Tại Ukraine, quân đội Nga đang tiến hành một cuộc chiến tranh ‘siêu hình’ 

129

Tại Ukraine, quân đội Nga đang tiến hành một cuộc chiến tranh ‘siêu hình’

 Một em bé ở nhà thờ chính tòa St. Vladimir, Kyiv, ngày 15 tháng 3 năm 2022 | © Keystone / Ảnh AP / Felipe Dana

cath.ch, Maurice Page, 2022-03-17

Ngày nay, trào lưu truyền thống đã lấn lướt trong Giáo hội chính thống Nga. Đối diện với cuộc chiến ở Ukraine, vấn đề không nằm ở an ninh quân sự chống lại NATO hay phòng thủ ý thức hệ chống lại sự sa đọa của phương Tây, bà Kristana Stöckl, giáo sư Đại học Innsbruck, Áo giải thích hiện tình trong Giáo hội chính thống Nga.

Bà nói: “Bản thân tôi không tin vào khả năng Nga gây hấn  Ukraine.” Theo bà, sự ủng hộ rõ rệt của thượng phụ Kyrill Mátxcơva trước hành động gây hấn của Putin với Ukraine có nguồn gốc từ những thập kỷ gần đây trong quá trình phát triển chính thống giáo Nga.

Ngày 16 tháng 3 – 2022, bà Krsitina Stöckl là khách mời của hội nghị chuyên đề tại Đại học Fribourg, Thụy Sĩ về vai trò của các Giáo hội trong cuộc chiến ở Ukraine. Là chuyên gia về xã hội học tôn giáo, bà đặc biệt tập trung vào sự phát triển của chính thống giáo Nga và đề xuất các phương hướng để hiểu vấn đề.

Người truyền thống chống người tự do

Giáo sư Kristina Stöckl, Viện Xã hội học, Đại học Innsbruck | © Maurice Page

Giống như hầu hết các Giáo hội khác, Giáo hội chính thống Nga cũng đi theo ba trào lưu của những người: tự do, cởi mở với thay đổi, hiện đại và đại kết, những người theo chủ nghĩa truyền thống, quan tâm đến việc bảo tồn di sản Nga, và những người theo chủ nghĩa chính thống cực đoan. Ngày nay những người theo chủ nghĩa truyền thống rõ rệt đã thống trị, họ gạt ra ngoài lề hai trào lưu khác vốn không còn không gian để hiện hữu.

Với bảng xếp loại này, chúng ta có thể thêm vào một lớp mỏng để phân tích. Chính thống giáo Nga chia làm ba lĩnh vực: Một hệ thống cấp bậc và một thể chế hợp tác với quyền lực, một tôn giáo với các phần tử ly khai và một Giáo hội Nga lưu vong ở phương Tây. Trong thời kỳ xô viết, ba thế giới này không hề tiếp xúc với nhau, mỗi thế giới đều trải qua quá trình tiến hóa của riêng mình.

Thiên niên kỷ của Kievan Rus năm 1988

Lần cắt đứt đầu tiên diễn ra năm 1988, vẫn còn trước khi Liên Xô kết thúc, năm kỷ niệm thiên niên kỷ “Rus” (đại công quốc Trung cổ) của Kyiv và sự xuất hiện của kitô giáo trong nước được tổ chức một cách hoành tráng. Nhờ vào ngày kỷ niệm này, chúng ta chứng kiến phong trào khôi phục và tái lập với sự xích lại gần và chặt chẽ giữa quyền lực chính trị và chính thống giáo.

Số liệu thống kê về tôn giáo rất hùng hồn: trong hai mươi năm, số người cho mình là chính thống giáo đã tăng từ 31% lên 72% dân số và số người vô thần hoặc không theo tôn giáo đã giảm từ 61% xuống 18%. Không còn bất kỳ sự đối đầu nào giữa công dân và tín hữu. Việc xây dựng nhà thờ chính tòa Chúa Cứu Thế ở Mátxcơva y hệt nhà thờ đã bị phá hủy dưới thời cộng sản là một minh họa khác cho điều này.

Nhà thờ chính tòa Chúa Cứu Thế ở Mátxcơva: bị Stalin phá hủy và được xây dựng lại sau perestroika © Bernard Litzler

Sự tái sinh này có giá trị trên bình diện thần học cũng như tri thức. Các linh mục trẻ có thể đào tạo ở nước ngoài, họ đối diện với các tín ngưỡng khác và tinh thần đại kết. Giáo hội Nga bắt đầu phát triển một học thuyết xã hội và quan tâm đến nhân quyền.

