“Quy mô và mức độ giận dữ chống Đức Phanxicô hiện nay là chưa từng có”

129

“Quy mô và mức độ giận dữ chống Đức Phanxicô hiện nay là chưa từng có”

Theo nhà xã hội học về tôn giáo Jean-Louis Schlegel, giáo hoàng Phanxicô là đối tượng của sự căm ghét mà những vị tiền nhiệm của ngài không gặp phải. Về mặt hành động: các trào lưu chủ nghĩa truyền thống, mà mục tiêu của họ không phải chỉ nghi thức cổ xưa nhưng là một tầm nhìn chính trị cụ thể, di sản của một truyền thống thần học-chính trị phản-cách mạng lâu đời.

la-croix.com, Jean-Louis Schlegel, triết gia, nhà xã hội học về tôn giáo, 2022-01-07

Một linh mục cử hành kinh chiều theo truyền thống la-tinh ở vương cung thánh đường cổ kính Pantheon ở Rôma, Ý ngày 29 tháng 10 năm 2021. LUCA BRUNO / AP

Nếu các mạng xã hội có vào thời Đức Phaolô VI, Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI, chắc chắn chúng ta cũng đã đọc ít nhiều những lời chỉ trích về triều giáo hoàng của họ. Nhưng theo tôi, dường như các ngài sẽ không bao giờ có quy mô và mức độ giận dữ công khai như Đức Phanxicô đang gánh chịu bây giờ, sau khi ngài đặt vấn đề các quyền được Đức Bênêđíctô XVI cấp cho việc cử hành thánh lễ bằng tiếng la-tinh. Vì sao có nhiều hận thù đối với ngài như vậy?

Để hiểu được những lời lẽ gay gắt chống lại Đức Phanxicô, chúng ta nên xem lại một ít các lời chỉ trích các giáo hoàng trước đó. Sau Công đồng Vatican II, những người Công giáo “công đồng” cũng chất vấn các giáo hoàng, việc thiếu những cải cách thể chế mà họ gọi là công đồng… Trong lãnh vực luân lý tình dục, vợ chồng và đạo đức sinh học, họ bị va chạm do sự chận đứng dứt khoát của các giáo hoàng liên tiếp (Phaolô VI, Gioan-Phaolô II, Bênêđíctô XVI).

Các cải cách quan trọng

Bên cạnh hệ quả không thể tránh khỏi – dưới mắt nhiều người, đức tin công giáo giảm sút do đường hướng đạo đức khắt khe -, kết quả trong nhiều thập kỷ, nhiều người trong số họ nếu không rời bỏ Giáo hội, thì ít nhất họ cũng không còn giữ đạo và không còn tham gia vào một hoạt động nào của Giáo hội. Điều này cũng do một nguyên tắc cơ bản nơi họ: dù có một số vi phạm địa phương hóa (cử hành Thánh Thể không có linh mục, truyền chức đây đó cho phụ nữ), vấn đề không phải là tạo ra một Giáo hội khác, một Giáo hội song song với các nghi thức riêng hoặc bất thường, huống chi là tạo một Giáo hội ly khai. Đây là một Giáo hội vĩ đại đang khởi xướng những cải cách quan trọng cho tương lai của mình.

Ngược lại, chúng ta có ấn tượng với tự sắc Cử hành thánh lễ theo phụng vụ tiền Công đồng, Traditionis custodes Đức Phanxicô ban hành vào tháng 7 vừa qua, ngắn gọn là hủy bỏ các thuận tiện Đức Bênêđíctô XVI đã cấp năm 2007 trong việc cử hành thánh lễ bằng tiếng la-tinh, và với ghi chú gần đây nêu rõ việc áp dụng các thể thức của văn bản này, Đức Phanxicô đã khơi lại cám dỗ ly khai của những người công giáo theo chủ nghĩa truyền thống hoặc theo chủ nghĩa bản sắc riêng.

Thật ra mà nói, về mặt này, người ta đã không thích ngài  trước đây, kể từ khi ngài được bầu năm 2013 thay thế Đức Bênêđíctô XVI từ chức – người mà họ nâng lên đến tận trời cao. Từ bây giờ trên các mạng xã hội, ngoài sự áp đảo, giận dữ của các nguyện đường theo chủ nghĩa truyền thống này chống lại một giáo hoàng, nếu tin vào lời của họ, quyết gây chiến để đưa họ vào hàng ngũ Giáo hội công đồng. Họ tự cho mình là nạn nhân bị hiểu lầm của một sự “tàn ác” không đáng có, và phản đối sự trung thành mẫu mực của họ đối với quy tắc đức tin và các yêu cầu đạo đức của Giáo hội, trong khi những người khác sẽ làm bất cứ điều gì.

Một Giáo hội công giáo “mới” cởi mở hơn

Tuy nhiên, khi đọc họ, nếu sự chân thành của một số người không bị nghi ngờ, thì phản ứng của nhiều người có tác động nghịch lý, phần lớn xác nhận tính đúng đắn của quyết định của Đức Phanxicô: còn lâu mới tập hợp được người công giáo trong sự đồng ý với công đồng, sự mở rộng được phép của Đức Bênêđíctô XVI khuyến khích họ trong việc xây dựng một Giáo hội công giáo theo một cách nào đó, dứt khoát từ chối một phần lớn tinh thần của Công đồng Vatican II, nhưng lợi dụng khuôn khổ chào đón của Giáo hội để phát triển các học thuyết thần học, đạo đức và xã hội của họ.

