Tha thứ phai nhạt dần

249

Tha thứ phai nhạt dần

Ronald Rolheiser, 2021-08-23

Trên số báo mới đây của Comment Magazine, Timothy Keller, thần học gia và mục sư của Hội thánh Trưởng lão Đấng Cứu Chuộc ở New York, đã viết một bài đầy thấu suốt với tiêu đề, Tha thứ phai nhạt dần (The Fading of Forgiveness), trong đó, ông nêu bật cách mà sự tha thứ ngày càng bị xem là yếu đuối và ngây thơ.

Mục sư mở đầu bài viết bằng cách chỉ ra một vài vụ việc xôn xao công luận về sự tha thứ. Năm 2015, Dylann Roof đã bắn chín người ở một nhà thờ của người Mỹ gốc Phi tại Nam Carolina và đã được người thân của các nạn nhân công khai tha thứ. Năm 2006, một tay súng đã bắn chín trẻ em thuộc cộng đồng Amish ở một trường học bang Pennsylvania rồi tự sát, cộng đồng Amish không chỉ tha thứ cho anh ta mà còn thăm gia đình anh ta và chia buồn với họ. Phản ứng của công luận thế nào? Ngưỡng mộ vì sự vị tha và nhân đức phi thường này ư? Không phải. Những cử chỉ tha thứ này chủ yếu bị xem là chủ nghĩa chính thống cực đoan ngây thơ và vô ích. Tại sao? Tại sao những cử chỉ này không được công nhận như là nhân tính cao thượng nhất của con người và nhân đức tôn giáo cao đẹp nhất?

Keller cho rằng có một vài lý do, nhưng ông nêu bật hai lý do đặc biệt. Chúng ta ở trong “nền văn hóa trị liệu” (nơi mà chỉ có sự thật và cảm giác của chính bản thân mình có giá trị) và trong nền văn hóa có một “tôn giáo mà không có ân sủng” (với tầm nhìn và phẩm hạnh của nó không đi xa hơn những gì vang vọng trong cảm xúc và ý chí của chúng ta). Do đó, nền văn hóa của chúng ta nhìn nhận sự tha thứ một cách tiêu cực hơn là tích cực.  Với nó, sự tha thứ cho phép sự đàn áp tiếp tục duy trì quyền lực và do đó cho phép vòng luẩn quẩn của bạo lực và xâm hại tiếp diễn. Như một gia đình từ chối đứng lên dằn mặt người nhà bị nghiện rượu, họ đang cổ vũ thay vì chặn đứng chứng nghiện và cho phép tình trạng tồi tệ tiếp diễn. Và như thế thì sự tha thứ là một sự bất công nối tiếp với người đã bị tác hại và có thể dẫn đến một dạng tự ghét bỏ bản thân, chấp nhận sự hạ nhục hủy hoại, sự tự nhận thức bản thân, một sự mất phẩm giá nặng nề hơn nữa. Hơn nữa, áp lực luân lý buộc chúng ta phải tha thứ có thể là một gánh nặng hơn nữa lên nạn nhân và là lối thoát dễ dàng cho kẻ thủ ác. Lôgic này có đúng không?

Từ quan điểm cảm xúc thuần túy, thì đúng, có vẻ hợp lý, nhưng khi xem xét kỹ thì nó sai. Trước hết, rõ ràng báo thù chỉ gây thêm báo thù. Báo thù sẽ không bao giờ làm cho tâm hồn dịu đi và thay đổi. Chỉ có tha thứ (tương tự như lọc máu) mới có thể loại bỏ bạo lực và hận thù ra khỏi mối quan hệ. Cũng vậy, theo lời của mục sư Martin Luther King, bất kỳ ai không có năng lực tha thứ thì không có năng lực yêu thương. Tại sao lại thế? Bởi vì mỗi người chúng ta sẽ bị người khác làm tổn thương và đến lượt mình làm tổn thương người khác trong mọi mối quan hệ của chúng ta. Đó chính là cái giá của sự thông hiệp trong sự thông hiệp thiếu sót của con người. Do đó, các mối quan hệ ở mọi cấp độ, dù thân thiết hay xã giao, chỉ có thể bền vững nếu có tha thứ.

Hơn nữa, với Chúa Giêsu, tha thứ đã trở thành nhân đức quan trọng nhất. Nó quyết định liệu chúng ta có vào thiên đàng hay không. Như Chúa Giêsu đã dạy trong Kinh Lạy Cha, nếu chúng ta không thể tha thứ cho nhau, Thiên Chúa sẽ không thể tha thứ cho chúng ta. Tại sao lại thế? Bởi vì bàn tiệc thiên quốc, sự thông hiệp sự sống vĩnh cửu, chỉ mở ra cho tất cả những ai sẵn sàng ngồi lại với tất cả mọi người. Thiên Chúa không thể thay đổi điều này. Chỉ khi chúng ta mở rộng lòng mình đủ để ngồi lại với tất cả mọi người thì mới được.

Gần đây, khi có những đấu đá trong nội bộ Giáo hội, nhiều nhóm khác nhau đã cố nêu bật một nét luân lý đặc thù nào đó để làm phép thử cho cương vị môn đệ Chúa Kitô. Với nhiều người, phép thử này là chuyện phá thai, người khác lại là việc đi nhà thờ, hay những chuyện khác nữa. Cái gì là phép thử cho cương vị môn đệ Chúa Kitô đây? Chính xác phải là: sẵn lòng tha thứ. Tôi có thể tha thứ cho người đã xử tệ với tôi không? Tôi có thể tha thứ cho người tôi ghét và ghét tôi không? Thách thức đó vốn có sẵn nơi tâm điểm giáo huấn của Chúa Giêsu.

Nhưng dù thế, rõ ràng, tha thứ không phải là một việc đơn giản hay dễ dàng. Chính vì thế mà trong linh đạo Do Thái-Kitô giáo, có một linh đạo (dù ít người biết) về sự tha thứ. Như chúng ta biết, giới răn về thời kỳ Sabbath đòi hỏi chúng ta phải tuân thủ chu kỳ này trong cuộc sống: Làm việc sáu ngày, nghỉ một ngày. Làm việc bảy năm, nghỉ một năm. Làm việc bảy lần bảy (49) năm, nghỉ dài hạn (sabbath). Làm việc một đời, rồi nghỉ đến vô tận.

Đấy cũng là chu kỳ cho sự tha thứ. Linh đạo theo tinh thần Sabbath là thế này: Có thù ghét trong sáu ngày, rồi phải buông bỏ. Có hận thù trong bảy năm, rồi phải buông bỏ. Có thâm thù trong 49 năm, rồi phải buông bỏ. Có thâm thù huyết hận hủy hoại cuộc đời mình cho đến tận giờ chết, rồi phải buông bỏ. Đấy là mệnh lệnh luân lý kitô giáo tối hậu. Giám mục Anh giáo Desmond Tutu từng nói, “không có tha thứ thì không có tương lai”. Đúng là thế, dù là ở đời này hay đời sau.

J.B. Thái Hòa dịch

Bài đọc thêm: Sự phức tạp và nghịch lý