Bàn thờ của đạo đức giả

250

Bàn thờ của đạo đức giả

srp-presse.fr, Aline Lizotte, 2021-12-10

Trên máy bay từ Hy Lạp về Rôma, khi được hỏi về “vụ Aupetit” mà ngài chấp nhận đơn từ chức vào ngày 2 tháng 12, Đức Phanxicô nói “có một thiếu sót về phần giám mục, một lỗi phạm điều răn thứ sáu” Và ngài kết luận can thiệp của mình như sau: “Đây là lý do vì sao tôi chấp nhận để giám mục Aupetit tứ chức, không phải trên bàn thờ của sự thật, nhưng trên bàn thờ của đạo đức giả.” Bà Aline Lizotte giúp chúng ta hiểu những từ này.

Ai cũng ngạc nhiên khi xem đoạn video do đài truyền hình công giáo KTO phát sóng, trong đó có đoạn Đức Phanxicô nói về cựu tổng giám mục Michel Aupetit trên máy bay đưa ngài từ A-ten về Rôma. Một cách khác nhau, mỗi chúng ta đầu tiên đều có cảm giác bỡ ngỡ. Như nhà báo Jean-Marie Guénois nói trên báo Le Figaro, điều này là chưa từng có hoặc chưa từng nghe về, ít nhất là theo cách này. Một khi sự ngạc nhiên đã qua đi, chúng ta có thể đặt câu hỏi: tại sao trước câu hỏi của các nhà báo đặt ra về việc từ chức của tổng giám mục Aupetit, ngài lại trả lời theo cách này?

Chúng ta biết – và những người làm việc với ngài có thể chứng thực điều này – rằng giáo hoàng Bergolio không muốn nhận các lời chỉ trích dù là nhỏ nhất về những quyết định ngài đưa ra. Nhưng, đằng sau câu hỏi là sự chấp nhận nhanh chóng đơn từ chức. Vì sao ngài chấp nhận nhanh như thế? Có phải một cách nào đó, ngài chờ sự từ chức này không?

Ba chỉ trích chống lại Tổng giám mục Paris

Chỉ cần đọc các bài báo, đặc biệt là của báo Le Point là đủ để nghĩ những lời chỉ trích này xoay quanh ba trục:

1-Việc đóng cửa Trung tâm Giáo xứ Saint-Merry;

2- Các chỉ thị liên quan đến những hạn chế đối với nghi thức bất thường của cái gọi là thánh lễ Tridentin;

3- Vụ Saint-Jean-de-Passy.

______________________________________________________________________

Điều đó có vẻ khó thừa nhận khi cho rằng có một số người đã đi xa đến mức tìm cách trả thù chống giám mục Aupetit như bài báo trong Le Point.

______________________________________________________________________

Tông thư dưới dạng tự sắc về cử hành Thánh lễ theo phụng vụ tiền Công đồng nói rõ mong muốn của giáo hoàng trong việc giảm bớt các “ngoại lệ” của Thánh Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI dành cho tín hữu kitô, để hiểu những thay đổi trong phụng vụ và chấp nhận những hậu quả của chúng. Việc một số người trong số họ ở trong trạng thái tức giận là có thể xảy ra; việc họ đi xa đến mức trả thù chống lại giám mục Aupetit nhu bài báo Le Point đăng trên số ra ngày 25 tháng 11 có vẻ khó thừa nhận. Còn với vụ Saint-Jean-de-Passy, vấn đề trước hết bắt đầu từ sự bất đồng, có thể là nghiêm trọng, giữa giám đốc giáo dục công giáo của giáo phận và giám đốc cơ sở. Tổng giám mục chỉ là một phần nhỏ.

