau đó là với tổng giám mục Canterbury, Justin Welby, giáo chủ anh giáo. Trong cả hai buổi, chính Tòa Thượng phụ Mátxcơva thông báo về các buổi nói chuyện này trước.
Theo thông báo của Giáo hội chính thống Nga, “các bên đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng cốt yếu của quá trình đàm phán đang diễn ra, bày tỏ hy vọng một nền hòa bình công chính có thể đạt được càng sớm càng tốt.”
“Thượng phụ Kyrill cố gắng bù đắp cho việc mất uy tín nội bộ của mình qua hình ảnh của một uy tín quốc tế”
Trong buổi nói chuyện với tổng giám mục Canterbury vài giờ sau đó, thượng phụ Kyrill cho biết, ông “đã giải thích chi tiết lập trường của Giáo hội chính thống Nga về các sự kiện đã diễn ra từ năm 2014”. Bản thông báo viết: “Đức Thượng phụ Kirill nhấn mạnh, mọi người nên có quyền tự do giữ đạo, nói tiếng mẹ đẻ mà không bị bức bách chính trị.”
Vì thế, thượng phụ muốn nói đến ý tưởng, Giáo hội chính thống Ukraine, một Giáo hội phụ thuộc vào tòa thượng phụ Mátxcơva, sẽ bị nhà nước Ukraine đàn áp, ông đi theo luận điệu mà Vladimir Putin dùng để biện minh cho cuộc xâm lược. Ông Jean-François Colosimo, thần học gia chính thống, sử gia về các tôn giáo phân tích: “Khi nói chuyện với giáo hoàng và giáo chủ Justin Welby, thượng phụ Kyrill cố gắng “khôi phục hình ảnh quyền lực quốc tế của mình.” Sử gia nhắc lại rất nhiều Giáo hội chính thống hiện nay ở Ukraine cũng như trên thế giới phủ nhận quyền lực của thượng phụ Kyrill vì những biện minh của ông về cuộc xâm lược của Nga. Sử gia Colosimo nói tiếp: “Thượng phụ Kyrill cố gắng bù đắp cho việc mất tín nội bộ của mình qua hình ảnh uy tín quốc tế, bằng cách tham gia vào mối quan hệ với những với những người đồng cấp của mình.”
“Kyrill củng cố vị trí của ông, giúp đỡ phe Putin”
Kyrill cũng tìm cách đóng một vai trò nào đó trong các cuộc thương thuyết ngoại giao đang diễn ra giữa Nga và phương Tây. Sử gia Colosimo giải thích thêm: “Giáo chủ hài lòng vì được xem trọng và tham gia vào khả năng thương thuyết ngoại giao này nhằm thoát ra khỏi thảm kịch đã đánh trên Ukraine. Vì thế Kyrill khẳng định lập trường của ông, giúp đỡ phe Putin.”
Thượng phụ Kyrill tận dụng những cuộc họp này để giải thích cho các nhà lãnh đạo Giáo hội công giáo và anh giáo cái nhìn về xung đột do nhà nước Nga tiến hành. Bà Kathy Rousselet, giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Khoa học Chính trị và chuyên gia về thực hành tôn giáo ở Nga đưa ra: “Ông cũng đã làm như vậy trong phần tiếp theo bức thư ông gởi cho tổng thư ký của Hội đồng các Giáo hội Đại kết.”
Trong tài liệu ngày 10 tháng 3 này, Kirill khẳng định “những người khơi mào xung đột không phải là hai dân tộc Nga và Ukraine, họ là những người xuất thân từ cùng giếng rửa tội ở Kyiv”, nhưng ngược lại, ông đặt nặng trách nhiệm của “cuộc đối đầu” trên sự mở rộng của NATO về phía Đông, điều này sẽ là mối đe dọa với nước Nga.” Theo bà Kathy Rousselet thì “đây chỉ là một biện minh.”
“Giáo chủ không có một ảnh hưởng nào trên Putin”
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu tin rằng, cuộc đối thoại của thượng phụ Kyrill với các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể làm cho ông gặp rắc rối với những người chính thống cực đoan Nga. Bà Rousselet cho biết: “Họ có thể đổ lỗi cho ông về cuộc đối thoại liên tôn này, vì đại đa số Giáo hội chính thống Nga chống lại đại kết”, bà cũng nhắc lại thượng phụ Kyrill đã bị chỉ trích rất nhiều sau khi ông gặp Đức Phanxicô ở Havana năm 2016.
Bà Kathy Rousselet cảnh báo: “Tuy nhiên, không nên đánh giá quá cao tầm quan trọng của Kyrill với tổng thống Nga. Ông không có một ảnh hưởng nào trên Putin: bài phát biểu của ông đi kèm lời hùng biện chính trị của ông, nhưng Kyrill không phải là nhà tư tưởng của Điện Kremlin. Ông đã không thể tố cáo chiến tranh: điều này thực sự cho thấy ông yếu kém và không có quyền lực.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Không có chiến tranh thánh, không có chiến tranh chính nghĩa
Chiến tranh Ukraine: Đức Phanxicô và Đức Thượng phụ Mátxcơva nói chuyện qua điện thoại