Một tín hữu chính thống sát cánh cùng Ukraine
Suy ngẫm cá nhân về cuộc chiến xâm lăng Ukraine của Nga
Tổng thống Vladimir Putin tặng Thượng phụ Kirill của Matxcơva và toàn nước Nga Huân chương Vì Tổ quốc hạng Nhất ngày 19 tháng 11 năm 2016, trước ngày sinh nhật thứ 70 của Thượng phụ.
publicorthodoxy.org, Tiến sĩ phó tế John Chryssavgis, 2022-02-27
Rất hiếm người, nếu có, lại đi xa đến mức tuyên bố rằng Thượng phụ Kirill, trong tư cách là người đứng đầu Giáo hội chính thống Nga (hay “những nước Nga” như ông thích nói), có thể bị buộc tội chống lại nhân loại hoặc tội ác chiến tranh vì không ngăn chặn hành động xâm lược quân sự vừa bất công vừa không biện minh được, đã cướp đi sinh mạng của những người vô tội chỉ trong vài ngày qua. Đồng thời, nhiều người, nếu không muốn nói là đa số, đồng ý rằng tổng thống Putin nên bị buộc tội với những hành vi tàn ác như vậy.
Tuy nhiên, ngay cả khi vi phạm trắng trợn luật pháp thông thường, Putin sẽ không bao giờ có thể tự mình phá hủy trật tự quốc tế mà không có sự ủng hộ trung thành và hỗ trợ về mặt đạo đức – dù im lặng hay rõ ràng – của một đồng phạm trong tội ác. Cả nhà nước và giáo hội đó đều mơ một thế giới rộng lớn hơn, một nước Nga hoàn vũ, một “Thế giới Nga” (Russkiy Mir). Nhưng khi bỏ găng tay võ đài và lễ phục hào nhoáng, bên này đang dùng bên kia cho lợi ích riêng của mình, cho chủ nghĩa đế quốc hay chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ; và cả hai đều đang thúc đẩy sự chia rẽ trong một thế giới ngày càng phân cực.
Nhà sử học Edward Gibbon (1707-1770) từ xưa đã chế giễu: “Mối liên hệ giữa ngai vàng và bàn thờ quá mật thiết đến mức băng-rôn của nhà thờ ở bên cạnh người dân.” Cuối cùng, với Putin, Giáo hội chỉ đơn thuần là một công cụ, một mũi tên khác trong ống tên của ông nhằm tái thiết Liên bang Xô Viết, một Quốc gia vô thần. Nhưng lần này, dưới vỏ bọc của một chế độ thần quyền kitô giáo được tân trang bằng hình ảnh triều đại Romanov, mà đại bàng-hai đầu đã thay thế búa liềm của Liên Xô trên khắp nước Nga. Thượng phụ Kirill, cũng vậy, cũng rất vui khi buộc chơi trong cỗ máy nhà thờ quyền lực liên kết và hậu thuẫn bởi Nhà nước. Không làm mờ các biên giới giáo hội-nhà nước ở đây. Còn đối với “lính” của họ – những giáo dân chiến binh quân sự và thiêng liêng – chỉ có Chúa biết vì sao người ta nói với họ, họ phải đi chiến đấu.
Dĩ nhiên, câu hỏi cốt lõi là làm sao biết những người còn lại như chúng ta phản ứng như thế nào với ngày 11 tháng 9 này của Âu châu và phần còn lại của thế giới. Bạn bè và đồng nghiệp đã đề cập đến các khía cạnh địa chính trị hoặc các hệ tư tưởng tôn giáo đang đóng vai trò ở đây. Không giảm tội ác khủng khiếp thành cuộc trò chuyện học thuật – dù là xã hội học hay giáo hội học, tâm lý học hay địa chính trị – tôi muốn giới hạn bản thân trong quan điểm và kinh nghiệm cá nhân. Tôi mong độc giả sẽ thông cảm cho sự miễn cưỡng của tôi khi giảng bài hoặc đứng trên quan điểm lịch sử hoặc thần học, hoặc giáo hội học hay giáo luật khi cuộc xâm lược vẫn hoành hành.
Là giáo sĩ, trong đời tôi, tôi chưa bao giờ kinh hoàng như thế trước những phản ứng thê thảm của những người lãnh đạo trong giáo hội tôi trước những sự kiện hiện tại đã xảy ra trong vài năm qua. Cùng lúc với việc họ chuẩn bị các bài giảng trước Mùa Chay về “các đoạn phán xét” trong Phúc âm Thánh Mátthêu 25 hoặc giảng về việc kiêng thịt – họ cho là động vật có xương sống! – họ đưa ra những tuyên bố thiếu cân nhắc nhất về cuộc xâm lược Ukraine của Nga, họ không thể vượt lên để có lời kêu gọi cầu nguyện, họ quên chính Chúa Kitô đã phẫn nộ trước bất công.
Tôi gần như không ngạc nhiên khi gần đây họ phạm các sai lầm về Covid -19, với các phản ứng phi lý đến mức vô trách nhiệm trắng trợn. Nhưng tôi không thể không so sánh đến các lời trấn an lãnh đạm trước những lời cầu nguyện phản ứng sau các vụ xả súng hàng loạt. Dĩ nhiên tôi không thể không thắc mắc tại sao các giám mục tự hào đi diễn hành trong các cuộc tuần hành “quyền được sống” lại không xuống đường vì “quyền bảo vệ” các anh chị em của họ ở Ukraine – đa số là chính thống. Ít nhất thì giáo hoàng Phanxicô cũng đã bước ra văn phòng của ngài, lên chiếc xe Fiat để đích thân kêu gọi đại sứ Nga. Tổng giám mục giáo phận Canterbury Anh dứt khoát lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine là “một hành động xấu xa”. Và tòa thượng phụ đại kết là Giáo hội chính thống duy nhất bên ngoài Ukraine lên án những hành động vô cớ của Nga là “vi phạm nhân quyền và bạo lực tàn bạo đối với con người”.
