Những cha mẹ “bỏ rơi” con để cứu con

146

Những cha mẹ “bỏ rơi” con để cứu con

osservatoreromano.va, Luigi Maria Epicoco, 2021-08-25

Nhiều khi chúng ta tìm chữ để nói lên sự việc, nhưng có những hình ảnh nói lên được ý tưởng hay hơn cả ngàn chữ. Đó là những gì đang xảy ra ở Afghanistan trong những ngày vừa qua. Kịch tính và nỗi đau hiển hiện qua hình ảnh hùng hồn hơn là hàng ngàn bài phân tích chính trị xã hội mà các phương tiện truyền thông và công chúng đang tranh luận rất nhiều bây giờ. Trong số những hình ảnh này, có hai hình ảnh đã chạm đến lương thức của nhiều người: một người mẹ đẩy con trai mình qua hàng rào thép gai, và một người cha nhấc con mình lên để giao con cho người quân nhân ở bên kia hàng rào. Điều gì đã thúc đẩy cha mẹ có thể làm điều quá bi đát, đau đớn như vậy? Chúng ta nghĩ đến bà Jokébel, mẹ của ông Môsê, bà đẩy con mình xuống dòng sông Nin trong cố gắng tuyệt vọng cuối cùng để cứu con. Bà bỏ con để cứu con. Mạch cảm xúc ở hai chữ: bỏ và cứu. Tôi nghĩ chỉ có cha mẹ mới hiểu được nỗi đau của một cử chỉ như vậy. Vậy mà trong thảm kịch của sự chia lìa đó, có lời nói của tình yêu: Mẹ sẵn sàng rời con để con được sống. Trong Thánh Kinh chúng ta thường nhìn đến các việc của ông Môsê, nhưng tôi nghĩ chúng ta nên can đảm dừng lại trước dòng nước sông Nin, nơi có chiếc giỏ với đứa trẻ bên trong, trong khi chị Miriam cố gắng xem chuyện gì sẽ xảy ra với em mình.

Sớm hay muộn trong cuộc đời, trong mọi mối quan hệ tốt đẹp, cần phải đạt đến sự trưởng thành của việc tách rời: buông bỏ để cuộc sống trở nên có thể. Nhưng đối với ông Môsê cũng như đối với các trẻ em Afghanistan, cử chỉ này không được xem như như một chia ly nhưng thành quả của sự trưởng thành, một chia ly đau thương do hậu quả của bạo lực và lạm dụng. Nhưng trong sự bất lực của chúng ta, chúng ta có thể trở nên giống như Miriam, cảm thấy có trách nhiệm phải tiếp tục theo dõi các em bé này để xem chúng sẽ ra sao, và cố gắng, như Miriam đã làm, tìm cách để có thể đoàn tụ lại.

Một cái gì tương tự được kể trong quyển tiểu thuyết Con đường (La strada) của Cormac McCarthy. Trong bầu khí tận thế, người cha và người con trai cố gắng cứu mạng bằng cách lên đường đi theo một hành trình mà họ chỉ biết rất ít. Nhưng cuối cùng người cha không thể đi tiếp, ông cảm thấy kiệt sức và thúc đẩy người con đừng từ bỏ, tiếp tục, tiếp tục dù không có ông: “Người cha nắm lấy tay con, thở hổn hển. Ông nói, con phải tiếp tục. Cha không thể đi với con. Nhưng con phải tiếp tục. (…) Giây phút này đáng lý đã đến từ lâu. Và bây giờ nó đã đến. Con tiếp tục đi về hướng nam. Con làm mọi thứ như cha con mình đã làm chung. (…) Con muốn ở đây với cha. Con không thể. Con van cha. Con không thể, con phải mang lửa. Con không biết làm sao để mang. Con, con biết. Thật không? Lửa, cha muốn nói. Đúng rồi. Nhưng ngọn lửa ở đâu. Con không biết nó ở đâu. Có, con biết. Ngọn lửa ở bên trong con. Luôn luôn. Cha thấy”. Thêm một lần nữa, lịch sử cho chúng ta chứng kiến một thảm kịch. Chúng ta có trách nhiệm không được dập tắt hy vọng, phải cứu ngọn lửa, phải bảo vệ sự sống, đặc biệt với những người yếu đuối nhất, biết rằng đằng sau họ có những người sẵn sàng hy sinh bản thân để điều này xảy ra. Ngược với khủng bố là một tình yêu như vậy. Chính Chúa Giêsu đã yêu chúng ta bằng một tình yêu như thế.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch