Phụ nữ đang vươn lên tầm cao mới tại Vatican. Họ có thể thay đổi Giáo hội mãi mãi không?
Nữ tu Alessandra Smerilli, nữ tu Nathalie Becquart và bà Cristiane Murray
americamagazine.org, Colleen Dulle, 2021-09-16
Colleen Dulle, phó tổng biên tập trang America, đồng tổ chức podcast Bên trong Vatican (Inside the Vatican),
Khi nữ tu Nathalie Becquart, thành viên của Cộng đoàn Thánh Xaviê được bổ nhiệm làm tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, nữ tu đã phát biểu một nhận xét làm báo chí chạy tít lớn. Trong một họp báo tại Vatican, nữ tu nói với các phóng viên, việc bổ nhiệm của tôi là bằng chứng cho thấy “tư duy gia trưởng của Giáo hội đang thay đổi.”
Điều này có đúng không?
Đức Phanxicô đã bổ nhiệm phụ nữ vào các vị trí có thẩm quyền lớn hơn bất kỳ giáo hoàng nào trước đó, nhưng Vatican vẫn là nơi chủ yếu do nam giới thống trị, vì phải được một giám mục kiểm soát, một giới hạn được gọi là “trần kiếng màu”, có nghĩa áp đặt một hạn chế dứt khoát mà phụ nữ không thể đạt được.
Dưới trần kiếng này, phụ nữ đang có được vị thế. Năm 2019, 24% nhân viên của Tòa Thánh là phụ nữ, so với năm 2010 là 17,6%, con số tiếp tục tăng dần sau Công đồng Vatican II.
Các phụ nữ làm việc ở Vatican hầu hết giữ các vị trí hậu trường, điều hành hoạt động hàng ngày của các bộ, các ủy ban, của giáo triều la mã, của Quốc Gia-thành phố Vatican. Theo tài liệu lưu trữ của chính quyền thành phố-nhà nước, phụ nữ giáo dân đầu tiên làm việc toàn thời gian tại Vatican là bà Anna Pezzoli năm 1915. Bà Pezzoli làm việc cho các nữ tu điều hành phòng thí nghiệm sửa các thảm của Vatican. Bà Gudrun Sailer, nhà báo làm ở Radio Vatican viết về lịch sử phụ nữ làm việc ở Vatican, dù tài liệu lưu trữ cho rằng bà Pezzoli là phụ nữ đầu tiên làm việc ở Vatican nhưng có thể có các phụ nữ khác đã làm việc trước bà.
Theo bà Sailer, những phụ nữ có học thức đầu tiên bắt đầu làm việc trong Thư viện Tông tòa Vatican năm 1929, và phụ nữ đầu tiên giữ vị trí lãnh đạo là nữ giáo dân Rosemary Goldie, thứ trưởng trong Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân năm 1967.
Một ngày mới
Trong những năm gần đây, càng ngày càng có nhiều phụ nữ đảm nhận các chức vụ cao ở Vatican. Trước đó, năm 2009, chỉ có ba phụ nữ giữ các vị trí cao như vậy, năm 2019, con số đã là tám trên 80-100 chức vụ như vậy, bao gồm cả đại diện ngoại giao và phó văn phòng báo chí Vatican. Năm 2018, Đức Phanxicô nói với hãng tin Reuters, ngài đã “chiến đấu” với sự cự lại trong nội bộ Vatican khi đưa bà Paloma García-Ovejero làm phó văn phòng báo chí. Hiện nay, theo bà Sailer, người tổng hợp số liệu thống kê về phụ nữ ở Vatican, có sáu phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo, trong đó có nữ tu Nathalie Becquart ở Thượng Hội đồng Giám mục. Nhóm phụ nữ này gồm nữ tu Alessandra Smerilli, kinh tế gia, tháng 8 – 2021 nữ tu được bổ nhiệm làm thư ký lâm thời – vị trí thứ hai trong một Bộ, tương tự như phó chủ tịch – trong Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, trở thành phụ nữ ở cấp cao nhất trong Giáo triều la mã.
Dưới trần kiếng này, phụ nữ đang có được vị thế. Năm 2019, 24% nhân viên của Tòa Thánh là phụ nữ, so với năm 2010 là 17,6%, con số tiếp tục tăng dần sau Công đồng Vatican II.
Giáo hoàng cũng bổ nhiệm phụ nữ vào các chức vụ mà trước đây chỉ có nam giới nắm giữ – gồm cả người phụ nữ có cấp bậc cao nhất trong chính quyền Nhà nước-Thành phố Vatican, bà Barbara Jatta, giám đốc Viện bảo tàng Vatican. Các viện bảo tàng là nguồn thu nhập chính của Nhà nước- Thành phố Vatican, một thực thể tách biệt với Giáo triều la mã, đóng góp vào lợi nhuận của Vatican. Bà Jatta đã quản trị các viện bảo tàng trong năm 2020 đầy biến động, khi đại dịch Covid buộc các viện bảo tàng phải đóng cửa nhiều tháng, số khách đến thăm giảm 82%. Viện bảo tàng phải tập trung vào các dịch vụ kỹ thuật số, xuất bản bảy chuyến tham quan ảo mới về các bảo tàng và một loạt video mới có tên “Bí mật của Bảo tàng Vatican”.
Năm 2020, Đức Phanxicô cũng bổ nhiệm sáu nữ giáo dân vào Hội đồng Kinh tế trước đây toàn nam giới, có nhiệm vụ giám sát các cơ cấu tài chính và hành chính của Tòa thánh và Nhà nước Thành phố Vatican, đồng thời bổ nhiệm phụ nữ đầu tiên làm công tố viên (theo danh từ của Mỹ) tại Tòa phúc thẩm của Vatican.
Bà María Lía Zervino, chủ tịch Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Công giáo Thế giới, trong một phỏng vấn qua e-mail với trang America cho biết: “Một khuôn mặt mới, khuôn mặt của ‘phụ nữ’ bắt đầu xuất hiện trong các bộ của Tòa Thánh, với các đặc nét gần gũi, trắc ẩn, dịu dàng cũng như thông minh và trực giác phụ nữ.” Theo trang web của bà, nhóm tìm cách “thúc đẩy sự hiện diện, tham gia và đồng trách nhiệm của phụ nữ công giáo trong xã hội và Giáo hội.
Phụ nữ và quyền lực
Tuy nhiên, bà Zervino và những phụ nữ khác quen thuộc với các hoạt động của Vatican nghĩ rằng, còn một chặng đường dài trước khi tiếng nói của phụ nữ được thấm nhập một cách thỏa đáng vào ban lãnh đạo trung ương của Giáo hội. Những gì là “thỏa đáng” vẫn chưa nắm bắt được. Giáo hội công giáo không phong chức cho phụ nữ và nhiều vị trí ở Vatican vẫn dành cho các giáo sĩ. Vì thế các số liệu thống kê về bình đẳng giới chỉ là một trợ giúp có giới hạn để hiểu khả năng nắm quyền của phụ nữ ở Vatican.
Bà María Lía Zervino gặp Đức Phanxicô ngày 20 tháng 1 năm 2020 tại Vatican. (Ảnh của bà María Lía Zervino cung cấp)
Để hiểu tình trạng phức tạp của Vatican, chúng ta cần hiểu cách thức thực thi quyền lực ở Vatican. Trong khi ở các tổ chức khác, nhân viên có thể ứng cử vào các vị trí khi có đợt tuyển, ở Vatican thì phải được bổ nhiệm, và có một cấm kỵ lâu đời, ít nhất là từ thời chống-Cải cách, đó là việc cấm vận động cho các vị trí ở cấp cao hơn, dù điều này chắc chắn vẫn còn xảy ra.
Khi được bổ nhiệm vào một chức vụ cao ở Vatican, có nhiều khả năng người được bổ nhiệm xem chức vụ của mình là để phục vụ chứ không phải có quyền. Điều này có nghĩa các cuộc thảo luận về “trao quyền cho phụ nữ” là rất hiếm và việc tạo các mục tiêu có thể đánh giá được vai trò lãnh đạo của phụ nữ là chưa từng có; thay vào đó, mọi mục tiêu thường được đóng khung trong các thuật ngữ trừu tượng như “để phụ nữ có một chỗ trong bàn” và “đảm bảo tiếng nói của phụ nữ được lắng nghe”.
Một số phụ nữ có ý tưởng cụ thể để đạt được điều này. Bà Zervino, chẳng hạn, bà muốn thấy viện “Quan sát Thế giới về Phụ nữ” (World Observatory on Women) của Vatican sẽ tập hợp các nghiên cứu khoa học về các vấn đề mà phụ nữ trên toàn thế giới phải đối diện và giúp Giáo hội giải quyết một cách có hiệu quả các vấn đề này. Bà Lucetta Scaraffia – nhà báo tranh đấu cho nữ quyền, bà là người thiết lập phụ trang phụ nữ của báo L’Osservatore Romano, và sau đó bà đã từ chức để phản đối, sau khi bà cho biết bà được khuyên không nên đăng bài tố cáo các giáo sĩ đã lạm dụng tình dục các nữ tu, bà mong thấy phụ nữ được chỉ định làm hồng y và những người đứng đầu các dòng tu nữ được bổ nhiệm làm cố vấn hàng đầu cho giáo hoàng.
Tuy nhiên, trong nội bộ Vatican, nơi phụ nữ được nhận vào, họ ít công khai chỉ trích thể chế Giáo hội hơn, cũng có một sự thay đổi đang diễn ra. Khi ngày càng có nhiều phụ nữ đảm nhận các vị trí của Vatican, các nhân viên lâu năm nói rằng họ đã thấy văn hóa giáo sĩ dần dần bị mai một. Đồng thời, gần đây các phụ nữ bắt đầu làm việc với Vatican đưa ra một cái nhìn mới về những gì phụ nữ mang đến cho Giáo hội. Thay vì “thiên tài nữ tính” khó nắm bắt mà các thành viên của hệ thống phân cấp thường đấu tranh để mô tả, họ nói rằng năng khiếu phụ nữ là quan điểm họ có được khi họ ở bên ngoài.
Văn hóa Vatican
Bà Cristiane Murray, một trong những phụ nữ cấp cao nhất của Vatican trong tư cách là Phó giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, nhớ lại khi bà bắt đầu làm việc tại Đài phát thanh Vatican năm 1995.
Bà nói trong một bài thuyết trình về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội: “Khi tôi bắt đầu làm việc ở đây, tôi là phụ nữ trẻ 33 tuổi, và tôi rất sợ giáo quyền; môi trường giáo triều làm tôi sợ hãi. Một vài phụ nữ làm công việc phiên dịch trong Đài lúc đó, nhưng đa số nhân viên là các ông. Thật là ngạc nhiên, tôi cảm thấy một số linh mục hoặc giám mục lớn tuổi hay trẻ tuổi cũng sợ tôi như vậy. Một số còn tránh nhìn tôi. Bây giờ tôi thấy điều này đã thay đổi rất nhiều; tôi quan sát thấy sự chú ý và đôi khi là ngưỡng mộ mà nhiều người trong giáo triều dành cho phụ nữ, tạ ơn Chúa, phụ nữ bây giờ không thiếu trong Giáo hội.”
“Khi tôi bắt đầu làm việc ở đây, tôi là phụ nữ trẻ 33 tuổi, và tôi rất sợ giáo quyền; môi trường giáo triều làm tôi sợ hãi. Thật là ngạc nhiên, tôi cảm thấy một số linh mục hoặc giám mục, lớn tuổi hay trẻ tuổi cũng sợ tôi như vậy… Bây giờ tôi thấy điều này đã thay đổi”
Bà Murray cho biết, hiện nay đa số nhân viên trong văn phòng báo chí Vatican là phụ nữ, nhưng ở các phòng ban khác của Vatican thì hiếm hơn. Văn phòng báo chí cũng là văn phòng duy nhất của Vatican có người lãnh đạo cao nhất là giáo dân. Bà Murray nói trong cuộc phỏng vấn với trang America: “Năm 2018, khi tôi đến Ban Thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục hợp tác trong việc chuẩn bị cho Thượng hội đồng Giới trẻ và vùng Amazon, đồng nghiệp chỉ toàn nam giới. Đó đúng là môi trường như các ban bộ ở Vatican mà tôi tiếp xúc ngày nay”, bà cho biết thêm, “và chúng tôi cùng làm việc với nhau rất tốt!”
Và khi Đức Phanxicô làm việc để nâng cao vai trò của các Thượng hội đồng – có nghĩa là họp các giám mục chung quanh một vấn đề, như Thượng hội đồng gần đây về vùng Amazon – ngài đã đưa vào thượng hội đồng nhiều phụ nữ và giáo dân, những phụ nữ nắm giữ các vai trò hàng đầu ở Vatican, như con đường đầy hứa hẹn hướng tới bình đẳng giới. Bà Murray tham dự hai phiên họp thượng hội đồng, năm 2018 về giới trẻ, đức tin và phân định ơn gọi, và năm 2019 về vùng Amazon, trong tài liệu cuối cùng, Đức Phanxicô kêu gọi có sự công nhận nhiều hơn về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội.
Thượng hội đồng Amazon đã kêu gọi đặc biệt để phụ nữ được đưa vào các hội đồng giáo xứ và giáo phận và trong các vị trí quản trị (“Tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng Amazon,” số 101) cũng như mục vụ: “Điều khẩn cấp của Giáo hội Amazon là cổ động và trao các chức vụ nam giới và nữ giới một cách bình đẳng” (số 95). Lời khuyến khích của Đức Phanxicô sau Thượng Hội Đồng về Giới Trẻ cũng nói đến việc có nhiều gương mặt phụ nữ trẻ trong Giáo hội hơn (“Đức Kitô Sống, Christ Is Alive,” số 245).
Ngài đáp lại các lời kêu gọi này, một phần, bằng cách mở các mục vụ phụng vụ vĩnh viễn chức giúp lễ và đọc sách cho phụ nữ, trong nhiều thập kỷ trước đây, chức vụ này chỉ có nam giới được đảm nhận vĩnh viễn; lệnh cấm này hiếm khi được thực hành ở Mỹ, nhưng ở nhiều nơi khác vẫn còn. Ngài cũng tạo mục vụ giáo lý viên giáo dân tương tự, chính thức công nhận các nữ giáo lý viên mà trong những vùng như vùng Amazon phải đối diện với tình trạng thiếu linh mục trầm trọng, thường là những người lãnh đạo cộng đồng giáo xứ của họ.