Ngược lại, những gì liên quan đến việc đóng cửa Trung tâm Giáo xứ Saint-Merry dường như không làm cho giáo hoàng không quan tâm. Giám mục Aupetit là ai để phán xét những lệch lạc về văn hóa và tôn giáo của nhóm tín hữu này, đến mức phải đóng cửa mọi phương tiện tụ tập? Những lời chỉ trích này đậm nét của cộng đồng LGBT về sự cứng rắn trong việc cai trị của giám mục Aupetit chắc chắn đã làm giáo hoàng khó chịu, câu nói lên án “Tôi là ai để phán xét?”  luôn ở trong lương tâm của ngài.

Phải biết là nhóm chỉ đạo của Saint-Merry – Trung tâm Mục vụ Halles-Beaubourg (CPHB) – không phải chỉ được thành lập bởi những tín hữu đơn thuần, những người xin cha xứ giúp đỡ và đề nghị cha sửa đổi phụng vụ để mọi người có thể tham dự nhiều hơn. Nhưng nhóm này gồm những nhà trí thức dấn thân trong cuộc đấu tranh để “cải cách” Giáo hội, trong số này có những người thế tục tham gia trong thành phần “quản trị” Thể chế. Yêu cầu này “đòi hỏi” một tái định nghĩa lại căn bản về quyền lực của Thứ trật – hiệu năng, sui generis, theo dấu hiệu bí tích – và quyền của quyền tài phán – tính hợp pháp và giới hạn của quyền lực cai trị.

Có thể tìm thấy những loại nhóm này ở khắp nơi trong Giáo hội. Họ có những cái tên khác nhau và nuôi dưỡng những quan điểm khác nhau. Họ không phát triển một kết hợp chặt chẽ về mặt cấu trúc. Họ liên kết với nhau trong hy vọng một ngày nào đó, một Giáo hội sẽ vươn lên trở thành một cộng đồng “thiêng liêng” thật sự và chỉ có vậy. Một cộng đồng không còn một thứ trật, mỗi người diễn tả đức tin của mình theo cách của họ, khát vọng bác ái và hy vọng hiệp thông không luật lệ. Một Giáo hội tự phát, được hướng dẫn bởi sức thổi của Chúa Thánh Thần, Đấng cộng tác với những ý tưởng mới, v.v. Một số người diễn tả bằng một loại thần học gần với trào lưu cổ điển. Những người khác, như luật sư Guy Aurenche, nuôi dưỡng một tinh thần sinh thái tận căn, không chỉ dựa trên sự tôn trọng nhân quyền mà còn dựa trên quyền động vật. Dưới chiêu bài cải thiện điều kiện sống của con người, ông đi tìm một hình thức chủ nghĩa xã hội hiện đại thoát khỏi những giấc mơ đế quốc của hệ thống Xô Viết. Ông Guy Aurenche vừa xuất bản cuốn sách  về hành động của Giám mục Aupetit và việc đóng cửa Trung tâm Mục vụ Halles-Beaubourg (CPHB).

Như thế, làm thế nào những gì tôi vừa viết lại có thể ảnh hưởng đến Giáo hoàng Phanxicô? Về cơ bản, ngài biết gì và không biết gì về những gì đang diễn ra ở Pháp? Với ngài và với những gì họ nói, những gì đến tai ngài, đó là lời buộc tội chống lại giám mục Aupetit về một quan hệ cũ với một phụ nữ trưởng thành đồng thuận. Những tin đồn lan truyền đã thuyết phục ngài về một trở ngại khó tháo gỡ liên quan đến guồng máy quản trị của tổng giám mục. Vì chính tổng giám mục cũng đồng ý, vì sao lại không làm theo yêu cầu của giám mục và để giám mục từ chức? Điều này là đơn giản, dễ hiểu và nhanh chóng để giải quyết. Và với tâm hồn nhẹ nhõm, Đức Phanxicô lên máy bay đi Hy Lạp. Mặc cho báo Paris-Match cho chúng ta biết điều ngược lại!

______________________________________________________________________

Điều thực sự người ta trách cứ tổng giám mục Michel Aupetit, trong hậu trường và điều nghiêm trọng cho những người ủng hộ Trung tâm Mục vụ Saint-Merry, đó là đóng cửa trung tâm này.

