Đức Phanxicô cần nói với thế giới ai sẽ là người đưa ra các quyết định cuối đời của ngài

218

Đức Phanxicô cần nói với thế giới ai sẽ là người đưa ra các quyết định cuối đời của ngài

americamagazine.org, Thomas J. Reese, Dòng Tên, 2021-07-28

Đức Phanxicô được các nhân viên bệnh viện chào đón ngày 11 tháng 7 năm 2021, khi ngài ngồi trên xe lăn bên trong bệnh viện Gemelli sau phẫu thuật đường ruột. (Vatican Media qua AP)

Trong một bài báo gần đây, tôi có nêu lên một điểm rất rõ ràng, Đức Phanxicô đã 84 tuổi, ngài sẽ không ở bên chúng ta mãi mãi. Câu trả lời cho thấy rõ nhiều người công giáo và những người khác đã không nghĩ nhiều về sự thật hiển nhiên này, và đã tạo ra một điểm khác, ít hiển nhiên hơn – nhưng cấp bách hơn -: Luật Giáo hội không bắt kịp cách mà con người chúng ta chết ngày nay.

Một trong những thảo luận khó khăn nhất cho con cái có cha mẹ già là phải tham dự vào các quyết định y khoa khi cha mẹ bị bệnh nặng, khi họ không thể tự mình quyết định.

Cuộc thảo luận này không nên trì hoãn, chờ đến lúc cha mẹ, ông bà bị bệnh. Cần phải chuẩn bị lâu trước đó, và phải làm trong bối cảnh êm đềm và bình an – trước khi bị đột quỵ, bị một tai nạn đột ngột và bất ngờ buộc phải đặt vấn đề.

Vì lợi ích của Giáo hội, giáo hoàng cần giải tỏa sự không chắc chắn bằng cách ký giấy ủy quyền lâu dài chỉ định ai là người đưa ra các quyết định y khoa nếu ngài không thể tự đưa ra các quyết định này.

Nếu cha mẹ để lại hướng dẫn rõ ràng về những gì họ muốn hoặc ai là người quyết định, thì có khả năng gia đình sẽ êm thắm chấp nhận các quyết định này. Nếu không có hướng dẫn, gia đình có thể bị chia rẽ vì những tranh cãi trong bệnh viện về cách chăm sóc cha mẹ bị bệnh hoặc khi sắp chết.

Điều này cũng đúng đối với giáo hoàng trong gia đình mà chúng ta gọi là Giáo hội công giáo.

Vì giáo hoàng không có vợ cũng không có con, nên ngài cần chỉ định một người có thể đưa ra các quyết định này cho ngài, và Giáo hội phải biết người này là ai. Nếu không, những tranh cãi về cách điều trị của ngài có thể chia rẽ giáo hội trong nhiều thập kỷ, ngay cả sau khi ngài qua đời.

Trong thời đại truyền thông xã hội, các thuyết âm mưu sẽ lan truyền nhanh chóng nếu không có sự minh bạch thực sự về bệnh tình và cách điều trị cho giáo hoàng. Chúng ta vẫn còn những thuyết âm mưu về cái chết của Đức Gioan-Phaolô I mà triều giáo hoàng chỉ kéo dài một tháng.

Ở Mỹ, việc chỉ định một người đại diện chăm sóc sức khỏe sẽ được ghi trong giấy ủy quyền lâu dài cho các chăm sóc sức khỏe và trong chúc thư. Tôi có một giấy ủy quyền lâu dài chỉ định một người “thay tôi quyết định về việc chăm sóc y tế của tôi trong trường hợp tôi không thể tự mình đưa ra những quyết định này.”

Quyền uy là triệt để: “Tôi trao cho người đại diện của tôi toàn quyền và thẩm quyền cần thiết để đưa ra các quyết định chăm sóc sức khỏe cho tôi, bao gồm quyền đồng ý, từ chối đồng ý hoặc rút lại sự đồng ý đối với mọi chăm sóc, điều trị, dịch vụ hoặc thủ tục nào để duy trì, chẩn đoán hoặc tiến triển để duy trì, chẩn đoán hoặc xử lý một tình trạng thể chất hoặc tinh thần.”

Các quan chức Vatican vốn có mâu thuẫn lợi ích khi đối phó với một giáo hoàng sắp qua đời.

Ở hầu hết các quốc gia, nếu chúng ta không ký một tài liệu như vậy, các bác sĩ sẽ hỏi người thân nhất để có chỉ dẫn nếu chúng ta bất tỉnh. Đối với Đức Phanxicô, đó sẽ là người em duy nhất còn sống của ngài, bà María Elena Bergoglio sống ở Argentina và đã 73 tuổi.

Bà sẽ chịu trách nhiệm ra quyết định hay quốc vụ khanh, giám chức cao nhất ở Vatican sẽ làm? Không có luật nào của Vatican đề cập đến trường hợp bất thường này.

Vì lợi ích của Giáo hội, giáo hoàng cần giải tỏa sự không chắc chắn bằng cách ký một giấy ủy quyền lâu dài chỉ định ai là người đưa ra các quyết định y tế cho ngài nếu ngài không thể tự đưa ra các quyết định đó. Có thể ngài đã bí mật làm điều này, nhưng để tránh các thuyết âm mưu (“Đó là giả mạo!”), ngài cần công khai quyết định này khi ngài còn tại chức và sáng suốt.

Giáo hoàng phải chỉ định ai? Nếu không phải là em gái của ngài, thì tốt nhất là một cháu trai, cháu gái hoặc một người bạn lâu năm không làm việc ở Vatican.

Các quan chức Vatican vốn có xung đột lợi ích khi đối phó với một vị giáo hoàng sắp chết. Những người theo thuyết âm mưu sẽ tuyên bố hoặc họ muốn giữ ngài sống giả tạo trong khi họ điều hành Giáo hội hoặc họ muốn ngài chết nhanh để một trong số họ có thể được bầu làm giáo hoàng.

Bất cứ ai được chỉ định làm người đại diện của ngài không nên có chương trình làm việc nào khác hơn là làm điều tốt đẹp cho Jorge Mario Bergoglio, người là giáo hoàng.

Bất cứ ai được chỉ định làm người đại diện của ngài không nên có chương trình làm việc nào khác hơn là làm điều tốt đẹp cho Jorge Mario Bergoglio, người là giáo hoàng.

Bên cạnh giấy ủy quyền lâu dài, cũng cần nói cho người đại diện của mình loại chăm sóc nào mình mong muốn. Những chỉ dẫn này đôi khi được gọi là di chúc sinh lý.

Ví dụ, tờ tôi ký cho biết “Tôi không muốn cuộc sống của mình kéo dài nếu (1) tôi mắc bệnh nan y và không thể hồi phục, dẫn đến cái chết của tôi trong một thời gian tương đối ngắn, (2) tôi bất tỉnh và, theo một mức độ hợp lý chắc chắn về y tế, tôi sẽ không tỉnh lại, hoặc (3) những rủi ro và gánh nặng điều trị có thể nhiều hơn các mong chờ có lợi.”

Ở ô mà tôi không đánh dấu, nói, “Tôi muốn cuộc sống của mình kéo dài lâu nhất có thể trong giới hạn của các tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe được chấp nhận chung.”

Giáo hội cần rõ ràng và chắc chắn trong thời kỳ khủng hoảng y tế của giáo hoàng. Những gì còn lại sẽ có thể làm chia rẽ Giáo hội nghiêm trọng.

Tôi cũng không đánh dấu vào bất kỳ ô nào cho biết các phương pháp điều trị duy trì sự sống cụ thể sẽ được sử dụng nếu “Tôi liên tục bất tỉnh hoặc không có một mong chờ hợp lý nào về khả năng hồi phục của tôi sau một căn bệnh hoặc tình trạng mất khả năng nghiêm trọng hoặc giai đoạn cuối.” Đó là các tình trạng dinh dưỡng và giữ nước nhân tạo, phẫu thuật, hồi sức tim phổi, kháng sinh, lọc máu, hô hấp, hóa trị hoặc xạ trị.

Loại cụ thể này là cần thiết để hướng dẫn các bác sĩ và giúp con cái không tranh cãi trong bệnh viện để biết loại điều trị y tế nào cho cha mẹ của mình.

Tương tự như vậy, nhiều người trong Giáo hội sẽ tranh cãi về cách đối xử thích ứng cho một người trong những điều kiện này, chứ không nói riêng đến trường hợp của giáo hoàng. Chẳng hạn một số người nghĩ rằng, dinh dưỡng và giữ nước nhân tạo (cung cấp thức ăn và nước uống bằng ống) là bắt buộc về mặt đạo đức ngay cả khi một người bất tỉnh dai dẳng, không còn hy vọng hồi phục. Những người khác nghĩ rằng, trong bối cảnh này, đây là những phương tiện đặc biệt chỉ đơn giản là kéo dài thời gian chết.

Ai sẽ đưa ra những quyết định này cho giáo hoàng đã bị mất khả năng, hay một giáo hoàng đã nghỉ hưu?

Đức Phanxicô và Đức Bênêđictô XVI cần phải hành động ngay bây giờ để không có sự nhầm lẫn khi họ không có khả năng. Mỗi người cần chỉ định một người đại diện để đưa ra quyết định về việc chăm sóc y tế và phải cho cho các chỉ dẫn rõ ràng về loại chăm sóc mà họ mong muốn.

Giáo hội cần rõ ràng và chắc chắn trong thời kỳ khủng hoảng y tế của giáo hoàng. Những gì còn lại sẽ có thể làm chia rẽ Giáo hội nghiêm trọng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Ai là người trách nhiệm khi Đức Phanxicô ở bệnh viện? Luôn luôn là Đức Phanxicô