Liệu phẫu thuật có làm chậm lại hay gia tăng tốc độ của một giáo hoàng đang gấp rút không?

90

Liệu phẫu thuật có làm chậm lại hay gia tăng tốc độ của một giáo hoàng đang gấp rút không?

Đức Phanxicô thường suy nghĩ về cái chết của mình và kể cả việc mình từ nhiệm. Nhưng bây giờ khi phải gấp rút sửa sang lại Giáo hội, thời gian là thiết yếu hơn bao giờ hết.

Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung ở sân Damaso, Vatican ngày 30 tháng 6-2021

nytimes.com, Jason Horowitz, 2021-07-08

Đức Phanxicô thường tỏ ra là một giáo hoàng rất gấp rút.

Trong tám năm triều giáo hoàng, ngài không ngừng tìm cách chấn chỉnh lại Giáo hội công giáo để có một hình ảnh mang tinh thần mục vụ hơn và phong hơn một nửa số hồng y cử tri để bầu người kế nhiệm mình. Ngài mở ra các cuộc tranh luận mà trước đây cấm kỵ như việc các linh mục lập gia đình, về vai trò phụ nữ trong Giáo hội, về vị trí của những người đồng tính trong Giáo hội, về việc rước lễ của những người ly dị và tái hôn. Ngài giữ lịch tông du mệt mỏi trên khắp thế giới.

Nhưng khi ngài đã 84 tuổi, đang hồi phục sau phẫu thuật đại tràng, các chuyên gia tự hỏi liệu thách thức đầu tiên về sức khỏe có làm cho ngài chậm lại hay thúc dục ngài làm nhanh hơn các cải cách như ngài đã hứa hay không. Cho đến nay, ngài mở ra những câu hỏi lớn về tương lai và việc quản trị Giáo hội, nhưng ngài thường rút lui khỏi hành động táo bạo, thay vào đó ngài thích dành thì giờ để xây dựng một sự đồng thuận rộng rãi hơn, có thể tránh chia rẽ, nhưng lại làm trì hoãn sự thay đổi thực sự.

Bây giờ, các nhà phân tích của Giáo hội cho rằng, thời gian đã trở thành thiết yếu.

Ông Carlo Marroni, chuyên gia Vatican của nhật báo tài chính Ý Il Sole 24 Ore, cho biết: “Chắc chắn đây là sự chia rẽ trong triều giáo hoàng của ngài, cho đến bây giờ chưa bao giờ dừng lại. Và bây giờ thời gian cấp bách.”

Không phải Đức Phanxicô chưa bao giờ có ảo tưởng về cái chết của mình và cánh cửa sổ nhỏ thể hiện tầm nhìn của ngài về một Giáo hội hòa nhập hơn, nhấn mạnh đến việc tiếp cận với những người bị thiệt thòi trong việc đặt ra luật trong Giáo hội.

Năm 2014, ngài đã nói với các ký giả trên một chuyến bay: “Tôi biết triều giáo hoàng sẽ ngắn, hai hoặc ba năm, và sau đó tôi sẽ về nhà Cha.” Một vài tháng sau, khi nói đến Rôma sẽ tổ chức Thế vận hội năm 2024, ngài vừa cười vừa nói: “Tôi sẽ không còn ở đây!” Năm 2015, ngài nghĩ mình sẽ làm giáo hoàng trong khoảng năm năm nữa.

Ngày thứ năm 8 tháng 7, Vatican cập nhật tình trạng sức khỏe của ngài: “Đức Phanxicô có một ngày yên tĩnh, ăn uống đều và đi đứng một mình, tối thứ tư ngài bị sốt nhẹ”, sáng thứ năm, tình trạng của ngài “khả quan, mọi xét nghiệm bình thường, không có dấu hiệu nhiễm trùng nào.”

Trên trang The Seismograph ngày 7 tháng 7, trang tiếp tục có ảnh hưởng lớn ở Vatican viết “Ngài sẽ không bao giờ trở lại như cũ. Trong quá khứ, tất cả nỗ lực Vatican mô tả ngài như ‘Siêu nhân’ sẽ làm hại cho hình ảnh của ngài” vì rõ ràng căn bệnh sẽ làm chậm nhịp làm việc của ngài.

Tổng thống Obama gặp Đức Phanxicô tại Vatican năm 2014. Doug Mills/The New York Times

Tuổi tác và sức khỏe thường được cân nhắc trong việc lựa chọn giáo hoàng.

Đức Gioan-Phaolô II 58 tuổi và mạnh khỏe khi được bầu năm 1978. Triều giáo hoàng 26 năm của ngài đã giúp đánh đổ chủ nghĩa cộng sản và mở rộng dấu ấn Giáo hội trên toàn cầu, nhưng cũng trong thời gian này các nhà phê bình nói ngài đã trấn áp những người bất đồng chính kiến và để các vụ lạm dụng tình dục mưng mủ. Những năm cuối đời, bệnh Parkinson đã tàn phá sức khỏe của ngài, đôi khi có những hình ảnh đau lòng nhưng Giáo hội duy trì hình ảnh về sự đau khổ và các tàn phá của tuổi tác.

Một điểm đáng chú ý của Đức Bênêđictô XVI, năm 2005 ngài tiếp tục kế thừa Đức Gioan-Phaolô II, người quá được giáo dân mến thương, ở tuổi 78 và đã quen việc điều hành Giáo hội, ngài sẽ là giáo hoàng chuyển tiếp. Năm 2013, ở tuổi 85, ngài là giáo hoàng đầu tiên từ chức sau gần 600 lịch sử Giáo hội, ngài nói ngài không đủ năng lượng để quản trị Giáo hội. Trước mật nghị, các hồng y có ảnh hưởng đã xin các cử tri chọn người đủ mạnh mẽ và năng động để đối phó với những thách thức vô cùng to lớn của Giáo hội.

Vào lúc được bầu chọn, Đức Phanxicô cũng gần bằng tuổi, 76 tuổi, nên nhiều người không xem ngài là một ứng viên. Nhưng rõ ràng ngài không thiếu năng lượng. Trong chuyến tông du Hàn Quốc năm 2014, ngài công khai suy ngẫm và ngưỡng mộ tấm gương của Đức Bênêđictô XVI về việc từ nhiệm, ngài cho rằng vị trí danh dự của Đức Bênêđictô XVI đã trở thành một định chế.

Ngài nói: “Vì sao ư? Vì tuổi thọ của chúng ta ngày càng tăng, và đến một độ tuổi nhất định, chúng ta không còn khả năng quản trị tốt vì cơ thể mệt mỏi; sức khỏe của chúng ta có thể tốt, nhưng chúng ta không có khả năng đối phó với tất cả các vấn đề của một guồng máy như guồng máy Giáo hội” và ngài nói thêm: “Bạn có thể hỏi tôi: ‘Điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày cha không sẵn sàng để tiếp tục?’ Tôi cũng sẽ làm như vậy, tôi cũng sẽ làm như vậy! Tôi cầu nguyện nhiều cho chuyện này và tôi sẽ làm như vậy.”

Tháng 3 năm 2015, Đức Phanxicô trả lời trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Telev của Mexicô, ngài nghĩ ngài sẽ tiếp tục làm giáo hoàng thêm một thời gian và sau đó sẽ nghỉ hưu như Đức Bênêđictô XVI, ngài nói ngài có “cảm giác mơ hồ” rằng “Chúa đã đặt tôi ở đây với một sứ mệnh ngắn và không có gì hơn”. Nhưng, ngài nói thêm, “đó là một cảm giác. Tôi luôn để ngỏ một khả năng xảy ra”. 

Đức Phanxicô đến thăm Trường Nữ vương Thiên thần năm 2015 ở East Harlem, Mỹ. Hình Eric Thyer

Trong cuộc phỏng vấn năm 2019 cho quyển sách lịch sử sức khỏe các giáo hoàng, Đức Phanxicô nói với tác giả Nelson Castro, ngài hình dung những ngày cuối cùng của mình ở Rôma. “Tôi sẽ là giáo hoàng tại chức hoặc danh dự, và tôi ở Rôma.”

Không có dấu hiệu nào từ Vatican cho thấy sắp kết thúc triều giáo hoàng của ngài. Những người ủng hộ ngài cho rằng ngài đã làm được rất nhiều, đạt được tiến bộ cụ thể về các vấn đề như minh bạch tài chính, trách nhiệm giải trình về lạm dụng tình dục và trao quyền cho các Giáo hội địa phương tự quyết định. Những người bảo thủ chỉ trích, những người hy vọng sau Đức Phanxicô sẽ là giáo hoàng trở lại với truyền thống và giáo lý hơn, dĩ nhiên họ nghĩ ngài đã làm nhiều tổn hại.

Nhưng các nhà phê bình theo chủ nghĩa tự do phàn nàn, khi có áp lực, Đức Phanxicô đã nhiều lần ngần ngại khi đối diện với những thay đổi quan trọng và có nhiều công việc ngài chưa hoàn thành một khi ngài từ nhiệm.

Bà Lucetta Scaraffia, nhà sử học Giáo hội, người đã thôi giữ chức giám đốc phụ trương phụ nữ của Vatican năm 2019, cho biết: “Còn tất cả mọi thứ phải làm.” Bà nói, giáo hoàng chỉ cố gắng cải tổ Giáo triều, cơ quan quản trị Giáo hội, còn hệ thống tư pháp của Vatican là một mớ hỗn độn, và vấn đề trao quyền cho phụ nữ thì giáo hoàng đã không làm gì, chẳng hạn, vấn đề phụ nữ phó tế ngài chỉ đề cử một ủy ban nghiên cứu.

Trên thực tế, nhiều người ủng hộ Đức Phanxicô đã bực tức khi ngài hủy phiếu của các giám mục địa phương, những người mà ngài thường chống đối, để cho phép các linh mục đã kết hôn trong những trường hợp rất hạn chế. Ngài lập luận chưa đến lúc.

Nhưng một số chuyên gia và các hồng y cho rằng thay đổi lớn nhất Đức Phanxicô đã thực hiện được là phân bố hệ thống phẩm trật. Trong một Giáo hội mà nhân sự là chính sách, Đức Phanxicô đã phong hơn một ngàn giám mục ở tuyến đầu và năm 2019 đã đạt đến điểm cao khi ngài phong hơn một nửa số hồng y cử tri, có 2/3 đa số là cử tri dưới 80 tuổi để bầu người kế nhiệm.

Hồng y Jean-Claude Hollerich của giáo phận  Luxembourg nói vào thời điểm đó: “Triều giáo hoàng của Đức Phanxicô càng kéo dài thì sẽ có nhiều hồng y theo tinh thần của ngài.”

Đức Phanxicô ở nhà thờ Đức Mẹ Cứu rỗi ở Baghdad trong chuyến tông du Iraq tháng 3 vừa qua. Ảnh, Ivor Prickett, báo New York Times

Và Đức Phanxicô đã tiếp tục theo hướng này dù tính toán chính trị về những gì các hồng y nghĩ và cách họ bỏ phiếu, không phải lúc nào cũng đơn giản, cũng như họ đến từ đâu hoặc ai đã phong mũ đỏ cho họ. Dù sao, chính Đức Phanxicô cũng đã được Đức Gioan-Phaolô II phong hồng y năm 2001.

Theo thống kê của Vatican, Đức Phanxicô đã nâng 58% số hồng y sẽ tham gia mật nghị nếu có mật nghị hôm nay, với 72 hồng y bỏ phiếu, 39 hồng y do Đức Bênêđictô XVI phong và 13 hồng y do Đức Gioan-Phaolô II phong.

Con số các hồng y Đức Phanxicô phong sẽ chỉ tăng lên, còn các hồng y của các vị tiền nhiệm của ngài sẽ chỉ giảm dần theo thời gian.

Linh mục Dòng Tên Thomas J. Reese, và là chuyên gia phân tích chính của trang Religion News Servic, RNS, Đức Phanxicô đã cách mạng hóa hồng y đoàn bằng cách chọn các giám mục có thể chấp nhận ngài bất kể họ đến từ đâu, và vì thế vượt qua những người bảo thủ ở các Giáo hội truyền thống lớn như  Los Angeles, Milan và Philadelphia.

Điều rõ ràng, Đức Phanxicô không xem tuổi tác hay bệnh tật là cái cớ để nghỉ ngơi trong sứ vụ mục tử của mình.

Trong thông điệp gởi người lớn tuổi nhân thông báo về Ngày Thế giới dành cho Ông bà và Người cao tuổi trong tháng này, Đức Phanxicô tự xem mình là “người cao tuổi, giống như bạn” và nói rằng, điều quan trọng là không ngừng hoạt động trong đức tin. Ngài nói: “Bản thân tôi, tôi có thể nói với anh chị em, tôi được gọi để làm giám mục giáo phận Rôma khi tôi đã đến tuổi nghỉ hưu. Và tôi nghĩ, tôi sẽ không làm bất cứ điều gì mới.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Cuộc phẫu thuật chiều chúa nhật đã được lên kế hoạch của giáo hoàng

Cuộc phẫu thuật của Đức Phanxicô làm tăng sự cấp bách cho những câu hỏi về những năm còn lại triều giáo hoàng của ngài