______________________________________________________________________

Tuy nhiên, điều người ta trách cứ tổng giám mục Michel Aupetit không phải là quan hệ bị cáo buộc này, mà không thực sự là một cáo buộc. Có lẽ đó là cách quản trị quá độc tài, một sự khó khăn để chấp nhận ý kiến của người khác. Điều thực sự bị chỉ trích đằng sau hậu trường và điều nghiêm trọng đối với những người ủng hộ Trung tâm Mục vụ Saint-Merry, là việc đóng cửa Trung tâm. Không có gì mục vụ ở Trung tâm này! Đó là một cốt lõi phổ biến một hệ tư tưởng của Giáo hội mới, Giáo hội của người dân, chứ không phải Giáo hội của hệ thống phẩm trật. Một Giáo hội mới đã phá vỡ mọi hy vọng đối thoại với những người có trách nhiệm – các cha xứ của Saint-Merry – không thể chịu nổi những đối xử bất công và lăng nhục họ. Ba cha xứ đã phải rời giáo xứ, không thể đảm bảo công việc mục vụ của họ. Đây là những lý do chính tổng giám mục đưa ra. Trong một thư gởi đến Trung tâm Mục vụ Halles-Beaubourg, giám mục Aupetit viết: “Tôi thông báo với anh chị em, kể từ ngày 1 tháng 3 năm 2021, sứ mệnh được hồng y Marty giao phó năm 1975 cho trung tâm mục vụ Saint-Merry sẽ chấm dứt. Tôi có trách nhiệm rút ra những hậu quả của những sự kiện vô cùng đáng buồn và không thể biện minh này. Những bất đồng có thể nói lên không cách nào biện minh cho sự ác độc, thiếu bác ái và ý muốn hủy diệt, đã thể hiện chống lại các mục sư của mình”.

Những lý do được giám mục nêu ra hoàn toàn không được những người ủng hộ Trung tâm chấp nhận. Với một số người, việc đóng cửa Trung tâm Saint-Merry là sự phá vỡ tính tiên phong xã hội của Giáo hội công giáo, trong cuộc chiến chống lại Giáo hội của Truyền thống. Vì Trung tâm không những chào đón người nghèo đủ loại, nhưng là những người nổi dậy đòi quyền được sống: người đồng tính nam, đồng tính nữ, người ly dị tái hôn tiếp tục rước lễ, người di cư không có giấy tờ, người có hoàn cảnh bấp bênh, thành viên của LGBTQ, v.v. Đây hoàn toàn không giống sự chào đón của các Trung tâm Thánh Vinh Sơn Phaolô, người đã đặt một em bé bị bỏ rơi trong tháp tu viện lên chiếc bàn xung quanh có các nữ môn đệ đầu tiên của Louise de Marillac. Các bà rùng mình ghê tởm đứa con tội lỗi này! Thánh Vinh Sơn Phaolô cao quý đã cho họ thấy rõ thế nào là đón nhận đức ái! Chúng ta đón nhận người nghèo vì họ là người được Chúa gởi đến. Ở Trung tâm Saint-Merry trong một quan niệm mới, nếu chúng ta tiếp nhận người nghèo, vì có thể họ là men cách mạng của một sự thay đổi xã hội và là hy vọng biện chứng cho một Giáo hội mới. Còn việc cha xứ cầu nguyện và cử hành phụng vụ theo những gì Giáo hội yêu cầu thì chúng tôi không muốn!

Về mặt pháp lý, các lý do đóng cửa Trung tâm Mục vụ Halles-Beaubourg là không thể chối cãi. Giám mục không thể cho phép đặt ra một thẩm quyền song song trong các vấn đề mục vụ bác ái và phụng vụ bí tích, trái ngược với thẩm quyền tư tế của linh mục quản xứ. Không thể thiết lập đối thoại. Một chuyến thăm giáo luật đáng được mong đợi. Nhưng nó giả định sự chấp nhận trước thẩm quyền giáo luật của giám mục…, một nguyên tắc không thể chấp nhận được đối với những người muốn sống “đạo công giáo theo một cách khác”. Từ chức một giám mục vì hành động ngay thẳng và theo lương tâm của mình thì cũng hơi quá!

“Bàn thờ của đạo đức giả”

Đó là lý do vì sao chúng ta phải tìm một thứ khác, một xì-căng-đan, đủ táo bạo để thu hút công chúng. Như thể tình cờ, nhóm thân cận giám mục (ở đây là báo Le Point) biết được một e-mail có từ tháng  2 năm 2012, gởi cho thư ký nhưng là e-mail cho một phụ nữ khác, một e-mail nói một quan hệ riêng tư với một phụ nữ đồng thuận. Một e-mail giữ kín trong máy tính hay được in ra và gởi cho ai?

Một email tám năm tuổi! Chúng ta biết phần còn lại… Chúng ta cũng biết điều gì đã làm cho linh mục tổng đại diện khi còn làm ở tòa giám mục Paris ra đi: cha quyết tâm xa người này và cắt đứt mọi liên lạc.

______________________________________________________________________

Báo Paris Match muốn đánh bại con tốt của báo Le Point. Nhưng đến mức hoàn toàn phát minh ra những thái độ và hành vi không tồn tại.

_________________________________________________________________________

Nhưng còn chuyện khác thêm vào. Khi tôi chuẩn bị kết thúc bài viết này, tôi nhận được một cuộc điện thoại. Họ nói cho tôi biết có các hình ảnh và bài báo đăng ở báo Paris Match, và họ gởi cho tôi. Đó là phóng sự về giám mục Aupetit chụp với một phụ nữ, không phải là người từ năm 2012 (một người tên là Colette), mà là một phụ nữ khác, bà là thần học gia dạy ở Học viện Bernardins, nổi tiếng và được đánh giá cao. Đó là bà Laetitia Calmeyn. Laetitia là trinh nữ thánh hiến và Michel Aupetit là linh mục. Người ta thấy họ từ nhà hàng đi ra, lên cùng một xe và đi sau những tán cây, không có một quan hệ không phù hợp nào. Và đó là câu chuyện! Một loại tiểu thuyết tầm thường, chẳng biểu lộ gì. Chúng tôi hiểu Paris Match muốn hơn báo Le Point. Nhưng đến mức hoàn toàn dựng đứng những thái độ và hành vi không tồn tại. Chúng ta có thể đọc toàn bộ bài báo đi kèm với các bức ảnh, và thấy rằng nó hoàn toàn trống rỗng. Nó được thực hiện chỉ để lan truyền sự nghi ngờ và vu khống. Đọc xong, người đọc thật sự đau lòng.

Chính trong bối cảnh này, chúng ta có thể xem điểm cuối cùng của buổi họp báo  của Đức Phanxicô trên máy bay đưa ngài từ Hy Lạp về Rôma. Ngài chỉ nói về e-mail này, ngài chưa đọc báo Paris Match. Và chỉ một mình e-mail này thì không giải thích gì được. Phải nói, những lời của ngài khá rối rắm và bị xây dựng kém. Ngài nói trong ngôn ngữ nào? Tuy nhiên, chúng ta có thể gỡ rối các trình tự khác nhau.

  • Phần đầu tiên là câu hỏi được đặt ra: ai đã lên án Michel Aupetit? Câu trả lời thẳng thắn và rất rõ ràng: tin đồn công khai. Nói cách khác, đó không phải là tôi. Và những gì dư luận đồn đại thì không rõ ràng.
  • Phần thứ hai, cố gắng để có được một mức độ khách quan hơn. Đó là khó khăn cho ngài, và đó là vấn đề. Ngài phải – và ngài biết rõ điều này – có câu trả lời cho ba câu hỏi, và câu trả lời đó phải từ tòa ngoài, for externe. Nhưng sự khác biệt giữa tòa trong, for internetòa ngoài không liên quan đến đối tượng của hành động, nhưng là sự phổ biến công khai của nó. Đánh giá một hành động của tòa trong, là kêu gọi đến lương tâm của một người và xem xét một cách khách quan rằng hành động này là xấu, là tốt, hoặc không hoàn toàn xấu. Trong “những gì thuộc về điều răn thứ sáu” khi cảm xúc, một mức độ gợi cảm nào đó, những phản ứng của cơ thể hòa lẫn vào nhau thì khó mà có, dù với chính mình một phán xét rõ ràng được. Đánh giá một hành động từ tòa ngoài, là đánh giá tầm tác động của nó trong phạm vi công cộng: nó có tai tiếng không, nó có dẫn đến hậu quả không, nó có tương xứng với các giá trị thiêng liêng khác không?
  • Để đưa ra quyết định liên quan đến yêu cầu của tổng giám mục giáo phận Paris trao lại chức vụ tông tòa của mình, giáo hoàng, như ngài đã nói với chúng ta, ngài phải đưa ra một phán xét và đưa nó vào tòa ngoài:

1- Về mặt khách quan, hành động thuộc phạm vi của “tội thuộc điều răn thứ 6 chứ không phải điều răn thứ 9”, đó không phải là hành vi ngoại tình, mà là tà dâm, đây là hành vi đụng chạm đến “sự tinh khiết” của các mối quan hệ thân thể với chính mình hoặc với người khác;

2- Vẫn còn một “thiếu sót” mà chính tổng giám mục Michel Aupetit cũng thừa nhận khi nói về một tình huống đang trở nên “mơ hồ” và đó là những mối quan hệ “thân mật.” Từ “thân mật” quay trong đầu các “nhà báo”, những người đi tìm tòi các vụ tai tiếng lớn, thấy đây là “ánh sáng” sống sượng: nó bị cho là “quan hệ tình dục”. Và đó thực sự là tâm lý thời nay: hôm nay chúng ta ngủ với nhau như ăn một chiếc bánh mì ngoài bãi biển… rồi sau đó đi làm việc lại. Nhưng từ “thân mật” không nhất thiết phải là “bộ phận sinh dục”, nó có nghĩa quan hệ thân thiết với một người, một người thân, một người trong cùng gia đình, như những gì xảy ra với chính mình. Rằng giữa giám mục và người phụ nữ này có những chuyện tâm sự với nhau, những hành vi biểu lộ tình bạn trìu mến, những chia sẻ thiêng liêng và ngay cả có những cảm xúc gợi dục, đó là không phải là không thể được. Thậm chí điều này lại rất có thể, vì đó là điều làm cho giám mục Michel Aupetit phải tự vấn bản thân và tìm lời khuyên. Từ đó để nói ràng họ “tà dâm”, thì đó là những bước không được bước qua! Ngài cũng không phải là cha giải tội của giám mục Michel Aupetit.

Tuy nhiên, ngài phải đưa ra quyết định. Và ngài sẽ lấy quyết định dựa trên tác động của sự buộc tội công khai và những lời mọi xấu có thể theo sau đó. Ngài chỉ còn một lựa chọn duy nhất: quay sang kẻ tố cáo, tin đồn công khai. Tin đồn công khai buộc tội giám mục; nó có lý không? Giáo hoàng không có cách nào để quyết định vấn đề. Ngài chỉ có thể ghi nhận một người bị buộc tội theo cách này không thể quản trị được, nhất là chính đương sự cũng cảm thấy vậy và xin rút chức vụ của mình. Và giáo hoàng chấp nhận đơn từ chức để giải thoát cho đương sự một gánh nặng quá nặng nề với họ! Ngài đã có thể từ chối đơn từ chức? Dĩ nhiên là có. Và nhiều người đã hy vọng vậy, họ hơi ngây thơ. Nhưng cần phải thừa nhận rằng khi một người bị buộc tội một cách hung hãn như vậy, tốt hơn họ nên rời bỏ chức vụ để chuẩn bị bào chữa cho mình.

Tuy nhiên, chúng ta phải suy nghĩ cẩn thận: quyết định của giáo hoàng không dựa trên sự phán xét về một hành vi, mà theo bản chất của nó, nó trở nên một vụ tai tiếng khi nó đi qua phạm vi công cộng, có nghĩa là qua tòa ngoài, nhưng khách quan là xấu với bên trong lương tâm. Một linh mục có thể có “tình nhân”, nhưng không bao giờ được công khai, nhưng khách quan mà nói, cho chính đương sự, hành vi đó là xấu. Các quan hệ với “Colette” vẫn ở trong tình trạng “tình cảm thiêng liêng” và có thể trở nên bất cẩn. Nhưng phải nói cho rõ, giám mục Michel Aupetit chưa bao giờ có “tình nhân”. Nhưng làm sao chúng ta có thể xác nhận? Chỉ cần ngài nói công khai và cả cuộc đời của ngài chứng minh điều này!

______________________________________________________________________

Đưa một quyết định lên bàn thờ là đưa ra quyết định dựa trên sự phán xét của thánh thiêng, như một bảo đảm cho sự thật của quyết định.

_________________________________________________________________________

  • Tuy nhiên, có một điểm trong bài phát biểu của giáo hoàng cần phải suy nghĩ. Ngài nói, quyết định của ngài không ở trên bàn thờ của sự thật, nhưng ở trên bàn thờ của đạo đức giả. Ngài không đánh giá những hành vi mà tổng giám mục Aupetit bị buộc tội về tính khách quan tội lỗi – tòa trong – cũng như về khả năng gây tai tiếng – tòa ngoài -, nhưng dựa trên nọc độc hủy diệt của chúng. Dù đúng hay sai, những hành vi này có thể làm cho việc quản trị thành không thể được! Và giáo hoàng nói, ngài đã đưa ra quyết định của mình trên bàn thờ của đạo đức giả. Ý của ngài là gì ? Đưa một quyết định lên bàn thờ là đưa ra quyết định dựa trên sự phán xét của thánh thiêng, như một bảo đảm cho sự thật của quyết định. Ngài có muốn nói với chúng ta, ngài biết một cách khách quan rằng những lời buộc tội do dư luận đồn thổi là sai sự thật và trước mặt Chúa – trước bàn thờ sự thật – là sai không? Ngược lại, trước sự hung hăng của dư luận quần chúng, bị thao túng bởi các cơ quan chức năng khác muốn tổng giám mục ra đi, ngài có bị buộc phải coi trọng sức ép của họ, dù ngài biết chúng sai sự thật và rằng giám mục là đúng, để tránh một cuộc chiến có thể còn xấu hơn là cuộc chiến mà giám mục Aupetit đã phải đương đầu. Điều này đã thường xảy ra trong Giáo hội. Và ngay cả chúng ta cũng nên đi xa hơn. Đối đầu với các thành viên của Hội đồng Công tọa, Chúa Giêsu biết rõ Ngài đứng trước những kẻ giả hình. Và Ngài im lặng! Đối diện với những kẻ đã buộc tội mình, Michel Aupetit biết mình đang đứng trước những kẻ đạo đức giả. Và giáo hoàng cũng biết điều này. Chính đối diện với họ mà ngài quyết định, trong lúc chờ chính Chúa đứng trước sự thật. Không cần phải khuấy động cả giáo phận để chứng minh mình có lý. Giám mục Michel Aupetit im lặng. Đó là bàn thờ của sự thật.

Chúng ta biết chiều hôm đó, tổng giám mục Michel Aupetit và bà Laetitia Calmeyn sẽ nạp đơn kiện trước tòa dân sự. Đó là một sáng kiến rất tốt. Và chúng tôi hy vọng nó sẽ mang kết quả tốt, ý thức rằng sự vô tội của những người liên quan được chứng minh, như thế đó là chủ đề của một quảng cáo nhỏ trên các phương tiện truyền thông. Phải kiện tội vu khống!

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch