Vatican: Truyền thông song song của Giáo hoàng Phanxicô (2-2)
Đức Phanxicô trong buổi Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 30-5-2021
Những lời Đức Phanxicô chỉ trích các nhà báo trong chuyến ngài đến thăm các văn phòng truyền thông của Vatican ngày 24 tháng 5 năm 2021, cho thấy một sự bất bình sâu sắc. Trên thực tế, rạn nứt đã nảy sinh giữa giáo hoàng và các cơ quan truyền thông của Vatican, thường là mâu thuẫn với giáo hoàng.
cath.ch, I. Media, 2021-05-30
Ngoài vấn đề căng thẳng giữa công việc của các nhà báo và sức nặng của Vatican còn có một khó khăn nảy sinh trong việc bầu chọn giáo hoàng Phanxicô vào tháng 3 năm 2013. Từ những ngày đầu tiên của triều giáo hoàng, giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh đầu tiên đã làm đảo lộn thói quen với phong cách trực tiếp, những chuyện ngẫu hứng và hành vi gây sốc.
Cách giao tiếp này nổi bật trong một vũ trụ đã có một trật tự đâu vào đó, đã được đông đảo quần chúng thích thú.
Rất nhiều người, ngay cả bên trong nội bộ Vatican cũng công nhận sự thành công của giáo hoàng, ngài đã tìm cách vươn ra các vùng ngoại vi và cho hình ảnh một Giáo hội có lòng thương xót hơn.
Nhưng tính tự phát và sự khó đoán của ngài cũng có giới hạn của chúng trong một thể chế không quen rối loạn. Trong các dịch vụ truyền thông của Vatican, có những tiếng nói cho biết họ bị bối rối vì giáo hoàng quay lưng lại với các kênh truyền thống để gởi thông điệp, dù đôi khi tạo hoang mang.
Một “ly dị” giữa giáo hoàng và truyền thông của ngài
“Nhiều quyết định đã không được thông báo với ban truyền thông”, một nguồn tin đáng tin cậy bình luận, họ không ngần ngại cho rằng mối quan hệ giữa giáo hoàng và ban truyền thông của ngài bị “lạnh nhạt” và “khinh khi.” Ông thất vọng: “Kể từ mùa hè vừa qua, chúng tôi đã thấy một cuộc ly dị hoàn toàn giữa hai bên.”
Tình huống này gây ra một số thất vọng. Lần cuối chỉ mới xảy ra vào ngày 24 tháng 5. Được mời khai mạc cuộc Họp khoáng đại của Hội đồng Giám mục Ý, ngài phải đọc một bài diễn văn trước công chúng và dự trù sẽ được truyền hình trực tiếp. Dù sao Văn phòng báo chí Tòa Thánh đã thông báo tin trên cho mười mấy ký giả được ủy nhiệm. Nhưng vào giờ chót, ngài quyết định nói trong vòng riêng tư. Theo một nguồn tin, thông tin này đã không được loan báo kịp thời cho Bộ Truyền thông. Khi được biết ngài sẽ nói đằng sau cánh cửa khép kín, cuối cùng Bộ quyết định không có buổi truyền hình trực tiếp. Hơn năm phút trôi qua và ngài đã nêu lên những chủ đề nhạy cảm bằng giọng điệu trực tiếp hơn bình thường.
“Tình huống làm chúng tôi viết những điều kỳ cục”
Một ví dụ khác cho thấy khoảng cách giữa giáo hoàng và các dịch vụ truyền thông của ngài: “Vụ Becciu”, vụ được đặt theo tên của hồng y bị sa thải khỏi chức vụ một cách đột ngột vào tháng 9 năm 2020.
Vào thời điểm đó, thông báo từ chức của hồng y Becciu đã tạo một tiếng sét ở Vatican, thậm chí người ta còn nói hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin cũng chỉ được biết qua bản tin chính thức. Thông tin của Tòa thánh chỉ đơn giản là chuyển tiếp một tuyên bố ngắn gọn không cung cấp một yếu tố nào để có thể hiểu, cũng không giải thích quyết định chưa từng có này. Lý do Quốc Gia có thể giải thích một thái độ như vậy.
Tình huống rất không thoải mái
Nhưng một sự kiện sẽ đặt giới truyền thông Vatican vào một tình huống rất không thoải mái. Sáu tháng sau khi hồng y Becciu bị cách chức, ngày 1 tháng 4, giáo hoàng quyết định đến nhà hồng y Becciu – từ khi xảy ra vụ cách chức, ngài không nói một lời về vụ này – để dâng thánh lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh.
Thông tin được đưa ra trên báo chí nhưng chỉ được Vatican News loan tin trễ sau đó, với thông tin đáng ngạc nhiên của một phương tiện truyền thông chính thức: “Vì đây là công việc riêng của Đức Thánh Cha nên không có xác nhận chính thức”. Một nhân viên của Bộ cay đắng nói: “Tình huống đã làm chúng tôi viết những điều kỳ cục”.
Nguy cơ của một truyền thông hai tốc độ
Một ví dụ khác – lần này đương nhiên là có những hậu quả khó khăn hơn cho đời sống Giáo hội – về việc truyền thông song song này của giáo hoàng: ghi chú của Bộ Giáo lý Đức tin nhắc lại lập trường của Giáo hội liên quan đến việc làm phép cho các cặp đồng tính. Được công bố ngày 15 tháng 3, bản công bố đã gây phản ứng mạnh mẽ ở một số giáo phận như ở Đức.
Và sự bối rối lan rộng khi bắt đầu có tin đồn, giáo hoàng không đánh giá cao giọng điệu của ghi chú này – nhưng vẫn chính thức được thông qua trên bàn làm việc của ngài. Những ồn ào này hãng tin I. Media đã có thể kiểm và xác nhận, giáo hoàng đã tỏ ra cho thấy sự bối rối của mình về ghi chú này trong các cuộc gặp riêng với các chuyên gia thông tin.
Kết quả là, thêm một lần nữa, các kênh chính thức của Tòa thánh không thể đọc rõ ràng về một chủ đề có tính nhạy cảm cao như chúng ta đã biết.
Lại một lần nữa, sự việc cho thấy cảm giác bất lực mà Đức Phanxicô đặt cho các dịch vụ của ngài. Và nguy cơ của truyền thông hai tốc độ và hai mức độ – chính thức và không chính thức – là để cho các bên tự do diễn giải.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Vatican: khủng hoảng trong Bộ Truyền thông (1-2)