Bà Scaraffia, người thành lập phụ trang Phụ nữ của nhật báo L’Osservatore Romano đã chỉ trích việc mở các mục vụ phụng vụ vĩnh viễn chức giúp lễ và đọc sách cho phụ nữ, nhưng bà hoan nghênh việc tạo chức vụ cho giáo lý viên. Bà xem việc định chế phụ nữ vĩnh viễn trong chức vụ giúp lễ và đọc sách như một cách đưa phụ nữ một sứ vụ mà phụ nữ đã chính thức làm từ nhiều thập kỷ nay dưới sự kiểm soát của giám mục, do đó hạn chế quyền tự do của họ. Theo bà, mục vụ giáo lý viên là khác biệt vì nó đòi hỏi một sự công nhận mới và chính thức cho phụ nữ như những người lãnh đạo trong đời sống giáo xứ. Trong một phỏng vấn qua e-mail với trang America, bà Scaraffia nói: “Tuy nhiên phải giữ trong đầu, sự công nhận cũng bao gồm sự kiểm soát.”
Bà Scaraffia cũng như các phụ nữ khác được trích dẫn trong câu chuyện này, nghĩ rằng mục tiêu cuối cùng của các nhà nữ quyền như bà là thúc đẩy để Vatican cho phép tiếng nói của phụ nữ được lắng nghe. Theo bà, mục đích đặc biệt được chứng minh là có giá trị cao. Với sự ủng hộ của Đức Bênêđictô XVI, bà đã thành lập tạp chí “Phụ nữ, Giáo hội, Thế giới” (Donne Chiesa Mondo) một phụ trang hàng tháng trên nhật báo L’Osservatore Romano của Vatican. Nằm dưới sự kiểm soát của cơ quan truyền thông chính thức Vatican, có nghĩa tạp chí không thể đưa tin về các vấn đề gây tranh cãi như phá thai, một hạn chế mà bà Scaraffia bằng lòng tuân thủ.
Mục tiêu cuối cùng của các nhà nữ quyền là thúc đẩy để Vatican cho phép tiếng nói của phụ nữ được lắng nghe.
Nhưng vào tháng 3 năm 2018, tạp chí đã mất vài cây viết khi đăng tải một tài liệu về điều kiện làm việc của các nữ tu làm việc trong nhà của hồng y, giám mục và linh mục. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2019 với podcast của trang America “Bên trong Vatican” (Inside the Vatican), bà Scaraffia giải thích với tôi, các nữ tu ở trong tình trạng nô dịch và lệ thuộc vào người chủ, người cho họ nhà ở và thường không được trả lương. Bà cho biết tình trạng bóc lột mà họ phải đối diện, đôi khi họ còn bị lạm dụng tình dục – một chi tiết mà sau đó bà Scaraffia giải thích, bà bị một giám chức cao cấp Vatican yêu cầu không được nêu lên.
Một ít thời gian sau cuộc phỏng vấn này, bà Scaraffia và toàn bộ ban biên tập phụ trương Phụ nữ, Giáo hội, Thế giới từ chức, với lý do thù nghịch với các biên tập viên mới tại L’Osservatore Romano. Các tài liệu lưu trữ bảy năm làm việc của họ đã bị xóa khỏi trang web của tờ báo. Bà Scaraffia lo ngại không còn không gian được Vatican chấp thuận để phụ nữ có nơi chỉ trích thể chế. Kể từ khi từ chức, bà nói: “Theo tôi, tình trạng của phụ nữ ngày nay ở Vatican có vẻ như xấu hơn. Không còn tiếng nói tự do nào nữa, để đổi lấy một vài vị trí ở các vị trí trung bình và cao mà không có khả năng thay đổi bất cứ điều gì hoặc để tiếng nói phản biện được lắng nghe”.
Nguyệt san “Phụ nữ-Giáo hội-Thế giới” của L’Osservatore Romano. Thiếu hỗ trợ đối thoại cởi mở, năm 2019 ban biên tập do phụ nữ điều hành, giám đốc và ban biên tập của phụ trang từ chức. (Ảnh CNS / L’Osservatore Romano qua Reuters)
Bà Scaraffia nói: “Dĩ nhiên sự hiện diện của phụ nữ ở các cấp điều hành Vatican là điều tích cực, nhưng hiện tại họ luôn chiếm thiểu số áp đảo và là phụ nữ được thể chế cấp bậc lựa chọn, vì thế ngay từ đầu họ phải ngoan ngoãn và không quá chỉ trích. Tôi nghĩ tình hình sẽ khác nếu ở các cấp cao nhất – tôi nghĩ đến một nhóm nhỏ các hồng y cố vấn giáo hoàng – các nữ tu lãnh đạo các dòng lớn trên thế giới do chính các nữ tu bầu ra được mời. Gần như họ là các phụ nữ can đảm và thông minh, có kiến thức sâu rộng về tình trạng của Giáo hội công giáo trên thế giới, là những người có khả năng đưa ra một tầm nhìn phản biện và mới mẻ”.
Bà nói thêm: “Trong những năm gần đây, mặc dù thể chế Giáo hội không thực sự thay đổi, nhưng các tu sĩ đã thay đổi rất nhiều.”
Bà Scaraffia nói thêm: “Ơn gọi đã giảm nhiều, nhưng những ai còn ở lại, họ rất minh mẫn và giỏi chiến đấu, họ không còn là những người phục vụ ngoan ngoãn vâng lời giới tu sĩ nữa. Điều đặc biệt quan trọng là phải nâng cao tiếng nói của nữ tu để chống lại nạn lạm dụng.
Bà Scaraffia nói: “Tôi nghĩ sự thay đổi trong việc hành hạ phụ nữ trong Giáo hội chỉ có thể có được nếu phụ nữ thay đổi, nếu phụ nữ đấu tranh để tiếng nói của họ được lắng nghe và chấp nhận. Phụ nữ không thể đợi giáo hoàng sửa đổi; họ cần phải chủ động. Như bà đã nói trong cuộc phỏng vấn năm 2019 với trang America: “Đức Phanxicô đã mở rộng cửa cho phụ nữ; họ phải bước qua” và dùng các vị trí mới của mình để thúc đẩy việc quản trị tốt hơn cho phụ nữ.
Bên trong Vatican, thái độ chỉ trích của phụ nữ trong giới lãnh đạo ít hơn nhiều so với bên ngoài, nhưng hầu hết phụ nữ đều thừa nhận, Giáo hội còn một chặng đường dài phía trước để đạt được mục tiêu bình đẳng giữa các giới. Bà Murray, phó văn phòng báo chí, nói với trang America, trong 5 năm qua, hiệp hội Phụ nữ ở Vatican (Donne in Vaticano) đã họp các phụ nữ làm việc tại Vatican để hỗ trợ lẫn nhau và tăng cường khả năng hiển thị của phụ nữ ở Vatican, đồng thời làm công việc từ thiện cho những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên khắp thế giới. Bà Murray nói: “Mục tiêu bình đẳng vẫn xa, nhưng rất tiếc đây là thực tế, không phải chỉ ở Vatican mà ngay cả ở các quốc gia tiên tiến nhất trên thế giới”.
Khi được hỏi bà sẽ nói gì với Đức Phanxicô về tình hình của phụ nữ ở Vatican, bà Murray nói, “Tôi nghĩ tôi sẽ xin Ngài điều này: mong chúng tôi được lắng nghe hơn, có một đối thoại trao đổi và tương tác nhiều hơn ở mọi cấp độ, giữa nam và nữ.”
Kinh tế học của sự thay đổi
Một lãnh vực mà Đức Phanxicô ưu tiên đưa phụ nữ vào vai trò lãnh đạo là tài chính và kinh tế, đặc biệt là năm ngoái, khi các nền kinh tế thế giới gặp khó khăn vì Covid, các công ty đóng cửa và đại dịch làm chênh lệch rõ giữa giàu nghèo. Ngài tin rằng các nữ kinh tế gia có một quan điểm độc đáo giúp họ có khả năng dẫn dắt thế giới vào một tương lai kinh tế tươi sáng hơn sau đại dịch.
Năm 2020, ngài bổ nhiệm sáu nữ kinh tế gia vào Hội đồng Kinh tế Vatican, cơ quan giám sát các hoạt động tài chính của các thực thể Vatican. Bảy vị trí trong hội đồng được dành cho giáo dân và tám vị trí cho giáo sĩ. Đây là lần đầu tiên một phụ nữ được bổ nhiệm vào hội đồng do ngài thành lập năm 2014 để giúp vực dậy nền kinh tế tài chính Vatican bị tai tiếng vùi dập.
Ngài nói trong quyển sách Hãy để chúng ta mơ (Let Us Dream) xuất bản năm 2020, trình bày tầm nhìn của ngài về một thế giới được biến đổi tốt hơn sau đại dịch: “Tôi chọn những phụ nữ đặc biệt này vì trình độ của họ, nhưng cũng vì tôi tin rằng phụ nữ nói chung là những nhà quản trị tốt hơn nhiều so với nam giới.”
Ngài đề cập đến cách các quốc gia có nguyên thủ quốc gia là nữ, “nhìn chung họ phản ứng tốt hơn và nhanh hơn những quốc gia khác, đưa ra quyết định nhanh chóng và truyền đạt chúng bằng đồng cảm”, ngài tiếp tục trích dẫn công trình của hai nữ kinh tế gia tiến sĩ Mariana Mazzucato của Đại học College London và Kate Raworth của Đại học Oxford. Đức Phanxicô ca ngợi tinh thần sẵn lòng của hai phụ nữ “vượt ra khỏi sự phân cực của chủ nghĩa tư bản thị trường và chủ nghĩa xã hội nhà nước” để hình dung ra một nền kinh tế – dùng thuật ngữ “bánh rán” của bà Raworth – giúp người nghèo không rơi vào “hố sâu” của đói nghèo mà vẫn ở trong giới hạn hữu hạn của những gì bền vững với môi trường.
Cả bà Raworth và Tiến sĩ Mazzucato đều được cử làm cố vấn cho Ủy ban Covid-19 của Vatican, nơi tập trung vào đáp ứng nhân đạo của Giáo hội với đại dịch, phân tích các yếu tố sinh thái của cuộc khủng hoảng, truyền đạt quan điểm của Vatican về con đường phía trước và làm việc với các quốc gia khác để thúc đẩy hợp tác quốc tế hướng đến tầm nhìn này. Tháng 8 năm 2021, Đức Phanxicô bổ nhiệm nữ tu Alessandra Smerilli, nhà kinh tế học người Ý thuộc Dòng Nữ Salêdiêng Don Bosco, làm thư ký lâm thời của ủy ban, nữ tu trở thành một trong những phụ nữ ở cấp cao nhất ở Vatican.
Bà Raworth tự cho mình là “nhà kinh tế học ngoài luồng” ý bà muốn nói, bà giảng dạy ở Viện Thay đổi Môi trường của Oxford chứ không phải ở phân khoa kinh tế. Bà nói bà học kinh tế với hy vọng được đi sâu vào chính sách công nhưng đã thất vọng “vì những vấn đề tôi quan tâm nhất, tôi cảm thấy chúng ở bên lề các mối quan tâm của tôi.”
Bà Raworth nói: “Nếu chúng ta học môn kinh tế ở bất kỳ trường đại học nào trên thế giới, và tôi rất tiếc phải nói sự thật này, đó là có thể trong bài giảng đầu tiên, giáo sư sẽ nói, ,chào mừng bạn đến với môn kinh tế, đây là cung và đây là cầu của thị trường.’ Và chúng ta bắt đầu với thị trường. Tại sao, tại sao chúng ta bắt đầu với thị trường? Ý tôi là, ‘kinh tế học’ xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ đại: ‘eco’ ‘nomos’: nghệ thuật quản lý gia đình. Thật là một tham vọng cao đẹp, nhằm mục đích quản lý ngôi nhà hành tinh của chúng ta vì lợi ích của tất cả cư dân của nó! Nếu đó là kinh tế học, tôi sẽ đồng ý.”
Bà Kate Raworth (hình của Roman Krznaric)
Trong những năm qua, Đức Phanxicô bị chỉ trích đã dùng ngôn ngữ lỗi thời để mô tả phụ nữ, và ngài đã trả lời trong quyển sách Hãy để chúng ta mơ, lặp lại cảm nhận của bà Raworth. Ngài nói, “bà nội trợ” hay (ama de casa trong tiếng Tây Ban Nha) mang nghĩa “nghệ thuật quản lý gia đình”.
Theo ngài, ngài nghĩ những gì khác biệt nơi các nữ kinh tế gia khác với người khác, đó là “quan điểm của họ phát sinh từ kinh nghiệm thực tế trong việc quản trị ‘kinh tế thực tế’ mà theo họ, đã mở rộng tầm mắt cho sự thiếu sót của sách giáo khoa kinh tế học tiêu chuẩn. Thường thường công việc của họ phi chính thức, không được trả lương , kinh nghiệm làm mẹ hoặc điều hành gia đình thêm vào học tập ở trình độ cao, đã làm cho họ nhận thức được những sai sót trong các mô hình kinh tế thống trị trong 70 năm qua.”
Khi được hỏi bà suy nghĩ gì về phân tích này, bà Raworth suy nghĩ một chút trước khi trả lời. Bà cho biết bà ấn tượng và được ảnh hưởng bởi rất nhiều nhà kinh tế và lý thuyết gia phụ nữ, những người mà phần lớn, đã “bước ra ngoài con đường truyền thống trong học thuật.” Bà trích dẫn ví dụ của nhà văn Janine Benyus, người đã làm thuật ngữ “biomimicry” trở nên thông dụng, một ý tưởng nghiên cứu các quá trình tự nhiên và áp dụng chúng để giải quyết các vấn đề của con người thời hiện đại với mục tiêu bền vững môi trường.
Nói về các phụ nữ đã truyền cảm hứng cho mình, bà Raworth nói: “Thành thật mà nói, tôi nghĩ nhiều người trong số họ là những người ngoài luồng. Tôi nghĩ họ đến từ bên ngoài, đi theo một con đường khác và họ đang nhìn thấy điều gì đó mà đa số không thấy.”
Đúng hơn đây là một loại “thiên tài nữ tính” phụ nữ sinh ra đã có, từ khi còn nhỏ, trải nghiệm của họ về thế giới đã chuẩn bị để họ nhìn kinh tế một cách khác biệt.
Bà nói đúng hơn đây là một loại “thiên tài nữ tính” phụ nữ sinh ra đã có, từ khi còn nhỏ, trải nghiệm của họ về thế giới đã chuẩn bị để họ nhìn kinh tế một cách khác biệt.
Bà cho biết: “Khi bạn là một cô gái lớn lên, bạn thường hình dung một ngày nào đó mình sẽ là người mẹ. Và vì thế bạn hình dung mình có nghề nghiệp, được đi làm trả lương, nhưng bạn cũng hình dung bạn ở trong nỗi đau của những người làm việc không lương. Nam giới, nữ giới có thể bình đẳng với nhau, nhưng vẫn có một cái gì đó đặc trưng trong quan điểm phụ nữ vì họ bị loại trừ hoặc vì họ bị dồn vào việc phải chăm sóc nhà cửa, giống như cách mà mọi người thuộc mọi chủng tộc đều bình đẳng, nhưng người da màu có một cái gì đó họ có thể thấy qua kinh nghiệm bị kỳ thị chủng tộc của họ.”
Bà Raworth tiếp tục: “Chỉ khi chúng ta đưa ra tất cả những quan điểm này, chúng ta mới có một cái nhìn toàn diện về kinh tế học, và vẻ đẹp của điều này không ai có thể nhìn thấy hết được. Chúng ta phải làm việc trong những tập thể lớn, những tập thể đa dạng”.
Vai trò trọng tâm của tính đồng nghị
Bà Murray, phó văn phòng báo chí Vatican, nói rằng sự hợp tác trong các nhóm đa dạng là cốt yếu trong công việc của bà ở Vatican. Khi lần đầu tiên bà làm việc tại Đài phát thanh Vatican, có các nhân viên đến từ 40 quốc gia khác nhau. Bà nói: “Toàn bộ Vatican là đa văn hóa. Trong những năm qua, tinh thần cộng tác này rất lớn và tôi không nghĩ việc là phụ nữ hay đàn ông là có ảnh hưởng; đó chỉ là vấn đề kinh nghiệm và tin tưởng lẫn nhau, được xây dựng qua nhiều năm tháng cùng hết sức làm việc.”
Sơ Becquart, phó tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục cho rằng, việc sơ được bổ nhiệm là một dấu hiệu cho thấy “tư duy gia trưởng ở Vatican đang thay đổi”, một phụ nữ trong một thể chế lịch sử do nam giới thống trị có ảnh hưởng, đặc biệt là trong cơ quan của sơ, cho đến bây giờ chỉ tuyền các các giám mục trên thế giới.
Rút kinh nghiệm từ việc làm trong Hội đồng Giám mục Pháp từ hơn mười năm qua, và là nữ cố vấn đầu tiên của Thượng hội đồng Giám mục về giới trẻ năm 2018, sơ Becquart cho biết các giám mục mà sơ đã làm việc “thực sự cảm thấy rằng ngày nay, nếu ở trong một môi trường toàn những người giống nhau thì chúng ta chỉ thấy một phần của vấn đề. Và vì thế tôi nghĩ, việc tôi được bổ nhiệm ở đây là đặt cơ cấu cho Thượng Hội đồng Giám mục tầm quan trọng của việc lắng nghe những gì chúng ta gọi là cảm thức đức tin, sensus fidei, của giáo dân.”
Các nhà lãnh đạo ban thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục trong cuộc họp trực tuyến với các chủ tịch và tổng thư ký của các hội đồng giám mục quốc gia và khu vực ngày 15 tháng 6 năm 2021. Cuộc họp được tổ chức để giải thích quá trình tham vấn mở rộng để chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục năm 2023. Từ trái: Nữ tu Nathalie Becquart, phó tổng thư ký; hồng y Mario Grech, tổng thư ký và Đức ông Luis Marín de San Martín, phó tổng thư ký thượng hội đồng. (Ảnh CNS / do Thượng hội đồng Giám mục cung cấp)
Sơ Becquart là chuyên gia về tính đồng nghị, mô hình quản trị có từ Công đồng Vatican II và được Đức Phanxicô ủng hộ, theo đó các giám mục và giáo dân được lên tiếng tự do – với parrhesia, nói thẳng, nói thật và táo bạo như Đức Phanxicô thường nói – về những vấn đề mà cộng đồng của họ đang đối diện, nơi họ tin rằng Chúa Thánh Thần có thể đang kêu gọi họ, nhằm mục đích cùng nhau đưa ra quyết định.
Trong năm đầu tiên triều giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô thấy Thượng Hội đồng Giám mục “chín một nửa” so với mô hình mà Công đồng Vatican II kêu gọi, như thành lập hội đồng các hồng y cố vấn, những người mà ngài đề nghị cuối cùng có thể được Thượng hội đồng giám mục bầu chọn và đã tổ chức các thượng hội đồng cấp cao về gia đình, giới trẻ và vùng Amazon ở Rôma. Ngài bổ nhiệm một ít phụ nữ, trong số này có nữ tu Becquart, làm cố vấn cho các thượng hội đồng về người trẻ và thượng hội đồng về vùng Amazon. Bây giờ, trong vai trò là phó tổng thư ký thường trực của Thượng Hội đồng Giám mục ở Vatican, sơ Becquart có thể sẽ là phụ nữ đầu tiên bỏ phiếu ở một Thượng hội đồng. Việc mở rộng quyền bầu cử cho nhiều phụ nữ hơn như các nữ bề trên của một số dòng cũng như một vài nhóm vận động công giáo, đã được kêu gọi từ nhiều năm nay, bây giờ đang được xem xét tại Vatican và, theo các quan sát viên Vatican như nhà báo Gerard O’Connell của trang America thì có thể được cấp sớm nhất là vào năm 2023, khi giai đoạn cuối cùng của tiến trình thượng hội đồng toàn cầu về tính đồng nghị diễn ra ở Rôma.
Dù có sự tham gia của việc bỏ phiếu, nhưng tính đồng nghị không nhất thiết phải là một quá trình dân chủ hóa, vì các quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Thượng Hội đồng Giám mục và cuối cùng là giáo hoàng. Đức Phanxicô đôi khi đã dùng vai trò của mình để từ chối các khuyến nghị của đa số, như trong Thượng Hội đồng về vùng Amazon, ngài đã từ chối các ông đã lập gia đình được chịu chức, vì chưa có đủ sự đồng thuận về vấn đề này hoặc vì các ý kiến bị chia rẽ rõ rệt.
Khi theo học thần học thiêng liêng tại Trường Thần học và Sứ vụ ở Trường Cao đẳng Boston, sơ Becquart đã viết luận án về tính đồng nghị, sơ tin rằng đó là chìa khóa để giải quyết sự chênh lệch giới tính trong Giáo hội. Bắt đầu từ quan điểm, tất cả mọi người được sinh ra đều bình đẳng, “tính đồng nghị là việc thoát khỏi khuôn mẫu thống trị, tách biệt, để tham gia vào hệ thống hợp tác và phụ thuộc lẫn nhau, liên kết tất cả mọi người,” sơ Becquart giải thích với trang America.
Sơ cho biết: “Với Công đồng Vatican II, chúng ta đã tái khám phá, có thể nói, tính ưu việt của ơn gọi rửa tội. Trong sắc lệnh rất quan trọng là ‘Hiến chế Tín lý về Giáo hội’ (‘Lumen Gentium’), đã có một lựa chọn có chủ ý để đặt chương 2 về Dân Chúa trước chương về phẩm trật.” Theo sơ, lời kêu gọi rửa tội đó vừa tôn trọng sự đa dạng của các ơn gọi mà mọi người có, đồng thời đòi hỏi mọi người thuộc mọi ơn gọi có thể được lắng nghe trong quá trình ra quyết định của Giáo hội. Sơ nói tầm nhìn này vẫn chưa được hiện thực hóa hoàn toàn.
Sơ Becquart tin rằng tính đồng nghị, được hiểu một cách đúng đắn, kết hợp tất cả các tiếng nói – kể cả những người theo tín ngưỡng khác hoặc không có đức tin nào cả. Sơ ủng hộ việc dành sự quan tâm đặc biệt đến những người trẻ tuổi và những người bên lề xã hội, những người trước đây đã ở ngoài các quyết định quan trọng của Giáo hội. Sơ Becquart nói: “Trong bao nhiêu năm, chúng ta đã có kinh nghiệm và khuôn mẫu này khá mang giáo sĩ tính, chúng ta vẫn chưa nhận được thành quả của Công đồng Vatican II. Còn cả một chặng đường dài để thoát khỏi tư duy gia trưởng này và để có được sự bình đẳng thực sự, có đi có lại và tôn trọng lẫn nhau giữa nam và nữ, nhưng xã hội đang thay đổi và trong Giáo hội, qua phép rửa tội, tất cả những người được rửa tội đều bình đẳng về phẩm giá. Tính đồng nghị là làm sao thực hiện sự bình đẳng cơ bản này, không bỏ đi sự đa dạng của các chức vụ, các vai trò, vai trò của các mục tử và các giám mục, nhưng làm thế nào bạn sống điều này như một phục vụ, phục vụ cộng đoàn trong đó mọi người đều bình đẳng.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Nữ tu kinh tế gia Alessandra Smerilli được Vatican bổ nhiệm