Ở Ukraine, hồng y Krajewski đã gặp đức tin và đau khổ
Tuyên úy từ thiện của giáo hoàng sắp rời đất nước bị chiến tranh tàn phá. Trong mắt ngài là hình ảnh của những phụ nữ đi một mình hay đi với các con, họ là những người có đức tin sâu đậm và luôn tin vào tương lai. Trong bài giảng thánh lễ cử hành sáng thứ bảy hôm nay gần Lviv, ngài nhắc lại những người gieo rắc chiến tranh là những người đi trên “con đường nguyền rủa, bởi vì họ không có Chúa”.
vaticannews.va, Benedetta Capelli, Vatican, 2022-03-12
Mặt trời phải mọc trở lại, đó là mong muốn của hồng y Krajewski, ngài trả lời điện thoại phỏng vấn khi đang ở trên xe để rời Ukraine. Ngài cho biết chuyến đi của ngài dưới dấu chỉ của Phúc âm, một hành trình chia sẻ và hy vọng, dù tiếng còi báo động vang liên hồi, dù hình ảnh gương mặt đau khổ của nhiều phụ nữ bồng còn chạy trốn vẫn còn hằn trong tâm trí ngài.
Thưa cha, cha sắp kết thúc chuyến đi. Xin cha cho biết chuyến đi này như thế nào?
Hồng y Konrad Krajewski: Tôi đến Ukraine để hỗ trợ anh chị em của tôi, để mang phép lành của giáo hoàng đến cho họ, gần gũi họ và cầu nguyện với họ. Tôi đến Ukraine cũng để cám ơn những nhà hảo tâm đã nhường nhà của họ cho người tị nạn ở, để cám ơn các tình nguyện viên và nhiều nhà tài trợ, bởi vì, trên thực tế các chiếc xe tải lớn liên tục mang hàng cứu trợ đến Kyiv, nhưng họ dừng cách xa cả trăm cây số. Đó là hành trình của đức tin, hành trình của Phúc âm, của một sứ mệnh tôn giáo.
Bài đọc thêm: Đức Phanxicô gởi dụng cụ y tế khẩn cấp đến Ukraine
Cha cũng cho biết đó là hành trình của sự gần gũi cụ thể; giáo hoàng đã đóng góp cho những chiếc xe tải chở hàng viện trợ đến Kyiv…
Đúng, có rất nhiều đóng góp, chúng tôi đi đâu cũng có người giúp đỡ, dù khiêm tốn. Dĩ nhiên chuyến đi là sự hỗ trợ rất cụ thể, nhưng điều quan trọng hơn hết là ở bên họ, với họ. Các thị trưởng và tỉnh trưởng của khu vực cùng đi với chúng tôi dù còi báo động liên hồi nhắc chúng tôi phải tìm chỗ ẩn núp. Chúng tôi cầu nguyện, chúng tôi nói về một tương lai gần. Có rất nhiều hy vọng cho tương lai, nhưng súng đạn phải dừng lại và mặt trời cuối cùng cũng phải mọc lên ở Ukraine.
Có hình ảnh đặc biệt nào làm cha cha xúc động trong chuyến đi, một con người, một cuộc gặp gỡ…?
Những hình ảnh… Luôn là phụ nữ; ngày hôm nay tôi còn thấy nhiều phụ nữ dắt con đến gần biên giới. Họ quá mệt mỏi, quá kiệt sức sau rất nhiều ngày di chuyển. Mặt khác, chúng tôi thấy sự tiếp đón và giúp đỡ thật đáng kinh ngạc. Vì vậy, tôi phải nói, bên cạnh những đau khổ, có rất nhiều hy vọng và tình yêu.
Một từ đặc trưng cho chuyến đi này? Cha nói đến “vũ khí của đức tin”; nhiều lần cha nói vũ khí phải im lặng để tiếng nói của hòa bình được nghe, để nghe lời cầu nguyện, để nghe lời kêu gọi hiệp nhất. Có một chút thiêng liêng không?
Có, tất nhiên! Tôi mang theo rất nhiều tràng hạt để tặng mọi người, tặng các binh sĩ, tặng người di cư đi về biên giới Ba Lan. Chúng tôi cũng đã cầu nguyện rất nhiều. Đi đến đâu tôi cũng đặt mình trong lời cầu nguyện. Tôi luôn thấy người dân chảy nước mắt, tôi nói với họ: “Đây là tràng chuỗi của Đức Thánh Cha, ngài luôn gần gũi và cầu nguyện cho anh chị em.”
Cha sẽ nói chuyện gì đầu tiên cho giáo hoàng?
Tôi chưa biết. Tôi phải nói là mỗi ngày mỗi khác. Hôm nay chúng tôi thức dậy với tiếng còi báo động bắt chúng tôi phải đi trốn ngay lập tức. Vì vậy, một bên là niềm vui khi gặp người dân; một bên là nỗi buồn khi thấy người dân thường xuyên sống trong sợ hãi. Tôi rời khỏi đất nước này trong tâm tình được ơn phong phú, vì tôi gặp những người có đức tin sâu đậm thuộc mọi tín ngưỡng. Đó cũng là hy vọng, hy vọng cho sự hiệp nhất.
Những con đường không có Chúa là những con đường hủy diệt
Sáng nay, hồng y đã cử hành thánh lễ tại Zhovkva, gần Lviv, thuộc giáo xứ St. Lawrence sát biên giới với Ba Lan, nơi có nhiều linh mục tiếp nhận người tị nạn. Trong bài giảng bằng tiếng Ba Lan, ngài đã hỏi cuộc chiến này bắt nguồn từ đâu: “Vì đã có những người không đi trên con đường của Chúa, họ tạo ra những con đường cho riêng họ, những con đường bị nguyền rủa, vì họ không có Chúa. Những con đường không có Chúa là những con đường hủy diệt cho tất cả, chúng phá hủy mọi thứ, bắt đầu từ những người đi con đường này”. Hồng y Krajewski nhấn mạnh, bất chấp những đau thương, chúng ta được kêu gọi để trở thành những bông hoa đang nở, mang vẻ đẹp của chúng dù trong môi trường khó khăn, vì “bông hoa tốt cho mọi dịp: khi sinh ra, khi xin được tha thứ hoặc khi đang yêu.”
Lời mời gọi của hồng y là luôn đi về phía trước với hy vọng và với đức tin sâu đậm.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: “Trái tim tôi rướm máu,” hồng y Krajewski, đặc sứ của giáo hoàng tại Ukraine nói
Hình ảnh chuyến đi Ukraine của hồng y Konrad Krajewski