Nếu đây chỉ là một bất hòa tôn giáo liên quan đến một nghi thức, thì sự mở ra của Đức Bênêđíctô XVI có thể có ý nghĩa. Nhưng, ít nhất trong trường hợp nước Pháp, điều này thật ngây thơ. Bởi vì không chỉ chủ nghĩa chính thống (đại diện là Tu hội thánh Piô X do giám mục Lefebvre thành lập), nhưng nhiều người công giáo truyền thống, đặc biệt là các tư tưởng gia và các nhà lãnh đạo của họ, cũng là những người thừa kế của một truyền thống chính trị-tôn giáo lâu đời, hay thần học-chính trị, của truyền thống phản-cách mạng, mà bản thân Cách mạng thoát thân từ Cải cách Luther, của tinh thần tự do chủ quan được sinh ra cùng với triết gia Descartes, và tất nhiên cũng là của sự Khai sáng bài tôn giáo.

Cách mạng đối với họ cũng là mẹ đẻ của một ý thức hệ độc hại và hủy hoại: chủ nghĩa tự do dưới mọi hình thức của nó… Tất cả những sai lầm trong hai thế kỷ qua – kể cả chủ nghĩa cộng sản vô thần – bằng cách này hay cách khác đều có một phần liên hệ với  tinh thần tự do vô chính phủ thoát thân từ Cách mạng, phủ nhận luật pháp và các quyền của Chúa. Do đó, nhiều người trong số những người công giáo truyền thống này có thiện cảm với hệ thống quân chủ hoặc các chính sách có lợi cho luật tôn giáo (công giáo), và cuối cùng là với vai trò không thể thay thế của thẩm quyền ở mọi nơi (gia đình, trường học, quân đội…). Vả chăng, những người theo chủ nghĩa truyền thống nhắc lại, lựa chọn này là của toàn thể Giáo hội cho đến Công đồng Vatican II: sau đó Giáo hội trở nên bất trung với quá khứ “ngàn năm” này mà chính họ mới là những người trung thành thực sự, bất chấp mọi trở ngại…

Những người công giáo “bảo thủ” theo Trường phái Cực Hữu Maurras

Tuy nhiên, sự trung thành này là nguồn gốc của nhiều lựa chọn chính trị. Tiền lệ gần nhất với những gì đang xảy ra hiện nay thực sự là phản ứng của việc Đức Piô XI lên án phong trào Hành động Pháp năm 1926: cùng một sự không thấu hiểu so với một quyết định giáo hoàng, cùng một cám dỗ của một phần những người công giáo liên quan đến việc ly khai hoặc không đồng ý với Huấn quyền Giáo hội. Với một nghịch lý bất ngờ: sự ủng hộ mà ngày nay họ tìm trong xã hội chính trị và dân sự, về phía những người chống Đức Phanxicô, những người không thể chịu đựng được sự bảo vệ của ngài với người nhập cư và người nghèo.

Chúng ta cũng đang chứng kiến sự ủng hộ chưa chắc đã có của quá khứ công giáo đối với những người giữ gìn di sản, những người không sợ bị chế giễu hay bị cho là bịp bợm như nhà văn vô thần Michel Onfray, tân thập tự chinh của thánh lễ la-tinh chống lại Đức Phanxicô, hoặc các nhà văn, nhà trí thức được mời để nói lên cảm tình của họ sau ba ngày ở tu viện theo chủ nghĩa truyền thống ở Lagrasse, trong một quyển sách gần đây, họ không thiếu những cú đá vào Đức Phanxicô: dù muốn dù không, đúng là họ đang chèo theo phía Maurras ở đây… và của một Éric Zemmour nào đó, bạn thân của nhiều người trong số họ (1). Vì thế đức tin vào Chúa Kitô của các Tin Mừng bị đẩy lui hoặc biến mất, đi lui đi tới vẫn là văn minh tài tình (thẩm mỹ, văn hóa) và chính trị (quốc gia, bản sắc) của kitô giáo châu Âu.

Những người công giáo theo chủ nghĩa truyền thống không bao giờ đặt câu hỏi về thần tượng thánh lễ la-tinh, mà họ đã xây dựng mọi sự như “vĩnh cửu”, dù sự thành hình của nó chỉ có từ thế kỷ 16 và đã trải qua nhiều thay đổi về sau. Còn đối với những người bạn mới của họ, những người chỉ ca tụng vinh quang di sản kitô giáo, họ chỉ quên một chi tiết nhỏ: nguồn gốc kitô giáo cũng có “kỷ niệm nguy hiểm” và ô nhục vì thập giá, bị “dân ngoại cho là điên rồ” ( 1 Co 1, 23), và họ không thể chịu được khi một giáo hoàng nhắc họ chuyện này.

  1. Chúng ta có thể thêm tác giả Michel Houellebecq ở đây, ông nói về “vụ tự sát của Giáo hội công giáo”, nhưng ông xem đây là một bi kịch cá nhân.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch