religiondigital.org, José Manuel Vidal, 2021-06-08
Linh mục Dòng Tên Hans Zollner, nhà thần học, tâm lý học, giáo sư và nhà trị liệu tâm lý
“Với cuộc cải cách này, những thay đổi diễn ra trong những năm gần đây được tích hợp vào quy luật phổ quát của Giáo hội”
“Thêm vào các điểm mới lạ của nó, là việc lạm dụng quyền hoặc lạm dụng thiêng liêng có thể với bất kỳ người nào, bất kể tuổi tác hoặc tình trạng của người đó.”
“Chúng ta không thể mong muốn hoàn toàn không có lạm dụng. Mục tiêu là để giảm các khả thể.”
“Bộ Tín Lý có quyền kết án ngoài thời hiệu quy định tội phạm, dù trước đó đã được ấn định.”
“Việc hồng y Marx từ chức cho chúng ta thấy sứ mệnh và uy tín của Giáo hội cũng như của các viên chức của Giáo hội quan trọng hơn quan điểm hoặc địa vị cá nhân của họ.”
Chúng tôi nói chuyện với linh mục Dòng Tên Hans Zollner (Regensburg, Đức, 1966), cha là một trong những chuyên gia am tường của Giáo hội trong việc phòng chống lạm dụng tình dục. Linh mục là thành viên của Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên ngay từ ngày thành lập Ủy ban năm 2014.
Tháng 2 năm 2019, trong lần họp thượng đỉnh 130 của các chủ tịch Hội đồng Giám mục trên thế giới tại Rôma, linh mục tuyên bố: “Chúng ta không thể thay đổi lịch sử Giáo hội trong bốn ngày, nhưng chúng ta có thể làm một điều gì đó quan trọng. Cuộc chiến chống lạm dụng là ưu tiên trong chương trình nghị sự của Giáo hội.” Làm điều gì đó quan trọng… chẳng hạn như cải cách Giáo luật. Hôm nay, năm 2021, chúng tôi nói chuyện với linh mục Hans Zollner để cha giải thích về cuộc cải cách Giáo luật gần đây của giáo hoàng, đặc biệt là về vấn đề lạm dụng như chúng ta đã biết, một công việc gay go đang tiến hành.
Nhận thức được thực tế, linh mục hiểu, cả Giáo hội cũng như bất kỳ Nhà nước nào đều không thể mong muốn hoàn toàn không có lạm dụng. Và với việc cải cách luật pháp, mục đích là giảm các khả thể. Theo linh mục, đây là một bước quan trọng trong một tiến trình chưa kết thúc.
Để đi trên con đường này, qua việc từ chức của mình, hồng y Marx đã đóng góp cho con đường này vì ngài cho thấy sứ mệnh và uy tín của Giáo hội cũng như của các viên chức của Giáo hội quan trọng hơn quan điểm hoặc địa vị cá nhân của họ”. Một biện pháp mà theo quan điểm của linh mục, “có thể có một kết quả tượng trưng tiến đến việc đổi mới. Nó có thể đóng góp vào việc phòng ngừa các vụ lạm dụng, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm.”
Việc lạm dụng đã được xếp vào loại tội trong Bộ Giáo luật, đây có phải là một bước tiến lịch sử không?
Linh mục Hans Zollner: Việc cải tổ phần VI của Bộ Giáo luật được ban hành ngày 2 tháng 6 là một bước quan trọng. Lạm dụng được hình sự hóa và được định nghĩa là một tội ác “chống lại nhân phẩm” chứ không phải là một tội chống lại trách nhiệm cụ thể của một giáo sĩ. Vì thế, lạm dụng cũng bị trừng phạt trong trường hợp thủ phạm lạm dụng là người thánh hiến, kể cả nữ tu hoặc giáo dân.
Với cải cách này, những thay đổi xảy ra trong những năm gần đây được tích hợp vào luật phổ quát của Giáo hội, trong số những luật khác, việc mở rộng quy định các tội danh này hoặc định nghĩa các tội danh như phát tán hình ảnh lạm dụng trên internet.
