Ai là người công giáo ở Afghanistan?
la-croix.com, Malo Tresca, 2021-08-16
Ngày 14 tháng 8, trên máy vi âm của Vatican News, nhà truyền giáo Dòng các Giáo sĩ Hèn mọn Thánh Phaolô (Dòng Bácnabê, C.R.S.P) và là linh mục công giáo cuối cùng ở Afghanistan, cha Giovanni Scalese kêu gọi cầu nguyện cho Afghanistan trước cuộc đột phá của quân Taliban ở thủ đô Kabul. Trong lãnh thổ hồi giáo, cộng đồng công giáo gồm các công dân nước ngoài và có rất ít người giữ đạo.
Ngày thứ bảy 14 tháng 8, trên máy vi âm của Vatican News, cha Giovanni Scalese, 66 tuổi, nhà truyền giáo người Ý thuộc Dòng Bácnabê kêu gọi: “Xin cầu nguyện, xin cầu nguyện cho Afghanistan”, một lời cầu nguyện đau đớn và bất lực, sau khi các lực lượng chính phủ sụp đổ và sau chuyến bay trốn ra nước ngoài của Tổng thống Ashraf Ghani, nhiều tín hữu bây giờ phải di tản hoặc phải hồi hương.
Năm 2018, cha Scalese lên tiếng trên diễn đàn công giáo Trung quốc Oclarim: “Giáo hội Afghanistan được tạo thành từ cộng đồng quốc tế, gồm các nhân viên ngoại giao và kỹ thuật. Cách đây mười năm cũng có rất nhiều lao động nước ngoài – chủ yếu là người Phi Luật Tân – đã phải rời bỏ đất nước vì họ bị gán là người ăn cắp công ăn việc làm của người Afghanistan. Ngày nay, chỉ còn lại một vài người.”
Cha Scalese nói tiếp: “Afghanistan chưa bao giờ là một quốc gia kitô giáo. Ngày nay không còn tín hữu kitô ở Afghanistan, ít nhất là trong sổ sách chính thức (…). Kể từ khi thành lập, cơ quan truyền giáo công giáo chưa bao giờ rửa tội cho một công dân Afghanistan nào. Nếu rửa tội là mạng sống của họ bị nguy hiểm, điều 3 của Hiến pháp Afghanistan đã quy định, “không có luật nào được trái với các niềm tin và quy định của tôn giáo thiêng liêng hồi giáo”. Trong nước, vì thế sự phản đạo và chiêu dụ bị đàn áp nghiêm trọng.
Sự hiện diện của kitô giáo cổ xưa
Về mặt lịch sử, sự tồn tại của một vài tòa giám mục trên lãnh thổ Afghanistan có từ thế kỷ thứ ba. “Giữa thế kỷ thứ 5 và thứ 6, ít nhất bảy giáo phận đã được thành lập, thuộc về cái được gọi là ‘Giáo hội Phương Đông’ hay Giáo hội Nestorian. Vào thế kỷ thứ 7, đã có cuộc chinh phục của hồi giáo, nhưng nó đã không dẫn đến sự biến mất ngay lập tức của kitô giáo. Cha Scalese cho biế: “Cho đến thế kỷ 14, sự hiện diện của kitô giáo đã không bị xóa sổ. Tuy nhiên từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, có một cộng đồng người Armenia ở Kabul.”
Còn dòng truyền giáo Bácnabê đến đất nước này năm 1933, đó là Dòng các Giáo sĩ Hèn mọn Thánh Phaolô được thành lập ở Milan vào thế kỷ 16, còn được gọi là Dòng Bácnabê, C.R.S.P.
Vào cuối buổi Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 15 tháng 8 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Phanxicô đã bày tỏ lòng quan tâm sâu đậm của ngài với đất nước Afghanistan. Ngài xin giáo dân cầu nguyện với “Thiên Chúa của hòa bình” để “ngừng vũ khí và tìm các giải pháp có thể được tìm thấy tại bàn đối thoại”, ngài nhấn mạnh một lần nữa, đây là cách duy nhất để “người dân tử đạo của đất nước này” có thể trở về nhà và “sống trong hòa bình và an ninh với sự tôn trọng đầy đủ của người khác”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Giovanni Scalese, linh mục duy nhất ở Afghanistan bên cạnh những con chiên cuối cùng