Jean-Guilhem Xerri: “Sức khỏe tinh thần đạt được hàng ngày”
Phỏng vấn. Bạn cảm thấy mệt mỏi, chán nản, thiếu năng lượng: bạn đã quên lãng đời sống nội tâm của mình? Nhà phân tích tâm lý Jean-Guilhem Xerri khuyên bạn nên đắm sâu vào những sâu thẳm của mình để cảm thấy được sinh động hơn và có thể đối diện với cuộc sống hàng ngày.
lavie.fr/ma-vie, Véronique Durand, 2021-11-16
Jean-Guihem Xerri là nhà phân tích tâm lý và nhà sinh học y khoa, là bác sĩ nội trú tại bệnh viện Paris và tốt nghiệp Viện Pasteur. LÉA CRESPI / La Vie
Mười tám tháng giam mình trong chế độ “covid” đã thách thức sức chịu đựng của nhà sinh học Jean-Guilhem Xerri, cựu bác sĩ thực tập tại bệnh viện Paris, người đã trở thành nhà phân tích tâm lý và huấn luyện viên, như ông kể trong cuốn sách mới nhất mới nhất của ông, Đời sống Sâu đậm. Sức khỏe tinh thần hàng ngày (La Vie profonde. La santé spirituelle au quotidien, nxb. Cerf, 2021).
Trong cuốn sách này, ông kể nhiều đến trạng thái tức giận, mệt mỏi ông đã trải qua trong những tháng gần đây. Hôm nay ông cảm thấy như thế nào?
Ông Jean-Guihem Xerri: Tôi khỏe! Trong thời gian cách ly, tôi thực sự đã sống trạng thái mệt mỏi vừa thể xác vừa xúc cảm, dù tôi vẫn cảm thấy sinh động, tinh thần tốt. Những cảm nhận này có vẻ trái ngược nhau, nhưng lại tương thích với nhau. Sức khỏe tinh thần có được hàng ngày bằng cách hướng đến cuộc sống sâu đậm đang ở trong chúng ta, nơi chúng ta có thể tìm thấy nguồn năng lực. Đôi khi nó rơi vào quên lãng! Nhưng nó vẫn ở đó, trong mỗi chúng ta, và nếu chúng ta chú ý đến nó nhiều hơn, chúng ta sẽ sống tốt hơn.
Để áp dụng một lối sống lành mạnh hơn, ông dựa vào các bài tập của các Giáo phụ sa mạc ở những thế kỷ đầu tiên kitô giáo. Chúng ta có thể học ở họ những gì để được tốt hơn?
Họ chú ý đến cơ thể nhiều hơn chúng ta, họ để ý cách ăn, cách chăm sóc giấc ngủ và nghỉ ngơi. Khi có ai thiếu ngủ, họ khuyên người đó ngủ bù. Và đúng, giấc ngủ tác động trên cuộc sống thể chất và tinh thần, góp phần vào đời sống thiêng liêng của chúng ta. Một nghiên cứu được nhóm Anglo-Saxon làm năm 2019 cho thấy mối tương quan giữa việc thực hành đời sống thiêng liêng và chất lượng giấc ngủ. Các việc này cần phải làm một cách thận trọng. Tôi thấy điều này ở những người thiền định, họ có nhịp sống cân bằng, chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ ngon và phát triển khả năng sáng tạo rất nhiều.
Làm sao để nghỉ ngơi khi bị mất ngủ kinh niên?
Ngủ không ngon giấc có thể liên quan đến các nguyên do cơ thể (ăn quá nhiều, uống quá nhiều hoặc ngồi trước màn hình quá lâu), hoặc tâm lý (căng thẳng, áp lực trong công việc, có vấn đề trong giao tiếp với người thân cận), đôi khi có thể là cả hai nguyên do. Tôi có thể hành động trên những điểm lưu ý này, nhưng cũng phải nhìn đến khía cạnh vô thức, để biết những nguyên nhân ngấm ngầm hơn: trong cuộc sống của tôi có tình trạng nào làm cho tôi ngộp thở và tôi không biết gọi tên nó là gì không? Tôi tháp tùng một người, mỗi đêm họ thức dậy cùng một giờ, hơi thở nhanh và họ bị nghẹt thở. Đó là những gì ban đêm nói lên những chuyện đã làm ban ngày. Người đó cảm thấy tù túng, thấy cần không khí. Nhu cầu của họ trong ngày là phải rời việc, nhưng họ không nhận thức được điều này.
Ông nói, ngủ có thể là một phần của công việc chuyển hóa nội tâm, như thế có nghĩa là gì?
Nếu muốn, chúng ta có thể biến giấc ngủ thành một trải nghiệm tâm linh. Khi chìm vào giấc ngủ, chúng ta tách khỏi âm thanh, khỏi thị giác, khỏi các mối quan hệ với người khác để hoàn toàn ở trong đêm đen, trong điều bí ẩn và chúng ta mơ. Theo kinh nghiệm tâm linh kitô giáo, phó thác là sống trong bàn tay ai đó. Tôi hoàn toàn phó thác vào ơn Chúa, vào nguồn vượt khỏi tôi và kêu gọi tôi đến với Sự sống. Như thế tôi có thể quyết định, khi tôi đi ngủ ban đêm, tôi sống kinh nghiệm thế nào là Cái chết, với lời cầu nguyện từ bỏ; hoặc buổi sáng khi thức dậy, tôi trải nghiệm một điều gì đó như sự Sống lại, và tôi ngạc nhiên thấy mình được sống.
Liệu sự tức giận đôi khi chúng ta nuôi dưỡng khi đứng trước một thế giới không diễn ra như mình mong muốn, có thể giải thích vì sao chúng ta đặc biệt mệt mỏi, buồn chán không?
Giận dữ là cảm xúc nuốt hết năng lượng mà không phải lúc nào chúng ta cũng ý thức được. Nó đè nặng lên chúng ta, có hại cho sức khỏe và có thể giải thích cho sự mệt mỏi của chúng ta. Nhưng cũng có những tức giận chính đáng. Giáo phụ Jean Chrysostome nói: “Ai không nổi nóng khi cần thiết, người đó phạm tội!” Vì thế, quan trọng không phải là phủ nhận, nhưng phải canh để hiểu cơn giận đó tác động đến chúng ta như thế nào: mong chờ, hy vọng, muốn sa ngã? Mẹ Têrêxa rất giận khi thấy người khác phí phạm, “tôi giận trong lòng, tôi không vui khi tức giận. Nhưng đó là cảm giác mà tôi không thể kiểm soát được”; tôi thích câu này, vì nó nói lên lòng khiêm nhường của mẹ. Sự tức giận phát triển mạnh hơn khi nó được xác nhận, khi đó nó tự biện minh.
Làm thế nào để thoát ra khỏi cơn giận và không để mình bị cơn giận xâm chiếm nặng hơn?
Công việc cần làm là phải chế ngự các cơn quá độ. Có những phương pháp tôi phát triển trong quyển sách, chẳng hạn thở. Đời sống nội tâm có thể giúp chúng ta không bị cơn giận kìm kẹp làm mình khốn khổ. Các Giáo phụ nói: “Không phải vì bạn đang giận mà bạn không phục vụ người anh em. Bạn có thể quyết định nhường chỗ cho một chuyện khác.” Đó là khôn ngoan. Tôi khuyến khích giữ những khoảnh khắc dịu dàng và phục vụ. Chúng ta cũng có thể nói chuyện với một người kín đáo, biết lắng nghe và biết đặt những điểm chuẩn.
Chúng ta có phải từ bỏ một lý tưởng để bắt đầu trở nên tốt hơn không?
Đúng! Tất cả chúng ta đều có tương quan với một lý tưởng mà chúng ta phải nhận thức. Nếu lý tưởng này không đạt được, chắc chắn nó sẽ làm chúng ta giận, thất vọng, trầm cảm và hung bạo. Thế giới lý tưởng không tồn tại trước chúng ta, nó là thế giới do chúng ta xây dựng. Chúng ta phải rời khỏi lý tưởng này, không vì tất cả mà từ bỏ một thế giới tốt đẹp hơn. Nguồn lực bên trong của chúng ta ở đó để dẫn chúng ta đến một trải nghiệm tỉnh táo, trắc ẩn, quan tâm đến người khác, sống chậm lại, điều độ, …
Rất nhiều bóng tối bôi đen bức tranh hiện tại, như ông mô tả trong sách. Ông có phải chìm sâu trong những độ sâu của chính mình để nhìn thấy ánh sáng không?
Có những lô-gích làm việc trong thế giới này vượt khỏi con người. Hôm nay tình hình có khả năng nguy cấp. Với chủ nghĩa hồi giáo, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, với việc thao túng nhận thức ở quy mô lớn, v.v. những bóng tối hôm nay khác với bóng tối của những thế kỷ trước, nhưng cũng có những chuyển động của ánh sáng. Toàn bộ đời sống thiêng liêng, như kitô giáo và các truyền thống phương Đông nói, là một chủ đề cần chú ý.
Câu hỏi đặt ra là tôi sống như thế nào trong hiện tại, tôi sống như thế nào với cuộc sống được giao cho tôi để phục vụ người khác. Truyền thống kitô giáo mời gọi chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận và trao truyền nó. Tôi có thể tự hỏi: đời sống của tôi chịu ảnh hưởng nào: của người khác, của màn hình, của một lý tưởng?
Đời sống thiêng liêng không phải là sự giác ngộ lớn lao. Đó là đời sống khổ hạnh như các Giáo phụ sa mạc thường nói. Đó là quyết định sống tinh thần tạ ơn từng bước nhỏ của từ bỏ, phục vụ và cám ơn. Đơn giản vì con đường đơn giản. Trong cuộc sống sâu thẳm của chúng ta có những đòn bẩy, để thấy được ánh sáng, sức thổi, hơi thở và do đó để trở nên tốt hơn! Tôi có thể lấy cảm hứng từ Thánh Têrêxa Biển Đức Thánh giá, Edith Stein, người đã chứng kiến bóng tối của sự vô nhân đạo trong các trại tử thần cách đây 70 năm. Bà không thay đổi gì với tất cả những ai ở với bà nhưng đồng thời bà lại thay đổi tất cả. Không có những lưu tâm nào sánh hơn là thái độ của bà, vì bà là 400% những gì bà có thể cho đi.
Vì thế ông mời gọi chúng tôi, theo hình ảnh của bà, chấp nhận sự nhỏ bé của những gì chúng ta có thể cho đi. Và thế giới sẽ lớn lên từ đó?
Đúng vậy, bằng lòng với sự khiêm tốn của những gì chúng ta có thể cho và cũng huy động những đòn bẩy thiêng liêng của mình, chẳng hạn lòng biết ơn, sự suy ngẫm, sự từ bỏ, mọi lúc và nhất là khi chúng ta bệnh chẳng hạn. Tôi có thể tiếp tục nhân bản hóa mình dù bị mệt mỏi, bằng cách sống với những gì tôi được gọi để sống, cả khi ở bên bờ vực của cái chết. Cơ thể và tâm hệ phụ thuộc vào môi trường bao nhiêu thì đời sống tâm linh lại ít phụ thuộc bấy nhiêu. Năng động được cho này là để cho người khác, trong điều này, đời sống thiêng liêng của chúng ta có tác động đến người khác. Khi mình khỏe thì mình làm những chuyện tốt chung quanh mình.
Thế giới nào chúng ta muốn cho ngày mai?
Ngẩng cao đầu, mơ về ngày mai và hy vọng sau những tháng quá khó khăn của cơn khủng hoảng sức khỏe này.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Giản dị, một minh triết sống trở thành cấp thiết