Ngoài ra, còn có những điểm mới khác, chẳng hạn không chỉ trẻ vị thành niên hoặc những người mong manh, không có thói quen dùng lý trí hoàn hảo, nhưng những người trưởng thành cũng có thể là nạn nhân của lạm dụng, chẳng hạn như lạm dụng quyền lực hoặc thiêng liêng. Một điểm mới khác, ngoài những hạn chế đối với chức vụ linh mục, sẽ có các loại hình phạt khác áp dụng cho cả linh mục lẫn nam nữ thánh hiến. Chẳng hạn, các biện pháp trừng phạt về mặt kinh tế, cấm đảm nhận một chức vụ văn phòng giáo hội, cấm bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử của giáo hội, cấm mặc lễ phục linh mục hoặc tu sĩ và buộc phải bồi thường thiệt hại.
Đây có thể coi là những bước đi lịch sử, nhưng tôi nghĩ những bước này không kết thúc ở đây và sẽ có những bước tiếp theo khác.
Liệu cuộc cải cách giáo luật có giúp tẩy sạch Giáo hội khỏi có các giáo sĩ lạm dụng hay các giám mục che giấu không?
Chúng ta không thể mong muốn sẽ hoàn toàn không có lạm dụng. Dù khó khăn đến mức nào, chúng ta cũng phải công nhận một thực tế, luôn có những trường hợp lạm dụng trong Giáo hội, các tu sĩ lạm dụng, các giám mục che đậy. Mục tiêu là giảm thiểu và ngăn chặn khả năng này xảy ra. Việc cải cách Bộ luật là một bước tiến theo hướng đó, nhưng việc giải thích và áp dụng luật này cần được thực hiện theo cách tương tự và nhất quán ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới.
“Tôi nghĩ điều quan trọng là phải nhấn mạnh, theo lời của Đức Phanxicô, cải cách tổ chức và cơ cấu chỉ là thứ yếu, nghĩa là chúng đến sau. Cải cách đầu tiên phải là về não trạng.”
Các quy tắc bằng văn bản là không đủ, một quá trình cần thiết để hoán cải tâm hồn và tạo một sự thay đổi văn hóa thực sự bắt, đầu bằng cách lắng nghe các nạn nhân. Tích cực lắng nghe họ không chỉ đơn thuần đồng cảm và có thiện chí, nhưng để hiểu mức độ như thế nào, các lạm dụng tình dục hoặc bất kỳ loại lạm dụng nào khác (quyền lực hoặc lương tâm) đã ảnh hưởng đến đời sống một con người, để tháp tùng họ và chấp nhận các đề xuất của họ nhằm ngăn chặn để các vụ lạm dụng này không xảy ra thêm một lần nữa.
Các nạn nhân có hài lòng với cuộc cải cách giáo luật này không?
Tôi không thể nói thay cho các nạn nhân. Chính họ sẽ trả lời. Dĩ nhiên từ nhiều năm nay, họ đã yêu cầu có những dấu hiệu thay đổi rõ ràng và nhất quán trong Giáo hội, và cải cách này đã là một bước tiến hướng về phía này. Tôi đã có dịp lắng nghe một số nạn nhân, họ đánh giá cao nỗ lực này và xem đây là giai đoạn tiếp theo để làm sáng tỏ các quyền và con đường công lý trong Giáo hội.
Thời hiệu 20 năm có ngắn cho một tội đã phải trả một giá rất đắt để tố cáo không? Có cần một thời hiệu dài hơn, 30 hoặc 35 năm như đã thấy trong một số luật dân sự không?
Trên thực tế, không có thỏa thuận toàn cầu nào trong luật dân sự về thời hiệu nên là bao nhiêu, và các luật dân sự đã thiết lập các thời hiệu rất khác nhau. Một số nạn nhân không khai báo trong nhiều năm. Mặt khác, một thời hiệu dài hơn trong loại tội phạm này có thể giúp báo cáo các trường hợp vượt quá 20 năm một cách hiệu quả. Tuy nhiên cũng không hẳn là thận trọng khi làm dễ dàng cho một báo cáo để sau đó dẫn đến kết tội. Ngoài ra, Bộ Tín Lý có quyền kết án vượt quá thời hiệu của tội ác.
