Hồng y Parolin : “Không bao giờ là quá muộn để tìm một thỏa thuận”
Bài phỏng vấn hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin: “Chúng ta đang đi lui vào quá khứ thay vì dám đi những bước tiến đến một tương lai khác, một tương lai chung sống hòa bình. Thật không may, rõ ràng sau khi bức tường Berlin sụp đổ, chúng ta đã không thể xây dựng lại”. Ngài xác nhận Tòa Thánh luôn sẵn sàng cho bất kỳ một hình thức hòa giải nào.
“Chiến tranh là điên rồ, nó phải dừng lại”. Hồng y Quốc vụ khanh nói với truyền thông Vatican về cuộc chiến leo thang ở trung tâm châu Âu, ngài nói: “Chúng ta phải có một trái tim bằng đá để vô cảm, để cho sự tàn phá này tiếp tục, để dòng sông máu và nước mắt tiếp tục chảy.”
Trước hết xin cha tóm tắt quan điểm của Tòa Thánh về cuộc xung đột hiện nay.
Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin: Lập trường của Tòa thánh là lập trường mà Đức Phanxicô lặp đi lặp lại nhiều lần: kiên quyết không chiến tranh, chiến tranh là điên rồ, phải chấm dứt chiến tranh. Chúng tôi kêu gọi lương tâm của tất cả mọi người, rằng cuộc chiến phải chấm dứt ngay lập tức. Trước mắt chúng ta là những hình ảnh khủng khiếp ở Ukraine. Nạn nhân là dân thường, phụ nữ, người già, trẻ em không nơi nương tựa, những người đã phải trả giá bằng mạng sống của mình cho sự điên cuồng của chiến tranh. Sự lo lắng càng tăng khi chúng ta thấy các thành phố với những căn nhà tan nát, không có điện, trời lạnh dưới âm độ, thiếu lương thực, thuốc men. Cũng như hàng triệu người tị nạn, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, họ chạy trốn khỏi bom đạn. Trong những ngày gần đây, tôi đã gặp một nhóm từ các vùng khác nhau của Ukraine đến Ý: ánh mắt của họ vô hồn, gương mặt không nụ cười, một nỗi buồn vô hạn trên mặt… Những bà mẹ trẻ này, những em bé này có trách nhiệm gì trong cuộc chiến! Phải có trái tim bằng đá để vô cảm, để cho sự tàn phá này tiếp tục, để dòng sông máu và nước mắt tiếp tục chảy. Chiến tranh là man rợ! Trong buổi Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 27 tháng 2, Đức Phanxicô tham chiếu đến điều 11 của Hiến pháp Ý trong đó nêu rõ: “Nước Ý không xem chiến tranh là công cụ xúc phạm đến quyền tự do của các dân tộc khác, là phương tiện giải quyết các tranh chấp quốc tế.”
Hôm đó, trước giáo dân ở Quảng trường Thánh Phêrô, trong đó có nhiều người Ukraine, Đức Phanxicô lên tiếng: “Xin tiếng súng im bặt!”
Những kẻ gây ra chiến tranh dựa vào lô-gích ma quỷ của vũ khí, họ quên nhân tính: chúng ta có không biết bao nhiêu ví dụ về sự thật của những lời này! Chúng ta thường quên chúng, đôi khi vì chúng liên quan đến những cuộc chiến mà chúng ta xem là “ở xa”, nhưng trên thực tế, trong thế giới liên kết của chúng ta, chúng không bao giờ ở xa.
Vì sao trong một hành vi chưa từng có, Đức Phanxicô đến sứ quán Nga một ngày sau khi quân đội Nga tấn công vào Ukraine?
Đúng, ông dùng chữ chưa từng có là đúng. Ngài đến để nói với các người cầm quyền ở Mátxcơva tất cả âu lo của ngài trước cuộc chiến vừa mới bắt đầu nhưng đã leo thang, và ngài quyết định đi theo con đường riêng của ngài, bằng cách đến cơ quan đại diện ngoại giao của Liên bang Nga ở Tòa thánh. Ngày thứ sáu, 25 tháng 2, Đức Phanxicô đến sứ quán nói chuyện hơn nửa giờ để bày tỏ âu lo của ngài về cuộc chiến ở Ukraine.
Bài đọc thêm: Đức Phanxicô đến Đại sứ quán Nga: “Ngài đến nhà Ca-in”
Trong vài ngày qua, cha đã điện thoại với ông Lavrov, bộ trưởng Ngoại giao Nga. Cha đã nói gì?
Tôi lặp lại lời kêu gọi phải ngừng bắn ngay lập tức. Tôi yêu cầu chấm dứt cuộc chiến và phải có một giải pháp thương lượng cho cuộc xung đột. Tôi nhấn mạnh đến việc phải tôn trọng người dân và các hành lang nhân đạo. Tôi cũng nhắc lại, như giáo hoàng đã đề nghị trong giờ Kinh Truyền Tin, Vatican sẵn sàng cho bất kỳ hình thức hòa giải nào để có hòa bình ở Ukraine.
Dù có lời kêu gọi chấm dứt sử dụng vũ khí, nhưng chúng ta phải đối diện với cuộc chiến ngày càng leo thang nhưng không có dấu hiệu nào giảm bớt. Vì sao?
Chiến tranh giống như căn bệnh ung thư phát triển, lây lan và tự ăn mình. Đó là phiêu lưu không có hồi kết, tôi dùng lại lời ngôn sứ của Đức Gioan-Phaolô II. Rất tiếc, chúng ta phải nhìn nhận: chúng ta đã rơi vào cơn xoáy có thể gây ra những hậu quả khôn lường và tai hại cho tất cả mọi người. Khi xung đột đang diễn ra, khi số lượng nạn nhân không có khả năng tự vệ tăng lên thì việc đi lui là rất khó, dù không phải là không thể khi thực sự có quyết tâm để làm, nhưng thật khó để theo đuổi thương thuyết bằng mọi nỗ lực có thể, đi theo mọi con đường để có thể hướng đến một giải pháp, kiên trì thực hiện các sáng kiến hòa bình. Chúng ta không được nhượng bộ lô-gích của bạo lực và hận thù. Chúng ta cũng không được nhượng bộ lô-gích của chiến tranh và cam chịu, dập tắt mọi tia hy vọng. Chúng ta phải kêu lên Chúa và nhân loại để tiếng súng im bặt và hòa bình trở lại, như giáo hoàng đã kêu gọi.
Chỉ trong vài ngày thế giới đã hoàn toàn thay đổi: chúng ta đang nói đến việc tái vũ trang, chi phí quân sự mới, nhu cầu quay trở lại các nhà máy nhiệt điện than, chận quá trình chuyển đổi sinh thái…
Đúng, chỉ trong vài ngày, thế giới chúng ta, thế giới đã vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch, dường như đã thay đổi. Chúng ta còn nhớ những lời can đảm Đức Phanxicô đã nói ở Hiroshima tháng 11 năm 2019. Ngài nói: “Tôi khiêm tốn mong muốn là tiếng nói của những người không được lắng nghe, những người lo lắng, đau khổ nhìn các căng thẳng gia tăng mà thời đại chúng ta đang trải qua, không thể chấp nhận những bất bình đẳng và bất công đe dọa sự chung sống của con người, sự bất lực nghiêm trọng trong việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, liên tục thắt ruột vì vũ khí, như thể những điều này có thể đảm bảo một tương lai hòa bình. Với xác quyết, tôi muốn tái khẳng định, việc dùng năng lượng nguyên tử cho mục đích chiến tranh, ngày nay hơn bao giờ hết, là một tội ác, không chỉ chống lại con người và phẩm giá của họ, mà còn chống lại bất kỳ một khả thể nào cho tương lai ngôi nhà chung của chúng ta. Việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích chiến tranh là trái đạo đức, cũng như việc sở hữu vũ khí nguyên tử là trái đạo đức.”
Bức hình nói lên tất cả đau thương của chiến tranh nguyên tử
Ngày nay chúng ta thấy, đối diện với những gì đang xảy ra ở Ukraine, nhiều người đang nói về việc tái vũ trang: những ngân khoản mới và khổng lồ đang được dành cho vũ khí, lô-gích của chiến tranh dường như thắng thế, khoảng cách giữa các quốc gia tăng lên. Rất tiếc chúng ta đã quên các bài học lịch sử, một lịch sử rất gần với chúng ta. Tôi xin nhắc lại lời kêu gọi của Đức Gioan-Phaolô II khi ngài xin đừng tham chiến ở Iraq: gần như hai mươi năm sau cuộc xung đột, bây giờ chúng ta đã thấy tình trạng của đất nước này như thế nào. Chúng ta có nhiều bằng chứng trước mắt cho thấy sự tàn phá và bất ổn do chiến tranh tạo ra.
Chúng ta còn con đường nào khác để theo hơn là con đường loại người khác?
