Ở Vatican, Ukraine có mặt khắp nơi
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, đặc phái viên thường trực báo La Croix tại Rôma, 2022-03-12
Hình trang nhất báo L’Osservatore Romano tuần vừa qua
Cuộc chiến giữa Ukraine và Nga là chủ đề thường xuyên được chú ý tại Vatican. Thứ bảy hàng tuần, đặc phái viên thường trực báo La Croix tại Vatican sẽ đưa quý độc giả vào hậu trường của quốc gia nhỏ nhất trên thế giới này.
Phải mất một đêm để Ukraine lọt vào tâm trí mọi người. Một vài giờ trước đó cuộc chiến ở Ukraine xem như một viễn cảnh xa vời và không thực tế, vậy mà nó đã xảy ra, làm rung chuyển thế giới, Vatican và những người sống chung quanh đó cũng không thoát. Từ đầu các cuộc tấn công của Nga, không có cuộc họp nào mà không thảo luận đến tình hình Ukraine.
Một nhà ngoại giao Tòa Thánh tóm tắt trong một câu: “Các sứ quán đang sôi sùng sục”. Và những ngày vừa qua, các nhân viên làm việc ở đây liên tục đi qua đi về văn phòng Quốc vụ khanh, nơi các nhà ngoại giao Vatican thường xuyên tiếp đại diện các quốc gia họ đang theo dõi tin tức thời sự. Các cuộc họp trong đó các nhà ngoại giao trao đổi quan điểm. Một nguồn tin tóm tắt: “Với mạng lưới của họ, dựa trên sự hiện diện của tu sĩ ở khắp mọi nơi trên thế giới, họ có rất nhiều thông tin, nhưng đôi khi họ cũng gặp khó khăn khi phân tích”.
Chúng tôi nhận thấy, trong số các nhà ngoại giao chúng tôi trao đổi gần đây ở Rôma, dù họ làm việc cho Vatican hay cho một nước được Quốc gia nhỏ nhất thế giới này công nhận, tất cả đều mang trạng thái điếng người, một tâm trạng điếng người làm dừng lại mọi thứ. Một người tóm tắt: “Thành thật mà nói, không ai biết Putin sẽ đi xa tới đâu. Tất cả chúng tôi đều chỉ đưa ra các giả thuyết.”
Bài đọc thêm: “Thần học chính thống giáo phải được khử-putin hóa và phải loại bỏ những lệch lạc thiên-phát xít”
Tất cả đều quan sát các hành động của giáo hoàng, xen lẫn vừa hy vọng vừa lo lắng, ngài đã có chuyến đi bất ngờ tới sứ quán Nga vào ngày đầu tiên cuộc tấn công, và được nhiều người đánh giá khác nhau. Một nguồn tin ngoại giao giải thích: “Ngài hơi khá khó đoán. Một bài phát biểu được mong đợi cũng có thể có trong đó một cử chỉ tiên tri. Và đó cũng là sức mạnh của một giáo hoàng.” Đức Phanxicô dự kiến sẽ đưa ra lời kêu gọi mới cho Ukraine vào ngày chúa nhật 13 tháng 3, nhân buổi Kinh Truyền Tin hàng tuần ở cửa sổ dinh tông tòa nhìn xuống Quảng trường Thánh Phêrô.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Những im lặng của Đức Phanxicô trước cuộc xâm lược của Nga