Làm thế nào để tạo ra một môi trường thăng bằng

332

Làm thế nào để tạo ra một môi trường thăng bằng

Thứ nhất: làm sạch nội tâm ô nhiễm

Trích sách Hãy về sống lại với nội tâm, Jean-Guilhem Xerri, nxb. Cerf.

Các Giáo phụ sa mạc đã phát triển một giáo huấn về đời sống nội tâm từ kinh nghiệm lâu dài của họ. Bước đầu tiên là họ đặt ra một nghệ thuật sống có lợi cho sự cân bằng tâm hồn. Làm thế nào một người luôn lơ đễnh, bận bịu, mất tập trung, rối loạn nội tâm lại có thể sống cân bằng (trước tiên là cầu nguyện và tìm kiếm Chúa, như các Giáo phụ trong sa mạc và các môn đệ của họ tìm kiếm) không?

Khi đó minh triết này có thể làm dịu và giúp họ bước vào thế giới thần linh, kể cả việc đặt đời sống của mình trên một vài cơ sở đơn giản.

Việc đầu tiên trong số này là nhận diện yếu tố nào làm hại cho sự cân bằng nội tâm của tôi, đặc biệt là trong môi trường trực tiếp của tôi, để bảo vệ bản thân tôi. Điều gì gây ô nhiễm, điều gì không thuận lợi cho sự phát triển đời sống nội tâm của tôi?

Nào chúng ta lên đường!

Giáo phụ Arsene nói, “Hãy ngồi xuống, im lặng và làm dịu suy nghĩ của bạn.”

“Lâu nay tôi luôn có cảm nghĩ mình làm muôn công ngàn việc và khi nào cũng có mặt ở mọi nơi cùng một lúc. Thực tế là tôi chẳng ở đâu và nhất là tôi chỉ là người lướt qua đời tôi”, một cô bạn tâm sự với tôi, cô luôn phục khả năng điều hòa đời sống gia đình, đời sống nghề nghiệp và các cam kết xã hội của tôi.

Không có gì mong manh hơn là những điều thiết yếu của chúng ta. Cuộc sống nội tâm của chúng ta kín đáo đến mức nó bị lãng quên dễ dàng, nếu tôi không làm gì, nó sẽ dần biến mất ra khỏi cuộc đời tôi. Hơi giống như các loài động vật, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng. Đây là lý do vì sao chiến lược “bảo vệ nội tâm” được điều chỉnh để phù hợp cho mỗi người là điều cần thiết. Việc phòng ngừa này có hai mục tiêu:

  1. Xác định những gì có thể làm ô nhiễm nội tâm.
  2. Tiếp xúc tối thiểu với các chất ô nhiễm này.

Nguy hiểm, các yếu tố làm rối loạn nội tâm ở giữa chúng ta

Giống như có các chất gây rối loạn nội tiết làm thay đổi thăng bằng hệ sinh học, thì cũng có các “tác nhân gây rối loạn nội tâm.” Các bác sĩ tâm thần nói đến “các chất độc tâm thần.” Đó là những chất nào? Ở thế kỷ 21, đó là ồn ào, các hình ảnh, các quảng cáo, các chương trình đủ loại trên đài  truyền hình, tiếp thị, vật chất thừa mứa, sự khiêu dâm hóa hàng loạt trong các quan hệ, chủ nghĩa hành động được đánh giá cao, thói tự mê trương phình, các thái quá trong lãnh vực tài chính, các cuộc gọi điện thoại và các tin nhắn không ngừng, chế độ độc tài luôn có mặt, kỹ thuật số bành trưóng khắp nơi.

Chúng ta bị xâm chiếm từ ngoài đường phố, trong siêu thị, tàu điện ngầm với các bài hát, các quảng cáo tràn lan. Trong nhà thì tràn ngập thông tin, kể cả các lời thoại trên đài truyền hình, đài phát thanh, internet và mạng xã hội. Thế giới là dòng chảy thông tin, hoạt động, khát vọng và tiêu thụ liên tục.

Chúng ta bị bão hòa với tiếng động và lời nói. Những khoảng lặng thu gọn lại như nỗi buồn da diết. Nhưng chúng ta đừng lầm, kẻ thù của thinh lặng không chỉ là tiếng động, nhưng còn là sợ… thinh lặng. Sự kết nối liên tục, sự áp đặt không ngừng của kỹ thuật mới, sự lệ thuộc vào điện thoại di động, dẫn đến nỗi sợ hãi nó. Đôi khi chúng ta buộc phải nói để tránh “trống không”. Nhưng đâu là vấn đề? Đôi khi chúng ta không có gì để nói. Đó là sự thật, nhưng không phải là điều xấu. Tuy nhiên, im lặng là trạng thái mà chúng ta nhìn lại bản thân, chúng ta đào sâu con người mình; một trạng thái trong đó chúng ta suy niệm, suy nghĩ, khóc lóc, cầu nguyện.

Lối sống của chúng ta làm hư hỏng sâu đậm nhận thức của chúng ta về thời gian. Sự ra đời của lối giao tiếp ngay lập tức và sự chuyên chế của thời gian thực đang thay đổi tận gốc văn hóa thời gian của chúng ta. Tính cấp thiết đã xâm chiếm cuộc sống: phải phản ứng ngay lập tức “trong thời điểm này”, không có thời gian để phân biệt chuyện gì chính, chuyện gì phụ. Treo một cách nào đó, cả thời gian rảnh rỗi của chúng ta cũng phải dùng tối đa, dưới áp lực của xã hội tiêu dùng và tiếp thị. Vì thế, thời gian trở thành thách thức thường trực, thậm chí còn bị cho là kẻ thù. Chúng ta ngày càng cảm thấy mình phải đi chậm lại. Có một chuyện nghịch lý ở đây: ngày nay chúng ta có rất nhiều thứ hơn tổ tiên, nhưng chúng ta lại có cảm giác da diết như thiếu một cái gì.

Trên thực tế, việc tăng gấp bội các cơ hội tạo mối quan hệ, du lịch, thông tin và kiến thức lại là lý do làm lo lắng. Nó kéo chúng ta vào ảo tưởng tất cả đều có thể thực hiện được, nhưng tốt nhất vẫn là chỉ có thể làm từng chuyện một. Một cách tự nguyện, chúng ta bị thúc đẩy để luôn lướt mạng (zapping).

Các tác nhân làm rối loạn, làm nội tâm bị ô nhiễm là ở bên trong chúng ta. Và giống như tất cả các chất gây ô nhiễm, chúng có tác động bệnh lý: chúng làm giảm năng lực trí tuệ, cảm xúc và thể chất. Chúng hướng chúng ta về phía vô tích sự, bề ngoài và vô ích, tâng bốc thú tính, làm héo hon nhân tính. Chúng làm nghèo khả năng suy nghĩ, làm chúng ta bất ổn, èo oặt hướng nội, không tĩnh lặng. Chúng làm chúng ta thiếu yên tĩnh, thiếu liên tục, thiếu chậm rãi, thiếu trung lập về hình ảnh hoặc âm thanh, và trên hết, ảnh hưởng đến đời sống nội tâm của tôi, một đời sống được đánh giá theo chất lượng sự hiện diện của tôi với chính tôi và với người khác. Giống như các chất nội tiết, các chất gây rối loạn nội tâm âm thầm tích tụ trong tâm hồn chúng ta. Chúng hoàn thành công việc của chúng trong chúng ta, chầm chậm nhưng chắc,

công việc tai hại của chúng là phân tán tinh thần và làm rã nội tâm.

Giải ô nhiễm theo cách của các Giáo phụ sa mạc

Đời sống hàng ngày của các Giáo phụ nhắm đến việc làm thuận lợi cho đời sống nội tâm của mình. Họ làm như thế nào? Bước đầu tiên là họ đi tìm điều cần thiết, sự chừng mực, bằng cách bớt đi các thứ thừa thãi, nhất là thức ăn, áo mặc, công việc và các quan hệ. Một Giáo phụ sa mạc đã nói: “Những gì không chừng mực và rắc rối sẽ không lâu dài và có hại hơn là có lợi.”

Đây là lời giáo huấn để chúng ta hiểu những gì cần thiết cho nhu cầu! Mục tiêu của các Giáo phụ là “không nên có nguy cơ để mình bị ô nhiễm vì tình trạng hỗn loạn và bất ổn bên ngoài”. Các Giáo phụ đang nói về ô nhiễm! Họ xem các tác nhân gây rối loạn là có hại. Và Giáo phụ Hesychius ở Batos đã nói như vậy trong cuốn “Nói chuyện về tiết độ và cảnh giác” nổi tiếng của ngài: “Điều tốt cho các bạn là các bạn biết chúng ta có các kẻ thù không đội trời chung, vô hình và độc hại. Và chúng ta không thể thắng nếu chúng ta không tiết độ. Tiết độ, đúng. Tôi thích một từ đồng nghĩa, rõ ràng và có ý nghĩa hơn theo tôi, đó là tẩy trừ ô nhiễm, vì đúng là như vậy. Chúng ta bị các tác nhân ô nhiễm bao vây, tạo hiểm nguy cho đời sống nội tâm, cũng như hút thuốc và ít vận động có hại trong các bệnh tim mạch.

Khử ô nhiễm là giảm tiếp xúc với các tác nhân có nhiều nguy cơ này. Đôi khi nó thật đáng sợ. Nó có thể làm chúng ta bất mãn hụt hẫng, một kiểu thống dâm xưa cổ. Nó đi ngược với câu thần chú nổi tiếng “chẳng có hại khi làm điều tốt cho mình” và lô-gic của chủ nghĩa khoái lạc của giây phút hiện tại. Trên thực tế, khi nói theo nghĩa thiếu thốn là muốn làm cho chúng ta phụ thuộc vào nó. Mục đích thực sự của tiết độ là để cuộc sống của chúng ta được sinh động.

Ngày nay, việc bảo vệ chống các tác nhân gây rối loạn này là sự sáng tạo đích thực để cắt đứt, là cách mạng hiệu quả duy nhất không làm đau đớn. Không có gì bất thường hơn khi chúng ta bị chèo kéo đủ chuyện. Để hiểu được sự cần thiết phải tiết độ, chúng ta phải ngừng các suy nghĩ tiêu cực về nó, nó khử ô nhiễm cho các ham muốn của chúng ta. Nó giúp chúng ta khỏi bị các xung năng thể xác và tâm hệ thao túng. Nó là con đường giúp chúng ta khỏi bị trì trệ nội tâm để tìm con đường thanh thản cho tinh thần. Ý nghĩa của việc khử ô nhiễm này là để chúng ta tìm lại cảm giác cho nội tâm. Trong thực tế, khử ô nhiễm là biết các nhu cầu thật của mình. Là ngừng lãng phí thì giờ, tiền bạc và tâm sức vào những việc không cần thiết. Các mục tiêu của nó là tiếng ồn, hình ảnh, ăn uống không lành mạnh, tiêu thụ quá mức, thèm đi du lịch quá đáng, và cũng là những chuyện không có tính cách vật chất như các dự án không ngừng, các tham vọng, các khao khát đi tìm kiến thức. Làm trong sạch bản thân là không còn không còn muốn chiếm hữu và thống trị sự việc và con người.

Như Đức Phanxicô đã nói, “đây là đi ra khỏi chủ nghĩa tiện dụng hữu ích” để “chú ý đến cái đẹp”; “bỏ sự gia tăng dồn dập của nhịp sống và công việc” để “tìm chiều sâu cho cuộc sống”; “làm chậm lại để nhìn thực tế theo cách khác”, “giảm tốc độ sản xuất và tiêu dùng” để “làm nảy sinh các hình thức tiến bộ và phát triển khác”.

Đời sống nội tâm giống như một tác phẩm điêu khắc: để tạo tác phẩm của mình, nhà điêu khắc không thêm gì vào vật liệu, ngược lại họ lấy đi những gì dư thừa để tôn nét đẹp đã có, phá đi chất liệu để hình thức đơn thuần được hiện lên. Tương tự như vậy, chúng ta cần đơn giản hóa bản thân để những gì đã có trong chúng ta có thể xuất hiện, giúp con người nội tâm của chúng ta lộ ra. Đó là “công việc làm” của việc khử ô nhiễm.

Tóm lại tôi phải học nói “không” để sau đó tôi mới biết nói “vâng”.

Những gì tôi giữ lại từ kinh nghiệm của các nhà trị liệu trong sa mạc

Có những chất gây ô nhiễm cho cuộc sống chúng ta và làm giảm chất lượng sự hiện diện của tôi với chính tôi và với người khác. Chúng hoàn thành công việc của chúng trong chúng ta, chầm chậm nhưng chắc, công việc tai hại của chúng là phân tán tinh thần và làm rã nội tâm. Tiết độ và khử ô nhiễm, đó là cuộc cách mạng thực sự và duy nhất chúng ta phải làm ngày nay. Nó sẽ có tác động tích cực đến cả bản chất môi trường, cũng như bản chất con người.

Đề nghị

Chính bạn, bạn sẽ thành công trong việc giữ mình khỏi bị các chất ô nhiễm tấn công. Bạn làm từng chuyện một, giữ từng đơn vị một, bạn đừng viện đến “đa nhiệm”, không tốt đâu; bạn thiết lập các chuỗi làm liên tục (bạn cho mình phương tiện để không bị gián đoạn); bạn cho cái đầu nghỉ ngơi một chút trong thời gian chuyển tiếp (thay vì dùng điện thoại di động ngay khi bạn đứng chờ xe buýt); đi chậm lại một cách ý thức (thay vì đi theo bầy đàn cách chung); bạn tập nói không với một số yêu cầu được đưa ra (bạn chấp nhận mình không còn sẵn sàng với mọi người, bạn chỉ tiêu thụ những gì mình cần (không tiêu thụ theo quảng cáo xúi giục); bạn hoãn lại các mua sắm theo xung năng (bạn dùng quyền để không hành động theo phản xạ ra lệnh); bạn thường xuyên lặp đi lặp lại lời các Giáo phụ nói về công việc (nhận trách nhiệm, tránh chây lười, giúp người nghèo nhất); lắng nghe sự thinh lặng trong khoảng không gian thân mật trong căn phòng của bạn (khi đèn đã tắt, trước khi đi ngủ); bạn nếm hương vị cuộc gặp gỡ lãng mạn sắp tới của bạn, chậm rãi hơn và trong thinh lặng (để hiện diện một cách khác hơn với người yêu, với vợ-chồng của bạn); bạn quyết định ngày nào trong tuần hoặc thời gian nào trong ngày, bạn sẽ tắt máy tính; bạn không điện thoại khi ăn, không mang điện thoại di động vào phòng ngủ. Dĩ nhiên danh sách này cần được bổ túc thêm!

Để cứu hành tinh và cứu đời sống nội tâm, bạn, tôi, tất cả chúng ta, những công dân “cơ bản” thực chất có nhiều quyền hơn các Nhà nước và các tổ chức Phi chính phủ. Thật là phiền nhưng nó là như vậy!

 Bài tập cá nhân

Bạn có cảm thấy mình ở trong số những người cần tẩy nhiễm đời sống nội tâm và phải canh chừng để hạn chế rủi ro ô nhiễm không? Hay bạn cảm thấy bạn cần có tự do nội tâm? Lần cuối cùng khi bạn nói không để có thể nói vâng một cách tự do và yên bình là khi nào? Điều gì trong cuộc sống của bạn có thể được làm chậm lại hoặc đơn giản hóa để có lợi hơn? Chính bạn là người tẩy nhiễm cho nội tâm mình. Vì vậy, bạn phải  nghiêm túc thực hiện nó ngay bây giờ. Bạn tự chẩn đoán các yếu tố làm bạn bị ô nhiễm. Dò từng hạng mục: các chất ô nhiễm liên quan đến việc thừa mứa tiêu thụ các sản phẩm vật chất, các sản phẩm siêu truyền thông kỹ thuật số; các sản phẩm liên quan đến siêu dự án, đến siêu di chuyển, đến phim ảnh nội tâm: có vẻ giống cái này, có vẻ giống cái kia, tham vọng trở thành cái này cái kia (dù với lý do chính đáng). Và phát triển kế hoạch hành động để làm giảm bớt ảnh hưởng của chúng. Bạn sẽ bắt đầu với điều gì?

Câu châm ngôn để suy niệm

Một người săn động vật hoang dã trong sa mạc nơi Giáo phụ Antôn sống, ngài đang ngồi chơi với các anh em mình. Ngài làm cho ông này bối rối. Vì muốn thuyết phục ông nên bỏ thì giờ để thư giãn, Giáo phụ nói với ông: “Anh lắp tên vào cung và căng tên.” Ông làm theo. Giáo phụ nói tiếp: “Anh căng thêm một chút”. Người thợ săn nghe lời. Giáo phụ lại nói tiếp: “Anh căng thêm nữa đi”. Người thợ săn trả lời: “Nếu tôi căng thêm thì cây cung sẽ gãy”. Khi đó Giáo phụ nói với ông: “Việc của Chúa cũng vậy; nếu chúng ta tạo áp lực quá lớn cho anh em mình, họ sẽ bị gãy. Vì thế cần phải có thì giờ thư giãn và vui chơi”. Nghe những lời này, người thợ săn ăn năn. Ông được Giáo phụ cảm hóa và ra về. Còn các anh em, họ về tịnh cốc và lòng được tăng thêm sức mạnh.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Lời nói đầu sách Hãy về sống lại với nội tâm

Trích sách Hãy về sống lại với nội tâm, Jean-Guilhem Xerri, nxb. Cerf.