Cách Rôma giải quyết các vụ giám mục từ chức

323

Cách Rôma giải quyết các vụ giám mục từ chức

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2021-11-26

Trong Giáo hội công giáo, giám mục vừa là chủ chăn thiêng liêng, vừa hướng dẫn mục vụ cho giáo dân trong giáo phận.

Giáo hội công giáo đã quen với thông lệ: phong và giải chức giám mục, một tiến trình thông thuộc, theo cách rất nhuần nhuyễn. Còn việc từ chức, trong tình huống thông thường thì đến sinh nhật 75 tuổi, giám mục phải gởi thơ cho giáo hoàng xin “giao lại chức vụ của mình.” Ngài có thể chấp nhận hoặc để giám mục làm việc lại trong vài năm nữa. Trong trường hợp cần tranh luận – bê bối, bệnh tật, các vấn đề nghiêm trọng trong giáo phận -, hồ sơ trước hết được đưa đến Bộ Giám mục, một trong những bộ quyền lực nhất ở Vatican. Bộ dưới quyền của hồng y người Canada Marc Ouellet. Hồng y là người am tường về Giáo hội Pháp được Đức Bênêđictô XVI bổ nhiệm vào chức vụ này năm 2010 và được Đức Phanxicô xác nhận vị trí chiến lược này. Sau khi tìm hiểu, hồ sơ được đưa lên giáo hoàng để ngài quyết định. Thủ tục là, dù không muốn rời đi, giám mục đương sự cũng phải chính thức đệ đơn từ chức của mình lên giáo hoàng, người sau đó sẽ quyết định.

Trong Giáo hội công giáo, giám mục vừa là chủ chăn thiêng liêng, vừa hướng dẫn mục vụ cho giáo dân trong giáo phận. Giám mục là tiến sĩ đức tin, có nghĩa là một tham chiếu của giáo lý công giáo, phải phân định trong những trường hợp gây tranh cãi điều gì là “công giáo”, điều gì không phải là “công giáo.” Giám mục cũng là “người cha” của các linh mục của mình, ngài động viên nhưng cũng theo dõi tình trạng của họ, bổ nhiệm họ đi giáo xứ này giáo xứ kia. Cuối cùng giám mục là người cai quản Giáo hội công giáo trong địa phận, trả lời trực tiếp với Rôma và với giáo hoàng. Giám mục là nhân vật chủ chốt của Giáo hội. Giáo hội đòi hỏi giám mục phải gương mẫu.

Có khoảng hơn một trăm giám mục trong các giáo phận Pháp

Pháp có khoảng hơn một trăm giám mục giáo phận nhưng trên thế giới có 3.574 giám mục tại vị. Chính từ nhóm các nhà lãnh đạo này mà giáo hoàng chọn 120 hồng y dưới 80 tuổi để bầu giáo hoàng trong trường hợp có mật nghị.

Nhưng các giám mục được chọn như thế nào? Sứ thần Tòa thánh, cơ quan đại diện ngoại giao của Tòa thánh ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đóng vai trò quyết định ở đây. Trong việc phục vụ trực tiếp giáo hoàng, sứ thần thường đi thăm các giáo phận, các linh mục, các tu sĩ nhưng cũng gặp các giáo dân tin cậy, những cuộc điều tra cực kỳ kín đáo để làm nổi bật lên các linh mục có khả năng, bằng phẩm chất của họ, để một ngày nào đó họ sẽ là giám mục. Sau đó, một tuyển lọc đầu tiên được thực hiện và sứ thần điều tra rất kỹ lưỡng – không nhất thiết thông báo cho các bên liên quan – trong vòng thân cận của linh mục đương sự để đánh giá danh tiếng nhân bản, đạo đức, trí tuệ, các quan hệ, thiêng liêng, cũng như tư cách của linh mục.

Như thế các linh mục đã được nhắm và ở trên danh sách chờ, một loại dự trữ tiềm năng cao cấp mà từ đó Sứ thần Tòa thánh sẽ đưa ra khi cần thay thế một giám mục nghỉ hưu. Sau đó, Sứ thần lập một danh sách các hồ sơ đầy đủ về các linh mục “ứng viên”… họ vẫn chưa biết chuyện này. Tất cả được gởi về Bộ Giám mục ở Vatican. Mục đích là đưa ra một danh sách gồm ba tên, được gọi là “la terna”. Danh sách này được gởi đến giáo hoàng, mà chỉ một mình ngài xem các hồ sơ, để ngài có thể tiến hành cuộc điều tra riêng của mình hoặc tìm một ứng cử viên nào hoàn toàn khác, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng thường ngài theo danh sách đã được gởi đến.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Giám mục Aupetit đệ đơn từ chức, giáo phận Paris choáng váng