Linh mục Hans Zollner về báo cáo lạm dụng ở Đức, Đức Bênêđíctô XVI và tương lai Giáo hội

104

Linh mục Hans Zollner về báo cáo lạm dụng ở Đức, Đức Bênêđíctô XVI và tương lai Giáo hội

Linh mục Zollner là một trong số hiếm hoi người ở Rôma sẵn sàng phát biểu về báo cáo của Munich

americamagazine.org, Gerard O’Connell, 2022-02-04

Giáo hoàng Bênêđíctô XVI mới được bầu, ngày 19 tháng 4 năm 2005 từ ban công Đền thờ Thánh Phêrô, ngài chào giáo dân. (Ảnh CNS / Kai Pfaffenbach, Reuters)

Trong cuộc phỏng vấn dài trên trang America, linh mục Dòng Tên người Đức Hans Zollner, chuyên gia hàng đầu của Giáo hội trong lãnh vực bảo vệ và che chở trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương khỏi bị lạm dụng, ngài thảo luận bản báo cáo được công bố về tầm mức quy mô của các trường hợp lạm dụng được xử lý tại tổng giáo phận Munich và Freising, phản hồi của giáo hoàng danh dự Bênêđíctô XVI với bản báo cáo, tình hình Giáo hội công giáo ở Đức ngày nay, và Rôma có thể làm gì hơn nữa để loại bỏ nạn dịch này khỏi giáo hội.

Linh mục Zollner là Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Trẻ em thuộc Đại học Giáo hoàng Gregoriana, bây giờ là Viện Bảo vệ An toàn (IADC). Ngài là một trong số hiếm hoi người ở Rôma sẵn sàng phát biểu về báo cáo của Munich, Đức Bênêđíctô XVI và Giáo hội ở Đức. Ngày 28 tháng 1, tôi đã nói chuyện với linh mục trong văn phòng của Viện, tại Collegio Bellarmino.

Báo cáo Munich

Cuộc điều tra về việc xử lý các vụ giáo sĩ lạm dụng trẻ em ở giáo phận Munich và Freising từ năm 1945 đến năm 2019, đã được giáo phận ủy cho công ty luật Westpfahl Spilker Wastl thực hiện vào tháng 2 năm 2020. Báo cáo được trình bày trong một cuộc họp báo tại Munich ngày 20 tháng 1. Kết quả cho thấy ít nhất có 497 người đã bị lạm dụng trong tổng giáo phận trong khoảng thời gian 74 năm. Hầu hết các nạn nhân trẻ tuổi, 247 nam và 182 nữ, 60% trong độ tuổi từ 8 đến 14. Có 235 thủ phạm gồm 173 linh mục, 9 phó tế, 5 nhân viên mục vụ và 48 người trong phạm vi trường học. Báo cáo nêu tên các tổng giám mục và nhà lãnh đạo Giáo hội, những người mà họ phát hiện đã xử lý sai các trường hợp lạm dụng, kể cả hồng y Joseph Ratzinger, giáo hoàng Bênêđíctô XVI tương lai.

Đầu tiên tôi hỏi linh mục Zollner, liệu ngài có nghĩ thiệt hại lớn nhất gây ra cho Giáo hội do việc Đức Bênêđíctô XVI bị xác định là người đã xử lý sai các vụ lạm dụng. Câu trả lời của linh mục thật ấn tượng: “Trong khi hầu hết mọi người đều chú ý đến điểm này, thiệt hại lớn nhất đối với Giáo hội, điều gây sốc nhất, là không có ai – không một ai, bảo thủ hay tự do – trong các tổng giám mục của tổng giáo phận Munich-Freising từ năm 1945 đến năm 2019 đã làm một cách hệ thống những gì phải làm trong việc giải quyết các trường hợp lạm dụng. Ngược lại, họ dứt khoát với giáo dân hơn là với linh mục: khi một giáo dân bị buộc tội, họ loại người này ra khỏi công việc của nhà thờ, nhưng không loại linh mục.”

