Hồng y Grech: “Nếu chúng ta không tin Chúa Thánh Thần thổi sức thì thượng hội đồng sẽ thất bại”
Thượng hội đồng sẽ bắt đầu ngày 17 tháng 10, hồng y Mario Grech, Tổng thư ký thượng hội đồng trả lời các câu hỏi của báo La Vie. Theo ngài, suy tư phải dựa trên quy mô đối thoại rộng lớn trong Giáo hội và hơn thế nữa.
lavie.fr, Sophie Lebrun, 2021-09-12
Hồng y Mario Grech, Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới. Fabio Frustaci/ Pool / AFP
Ngày 10 tháng 9, Phân khoa Giáo luật Paris mở đầu niên học mới với hai vị khách quý: hồng y Tổng thư ký Mario Grech, giám mục người Malta, và nữ tu Nathalie Becquart, phó Tổng thư ký về tính đồng nghị. Những ngày trước đó, các giám mục Pháp đã gặp hai vị trong chương trình mở đầu tham vấn cấp giáo phận.
Mục tiêu: huy động người công giáo để có phản ánh quốc tế cho cuộc họp của các giám mục khắp nơi trên thế giới sẽ kết thúc tại Rôma mùa thu năm 2023.
Cuộc gặp với người có sứ mệnh điều phối toàn bộ quá trình.
Cha là thư ký của “thượng hội đồng về tính đồng nghị”, ngày 7 tháng 9 cha công bố tài liệu chuẩn bị việc mở cuộc đối thoại với các vùng ngoại vi cũng như bên ngoài Giáo hội. Làm thế nào cha định nghĩa các từ “thượng hội đồng” và “tính đồng nghị” với những người xem đó là “biệt ngữ của Giáo hội?”
Hồng y Mario Grech: Thượng hội đồng này sẽ bắt đầu bằng cách dựa trên tham vấn của Dân Chúa, đây là bước đầu tiên, thông qua các câu hỏi được đề xuất với các Giáo hội địa phương. Trước đây, Đức Phanxicô cũng đã gởi các câu hỏi đến các giáo phận (trong các thượng hội đồng giới trẻ, tình yêu trong gia đình và sau đó là thượng hội đồng về vùng Amazon) nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi xin tất cả các giám mục tổ chức việc tham khảo ý kiến quy mô như vậy.
Trong quá trình thượng hội đồng này, chúng tôi xin các giám mục lắng nghe tất cả, đặc biệt là những người ở vùng ngoại vi hiện sinh. Nếu chúng ta không lắng nghe toàn thể Dân Chúa ngay từ ngày đầu tiên khai mạc, 17 tháng 10 thì mọi công việc còn lại sẽ sụp đổ. Vì thế giai đoạn đầu tiên này có tầm quan trọng cơ bản.
Bà hỏi tôi, làm sao nói chuyện với giáo dân nếu họ không hiểu ngôn ngữ của chúng tôi? Tôi không nghĩ vấn đề là ở đó, bởi vì chúng tôi không cần phải đồng ý trên các từ, chúng tôi chỉ cần gặp nhau. Con đường đồng nghị phải là một kinh nghiệm sống, hơn là một khái niệm hay một ý tưởng. Nhà thơ Tây Ban Nha Antonio Machado đã viết: “Người du hành không có con đường, con đường được tạo ra khi người du hành bước đi”. Chúng ta học tính đồng nghị qua thực hành, nếu chúng ta có đủ can đảm cùng nhau thực hiện cuộc hành trình này.
Nếu Giáo hội có thể được phong phú hóa nhờ đối thoại vượt ra ngoài giới hạn của mình, thì những người ở xa Giáo hội có thu được những gì từ đó không?
Những ai không quan tâm đến Giáo hội sẽ không đáp trả lời kêu gọi của chúng tôi. Nhưng tôi có thể đảm bảo với bà, những người công giáo ngay cả những người không giữ đạo cũng mong muốn tham gia vào tiến trình thượng hội đồng này và rất kỳ vọng ở nó.
Có nhiều người muốn nói lên tiếng nói của mình và chia sẻ với mục tử của họ những gì họ nghĩ rằng Chúa Thánh Thần đã tỏ lộ cho họ. Chúng ta đừng quên con đường đồng nghị không phải là cuộc tranh luận trong đó chúng ta đối đầu với các ý kiến và quan điểm, nhưng là đối thoại để chia sẻ những gì chúng ta cảm nhận Chúa Thánh Thần trong chính chúng ta, những gì chúng ta nghe Chúa Thánh Thần nói trong chúng ta. Điều này đòi hỏi sự phân định cá nhân, sau đó là sự phân định của giáo hội. Qua sự phân định chung này, một ý nghĩa mới về đức tin có thể được khám phá, vượt ngoài quan điểm của những cá nhân liên hệ.
Những rạn nứt về ý thức hệ, những xung đột xung quanh thánh lễ và giữ đạo, những từ như “nghi ngờ, dubbia”, lòng tin bị suy sụp sau những vụ bê bối lạm dụng… Người công giáo đã sẵn sàng cho một thượng hội đồng về tính đồng nghị chưa?
Tôi thực sự tin rằng tính đồng nghị là “câu trả lời” cho tất cả những khó khăn mà bà vừa nêu ra! Trong thực tế, tính đồng nghị có nghĩa là chúng ta cùng nhau chia sẻ gánh nặng, những nghi ngờ và sợ hãi của nhau. Đến với nhau và nói với nhau tất cả những điều này: đây đã là một trong những thành quả của tính đồng nghị. Nhưng cần phải hành động trên tinh thần trách nhiệm, chân thành, tự do và khiêm tốn.
Tài liệu chuẩn bị nhấn mạnh“tham vấn dân Chúa” không kêu gọi “các động lực cụ thể của dân chủ”: dân chủ không có gì để đóng góp vào con đường đồng nghị sao?
Có, qua dân chủ, chúng ta đồng ý mọi người đều bình đẳng, như tất cả chúng ta đều bình đẳng qua phép rửa tội và tất cả chúng ta đều nhận được quyền năng của Chúa Thánh Thần để nói, thì dân chủ là một phần trong tiến trình đồng nghị. Nhưng khi chúng ta đi đến kết luận của tiến trình này, nó không thể là vấn đề đa số quyết định cho thiểu số.
Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, chúng ta phải đạt được sự đồng thuận của Giáo hội, sự đồng thuận không xây dựng trên quan niệm cho rằng những người mạnh nhất hoặc những người nói nhiều nhất quyết định cho những người yếu hơn. Trong Giáo hội, sự đồng thuận này được thiết lập trên cơ sở phẩm giá chung của tất cả mọi người đã rửa tội, và cũng tôn trọng các đặc sủng và thừa tác vụ. Chức vụ của các giám mục là quan trọng vì họ đã nhận được sứ mệnh của Chúa Thánh Thần để hướng dẫn và bảo đảm sự phân định của Giáo hội; họ được Chúa giao làm “người trông coi, chú giải và nhân chứng đích thực về đức tin của Giáo hội công giáo”.
Với nhiều người, sự tham gia của giáo dân – trong đó có phụ nữ – trong giai đoạn bỏ phiếu cuối cùng là nền tảng cho sự đáng tin cậy của đường lối đồng nghị. Làm thế nào để được hiểu – và do đó để trở thành một nhà truyền giáo – mà không có đồng nghị?
Ngay cả khi chúng ta bị ảnh hưởng bởi những vấn đề xã hội chúng ta đang sống, con đường đồng nghị trong gia đình giáo hội muốn đi đến kết luận không phải do một cơ quan có thẩm quyền quyết định nhưng được xây dựng và nuôi dưỡng bởi hạ tầng cơ sở. Hạ tầng cơ sở sẽ có nhiều câu hỏi và không có câu nào bị gạt sang một bên. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh, mục tiêu của tiến trình thượng hội đồng không phải là trả lời các câu hỏi giáo lý nhưng tìm cách củng cố sự hiệp thông và hiệp nhất, đào sâu cách chúng ta có thể mở một không gian cho sự tham dự của tất cả mọi người, để cuối cùng cùng nhau loan báo Tin Mừng, đó là sứ mệnh của tất cả chúng ta.
Cái nhìn của chúng ta phải tập trung vào một phong cách, một phương pháp để cùng nhau trở thành một Giáo hội. Một khi đã tìm được qua đồng thuận của giáo hội, thì khi đó cộng đồng sẽ có câu trả lời mang lại.
Cha đã nói trong cuộc hội thảo với các sinh viên thần học và giáo luật của Học viện Công giáo Paris đồng thuận này trong Giáo hội là “một tiến trình khó… nhưng có thể.”
Tôi thực sự tin điều đó, bởi vì tôi tin Chúa Thánh Thần! Nếu đây là dự án của con người thì chúng ta sẽ không làm được. Nếu chúng ta không tin Chúa Thánh Thần sẽ thổi trong cuộc họp thì khi đó sẽ là một thất bại. Nhưng nếu chúng ta tin Chúa Thánh Thần đang sống qua Giáo Hội, và chúng ta dành chỗ để nghe Ngài, thì chúng ta có thể làm được. Chúng ta có thể tìm ra các giải pháp chung ngoài những bất đồng của chúng ta.
Chúng ta đã quên Chúa Thánh Thần trong Giáo hội công giáo?
Vâng, tôi nghĩ như thế… Tôi nghĩ Chúa Thánh Thần không được nhắc đến đủ! Sự hiện diện này của Chúa Thánh Thần phải được nhắc nhở liên tục, với tất cả sức mạnh của sự lãng quên. Nếu con đường đồng nghị này không phải là hành trình thiêng liêng, thì nó chẳng phục vụ được gì. Sự thành công hay thất bại của thượng hội đồng sẽ là thước đo lòng tin của chúng ta nơi Thần Khí và lòng tin của chúng ta đặt vào Ngài trong những lựa chọn của chúng ta.
Các giáo phận có sáu tháng để mở con đường đồng nghị này. Trong bối cảnh khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, đây có phải là một thách thức khó thực hiện không?
Đó thực sự là một thách thức. Nhưng trong tài liệu chuẩn bị đưa ra những dòng tư tưởng chính cũng như trong “cẩm nang” đề xuất các con đường cụ thể, chúng tôi khuyến khích sáng tạo, đi ra ngoài con đường bình thường. Đó là điều mà cuộc khủng hoảng sức khỏe do Covid đã thúc đẩy chúng ta phải làm.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: “Quy trình thượng hội đồng” sẽ bắt đầu tháng sau: có điều gì đang xảy ra không?
Phụ nữ đang vươn lên tầm cao mới tại Vatican. Họ có thể thay đổi Giáo hội mãi mãi không?