Đồng thời, các kênh hợp tác được phát triển với bộ máy nhà nước Nga, xã hội dân sự, truyền thông, quân đội. Chúng ta bắt đầu nói đến ‘’đa âm’ hay ‘giao hưởng’ trong Giáo hội và với xã hội.

Thượng phụ Kyrill biểu hiện

Nhưng thượng phụ Kyrill, người đứng đầu từ năm 2009, đã dự trù trước từ năm 2000 (năm Putin lên nắm quyền): Phải bảo vệ các giá trị bản sắc văn hóa và tôn giáo quốc gia Nga trước các hình thức tự do của nền văn minh phương Tây. Theo ông, tranh luận thần học phải được thực hiện để chống loại “hổ lốn” của các nền văn hóa và văn minh.

Theo giáo sư Kristina Stöckl, Giáo hội Nga cũng dần dần dấn thân, nhưng càng ngày càng mạnh, dưới sự bảo vệ của những người truyền thống, những người chiến đấu chống lại những ai theo chủ nghĩa tự do, theo chủ nghĩa chính thống quá khích và những ai chớm theo chủ nghĩa ly khai của cộng đồng hải ngoại phương Tây.

Ghét cay ghét đắng nhóm Pussy Riot

Một điểm đột phá mới xảy ra năm 2012. Đó là năm thứ ba Putin được bầu làm Tổng thống Liên bang Nga. Một cuộc bầu cử cực nhọc, khó khăn nhất của Putin vì dân chúng phản đối mạnh, nhất là qua các cuộc biểu tình mà các nhà nữ quyền trẻ ‘Pussy Riot’ không ngần ngại vào nhà thờ để đòi hỏi các yêu cầu của họ.

Đối với các chức sắc chính thống giáo, phạm thượng là điều kinh khủng. Diễn ngôn về việc bảo vệ các “giá trị” của Nga ngày càng mạnh mẽ và cứng rắn. Họ có được một đạo luật của Nhà Nước trừng phạt hành vi tấn công vào cảm thức tôn giáo với án tù là ba năm.

Cuộc chiến Donbass đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình cực đoan hóa đang gia tăng này. Đã có ý định độc lập của khu vực, nơi cũng có nền tảng tôn giáo, được ủng hộ bởi những người theo chủ nghĩa truyền thống.

Năm 2019, Giáo hội chính thống Ukraine được thượng phụ Constantinople Bartholomew công nhận độc lập đánh dấu đỉnh cao của cuộc đấu tranh.

Một mạng lưới bảo vệ “các giá trị kitô giáo”

Thượng phụ Kyrill, cùng với Putin, tự xem mình là người bảo vệ các giá trị kitô giáo cho toàn cầu. Chẳng hạn, sự can thiệp của Nga vào Syria được thực hiện với danh nghĩa bảo vệ những người theo kitô giáo. Bà Kristina Stöckl lưu ý, thái độ này cũng được một số các trào lưu bảo thủ phương Tây chấp nhận.

Thượng phụ Kyrill tiếp sứ thần Tòa thánh tại tòa thượng phụ Mátxcơva | © Tòa Thượng phụ Matxcova

Cuộc chiến chống đồng tính, hôn nhân cho tất cả mọi người, học thuyết giới tính, phá thai hoặc an tử, và cả vấn đề hồi giáo, nhập cư đã gắn kết các phong trào này. Phong trào chống phá thai ở Nga được phát động với sự ủng hộ của các nhóm phò sự sống ở Mỹ. Trong chiều hướng ngược lại, ở phương Tây, các phong trào chính trị hoàn toàn thế tục “kitô giáo hóa” bây giờ công khai đưa ra các dấu hiệu kitô giáo. Nhưng các nhóm này đã rất bối rối trước cuộc tấn công của Vladimir Putin vào Ukraine.

Các biểu tượng cho quân đội Nga

Trong phần kết thúc của mình, giáo sư Kristina Stöckl đưa ra hình ảnh thượng phụ Kyrill ngày 14 tháng 3 năm 2022, tặng cho chỉ huy trưởng một đơn vị quân đội Nga biểu tượng Đức Mẹ Đồng Trinh, Mẹ của mọi bảo vệ. Nhận hình ảnh từ tay thượng phụ Kyrill, người chỉ huy cám ơn, khẳng định quyết tâm chống bọn phát xít núp sau lưng thường dân, để họ có thể tấn công vào các trường mẫu giáo và trường học. Vì thế tình hình đã đảo ngược hoàn toàn.