Từ nhiều năm nay, cha đã xin các giám mục nhanh nhẹn tối đa trong việc ngăn chặn và chữa lành các vụ lạm dụng giáo sĩ phải không? Ở mức độ chung chung họ có lắng nghe không, đặc biệt là ở Tây Ban Nha?
Nói chung, có thể nói các bước đã được thực hiện để phòng ngừa và chữa lành. Hầu hết các hội đồng giám mục đã bắt đầu áp dụng các thỏa thuận cơ bản của hội nghị thượng đỉnh năm 2019, sau đó có một số thay đổi bao gồm việc cải cách Bộ Giáo luật.
Theo tôi hiểu, nhiều giáo phận Tây Ban Nha đã tuân theo các chỉ dẫn pháp lý được ban hành sau cuộc họp các chủ tịch Hội đồng Giám mục tháng 2 năm 2019 tại Vatican. Thực tế, các thủ tục và văn phòng đã được thành lập để bảo vệ các trẻ vị thành niên và việc khiếu nại các vụ lạm dụng khác nhau trong giáo phận là rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta phải tránh nghĩ mọi thứ đã xong, phòng ngừa các vụ lạm dụng và đồng hành với những người đã phải gánh chịu hậu quả của nó là một phần của sứ mệnh toàn diện của Giáo hội và những người đại diện của Giáo hội phải tiếp tục theo đuổi sứ mệnh này. Nhưng đó cũng là trách nhiệm của tín hữu, với tư cách là Dân của Chúa. Tất cả chúng ta phải cam kết báo cáo nếu thấy có trường hợp nghi ngờ lạm dụng.
Cha đánh giá thế nào về ‘cử chỉ’ của hồng y Marx và những hậu quả của việc này có thể mang lại?
Tôi xem việc hồng y Marx gởi giáo hoàng lá thư từ chức là dấu hiệu có tầm quan trọng đặc biệt đáng được tôn trọng. Hồng y cho chúng ta thấy, sứ mệnh và uy tín của Giáo hội cũng như của các viên chức trong Giáo hội quan trọng hơn quan điểm hoặc địa vị cá nhân của họ.
Trong tuyên bố của mình, hồng y đề cập đến vừa trách nhiệm cá nhân, vừa các lý do thể chế và hệ thống đã dẫn Giáo hội đến tình trạng “bế tắc”. Nếu chúng ta tiếp tục như trước đây, thì sẽ không có gì thay đổi. Chúng ta cần lắng nghe những gì Thần Khí nói với chúng ta vào thời điểm lịch sử này của Giáo hội và nhân loại, để có thể giúp chúng ta ra khỏi tình trạng sầu khổ thiêng liêng. Vì vậy, tôi nghĩ trọng tâm ý nghĩa quyết định của hồng y là Giáo hội Đức, trong nhiều năm ngài là chủ tịch Hội đồng Giám mục, nhưng cũng là với Giáo hội hoàn vũ.
Có thể trong vài ngày hoặc vài tuần sắp tới, chúng ta sẽ chưa nhìn thấy hoặc đánh giá được hậu quả của cử chỉ này. Nhưng tôi nghĩ đây là một bước tiến lớn, đáng khâm phục trước vấn đề tế nhị và nghiêm trọng xâm hại tình dục trẻ vị thành niên. Như chính hồng y nói với chúng ta, cần phải có một cách tiếp cận mới.
Biện pháp này có thể có tác dụng tượng trưng đối với sự đổi mới. Nó có thể góp phần phòng ngừa các vụ lạm dụng, làm minh bạch và có trách nhiệm. Hồng y Marx đã hỗ trợ công việc của Trung tâm Bảo vệ Trẻ vị thành niên trong hơn mười năm và chúng tôi rất biết ơn sự hỗ trợ đó, rất quan trọng không phải chỉ trong việc đóng góp tài chính.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Giáo hội trong khủng hoảng