Đức Phanxicô không đặt lại vấn đề về bậc sống độc thân linh mục
Hình minh họa: Đội banh Vatican
“Giáo hội Công giáo, trong khi phản ánh nghiêm túc về tình trạng hiện tại của các linh mục, không định thay đổi giáo lý của mình.”
lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2022-02-18
“Bi kịch cô đơn, cảm nhận một mình, suy mòn trong nhiều nhà xứ.” Đó là những lời Đức Phanxicô lên tiếng trong ngày thứ hai 17 tháng 2 về sự cô lập của các linh mục công giáo do họ giữ bậc sống độc thân. Ngài phát biểu trước bốn trăm linh mục và nhà thần học về Vatican để dự Hội nghị Chuyên đề quốc tế về “thần học cơ bản của chức tư tế”.
Một dịp để ngài có bài phát biểu dài nhất trong triều giáo hoàng của ngài. Và một trong những bài phát biểu có tính cách cá nhân nhất. Từ chối phác thảo một loại “lý thuyết” về chức linh mục với những “cuộc thảo luận bất tận” trên chủ đề này, Đức Phanxicô đã xem lại kinh nghiệm của mình với tư cách là một linh mục, làm sao để tránh “bi kịch của sự cô đơn”.
Nhưng làm thế nào để không rơi vào bẫy này? Ngài cấu trúc bài can thiệp kéo dài gần một giờ đồng hồ của mình bằng cách khuyên các linh mục trau dồi bốn “gần gũi”: gần gũi với Chúa, với “giám mục”, với “các linh mục anh em”, với “dân Chúa” được giao phó.
Trên thực tế, đó là bài phát biểu của sự thật. Con người, giáo hoàng Phanxicô, tu sĩ Dòng Tên, ngài công nhận bản thân ngài đã trải qua “nhiều giai đoạn khác nhau”, gồm những “giai đoạn thử thách, khó khăn và sầu khổ”. Và “đã có bình an” vì ngài đã “chia sẻ cuộc sống” qua lời cầu nguyện và với người khác. Nhưng không bao giờ sống cô lập.
Nhưng không có chỗ nào trong bài phát biểu, ngài đặt vấn đề về kỷ luật sống độc thân của các linh mục trong Giáo hội la-tinh la-mã. Ngài giải thích, nếu sống độc thân là điều không tự nhiên và có thể thành “gánh nặng không thể chịu nổi” hoặc thành một “phản chứng” thì chúng ta có thể sống “thanh thản hơn trong lựa chọn này”, nếu chúng ta tôn trọng một số điều kiện nào đó như “tình huynh đệ linh mục, sự gần gũi giữa các linh mục, mối dây tình bạn chân chính”. Và một đời sống cầu nguyện mãnh liệt: “Nhiều cuộc khủng hoảng chức tư tế có nguồn gốc từ đời sống cầu nguyện nghèo nàn, thiếu thân mật với Chúa, giảm đời sống thiêng liêng xuống như một loại giữ đạo đơn thuần. Tôi nhớ những khoảnh khắc quan trọng trong đời tôi mà sự gần gũi với Chúa mang một ý nghĩa quyết định đã nâng đỡ tôi.” Ngài nhấn mạnh: “Không có mối quan hệ nghiêm túc với Chúa, chức vụ của chúng ta trở nên cằn cỗi”.
Vì thế ngài kết luận: “Độc thân là ơn mà Giáo hội la-tinh gìn giữ, nhưng nếu là ơn thì phải sống như một thánh hóa, đòi hỏi những mối quan hệ lành mạnh, những mối quan hệ có lòng quý trọng thực sự bắt nguồn từ Đức Kitô. Không có bạn bè và không có lời cầu nguyện, độc thân có thể thành một gánh nặng không thể chịu đựng được và là một phản chứng cho vẻ đẹp của chính chức vụ linh mục.”
Đức Phanxicô cũng đã nói như vậy khi ngài trở về từ Ngày Giới trẻ Thế giới Panama tháng 1 năm 2019, sau khi Thượng hội đồng về vùng Amazon bỏ phiếu cho các ông đã lập gia đình được phong chức: “Cá nhân tôi nghĩ, độc thân là ơn cho Giáo hội.” Về việc bãi bỏ độc thân, ngài đảm bảo: “Tôi sẽ không làm. Đó là rõ ràng. Tôi có thể khép kín về vấn đề này, nhưng tôi không muốn đến trước mặt Chúa với quyết định này.” Ngài trích dẫn câu kết của Đức Phaolô VI: “Tôi thà hy sinh đời mình hơn là thay đổi luật độc thân.”
Sáng kiến cho cuộc họp chuyên đề chưa từng có này là sáng kiến của hồng y Marc Ouellet, 77 tuổi, người Canada, phụ trách việc bổ nhiệm và quản lý các giám mục trên toàn thế giới.
Ngài không giấu giếm, thực tế cuộc khủng hoảng tội phạm ấu dâm trong Giáo hội là một trong những động lực thúc đẩy sự cần thiết phải có quan điểm về chức tư tế, nhưng ngài không thừa nhận có mối liên hệ giữa những lệch lạc này và tình trạng độc thân của các linh mục. Tuy nhiên trong phần giới thiệu, ngài ghi nhận “phải quan tâm đến tiếng kêu và sự giận dữ của dân Chúa”, một lần nữa ngài “xin các nạn nhân bị hủy hoại mạng sống tha thứ” bởi “những kẻ tội phạm” đã “được che giấu quá lâu và được đối xử nhẹ” để “bảo vệ thể chế và thủ phạm thay vì bảo vệ nạn nhân”.
Nhưng hồng y Marc Ouellet cũng như giáo hoàng không để mình bị điều kiện hóa bởi những yêu cầu gần đây của Thượng hội đồng Giáo hội Đức – hoặc từ hồng y Luxembourg – trong đó rõ ràng kêu gọi sửa đổi luật độc thân linh mục.
Bài đọc thêm: Hồng y Jean-Claude Hollerich: “Để được nghe, Giáo hội phải thay đổi phương pháp của mình”
Điều này có nghĩa, Giáo hội công giáo khi suy tư nghiêm túc về tình trạng hiện tại của các linh mục, sẽ không thay đổi học thuyết của mình về bậc sống độc thân của linh mục.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Hồng y Ouellet: “Bậc sống độc thân của linh mục là không thể hiểu được nếu không có đức tin”
Đức Hồng y Schönborn: “Độc thân vẫn là hình thức cơ bản của linh mục”