Học thuyết xã hội của Giáo hội luôn công nhận tính hợp pháp của cuộc kháng chiến vũ trang khi đối diện với xâm lược. Nhưng tôi tin, trước những gì đang xảy ra, điều cốt yếu là phải tự hỏi: liệu chúng ta có đang làm mọi cách để đạt một thỏa thuận ngừng bắn không? Kháng chiến vũ trang có phải là cách duy nhất khả thi không? Tôi hiểu những lời này là không tưởng khi đứng trước các vụ giết hại phụ nữ và trẻ em, đứng trước hàng triệu người phải di cư, khi đối diện với một đất nước bị hủy diệt. Nhưng hòa bình không phải là điều không tưởng, rất nhiều sinh mạng đang gặp nguy hiểm, phải cứu họ ngay lập tức! Đó là lý do vì sao chúng ta cần có các sáng kiến chính trị-ngoại giao sâu rộng để có được lệnh ngừng bắn, mở đầu cho thương thuyết để tìm ra giải pháp bất bạo động. Tòa thánh sẵn sàng làm tất cả trong công việc này.
Đức Phanxicô đã tuyên bố rõ, cuộc chiến ở Ukraine là một cuộc chiến, không phải là “một hoạt động quân sự”. Tại sao?
Lời nói là quan trọng, xác định những gì đang xảy ra ở Ukraine là một hoạt động quân sự là bỏ qua thực tế của các sự kiện. Chúng ta đang đối diện với cuộc chiến, mà không may có rất nhiều nạn nhân dân sự, giống như tất cả các cuộc chiến tranh khác.
Theo cha, châu Âu và phương Tây nói chung đã làm tất cả những gì cần thiết để ngăn chặn sự leo thang cuộc chiến này chưa?
Tôi không muốn suy đoán theo cách này. Câu hỏi chắc chắn cần suy nghĩ. Chúng ta nhớ tình hình xung đột hiện nay tại Donbass, đó là không thực hiện đầy đủ các thỏa thuận Minsk và những gì đã xảy ra với Crimea. Nhưng chúng ta đừng khóc vì chuyện đã rồi! Ngược lại, chúng ta cần có quyết tâm mới để những khủng hoảng này được giải quyết với sự giúp đỡ của tất cả mọi người.
Chính trị đóng vai trò gì ở đây? Và ngoại giao lúc này đang đóng vai trò gì?
Khi tôi nói chúng ta cần đưa ra các sáng kiến chính trị và ngoại giao, chính xác tôi muốn nói đến nhu cầu chính trị và ngoại giao này. Chúng ta đang đi lui vào quá khứ thay vì dám đi những bước tiến đến một tương lai khác, một tương lai chung sống hòa bình. Thật không may, rõ ràng là chúng ta đã không thể xây dựng lai sau bức tường Berlin sụp đổ, chúng ta đã không thể xây dựng một hệ thống chung sống mới giữa các quốc gia vượt ra ngoài liên minh quân sự hay chủ nghĩa cơ hội kinh tế. Cuộc chiến hiện nay ở Ukraine cho thấy thất bại này trở nên hiển nhiên. Nhưng tôi muốn nói, không bao giờ là quá muộn, không bao giờ quá muộn để xây dựng hòa bình, không bao giờ quá muộn để trở lại trên bước chân của mình, để tìm một thỏa thuận.
Đâu là vai trò của các Giáo hội?
Đứng trước các đe dọa trước mặt, vai trò của tín hữu kitô là hoán cải. Hôm qua tôi được nghe kể, trước sự hiện diện của hồng y Krajewski, đại diện của Đức Phanxicô tại Ukraine, trong một buổi cầu nguyện đại kết, các vị đã xin Chúa tha thứ cho sự khắc nghiệt của trái tim chúng ta, cho tội lỗi chúng ta đã nuôi dưỡng tội ác trên thế giới. Và sau đó cầu nguyện để xin Chúa ban cho hòa bình, để soi sáng tâm trí của những người gây chiến tranh và để giải thoát đau khổ cho người vô tội. Các Giáo hội đã đưa bằng chứng cao đẹp về tình đoàn kết khi giúp đỡ người tị nạn. Tôi cũng tin một điều rất quan trọng, là họ nhất quyết yêu cầu chấm dứt giao tranh: không gì có thể biện minh cho chiến tranh, hận thù và bạo lực.
Hồng y Konrad Krajewski trong buổi cầu nguyện cho hòa bình ở nhà thờ chính tòa Lviv ngày thứ năm 10 tháng 3-2022
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Đức Phanxicô điện thoại cho tổng giám mục Shevchuk: “Tôi sẽ làm những gì có thể làm để chận đứng chiến tranh”