Đức Bênêđíctô XVI trong cơn lốc

81

Đức Bênêđíctô XVI trong cơn lốc

cath.ch, Maurice Page, 2022-02-03

 Đức Bênêđíctô XVI ở Anh tháng 10 năm 2010, ngài có rất nhiều bài diễn văn nói lên quyết tâm chống các vụ lạm dụng | © Flickr/© Mazur/www.thepapalvisit.org.uk/CC BY-NC 2.0

Với một số người, ngài là người che giấu và nói dối, với một số người khác, ngài là chiến sĩ kiên cường trong cuộc chiến chống nạn lạm dụng tình dục trong Giáo hội, bây giờ giáo hoàng danh dự là tâm điểm của cơn lốc. Vượt ra khỏi con người của ngài, những lời chỉ trích liên quan đến thái độ chung của hệ thống phẩm trật công giáo đối với nạn lạm dụng.

Bị liên quan trực tiếp đến bản báo cáo trong việc quản lý các vụ lạm dụng ở tổng giáo phận Munich-Freising, hồng y Joseph Ratzinger đứng đầu tổng giáo phận từ năm 1977 đến năm 1982, đã buộc phải đính chính lời khai ban đầu của ngài, ngài đã có mặt trong cuộc họp ngày 15 tháng 1 năm 1980 khi thảo luận về linh mục ấu dâm trong tổng giáo phận của ngài.

“Sự tổn hại là rất lớn. Đối với các nạn nhân bị lạm dụng, họ cảm thấy mình bị xúc phạm. Vì danh tiếng của Giáo hội công giáo ở Đức” – Peter Seewald

Đính chính này là đề tài bình luận của các báo trên khắp thế giới. Một số tố cáo ngài là người che giấu và nói dối, một số khác biện hộ cho ngài, xem ngài là người tiên phong trong cuộc chiến chống lạm dụng tình dục trong Giáo hội.

Giám mục Georg Bätzing, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức không dịu dàng với đồng hương của mình: “Ngài phải nói lên, ngài phải xem thường các cố vấn của ngài, và ngài phải nói, cơ bản, đơn giản và thiết yếu: Tôi đã phạm lỗi lầm, tôi đã phạm sai lầm. Tôi xin những người có liên quan thứ lỗi. Không có cách nào khác hơn”.

“Tổn hại là rất lớn,” ông Peter Seewald, bạn và là người viết tiểu sử ‘chính thức’ của hồng y Joseph Ratzinger thừa nhận. “Đối với các nạn nhân bị lạm dụng, họ cảm thấy mình bị xúc phạm. Vì danh tiếng của Giáo hội công giáo ở Đức”.

Lối làm việc không chuyên nghiệp của các cố vấn

Ông Seewald trách cứ các cố vấn của Đức Bênêđíctô XVI, cho thấy “lối làm việc không chuyên nghiệp trong các vấn đề pháp lý và phương tiện truyền thông”. Biên bản ghi nhớ, giao cho các chuyên gia ở Munich, đã nêu không chính xác chi tiết hồng y Joseph Ratzinger không dự cuộc họp tháng 1 năm 1980, cuộc họp này quyết định đưa linh mục lạm dụng H. nhập giáo phận Munich, đây là việc làm cẩu thả của các cố vấn của ngài.

Tượng đồng của Đức Bênêđíctô XVI tại Nhà thờ Munich ¦ © Bernard Litzler

Theo ông Peter Seewald, cả Đức Bênêđíctô XVI và cả nhóm của ngài không ý thức rõ chiều kích của vụ việc sẽ liên quan đến toàn Giáo hội. Và rằng câu trả lời viết không thể nói lên hết sự tinh tế của pháp luật. Nhưng đúng hơn nên là một văn bản được công bố rộng rãi và phải chứa một thông điệp về sự xấu hổ, lòng trắc ẩn đối với các nạn nhân và trách nhiệm đối với sự thất bại của chính mình và sự thất bại của những người lãnh đạo Giáo hội.

Ông Peter Seewald cũng chỉ trích văn phòng luật sư Westpfahl Spilker Wastl (WSW), chịu trách nhiệm viết báo cáo, đã có ý nhắm vào giáo hoàng danh dự: “Thông báo của “chuyên ngành đặc biệt” dài 350 trang dành cho 5 vụ trong suốt 74 năm thời gian nghiên cứu, các luật sư muốn nhắm đến: Joseph Ratzinger”.

