Chiến tranh Ukraine, Vatican muốn gì?

275

Chiến tranh Ukraine, Vatican muốn gì?

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2022-03-04

Ngoại giao Vatican đề nghị công việc trung gian hòa giải giữa Ukraine và Nga. Nhưng Vatican không che giấu các chỉ trích của mình với những người gởi vũ khí đến Kiev.

Đức Phanxicô trong buổi Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật ngày chúa nhật 27 tháng 2-2022. Maria Grazia Picciarella

Vatican có thể làm gì để chống lại cuộc chiến ở Ukraine? Không có một khả năng trừng phạt quân sự hoặc kinh tế nào, Vatican có hai hình thức tấn công. Trước hết, đó là chiều kích thiêng liêng trong hành động của mình, một phần không thể thiếu trong các sáng kiến của Tòa thánh trong trường hợp có các vụ căng thẳng hoặc xung đột.

Như giáo hoàng đã làm năm 2021, cuối tháng 2 năm 2021, ngài kêu gọi ăn chay cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine. Hai hành động ngài cho là “khí cụ tinh thần”, trong ngày thứ tư Lễ Tro, ngày 2 tháng 3 -2022.

 

Chiều kích thiêng liêng

Chính vì chiều kích thiêng liêng này mà Đức Phanxicô đến đại sứ quán Nga ngày thứ sáu 25 tháng 2, vài giờ sau khi cuộc xung đột bắt đầu. Một chuyến thăm được các thủ tướng đánh giá cao khác nhau, trong khi các thủ đô trên toàn thế giới đang nghiên cứu cách trừng phạt Moscow.

Một nhà ngoại giao châu Âu tại Rôma thực tiễn nhận xét: “Đó là hành động ngôn sứ, được đặt trên bình diện thiêng liêng.” Một quan sát viên khác đồng ý: “Chúng ta có thể thấy ở đây cách tiếp cận của một người cầu nguyện”. Nhưng đó cũng là một tín hiệu, một cam kết mạnh mẽ đối với hòa bình, được gửi đến toàn bộ mạng lưới ngoại giao của Vatican. Sau chuyến đi, Đức Phanxicô đã gọi điện cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Trong những ngày gần đây, hồng y Quốc vụ khanh, Pietro Parolin cũng như Bộ trưởng Ngoại giao Paul Gallagher cho biết, họ sẵn sàng “tạo điều kiện cho đối thoại” giữa hai phe tham chiến. Dưới mắt một số nhà ngoại giao, trong tình hình hiện tại ở Ukraine, khả năng này là không thực tế. Một đại sứ ở Vatican đánh giá: “Cử chỉ này đáng để ý, nhưng Vatican không đủ tư cách làm điều này. Vatican đã quá thiên về Ukraine để Nga có thể chấp nhận đề nghị.”

Trên thực tế, hòa giải là đường lối truyền thống của Tòa Thánh. Hòa giải đã thực hiện được ở Bolivia, Colombia và Nicaragua. Nhưng cũng có những quốc gia mà nỗ lực hòa giải chưa bao giờ thành công, như Venezuela. Một giám chức cao cấp của Vatican cho biết: “Chúng tôi đã phỏng tay ở đó.” Ông nhắc lại quy tắc thiết yếu: “Để hòa giải có kết quả, cả hai bên phải đồng ý làm.”

Chống phát vũ khí

Ngoài vấn đề hòa giải, Vatican kêu gọi thiết lập các hành lang nhân đạo để di tản người tị nạn Ukraine, và Vatican cũng lên tiếng, thông qua các nhà ngoại giao của mình, chỉ trích cực kỳ nghiêm trọng trước việc một số quốc gia phương Tây gởi vũ khí hàng loạt đến Ukraine. Theo Vatican, cách làm này chỉ có thể làm tình hình tại chỗ trở nên tồi tệ hơn, và sẽ không hiệu quả trong việc giải quyết xung đột. Một lập trường được Đức Phanxicô ủng hộ: từ vài tháng nay, ngài liên tục lên tiếng chống những người buôn bán vũ khí.

Dù sao, Vatican đang theo sát tình hình ở Ukraine. Tổng giám mục Bộ trường Ngoại giao Gallagher đã đến Nga vào tháng 11. Theo thông tin của chúng tôi, sau đó ngài dự định đến Ukraine vào tháng 2 hoặc tháng 3, cuối cùng chuyến đi bị hủy bỏ vì xung đột bùng nổ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Chiến tranh ở Ukraine: Chủ nghĩa dân tộc tôn giáo