Khái niệm sai lầm về ‘chiến tranh siêu hình’

Khách mời thứ hai của hội nghị chuyên đề là linh mục Dòng Đa Minh Zdzislaw Szmanda người Ba Lan, linh mục ở giáo xứ Thánh Phaolô Geneva, cha sống và làm việc nhiều năm ở Ukraine, cha cố gắng làm sáng tỏ khái niệm chiến tranh ‘siêu hình’ mà ngày nay nghe không bình thường. Lướt nhanh cái nhìn tổng quan về lịch sử nhưng cũng là những giai thoại từ kinh nghiệm cá nhân, cha nói đến những phân biệt tư tưởng và tâm lý người Nga.

Linh mục Dòng Đa Minh Zdzislaw Szmanda đã sống và làm việc tại Ukraina trong một thời gian dài | © Maurice Page

Trước tiên cha kể một giai thoại mà một trong các đồng hữu của cha đã trải qua khi đến thăm tu viện Lavra của Giáo hội chính thống Nga ở Kyiv. Được biết một tu sĩ đang đi qua, linh mục hỏi: “Thưa có bao nhiêu tu sĩ ở đây?” Và câu trả lời là: “Chuyện đó không quan trọng!” Với một tu sĩ Nga, câu hỏi duy nhất đáng được hỏi phải liên quan đến sự cứu rỗi, ý nghĩa của sự sống và cái chết.

Linh mục Szmanda nêu bật sự khác biệt trong não trạng người Nga và người Ukraine trong lịch sử, với cuộc xâm lược của người Tatars vào thế kỷ 13, đã chia cắt đất nước làm hai. Phần phía tây gần phương Tây và phần phía đông còn lại liên kết với người Nga dưới sự thống trị của các ông hoàng Mông Cổ.

Kỷ nguyên xô viết đã đánh dấu các não trạng

Sau khi nhìn về quá khứ, linh mục Zdzislaw Szmanda trở lại những dấu tích mà thời xô viết đã để lại. Một thời gian rất dài, xã hội Nga thiếu niềm tin vào không gian công cộng. Người dân sợ bộc lộ bản thân cách công khai để nói lên xác quyết của mình. Điều này giải thích phần nào họ ủng hộ Putin.

Cha Zdzislaw cũng đưa ra mối quan hệ của cá nhân cha với cộng đồng. Ở Nga, tập thể thống trị và cảm giác này tồn tại ở cả những người ủng hộ và phản đối chiến tranh. Trong khi ở Ukraine, chủ nghĩa cá nhân kiểu phương Tây đã có tác động.

Một thuyết định mệnh cam chịu nào đó dường như cũng thấy rõ nơi người Nga. Phản ứng của những người ngoài đường về chiến tranh Ukraine thường là: “Điều đó không tốt nhưng cần thiết.”

Cuối cùng, và điều này không phải là không đáng kể, người chính thống không tách rời thực tại trần gian với thực tại trên trời. Đối với họ, đó là một tổng thể vĩ đại, được đặt dưới quyền thần thánh. Còn với người phương Tây, từ lâu họ đã tiến triển theo hướng tự lập của hai thế giới.

Một cơ hội bị bỏ lỡ

Đối diện với cuộc chiến ở Ukraine và đặc biệt là trong viễn cảnh tương lai, linh mục Zdzislaw rất tiếc vì Ukraine và Kyiv đã bỏ lỡ cơ hội để có thể làm chiếc cầu nối giữa thế giới chính thống giáo và thế giới phương Tây. Điều này còn hơn thế nữa vì người dân Ukraine vẫn rất sùng đạo.

Thượng phụ Kyrill chắc chắn sẽ mất người Ukraine, nhưng nghịch lý thay, cuộc khủng hoảng này lại có thể thúc đẩy sự hồi sinh của chính thống giáo Nga. Linh mục muốn xem đây là dấu hiệu của hy vọng với kiến nghị của khoảng 300 linh mục Nga chống lại chiến tranh. Ước mong tiếng nói nhỏ bé này cuối cùng sẽ được lắng nghe.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Không có chiến tranh thánh, không có chiến tranh chính nghĩa