Tôi ghi nhận ngay từ đầu, một trong những vấn đề chính trong các vụ lạm dụng là đặt thể chế trên nạn nhân. Và linh mục Zollner cũng đồng ý, ngài nói thêm: “Đây là vòng nội bộ, vòng trong nhà: ‘chúng ta tự giải quyết với nhau’”. Ngài nói: “Đối diện với các vấn đề lạm dụng đòi hỏi phải chia sẻ quyền lực, mời các chuyên gia, có các điều trần độc lập. Chúng ta có điều này ở một số nơi trên thế giới ngày nay, nhưng chúng ta cũng cần có chiến lược cá nhân, cho truyền thông, v.v. Đây là lời kêu gọi Giáo hội phải mở ra, không ở trong não trạng pháo đài”.

Khi tôi nêu nhận xét tiến trình thượng hội đồng do Đức Phanxicô bắt đầu nhằm mục đích đạt được điều này, linh mục Zollner nói: “Đúng, nó kết hợp rất tốt”. Tuy nhiên, ngài nói thêm, thách thức cốt lõi “là mối quan hệ giữa Giáo hội và thế giới”, một vấn đề mà “Công đồng Vatican II đã bắt đầu giải quyết, nhưng chúng ta đã không tuân theo điều này, và do đó, tâm lý phòng thủ của thế kỷ 19 vẫn tồn tại, như hồng y Martini đã nhận xét khi ngài nói, Giáo hội đi sau thời đại 200 năm”.

Từ kinh nghiệm nhiều năm trong lãnh vực này, linh mục Zollner cho biết, ngài hiểu “trong vấn đề lạm dụng và che giấu, chúng ta thấy đời sống nằm trong “sự tập trung” (‘brennpunkt’, từ tiếng Đức có nghĩa là ‘tập trung’); những vấn đề lớn tập trung ở đó – tình dục, tiền bạc, quyền lực, khả năng lãnh đạo, các mối quan hệ, quan hệ với nhà nước, với các chuyên gia bên ngoài, với giới truyền thông, và vì thế công việc của chúng tôi ở Viện Bảo vệ An toàn chúng tôi không chỉ về lạm dụng tình dục mà còn về cấu trúc, hệ thống (lạm dụng), trách nhiệm, tính minh bạch và nhiều vấn đề khác. Nói cách khác, “lạm dụng và tất cả những mưu mô sai trái có thể được xem là một mô hình thu nhỏ của những thách thức mà Giáo hội ngày nay phải đối diện”.

Giáo hoàng danh dự Bênêđíctô XVI

Hồng y Ratzinger là tổng giám mục giáo phận Munich và Freising từ năm 1977 đến năm 1982, và các luật sư điều tra tổng giáo phận đã thấy ngài sơ suất trong bốn trường hợp. Cũng như với những người khác mà họ thấy bị sai, họ đã gởi cho ngài các câu hỏi liên quan đến bốn trường hợp đó và xin ngài trả lời.

Văn phòng luật sư gởi các câu hỏi đến Đức Bênêđíctô XVI  kèm theo các tài liệu liên quan. Hãng tin công giáo Đức KNA cho biết, tổng giám mục Georg Gänswein, thư ký riêng của Đức Bênêđíctô XVI đã nhờ một linh mục và là luật sư Đức, Stefan Mückl, giáo sư tại Đại học Opus Dei, Santa Croce ở Rôma, cùng luật sư giáo dân người Đức, Carsten Brennecke, của văn phòng luật sư Cologne đang bào chữa cho hồng y Rainer Woelki về các vấn đề liên quan đến quản trị trong giáo phận giúp. Khi được yêu cầu xem các câu hỏi dựa trên tài liệu, ban đầu các luật sư khuyên không nên trả lời, nhưng sau đó họ quyết định làm việc để chuẩn bị câu trả lời đó. Linh mục Zollner tin rằng: “Trên nguyên tắc, như thế là tốt, Đức Bênêđíctô XVI có thiện chí hợp tác, cho thấy ngài xem trọng vấn đề này.”

Đức Bênêđíctô XVI “sáng suốt” và “có trí nhớ dài hạn rất tốt”, những người đến thăm ngài dịp lễ Giáng Sinh vừa qua nói với cha Zollner, và ngài đã ký tên vào 82 trang trả lời gởi đến cho công ty luật khoảng ngày 15 hay 16 tháng 12 và nhận trách nhiệm về chúng. Vatican không can dự vào việc chuẩn bị hoặc phê duyệt các câu trả lời và hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin chỉ được biết tin vào khoảng lễ Giáng Sinh.

Cũng như nhiều người khác, cha Zollner cho rằng các cố vấn của Đức Bênêđíctô XVI đã không phục vụ ngài tốt.

Sau khi đọc các câu hỏi và câu trả lời của giáo hoàng danh dự, cha Zollner cũng như nhiều người khác kết luận, các cố vấn của Bênêđíctô XVI đã không phục vụ ngài tốt. Linh mục đã nhận ra các vấn đề khác nhau qua bản trả lời dài 82 trang, rõ ràng là bản trả lời không do Đức Bênêđíctô XVI viết. Điều này thấy rõ ngay vì các câu trả lời được viết bằng tiếng Đức khác phong cách Đức Bênêđíctô XVI thường viết.

Linh mục Zollner cho biết, vấn đề đầu tiên của câu trả lời liên quan đến thực tế, Đức Bênêđíctô XVI trả lời trong tư cách là tổng giám mục của Munich (1977-82), ngài bị chi phối bởi “thời” – trong khi từ trước đến nay, ngài luôn nhấn mạnh, với tư cách là tín hữu kitô, chúng ta không nên chịu ảnh hưởng của “thời” vì chúng ta có các giá trị và tiêu chuẩn đạo đức độc lập với thời. Hơn nữa, trong một bài báo vào tháng 4 năm 2019, ngài đã buộc tội những người theo “thời” của những năm 1960 cho những vụ bê bối lạm dụng trong Giáo hội.

Cha Zollner nói, vấn đề thứ hai là vấn đề liên quan đến cách tiếp cận mà câu trả lời dành cho các câu hỏi đạo đức và giáo luật. Câu trả lời có chữ ký của ngài, nói rằng thủ dâm trước mặt các cô gái mà không đụng chạm thì không phải là lạm dụng tình dục. Cha Zollner nói, một số nhà giáo luật lập luận rằng việc xác định lạm dụng tình dục là tội vi phạm điều răn thứ sáu, để tránh giảm nó thành một định nghĩa pháp lý hẹp và tạo cơ hội để áp dụng nó phù hợp hơn vào tình huống cụ thể, trong trường hợp này, điểm này được dùng để cố ý tránh nói đó là một hành vi phạm tội tình dục.

Vấn đề thứ ba là câu trả lời của Đức Bênêđíctô XVI cho rằng giám mục không chịu trách nhiệm về một linh mục lạm dụng “ở nơi riêng tư”, nghĩa là khi đương sự không mặc phẩm phục và vì thế không được công nhận là  linh mục. Cha Zollner hỏi liệu điều này có nghĩa là chức tư tế có liên quan đến y phục của giáo sĩ hay không. Hơn nữa, câu trả lời này cho thấy sự “mâu thuẫn” với thần học của ngài và thần học về Bí tích Truyền chức thánh. Vì thế linh mục Zollner nói: “Chắc chắn không phải từ ngài dù ngài đã ký.”

Đức Bênêđíctô XVI nên khiêm tốn và đơn giản nói như,“Tôi có thể đã phạm sai lầm, tôi xin được tha thứ về điều này, tôi xin các nạn nhân tha thứ.”

Nhấn mạnh đến vấn đề thứ tư, cha Zollner cho biết ngài “kinh ngạc” dù tổng giám mục Gänswein và các luật sư giúp Đức Bênêđíctô XVI đã nhận tài liệu liên quan, gồm biên bản cuộc họp ngày 15 tháng 1 năm 1980 cho thấy hồng y Ratzinger có tham dự buổi họp bàn về trường hợp linh mục lạm dụng Peter Hullerman ở giáo phận Essen xin được chuyển về giáo phận Munich để trị liệu tâm lý. Tuy nhiên, trong câu trả lời, Đức Bênêđíctô XVI “tuyên bố ba lần ngài không có mặt trong buổi họp này.” Tuy nhiên, sau khi báo cáo được công bố, Đức Bênêđíctô XVI đã trở lại vấn đề và thừa nhận ngài có mặt nhưng lại cho rằng đây là “lỗi do biên tập”.

Khi được hỏi cha mong chờ gì về Đức Bênêđíctô XVI, vì theo lời tổng giám mục Gänswein, Đức Bênêđíctô XVI đọc bản thảo cẩn thận và chuẩn bị trả lời. Cha Zollner lặp lại những gì cha đã tuyên bố trước đây: cha nghĩ Đức Bênêđíctô XVI nên nói một cái gì khiêm tốn và đơn giản như, “Tôi có thể đã phạm sai lầm, tôi xin được tha thứ về điều này, tôi xin các nạn nhân tha thứ.” Cha nghĩ trong lúc này, cố gắng thảo luận về các chi tiết sẽ được xem là một cố gắng tự biện minh. Ngoài ra, cha cũng lưu ý, một số giám mục đã công khai tuyên bố Đức Bênêđíctô XVI nên đơn giản thừa nhận những sai lầm của mình và xin tha thứ.

Giáo hội ở Đức

Khi tôi hỏi cha Zollner về những gì cha thấy đang xảy ra ở Giáo hội Đức do tác động của các vụ lạm dụng, cha nói “rất nhiều người bỏ nhà thờ”, cộng thêm với đại dịch, nên nhiều người sẽ rời Giáo hội và không quay trở lại nữa. Vì số lượng người tuyên bố mình là thành viên của Giáo hội công giáo Đức “ngày càng giảm” nên cha nghĩ sẽ có tác động tiêu cực đến tài chính của Giáo hội và điều này sẽ có tác động rộng hơn vì Giáo hội công giáo Đức là một trong ba nhà tài trợ hàng đầu cho Vatican và cho sứ vụ của các giáo hội.

Cha Zollner cho biết thêm, vì họ có cảm tưởng thiếu lãnh đạo trong giáo hội địa phương, giáo dân thấy họ cần phải cố gắng ăn năn hoán cải nên chẳng hạn, có ít nhất một giáo xứ ở miền bắc Bavaria “đã hủy thánh lễ trong ba ngày chúa nhật liên tiếp trong tình liên đới với các nạn nhân”.

Linh mục cho biết tiếp, các cuộc điều tra tương tự như ở Munich hiện đang được thực hiện ở các giáo phận khác của Đức, như một phần tiếp theo của báo cáo năm 2018 và có thể mong đợi nhiều tin tức đáng lo ngại hơn trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, cha dự đoán các dữ liệu trong các báo cáo tương lai – những báo cáo tiếp theo được dự đoán từ Freiburg và Münster – không chắc khác nhiều so với những gì chúng ta đã thấy: nói cách khác, các cáo buộc lạm dụng là từ 3 đến 5% linh mục giáo phận, với đa số xảy ra trong những năm 1960 và 1970. Hầu hết những kẻ lạm dụng ở độ tuổi từ 35 đến 50, trong khi hầu hết nạn nhân là trẻ em nam hoặc thanh thiếu niên, đặc biệt là trong những thập niên giữa 1945 đến năm 2020. Cha nói: “Chúng ta không có cách nào khác là minh bạch về số lượng lạm dụng, sớm muộn gì nó cũng sẽ xuất hiện, vì vậy chúng ta không nên tìm cách phủ nhận nó.”

Chúng ta không có cách nào khác là minh bạch về số lượng lạm dụng, sớm muộn gì nó cũng sẽ xuất hiện, vì vậy chúng ta không nên tìm cách phủ nhận nó.”

Tôi ghi nhận ở Chilê có bảy giám mục đã được giáo hoàng chấp nhận đơn từ chức sau khi vụ bê bối lạm dụng bùng ra năm 2018, và ở Ba Lan, mười giám mục đã được yêu cầu từ chức do bê bối lạm dụng ở đó, nhưng cho đến nay chưa có giám mục Đức nào từ chức.

Tôi nhớ khi vụ bê bối lạm dụng bùng ra ở Boston năm 2002 và có nhiều người xin hồng y Bernard Law từ chức, tôi đã hỏi hồng y người Mỹ James Stafford, khi đó đang làm việc tại Vatican, ngài nghĩ hồng y Law có nên từ chức không. Ngài trả lời, nếu một giám mục làm mất lòng tin của các linh mục và giáo dân của mình thì giám mục đó  nên từ chức. Cha Zollner cho biết ông đồng ý với mẫu mực này, cha nói thêm: “Có một người nào đó có quyền nên bảo giám mục đó từ chức nếu bản thân giám mục không nhận ra.”

Trong cuộc phỏng vấn ngày 26 tháng 1 với hãng tin công giáo của Đức, cha Zollner nói: “Trong Giáo hội, nhiều người có khuynh hướng nói mình chỉ là một bánh xe nhỏ. Điều này cũng có thể thấy nơi các giám mục nói, tôi từ chức, nhưng giáo hoàng không cho phép. Thay vào đó, họ nên đủ là người để nói, dù giáo hoàng có nói gì bây giờ, tôi không thể làm nhiều hơn, và tôi không muốn làm nhiều hơn.” Trong cuộc phỏng vấn với trang America, linh mục nói: “Nếu tôi (giám mục) bị mất uy tín, giáo hoàng có thể nói những gì ngài muốn nói, nhưng nếu lương tâm tôi nói với tôi, rằng tôi không thể tiếp tục thì tôi nên nói như vậy và ra đi.”

Nhưng cha Zollner nói: “Tôi không nghĩ bản thân sự từ chức sẽ thay đổi tình huống. Từ chức để từ chức – không! Nhưng như tôi đã nói, có một số người đã mất uy tín với dân Chúa và tôi không nghĩ rằng điều này có thể được hàn gắn.”

Cũng theo đường hướng này, cha nhắc lại, sau khi báo cáo được công bố, hồng y Marx, tổng giám mục đương nhiệm của Munich và Freising, không loại trừ khả năng ngài sẽ từ chức – ngay cả sau khi đơn xin từ chức của ngài đã bị Đức Phanxicô từ chối vào mùa hè. Trả lời về bản báo cáo Munich, linh mục nói: “Đó là câu hỏi mở, đặc biệt là sau những gì ngài đã hứa”. “Trong mọi trường hợp, chậm nhất là sau một năm, ngài sẽ xem lại như ngài đã nói, và ngài sẽ chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm hoặc chưa làm. Chúng tôi thậm chí có thể nghĩ, một khi ngài đã hoàn thành nhiệm vụ, ngài có thể nói, ‘Tôi đã làm xong phần việc của tôi và bây giờ tôi là linh mục quản xứ ở Upper Bavaria”.

Con đường phía trước

Cha Zollner tin rằng, con đường phía trước là con đường cực kỳ quan trọng với Giáo hội ở Đức và các nơi khác, đó là mạnh mẽ thực hiện những thay đổi trong luật Giáo hội do Đức Phanxicô và các vị tiền nhiệm của ngài đưa ra, và đặc biệt là tự sắc Các con là Ánh sáng Thế gian (Vos Estis Lux Mundi) công bố năm 2019. Linh mục Zollner tin rằng nếu tự sắc này được các giám mục và các bề trên dòng trên thế giới thực hiện đầy đủ thì sẽ thay đổi cách thức quản lý các cáo buộc lạm dụng, bảo vệ người khiếu nại, thực thi trách nhiệm, loại bỏ che giấu và giúp mang lại công lý cho các nạn nhân.

Cha cũng cho rằng “các giáo hội địa phương nên chịu trách nhiệm nhiều hơn trong lĩnh vực này và những lĩnh vực khác”. Linh mục Zollner cho rằng “các giám mục và hội đồng giám mục nên có nhiều trách nhiệm hơn trong việc tổ chức đời sống giáo hội tại quốc gia của họ và quyết định, chẳng hạn những vai trò nên được giao cho phụ nữ trong đời sống của giáo hội.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Linh mục Zollner, chuyên gia bảo vệ trẻ em của Vatican: “Các giám chức nên xin lỗi vì đã che đậy lạm dụng”

Phỏng vấn đầy đủ với Linh mục Hans Zollner: Đối đầu với thực tế của các vụ lạm dụng