Thực tế là trong nhiều thế kỷ, các Giáo hội chính thống đã vô cùng thê thảm xem thường việc hướng dẫn hoặc truyền cảm hứng cho các nhà dòng của họ, theo cách có ý nghĩa ảnh hưởng và định hình xã hội dân sự về lập trường của mình trước những thách thức chính trị xã hội hoặc cự lại trước những thất bại của một nhà nước tan vỡ. Sự thật là phần lớn lịch sử, họ đã chịu thua hoặc khuất phục một cách đồi bại trước Nhà nước, hầu như không được bố trí hoặc có đủ năng lực để đứng bên cạnh giáo dân bị phơi bày trước sự bất lực của Giáo hội và sự thiếu hiểu biết của Nhà nước. Thật bi thảm làm sao khi những người không sợ hãi đã đi biểu tình ở Mátxcơva và St Petersburg và các nơi khác ở Nga đã làm lộ rõ hai điều này.
Là người Mỹ, trong đời tôi, tôi chưa bao giờ kinh ngạc đến thế trước sự bùng nổ của các phe ủng hộ và các chỉ trích Putin, người đang phá bỏ các chuẩn mực cơ bản mà trước kia được xem là chuyện đương nhiên. Cũng vậy với sự xung đột ý thức hệ của các quan điểm thế giới được phản ánh trong bối cảnh đất nước chúng ta, nơi các chuẩn mực cơ bản cũng đang bị đe dọa. Tuy nhiên, sự ngưỡng mộ của một số chính trị gia học giả uyên thâm cho rằng chiến lược thông minh hoặc những lý tưởng xứng đáng của Putin là điều gần như chưa từng có, chỉ ngang với sự ngưỡng mộ của một vài tín hữu chính thống đối với đức tin mạnh mẽ và lòng mộ đạo sâu sắc của Putin.
Tôi chân thành hy vọng các đồng hương Mỹ của tôi sẽ không bị ám ảnh về giá xăng, điều mà chính quyền phải xin lỗi công chúng và phe đối lập giảm những cáo buộc chống lại chính phủ. Hy vọng chúng ta đã học được từ cuộc chiến tranh ở châu Âu trong quá khứ về nguy cơ của sự im lặng và thờ ơ, đã chờ đợi quá lâu trước khi đối đầu với Hitler. Hy vọng chúng ta cũng biết được trật tự thế giới – chứ không chỉ tự do của Ukraine – đang bị đe dọa, như Tổng thống Ukraine Zelensky đã dũng cảm nêu rõ trong video ở Kyiv, ông khóc trước vùng đất hoang dã.
Putin đã vi phạm một cách trắng trợn trật tự quốc tế, cũng giống như Kirill đã ngang nhiên phớt lờ trật tự giáo hội, ông phá vỡ sự hiệp thông với tòa thượng phụ đại kết về quyền thuận cho Giáo hội chính thống Ukraine tự trị, một giáo hội can đảm khác ly khai khỏi Kirill’s Russias, tầm ảnh hưởng của Kirill. Phản ứng của cộng đồng toàn cầu (bao gồm cả Hoa Kỳ) sẽ xác định liệu pháp luật có được áp dụng trong dài hạn hay không và như thế nào. Và phản ứng của cộng đồng tôn giáo (bao gồm cả Giáo hội chính thống) sẽ quyết định liệu xem tình yêu và luật pháp có thắng thế về lâu về dài hay không và như thế nào.
Nếu đức tin đã dạy cho tôi điều gì đó, thì đó là, trong kế hoạch vĩ đại của mọi thứ, sự tiến bộ là có thể xảy ra và thậm chí là không thể tránh khỏi. Dù miễn cưỡng hay phản kháng, đến một lúc nào đó, nước Nga buộc phải tự thức tỉnh với giấc mơ lịch sử hoặc phần số ý thức hệ của mình để cùng đi với phần còn lại của thế giới ở thế kỷ 21 này. Cho dù các nhà lãnh đạo chính thống giáo biết điều này hay thích điều này hay không, thế giới có thể lùi lại một bước trong một khoảng thời gian, nhưng nó sẽ luôn tiến thêm nhiều bước hơn nữa.
Lịch sử đôi khi có thể xu nịnh những nhân vật ác độc “tinh vi” – thế tục và thiêng liêng. Nhưng lịch sử không bao giờ xu nịnh những kẻ ác độc vô liêm sỉ – những kẻ thậm chí không thèm giả vờ quyến rũ cử tri của họ. Và nếu thần học đã dạy cho tôi điều gì đó, thì đó là, theo quan điểm sâu rộng của Chúa, cái ác không bao giờ thắng cái thiện. Tội lỗi không bao giờ là lời nói cuối cùng hoặc vĩnh viễn. Sự quỷ quái của Putin cũng không. Sự thụ động Kirill cũng không.
Tiến sĩ John Chryssavgis, phó tế của Tổng giáo phận Chính thống Hy Lạp của Hoa Kỳ. Public Orthodoxy tìm cách thúc đẩy cuộc trò chuyện bằng cách cung cấp một diễn đàn cho các quan điểm đa dạng về các vấn đề đương đại liên quan đến kitô giáo chính thống. Các quan điểm trình bày trong tiểu luận này là của tác giả và không nhất thiết đại diện cho quan điểm của các biên tập viên hoặc Trung tâm Nghiên cứu kitô giáo chính thống.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Làm thế nào Đức Phanxicô đã huy động để chống chiến tranh ở Ukraine
Làm thế nào mà tôn giáo góp phần vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine?