Tiếng kêu của Đức Phanxicô ở Lesbos: “Chúng ta đừng để nền văn minh chết chìm, hãy chấm dứt vụ đắm tàu này!”

71

Tiếng kêu của Đức Phanxicô ở Lesbos: “Chúng ta đừng để nền văn minh chết chìm, hãy chấm dứt vụ đắm tàu này!”

Ngày thứ tư của chuyến đi vùng Địa Trung Hải,  chúa nhật 5 tháng 12, từ trại tị nạn Lesbos, Đức Phanxicô lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề di cư. Ngài nói sự “xấu hổ” của ngài trước “biển của  kỷ niệm” bây giờ thành “biển của lãng quên.” Chúng ta đừng để nền văn minh bị chết chìm, hãy chấm dứt vụ đắm tàu này!

la-croix.com, Loup Besmond de Senneville (đặc phái viên tại Nicosia, A-ten và Lesbos), 2021-12-05

Đức Phanxicô và hai em bé tị nạn ở đảo Lesbos ngày chúa nhật 5 tháng 12. LOUISA GOULIAMAKI / AFP

Tại Lesbos, Đức Phanxicô đã thốt lên một tiếng kêu lớn. Không phải tiếng kêu giận dữ nhằm khích động đám đông. Nhưng đó là những gì chúng ta làm khi không còn một lựa chọn nào khác. Tiếng kêu của một giận dữ lạnh lùng và không thể hiểu được, tiếng kêu của đức tin và lời kêu gọi hành động. Vào một ngày chúa nhật trên bờ biển Địa Trung Hải, nơi hòn đảo tận cuối trời châu Âu, không xa bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, ngài mạnh mẽ kêu gọi đến phương Tây.

Dưới căn lều màu trắng được đặc biệt dựng lên giữa khu trại tị nạn bên bờ biển, bao quanh bởi tường, hàng rào và dây thép gai, một lần nữa, ngài phản đối “cái tôi cá nhân và quốc gia” của các quốc gia châu Âu, các quốc gia tự cho mình là “tiêu chuẩn của mọi thứ ”. Một lần nữa, ngài xin Chúa “đánh thức chúng ta khỏi lãng quên”, “rũ bỏ chúng ta khỏi chủ nghĩa cá nhân, một chủ nghĩa loại trừ”. Một lần nữa, ngài cầu nguyện, “con người, mọi người” hãy “vượt lên nỗi tê liệt của sợ hãi, của thờ ơ chết người, của thờ ơ hoài nghi”.

 “Tôi đã hứa điều này với người tị nạn”

Năm năm sau chuyến đi Lesbos đầu tiên năm 2016, dường như ngài nhận ra mình đã thất bại. Ngài uyển chuyển: “Không có thay đổi gì nhiều về vấn đề di cư.” Một thất bại tập thể, một châu Âu không thể tổ chức. Nhưng cũng có lẽ do chính sự bất lực của ngài, dù nhiều lần và thường xuyên ngài đã lên tiếng mạnh mẽ để đánh thức lương tâm.

Như thể ngài cảm nhận được sự mệt mỏi của những lời mình nói ra nơi một số người, những lời ngài thường xuyên lặp đi lặp lại đến nỗi cuối cùng chúng trở thành đối tượng cho sự thờ ơ mà ngài không ngừng tố cáo. Không nghi ngờ gì, đây là lý do vì sao ngài muốn trở lại Lesbos. Cách đây không lâu, ngài đã thổ lộ riêng: “Tôi đã hứa điều này với người tị nạn.”

“Đừng để ‘biển của kỷ niệm’ này thành ‘biển của lãng quên’. Tôi xin anh chị em, “chúng ta đừng để nền văn minh bị chết chìm, hãy chấm dứt vụ đắm tàu này!” Có phải biển Địa Trung Hải đàng sau anh chị em đang trở thành “nghĩa địa lạnh lẽo không bia mộ” và trong từ ngữ nổi bật của ngài, đó là “tấm gương của cái chết” đó ư?

Trong bối cảnh này, ngài nhắc lại sự xấu hổ của mình. Sự xấu hổ của “biển chúng ta” thành “biển chết.” Trên tất cả, điều này được nhận thấy trên “gương mặt của trẻ em” đang ở trước mặt ngài. Ngài nhắc lại: “Các em vô tội và các em là tương lai”. Ngài chất vấn chúng ta khi ngài hỏi: “Các em thách thức lương tâm chúng ta và hỏi chúng ta: thế giới nào ông bà muốn cho chúng con sống?’”

Gặp người tị nạn

Khi nói những lời này, ngài có nhìn em bé Daniela ngồi bên tay phải, đàng sau ca đoàn Congo hát đón mừng ngài đến đây không? Bên cạnh em bé gái bé bỏng chào đời cách đây 20 tháng, cô Jessica, mẹ của em bé không bỏ sót một lời nào của người mặc áo trắng đang nói. Cách đây hai năm, cô gái trẻ 23 tuổi người Congo đến đây sau vài tháng ở trại tị nạn Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi được hỏi, cô kể một câu chuyện quen thuộc, như câu chuyện của nhiều người khác chúng ta thường nghe: chuyến bay ra đi từ Kinshasa để tránh một hôn nhân cưỡng bức, xin hộ chiếu vào Thổ Nhĩ Kỳ, vào mạng lưới mại dâm và cuối cùng đến Lesbos, sau sáu giờ đi trên chiếc thuyền tạm bợ, trả bằng chiếc điện thoại di động của cô. Và cuộc sống khó khăn ở Lesbos, nơi cô được một giáo xứ công giáo giúp, đạo mà cô rất tự hào.

Khi đến trại, Đức Phanxicô dành thì giờ để chào người tị nạn tập trung gần các lều tạm và các nhà tiền chế, ngài đi bộ và phải tựa vào tay của một trong những cộng tác viên của ngài, trên con đường từ trại tị nạn đến bục của ngài.

 Mâu thuẫn châu Âu

Trong bài phát biểu, ngài đặt Âu châu trước các mâu thuẫn của mình, theo ngài, châu lục già đã không có khả năng “tôn trọng con người và nhân quyền” nhưng lại đi cổ động vấn đề này trên khắp thế giới. Các quốc gia tuyến đầu như Sýp và Hy Lạp đã chào đón nhiều hơn những gì họ có thể. Các quốc gia khác bây giờ phải tiếp tục.

Qua các lời đặc biệt cực mạnh của ngài, đây cũng có thể xem như một bước nhảy vọt khi ngài kêu gọi Âu châu, đặc biệt là “sự hợp nhất các lực lượng để chăm sóc người khác.” Ngài gằn mạnh với các nhà lãnh đạo: “Rất dễ dẫn dắt dư luận bằng cách gieo nỗi sợ trên người khác. Ngược lại tại sao không nói cũng cùng sức mạnh này việc bóc lột người nghèo. Sẽ không có câu trả lời dễ dàng cho những vấn đề phức tạp.”

Với các tín hữu kitô từ chối đón nhận người tị nạn vì họ sợ mất căn tính của mình, ngài gởi một thông điệp không thể rõ ràng hơn: “Chúng ta đã xúc phạm Chúa khi xem thường con người được tạo ra theo hình ảnh Chúa, đã để mặc họ trong làn sóng dửng dưng, đôi khi lại biện minh cho cái gọi là các giá trị kitô giáo. Nhưng ngược lại, chính đức tin đòi hỏi chúng ta phải có lòng lòng trắc ẩn và lòng thương xót. Đức tin thúc giục chúng ta có tấm lòng hiếu khách.”

 Sự tức giận

Ngài nói tiếp: “Đây không phải là hệ tư tưởng tôn giáo, đây là nguồn gốc đích thực của kitô giáo. Chúa Giêsu long trọng xác nhận, Ngài ở nơi người khách lạ (…). Và cả một chương trình của người tín hữu kitô là ở nơi Chúa Giêsu.”

Nhưng chuyến đi lần này đến Lesbos, nơi mà ngài đã phải băng qua toàn châu Âu, và chúng ta đã biết trước, đây là một trong những khoảnh khắc mạnh của chuyến tông du này, 48 giờ trước đó đã có một cơn giận khác, lần này là bất ngờ. Một trong những cộng tác viên của ngài nói, đó là “những lời nói đến tự đáy lòng ngài.”

Chiều thứ sáu, vào cuối buổi cầu nguyện đại kết với người di cư ở nhà thờ Thánh Giá ở Nicosia, đảo Sýp, trong bài phát biểu, ngài để qua một bên bài đã soạn sẵn. Trong vài phút, ngài để lộ sự bực tức sâu đậm của mình. Sự tức giận qua lời thú nhận thẳng thắn của một giáo hoàng không cách nào để lời nói của mình được nghe: “Tôi xin lỗi, nhưng tôi muốn nói những gì tự đáy lòng tôi”.

“Đúng là nơi giam cầm, tra tấn và nô lệ”

Trước người di cư ở Nicosia, ngài đưa ra lời phán xét không thể nào cứng rắn hơn về số phận của những người phải bỏ nhà cửa để ra đi, vào ban đêm, trên chiếc thuyền để rồi trước mắt họ là hàng rào thép gai, buộc họ phải đi lui để cuối cùng vào các trại, “nơi giam cầm, tra tấn và nô lệ thực sự”.

Một ám chỉ đến các trại tị nạn ở Libya, có một hệ thống ghê gớm tương tự như vậy, buộc Đức Phanxicô phải công kích một cơ chế tương đương với cơ chế của các chế độ toàn trị tồi tệ nhất của Hitler và Stalin. Ngài nói: “Đây là lịch sử của một loại văn minh phát triển mà chúng ta gọi là phương Tây!”

Liệu những lời này có lay chuyển được lương tâm không? Ở Lesbos, cô Jessica hy vọng là được: “Tôi hiểu giáo hoàng không phải là Chúa, nhưng ngài là một tiếng nói được lắng nghe. Ngài có thể thay đổi mọi thứ.” Người phụ nữ trẻ chưa biết tương lai mình sẽ như thế nào: “Tôi không biết. Nhưng tôi ngẩng cao đầu, tôi là người chiến đấu.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô gặp toàn thế giới ở Sân vận động GSP Sýp

Đức Phanxicô với các em bé tị nạn ở đảo Lesbos ngày chúa nhật 5 tháng 12