Bạo lực tình dục trong Giáo hội: Vấn đề thực sự có ở trong bậc sống độc thân của linh mục không?

154

Bạo lực tình dục trong Giáo hội: Vấn đề thực sự có ở trong bậc sống độc thân của linh mục không?

Báo cáo của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp, Ciase, đưa ra ngày thứ ba 5 tháng 10 đã dấy lên tranh luận về bậc sống độc thân của linh mục. Theo Ủy ban bậc sống độc thân không giải thích được bạo lực tình dục. Sự nguy hiểm nhiều hơn khi chỉ tập trung nhìn vào vấn đề này, tạo nguy cơ anh hùng hóa các linh mục.

lavie.fr, Félicité de Maupeou, 2021-10-07

Hình minh họa, linh mục mặc lễ phục  LISSAC / GODONG / LEEMAGE

Liệu đời sống độc thân của các linh mục có giải thích được những lạm dụng xảy ra trong Giáo hội không? Cứ mỗi lần chủ đề này được đưa ra tranh luận thì câu hỏi này lại được đặt ra. Phản ứng của Ủy ban sau hơn hai năm điều tra là rất rõ ràng và thẳng thắn: “Đối với ủy ban, rõ ràng không có mối liên hệ nhân quả nào giữa độc thân và lạm dụng tình dục”.

Ông Jean-Marc Sauvé, chủ tịch Ủy ban khẳng định trên kênh France Inter: “Bản thân tình trạng độc thân không phải là nguyên nhân cho những gì đã xảy ra. Trong một số trường hợp, chúng tôi có linh cảm trong những kẻ săn mồi đã chọn bậc sống linh mục để gần trẻ con.” Ông nói thêm: “Cuộc sống độc thân không sống đúng đắn với tình trạng độc thân sẽ có thể tạo ra bất cứ điều gì khác, chứ không hẳn chỉ tấn công có hệ thống đối với trẻ vị thành niên từ 11 đến 12 tuổi”, bản báo cáo nhắc lại “trên thực tế, rất nhiều bạo lực tình dục do người đàn ông đã lập gia đình gây ra”.

Nguy cơ là anh hùng hóa linh mục và cuộc sống độc thân của linh mục

Tuy nhiên, khi đi tìm nguyên nhân sâu xa của các bạo lực tình dục trong Giáo hội, bản báo cáo đưa ra nguy cơ “đánh giá quá cao con người của linh mục” liên quan đến đời sống độc thân. Thật vậy “chính Giáo hội thường nêu lên đời sống độc thân như một cuộc đấu tranh”. Vậy mà “các đòi hỏi đạo đức” liên quan đến bậc sống này có thể tạo ra một “vị thế bật ra” và quyền lực của các linh mục và tu sĩ trong mối quan hệ với giáo dân; tình huống đôi khi có lợi cho sự xuất hiện của bạo lực tình dục.

Đó là điều đáng chú ý trong luận án của nữ thần học gia Marie-Jo Thiel, trong quyển sách Giáo hội công giáo đứng trước các lạm dụng tình dục trên trẻ vị thành niên (L’Église catholique face aux abus sexuels sur mineurs, Bayard, 2019) đã được trích dẫn trong bản báo cáo. Còn hơn cả chính bậc sống độc thân, thách thức sẽ là cái nhìn về tình trạng bậc sống này và hình ảnh của linh mục có thể từ đó phát sinh. Trong nghiên cứu của Viện Xã hội Inserm Sociology về bạo lực tình dục trong Giáo hội công giáo ở Pháp (1950-2020), được đưa vào bản báo cáo Ciase, các nhà nghiên cứu giải thích “đòi hỏi sống độc thân góp phần làm cho các ông (linh mục và các tu sĩ) thành “những người được tách riêng”, thậm chí được cho là những “siêu-nhân” có khả năng làm chủ cái gọi là nhu cầu tình dục của nam giới, thứ được cho là không thể kìm nén, nhưng họ không có quyền được thỏa mãn.”

Trong một cuộc phỏng vấn với báo La Vie, ông Jean-Marc Sauvé cũng nêu lên “yếu tố trầm trọng” có thể là “cái nhìn về bậc sống độc thân”, ông giải thích: “Có một kiểu anh hùng hóa đời sống độc thân góp phần đưa linh mục lên bệ thờ và làm thuận lợi cho những quan hệ lệ thuộc.”

Che giấu căn tính tình dục của các linh mục

Sự anh hùng hóa đời sống độc thân này chính ra có hại cho linh mục. Nữ tu Véronique Margron, chủ tịch Hội đồng Nam nữ Tu sĩ Pháp nhận xét: “Việc xem linh mục như ‘người được tách riêng’, họ được ở trong thể loại ‘thiêng liêng’, có thể củng cố hình ảnh xem mình là ‘siêu phàm’ với một lý tưởng cao cả, có thể một ngày nào đó bị nứt rạn, phá vỡ mọi nhân cách”, nhận xét này của nữ tu được trích dẫn trong bản báo cáo. Trong bài viết Ấu dâm trong Giáo hội: Khôi phục lại uy tún (Pédophilie dans l’Église : restaurer la crédibilité, Études, 12- 2018), nữ tu phân tích: “Đương sự xây dựng một hình ảnh bản thân quá xa vời với những gì là con người thật của mình. Khi hình ảnh sụp đổ, một số không thể chịu đựng được.”

Cuối cùng, vì không sống thật con người của mình, “người độc thân đã tự giấu mình, thậm chí còn che các câu hỏi về bản sắc tình dục và đời sống tình dục, như một số linh mục đã làm chứng ở Ủy ban. Là người độc thân, không phải là người không có bản sắc tình dục, sự nhầm lẫn này đã được duy trì từ lâu”, bản báo cáo Ciase đưa ra tầm quan trọng của việc đào tạo về tình cảm, về mối quan hệ và tình dục trong các chủng viện. Trả lời trên kênh France Inter, thẩm phán Antoine Garapon, thành viên của Ủy ban Ciase giải thích: “Những gì chúng tôi cũng phát hiện ra, đó là sự thiếu thốn trầm trọng và nỗi cô đơn tình cảm của các linh mục. (…) Một trong những khuyến nghị chúng tôi đưa ra, đó là chăm sóc các linh mục nhiều hơn, chăm sóc đời sống tình cảm của họ. Tính dục là một chiều kích của con người, kể cả các linh mục.”

Và bây giờ?

Từ những quan sát này và trong số 45 đề xuất, Ủy ban kêu gọi Giáo hội “xác định các đòi hỏi đạo đức của đời sống độc thân thánh hiến, đặc biệt, hình ảnh của linh mục và nguy cơ trong việc đặt linh mục ở một tư thế anh hùng hoặc thống trị”.

Ủy ban cũng kêu gọi “đánh giá, đối với Giáo hội ở Pháp, các viễn cảnh được mở ra từ các suy tư của Thượng hội đồng Amazon”, đặc biệt liên quan đến việc phong chức cho các ông đã lập gia đình, trong một vài điều kiện nhất định.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Có 330.000 nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp