Vòng ôm mới giữa Giáo hoàng và bà Edith Bruck: truyền Ký ức cho người trẻ

142

Vòng ôm mới giữa Giáo hoàng và bà Edith Bruck: truyền Ký ức cho người trẻ

Trong Ngày Tưởng niệm sự diệt chủng người Do thái, Đức Phanxicô đã tiếp nhà văn Hungary, Edith Bruck, người sống sót sau trại Auschwitz. Hơn một giờ trò chuyện, với những giai thoại, kỷ niệm và trao đổi quà tặng, trước sự hiện diện của bà Olga, thư ký người Ukraina của nhà văn và ông Andrea Monda, giám đốc nhật báo L’Osservatore Romano.

vaticannews.va, Salvatore Cernuzio, Vatican, 2022-01-27

Đức Phanxicô và bà Edith Bruck, người sống sót sau trại diệt chủng người Do thái Auschwitz

Tình cảm đã gắn kết giữa Đức Phanxicô và bà Bruck đã có từ chuyến thăm đầu tiên ngày 20 tháng 2 năm 2021, hôm nay được gói ghém trong chiếc khăn len ngài choàng lên vai bà: “Khăn này để sưởi ấm vì bây giờ trời lạnh.”

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô thăm bà Edith Bruck, người sống sót của Trại tập trung Auschwitz

Bà Edith Bruck, 90 tuổi, người Hungary nhập quốc tịch Ý, bà sống sót sau nỗi kinh hoàng của sáu trại tập trung, một nhân chứng quý giá của thời đại chúng ta và là một nhà văn nổi tiếng quốc tế, ngay từ đầu bà cố gắng kềm nước mắt. Bà cảm động trước sự dịu dàng với người bà luôn ngưỡng mộ, người mà cả hai có một tình bạn qua các bức thư và điện thoại trao đổi.

Tuổi trẻ và ký ức

Sự dịu dàng được thấy qua vòng ôm khi Đức Phanxicô đón bà ở Nhà Thánh Marta vào ngày mang tính biểu tượng, ngày tưởng niệm các nạn nhân của vụ diệt chủng Do thái. Buổi gặp kéo dài một giờ với sự hiện diện của bà Olga, thư ký người Ukraina của nhà văn, và ông Andrea Monda, giám đốc nhật báo L’Osservatore Romano, người ghi lại các chi tiết buổi gặp.

Có rất nhiều bài phát biểu, giai thoại và kỷ niệm được gợi lên, nhưng trên hết là chủ đề Ký ức và tầm quan trọng của việc trao truyền Ký ức này cho thế hệ trẻ, họ không biết về lịch sử và bị dằn vặt bởi bóng ma của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bài Do thái dường như đang trỗi dậy.

Văn phòng Báo chí Vatican cho biết: “Cả hai đều nhấn mạnh đến giá trị không thể chối bỏ của việc truyền cho các thế hệ sau ký ức về quá khứ, ngay cả trong những khía cạnh đau đớn nhất của nó, để không rơi vào những thảm kịch tương tự”.

Trong cuộc phỏng vấn với Vatican News hôm qua, bà Bruck nói: “Con người đã không học được bài học từ những hành vi sai trái của họ. Họ đã không học được bài học từ trại Auschwitz cũng như ở Việt Nam.”

Bà Bruck, người đã lọt vào vòng chung kết Giải thưởng Strega Giovani, đã nói với Đức Phanxicô tất cả những gì bà làm. Không những bà tham dự vào các sự kiện quan trọng, trả lời hàng trăm cuộc phỏng vấn trong những ngày gần đây nhân sự kiện này và nhất là bà đã đến các trường học ở Rôma để nói chuyện với trẻ em, kể cho các em nghe những gì bà đã thấy, bà đã mất, những gì bà đã khám phá. Một công việc cơ bản cho xã hội, nhưng cũng cho chính bà. Bà nói với Đức Phanxicô: “Nó làm cho tôi được khỏe.” Và Đức Phanxicô trả lời, công việc làm cho chúng ta trẻ lại. Điều làm cho bà khích lệ là thấy lời của Đức Phanxicô có “tác dụng phi thường” trên người trẻ. Bà nói: “Tôi muốn nói với các bậc cha mẹ rằng con cái của họ tốt hơn là họ nghĩ.”

Sau đó, Đức Phanxicô lặp lại như ngài đã lặp lại nhiều lần trong các bài phát biểu với các người trẻ, điều cốt yếu là có được sự giao tiếp thực sự giữa cha mẹ, ông bà, con cháu, giữa người lớn tuổi và thế hệ trẻ.

Món quà “bánh mì tìm lại được”

Buổi nói chuyện kéo dài lâu và chỉ dừng lại khi trao quà, bà Bruck xúc động mạnh khi Đức Phanxicô tặng chiếc bánh mì xoắn nấu tại nhà. Đó là “Chiếc bánh mì bị mất”, tên quyển tiểu thuyết nổi tiếng của bà, mẹ của bà đã nướng trước khi quân Đức Quốc xã mang đi, và bây giờ được gọi là “chiếc bánh mì tìm lại được”. Có lẽ đó là biểu tượng của một bình an tâm hồn đã tìm lại được, dù ký ức quá khứ vẫn còn sống. Mọi người có mặt đều nếm thử một miếng.

Ngoài chiếc khăn choàng, Đức Phanxicô còn tặng bà chiếc mề-đai được làm cho ngài ở Giêrusalem, món quà đã làm cho bà rất cảm động.

Bà Bruck tặng cho Đức Phanxicô hai quyển sách, một ấn bản mới “Những bức thư gởi cho mẹ tôi” và một tập thơ của nhà thơ Hungary, Miklós Radnóti, “mà sự nghiệp rực rỡ – như Đức Phanxicô đã nhắc lại ở Budapest – đã bị gián đoạn do lòng căm thù mù quáng chỉ vì ông là người Do thái, ông không được dạy học và sau đó ông bị tách khỏi gia đình. Các bài thơ được bà Bruck dịch và hiệu đính.

Một vòng ôm và một lời cầu nguyện cho Ukraina

Một vòng ôm khác đánh dấu cuộc gặp gỡ, cũng như những giọt nước mắt của người phụ nữ và lời khen ngợi của giáo hoàng cho trí thông minh và sáng suốt của bà. Nhân đó cũng có một trao đổi ngắn với bà Olga, thư ký của bà Bruck đến từ Ukraina, bà xin Đức Phanxicô cầu nguyện cho đất nước của bà, và ngài hứa ngài cầu nguyện.

Cuộc gặp đầu tiên năm 2021

Đức Phanxicô gặp bà Edith Bruck lần đầu tiên năm 2021. Ngài đến nhà của bà ở trung tâm Rôma, sau khi đọc bài phỏng vấn xúc động của bà trên báo L’Osservatore Romano, bà kể lại hố sâu thăm thẳm mà bà và  gia đình đã trải qua trong thời gian bị Đức Quốc xã bức hại.

Bài đọc thêm: Chuyến viếng thăm ngoài tưởng tượng của Đức Phanxicô và bà Edith Bruck

Khi đó Đức Phanxicô đã nói với bà: “Tôi đến đây để cám ơn lời chứng và vinh danh những người tử đạo vì chủ nghĩa Đức Quốc xã điên cuồng và tôi chân thành lặp lại những lời mà tôi đã phát biểu ở Đài tưởng niệm Yad Vashem, tôi đã lặp lại trước mỗi người, cũng như với bà, những người đã chịu đựng đau khổ rất nhiều: xin Chúa tha cho nhân loại.” Những lời mà Đức Phanxicô không ngừng lặp lại, chỉ mới hôm qua, khi kết thúc buổi tiếp kiến chung, Ngài đã xác định một “trang lịch sử đen tối” của nhân loại được đánh dấu bởi “sự tàn ác không thể xiết”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch