Truyền giáo trung thực cần báo chí trung thực
international.la-croix.com, Linh mục William Grimm, Nhật Bản, 2021-11-22
Đức Phanxicô nói chuyện với các nhà báo trên chuyến bay Alitalia từ phi trường quốc tế Bratislava, Slovakia về Rôma ngày ngày 5 tháng 9. (Ảnh: Tiziana Fabi / AFP)
Gần hai mươi năm trước, tôi được đề nghị làm tổng biên tập của tuần báo do Hội đồng Giám mục Công giáo Nhật Bản ấn hành.
Phản ứng đầu tiên của tôi là cười đau ruột. Nín thở xong, tôi nói với linh mục được gởi đến để đề nghị tôi: “Xin cha nhìn vào mặt tôi!” Thật sự là cha nhờ một người không phải là người Nhật điều hành một tờ báo tiếng Nhật.
Sau đó, tôi gặp giám mục có liên hệ với tờ báo và tôi hỏi ngài, liệu tôi có được tự do biên tập với quyền hạn thường có của một tổng biên tập không. Ngài trả lời: “Miễn là anh đừng đăng chuyện dị giáo, anh có quyền tự do này. Cứ thử chúng tôi đi.”
Tôi nhận công việc và ngay sau đó chúng tôi đã có bài thử đầu tiên.
Một giám mục bị kiện trong một vụ án chưa từng được một phương tiện truyền thông công giáo nào đưa tin. Chỉ có một tờ báo thế tục địa phương và một tờ báo phật giáo đưa tin. Người công giáo trong địa phận của ngài biết chuyện này nhưng đa số giữ im lặng.
Khi giám mục bị thua kiện, tôi nói với nhân viên của tôi, đây là một tin, nhưng vì toàn bộ vụ việc đã được giấu kín với người công giáo, chúng tôi phải viết một bài báo giải thích bối cảnh và câu chuyện của nó. Khi các nhà báo tỏ ra e ngại, tôi đảm bảo với họ rủi ro là phần của tôi. Câu chuyện đã lên trang nhất.
Các vụ lạm dụng tình dục của các giáo sĩ và các vụ che đậy của những người có trách nhiệm đã được truyền thông thế tục đưa ra ánh sáng.
Ngày báo in ra, giám mục đã nói với tôi “cứ thử đi” tình cờ ngài đang ở Tokyo và mời các linh mục làm việc tại hội đồng giám mục cùng ăn tối trước khi ngài về giáo phận của mình.
Khi món tráng miệng dọn ra, giám mục gọi tên tôi. Ngay lập tức, từng chiếc nĩa, từng cốc cà phê ngừng lại, các linh mục chờ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
“Người tiền nhiệm của anh (người đã chuyển sang một tờ báo khác của dòng của cha) sẽ không cho in câu chuyện này.”
Tôi trả lời: “Người tiền nhiệm của tôi không cố gắng để điều hành tờ báo.”
“Phải, nhưng chúng tôi đã muốn cha ấy phải điều hành.”
Mọi người quay trở lại với món tráng miệng và ly cà phê của họ.
Vài ngày sau, giám mục chủ đề của câu chuyện gởi một bưu phẩm đến. Bưu phẩm gồm các giấy tờ của giám mục liên quan đến vụ án cùng với ghi chú ngài sẽ không kháng cáo phán quyết của tòa và tôi tự do dùng các giấy tờ nếu tôi cảm thấy cần đưa tin thêm.
Có lần mẹ tôi phàn nàn về một tương quan hoàn toàn khác giữa báo chí công giáo và một giám mục trên tờ báo giáo phận của bà: “Có 9 bức ảnh của giám mục trên 11 trang đầu tiên!” Tôi nghĩ không có một hình ảnh nào minh họa cho một bài báo về một vụ kiện.
Gần đây Đức Phanxicô vinh danh hai nhà báo lên tiếng đánh thẳng vấn đề, và không chừa Vatican ra. Cả hai đều không làm việc cho một hãng tin liên quan đến Giáo hội. Trong buổi lễ, giáo hoàng cảm ơn tất cả các nhà báo đã nói lên “những gì sai trái trong Giáo hội”.
Với một vài trường hợp ngoại lệ, các phương tiện truyền thông không có mối liên hệ nào với Giáo hội đã làm công việc này. Các vụ lạm dụng tình dục và các vụ che đậy của những người có trách nhiệm đã được truyền thông thế tục đưa ra ánh sáng. Có những câu chuyện khác sớm hay muộn sẽ được kể lại, nhưng có lẽ không phải trên các phương tiện truyền thông liên quan đến Giáo hội.
Các nguồn tin tức công giáo khách quan, chuyên nghiệp và thẳng thắn, trung thực là rất hiếm. Đức Phanxicô ca ngợi các nhà báo, nhưng thể chế vẫn không muốn nhìn thấy công việc thực sự của ngành báo.
Khi các phương tiện truyền thông tin tức độc lập liên quan đến Giáo hội cố gắng trình bày những câu chuyện đó, họ bị những người tự xưng là “bảo vệ Giáo hội” tấn công, dù thường thường đây không phải là một bài tập để tự vệ. Các nguồn không độc lập in ảnh của các giám mục.
Các nguồn tin tức công giáo khách quan, chuyên nghiệp và thẳng thắn, trung thực là rất hiếm. Đức Phanxicô ca ngợi các nhà báo, nhưng thể chế vẫn không muốn nhìn thấy công việc thực sự của ngành báo.
Hai ngàn năm trước, khi chưa có cái gọi là báo chí, Chúa Giêsu đã chỉ trích thói đạo đức giả của những người nắm quyền và chống các tín hữu. Ngày nay, đó là một phần của thiên chức làm báo.
Nếu ngày nay điều này không xảy ra, nếu những thông tin liên lạc của Giáo hội chỉ là quan hệ công chúng, thì Giáo hội và sứ mệnh của Giáo hội sẽ bị tổn thương.
Tất cả chúng ta đều cảm thấy bối rối khi, đó là điều không tránh được, tham nhũng và bê bối đã được che giấu lại bị người khác phanh phui. Số lượng người có kỳ vọng cao lại đang bị tai tiếng. Những người lý tưởng chọn cho mình một đời sống phục vụ trong Giáo hội, sẽ quay lưng lại với một thể chế coi trọng việc che đậy sự thật. Một số ghê tởm rời bỏ Giáo hội.
So với tất cả những điều này, làm thế nào các vị có trách nhiệm trong Giáo hội có thể cho rằng báo chí xấu, dù (hoặc đặc biệt) khi sự thật là một vấn đề?
Vấn đề lớn nhất là mất uy tín đối với sứ điệp thực sự của Giáo hội, của Phúc âm. Giáo hội rất cần sự trung thực, khách quan, các nguồn tin tức chuyên nghiệp nếu không sẽ vô ích cho việc loan báo Tin Mừng. Sự trung thực như vậy, dù đôi khi đáng xấu hổ, cũng sẽ xác nhận với thế giới rằng, chúng ta cam kết với sự thật và vì thế đáng được tin cậy.
Các giám mục Nhật Bản biết rằng việc đưa lên bức tranh toàn cảnh về Giáo hội cuối cùng là để phục vụ Dân Chúa và Tin Mừng. Các nhà có trách nhiệm các Giáo hội khác không nên học hỏi từ họ sao?
Linh mục William Grimm, sinh ở New York, là nhà truyền giáo, linh mục quản nhiệm đã phục vụ tại Nhật Bản, Hồng Kông và Campuchia từ năm 1973
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Đức Phanxicô nói đúng về nghề của tôi
Và nếu các nhà báo làm điều tốt cho Giáo hội?