Một cuộc chiến thần học

Những người khác còn đưa ra các giả định ác ý hơn. Đối với ông Damian Thompson, chủ bút tạp chí Anh The Catholic Herald thì có “những bằng chứng không chối cãi cho thấy một cuộc chiến tranh thần học đang diễn ra ở đây bằng những phương tiện khác. Những người công giáo theo chủ nghĩa tự do đang trả thù các cựu đồng minh cũ và những người chỉ trích chủ nghĩa truyền thống đối với Đức Phanxicô”. Chỉ cần nhìn vào “cách lồng ghép câu chuyện một cách xảo trá của các nhà báo người Đức chống hồng y Ratzinger và các liên hệ tự do của họ trong Giáo hội công giáo là rõ”.

“Sai lầm lớn nhất của ngài là đi theo đồng thuận của thời, rằng tội phạm tình dục có thể chữa được.” Damian Thompson

Ông Thompson cho biết thêm, ngài bị cáo buộc có hành vi sai trái trong bốn trường hợp, “không có trường hợp nào liên quan đến lạm dụng tình dục trong thời ngài ở giáo phận Munich.” Theo ông, cuộc điều tra không cho thấy điều gì để áp đảo danh dự của giáo hoàng. “Sai lầm lớn nhất của ngài là đi theo đồng thuận của thời, rằng tội phạm tình dục có thể chữa được.”

Khó khăn khi lên chương trình cải cách

Ông Ed Condon của trang web bảo thủ Mỹ The Pillar tóm tắt, theo nhiều cách, những gì đã xảy ra trong và sau thời gian Joseph Ratzinger ở Munich đã tổng hợp những gì sai trái trong việc Giáo hội xử lý các trường hợp lạm dụng, trên toàn thế giới, trong hậu bán thế kỷ trước, và khó khăn trong việc thực hiện các cải cách thực sự trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21.

Ở các nước phương Tây, việc các linh mục bị phát hiện là thủ phạm lạm dụng tình dục thường được giải quyết theo cách “mục vụ”, thường liên quan đến việc đưa đi lượng định và điều trị tâm lý, sau đó trở lại công việc mục vụ và vài tháng hoặc vài năm sau họ tái phạm. Ông Ed Condon nói tiếp, thường là phục hồi chức năng “trị liệu”, thay vì truy tố theo giáo luật.

Ông David Gibson của trang The Conversation lên án, Đức Ratzinger và các nhà lãnh đạo Giáo hội thường xem đây là vấn đề thiêng liêng. Các vị chỉ trích giới thế tục và sự sụp đổ đạo đức “chưa từng có” trong những năm 1960 và 1970, bao gồm cả việc chấp nhận đồng tính khi các vụ lạm dụng rõ ràng đã có từ trước đó.

“Bây giờ chúng tôi biết rằng hồng y Ratzinger sẵn sàng nói dối công khai để trốn trách nhiệm” – Doris Reisinger

Bước ngoặt trong nhận thức của Đức Bênêđíctô

Nhà thần học người Đức Doris Reisinger, 39 tuổi, bản thân là nạn nhân của lạm dụng tình dục trong một dòng tu mong đợi một bước ngoặt trong nhận thức của Đức Bênêđíctô XVI. Bà nói với báo Kölner-Stadt Anzeiger: “Bây giờ chúng tôi biết hồng y Ratzinger sẵn sàng nói dối công khai để trốn trách nhiệm.” Theo cách mà Giáo hội đối phó với lạm dụng và những người liên quan, “lô-gích lạnh lùng của luật hình sự giáo hội tiếp tục chiếm ưu thế.” Những người liên quan mong chờ được giải quyết trong sự ngờ vực cơ bản. Theo bà Reisinger, cần phải thay đổi hệ thống – ngoài việc sửa chữa – để chấm dứt các yếu tố có lợi cho sự lạm dụng trong Giáo hội.

“Đức Gioan-Phaolô II đã cấm điều đó”

Từ hồng y Joseph Ratzinger, ở tổng giáo phận Munich chưa đầy năm năm, sự chỉ trích lập tức chuyển sang hồng y Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin và giáo hoàng Bênêđíctô XVI.

Cựu linh mục và thần học gia bất đồng chính kiến Eugen Drewermann, người đã rời Giáo hội năm 2005 khẳng định: “Những gì vừa công bố không phải là một phần trăm của thực tế. Ratzinger có thể đã bất cẩn trong một trường hợp lạm dụng mà ngài có thể hoặc lẽ ra phải ngăn chặn và tuyên bố ngài không nhớ. Sự thật, trong cương vị là bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin tại Vatican, trong những năm tháng này ngài đã bận rộn để trả lời các đơn thỉnh cầu từ các nạn nhân bị lạm dụng. Nhưng ngài không thể làm vì Đức Gioan-Phaolô II ngăn cấm.”

 “Họ là vấn đề”

Nhà báo David Von Drehle bình luận trên trang Washington Post: “Bất cứ ai mở mắt đều có thể thấy, hệ thống cấp bậc của Giáo hội công giáo chưa bao giờ đánh giá thấp vấn đề các linh mục là những kẻ săn mồi tình dục. Họ không ngạc nhiên. Trong bao nhiêu thập kỷ, các nhà lãnh đạo Giáo hội đã biết vấn đề này có tầm mức rộng lớn như thế nào và vấn đề đã phá huỷ từ giáo xứ khiêm tốn đến đỉnh cao của Rôma.”

Ông khắt khe kết luận: “Các giáo dân công giáo sáng suốt ngày càng hiểu, việc tìm đến một linh mục, giám mục hay cả giáo hoàng để được hướng dẫn và xem đó là tấm gương đạo đức là một sai lầm nguy hiểm. Nhiều thế hệ của những người này đã đưa Giáo hội đến cuộc khủng hoảng lớn nhất từ khoảng 500 năm nay – và họ không thể giải quyết vấn đề uy tín và trách nhiệm vì một lý do đơn giản: họ là vấn đề.”

 Tổ chức bảo vệ 

Tuy nhiên Đức Bênêđíctô XVI cũng đã tìm được nhiều người ủng hộ, những người thậm chí tiên đoán trước cuộc điều tra ở Munich. Tháng 3 năm 2021, tuần báo công giáo bảo thủ Bavaria Tagespost đã đăng một hồ sơ đặc biệt dài 42 trang để giải thích mức độ hành động của Đức Bênêđíctô XVI trong cuộc chiến chống lạm dụng tình dục.

“Báo cáo Munich không phân biệt giữa sự kiện, giả định và phán xét đạo đức” – Manfred Lutz

Trong một chuyên mục dành cho trang Neue Zürcher Zeitung, bác sĩ tâm thần Manfred Lütz, nhà tâm lý trị liệu, nhà thần học, thành viên từ năm 1997 của Học viện Giáo hoàng về Sự sống và của Bộ Giáo dân, Gia đình và Cuộc sống, kể lại sự hợp tác của ông với Joseph Ratzinger theo cách chưa từng có cho tổ chức hội nghị chuyên đề đầu tiên tại Vatican, về lạm dụng tình dục năm 2003 theo lời khuyên của một số hồng y ở Giáo triều. Ông Manfred Lütz tố cáo “việc dựng kịch đáng lo ngại” trong việc công bố báo cáo Munich, họ đã “không phân biệt được giữa sự kiện, giả định và phán xét đạo đức. Chỉ có một điểm rõ ràng: hồng y Ratzinger được cho thấy một cách thuyết phục là đã nói dối về việc ngài có dự cuộc họp, và một trong những câu trả lời của ngài là ngài đánh giá thấp việc phô trương thô tục. Các phán xét sau đó có thể đoán trước được…”

Các thành viên của báo “Neue Ratzinger Schülerkreis” lấy làm tiếc về sự mất uy tín không chỉ đối với cá nhân hồng y Joseph Ratzinger, mà còn về công việc của ngài trong cương vị mục tử và công trình thần học vĩ đại của ngài.

Nhóm nhắc lại, trong số những việc khác, những chuyến đi nước ngoài của ngài, Đức Bênêđíctô luôn “hết sức tìm cách gặp nạn nhân các vụ lạm dụng và cảm thấy xấu hổ cho những tội ác đã phạm này.” Giới sinh viên cũng đã công bố lịch trinh các hành động chống lạm dụng của hồng y Joseph Ratzinger.

Đức Bênêđíctô XVI nói về các vụ lạm dụng

Thư của Đức Bênêđíctô XVI gởi tín hữu công giáo ở Ai-len ngày 19 tháng 3 năm 2010:

“Cũng như các bạn, tôi vô cùng xúc động trước những tin tức liên quan đến việc lạm dụng trẻ em và những người trẻ dễ bị tổn thương do các thành viên của Giáo hội ở Ai-len đặc biệt là do các linh mục và tu sĩ làm. Tôi chỉ có thể chia sẻ sự thất vọng và cảm giác bị phản bội mà nhiều người trong số các bạn đã cảm thấy khi nghe về những hành động tội ác và tai tiếng này, cũng như cách mà các nhà chức trách Giáo hội Ai-len đã giải quyết.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm:  Đức Bênêđíctô XVI bị chỉ trích trong các tuyên bố lạm dụng tình dục

Đức Bênêđíctô XVI nhìn nhận một lời chứng sai lầm trong vụ lạm dụng ở Đức