Bây giờ lòng tha thứ cần thiết hơn bao giờ hết
fr.aleteia.org, Jean-Michel Castaing, 2021-01-21
Thuận dòng hay ngược dòng, dù ai có mỉa mai gì thì người tín hữu kitô cũng thấy điều thiết yếu của việc tha thứ, nhận tha thứ cũng như tha thứ cho người khác. Nhiều ví dụ chứng minh sức mạnh của lòng tha thứ trong việc chữa lành và tái sinh.
Thường thường tín hữu kitô bị coi thường về tính hữu ích của họ trong xã hội. Người ta hỏi họ: “Chúng tôi là những người không theo đạo, quý vị thấy lợi ích gì khi theo đạo, quý vị cho chúng tôi biết được không?” Vào thời buổi mà các tôn giáo được lịch sự yêu cầu hạn chế phạm vi ảnh hưởng của họ trong lãnh vực riêng tư, thì một điều phức tạp có thể làm cho người tín hữu mất tinh thần khi họ bị nghe những lời độc địa như: “Đúng, ngoài Chúa, bạn chẳng có lợi ích gì cho đồng loại của tôi!” Đứng trước sự tự ti này, người tín hữu phải đứng vững và khẳng định rõ đức tin thừa hưởng từ Thầy của mình, mình thật sự quý giá cho đồng loại.
Tôi không nói ở đây về sự đóng góp có thể có của người tín hữu trong cuộc tranh luận về các vấn đề xã hội. Tôi muốn đề cập đến “điểm mù” trong đời sống tập thể, đó là lòng tha thứ. Vì sẽ là sai lầm nếu đánh giá thấp sự quan trọng của lòng tha thứ nếu chỉ giới hạn nó trong đời sống thiêng liêng của các tín hữu. Nếu Chúa Kitô, nguồn Khôn ngoan vĩnh cửu đã biến lòng tha thứ thành một trong lời giảng dạy trọng tâm của mình, thì điều này cho thấy lòng tha thứ cần thiết như thế nào cho mọi xã hội, vượt ra ngoài khuôn khổ tôn giáo. Có phải căn bệnh chính của xã hội chúng ta là thiếu tha thứ không? Và có phải tha thứ là công việc duy nhất của người tín hữu kitô làm và có lợi ích cho công chúng không? Các lập luận bảo vệ tính cấp thiết của lòng tha thứ là không ít. Chúng tôi xin đưa ra đây một số lập luận.
Xung đột là không thể tránh giữa con người
Thư thứ nhất của Thánh Gioan dạy, chúng ta tất cả đều là kẻ có tội (1 Ga 1,8). Tôi không đi sâu vào chi tiết bản chất của tội, nhưng chúng ta đều nhận ra, hậu quả của tội dẫn đến các mối quan hệ nhuốm màu xung đột giữa con người với nhau: ghen tị, cạnh tranh, bất hòa, đố kỵ, oán giận, v.v. Nhưng, những định hướng (xấu) này hiếm khi ở giai đoạn cảm nhận, hoặc ở trong tâm hồn của những người nuôi dưỡng chúng. Điều không tránh khỏi là họ biểu lộ ra ngoài. Qua các lời lăng mạ, đe dọa, vu khống, gièm pha, lừa dối và cũng có thể là tấn công, hành hung, đấm đá, v.v. Khi vào thế giới, tội lỗi đã bóp méo mối quan hệ giữa tình anh em và khuấy động sự cạnh tranh giữa các quốc gia. Hai cách tốt nhất để hàn gắn mối quan hệ này là công bằng và tha thứ.
Công lý đi đầu, nhưng không phải lúc nào cũng đủ. Thêm nữa, một số người có tâm hệ mong manh hơn người khác, dễ bị tổn thương hơn người khác, hoặc có quá trình chấn thương nặng nề hơn, vì thế họ không có bao nhiêu khả năng để thiết lập lại liên hệ với những người đã xúc phạm họ. Đó là lý do vì sao tha thứ đến từ phía kia sẽ là bước đầu tiên để đi đến hòa giải. Trong nhiều trường hợp, không cần phải chờ cả hai bên đồng ý mới tha thứ. Người tín hữu kitô phải lấy gương từ Chúa Kitô bị đóng đinh trên thập giá và từ Chúa Thánh Thần để can đảm làm bước trước.
Tha thứ là vấn đề sống chết
Một số người chết khi chưa tha thứ hoặc nhận tha thứ. Không phải cái chết thể xác, mà là cái chết tinh thần, ngay cả khi cái chết thứ hai có thể dẫn đến cái chết thứ nhất. Tôi nhớ lời của một nữ tuyên úy khoa ung thư của Viện Claudius-Regaud ở bệnh viện La Grave, Toulouse, nước Pháp. Bà cho tôi biết, một số người chết vì ung thư đã không tha thứ hoặc không nhận được tha thứ. Có rất nhiều bằng chứng về sức mạnh giải thoát và chữa lành của tha thứ. Ác quỷ, kẻ gây ra xung đột giữa con người đặc biệt ghét tha thứ. Vì thế nó liên tục thuyết phục chúng ta đừng yếu đuối mà tha thứ. Một cô bạn theo đạo thú nhận với tôi, cô không muốn bị xem là ngu ngốc khi tha thứ, cô không tha thứ cho hành động xúc phạm đến cô. Ví dụ này cho thấy, đây cũng là cuộc chiến đang diễn ra trong Giáo hội!
Tha thứ cũng là một vấn đề chính trị
Cuối cùng, đối với những người nghi ngờ tính hữu ích xã hội và chính trị của tha thứ, chúng ta cần nhớ lại, chính sự hòa giải giữa các dân tộc châu Âu sau Thế chiến thứ hai, đã được các chính trị gia kitô giáo đề ra: từ De Gasperi, Robert Schuman, De Gaulle đến Konrad Adenauer, đó là các nhân vật chính. Nước Đức đã dựa vào sức mạnh từ văn hóa và tinh thần kitô giáo của họ để thừa nhận tội lỗi của họ trong tội ác lớn nhất lịch sử: Lò thiêu người do thái. Ủy ban Sự thật và Hòa giải (1996-1998) có nhiệm vụ hàn gắn quá khứ của Nam Phi về tội ác phân biệt chủng tộc, được truyền cảm hứng từ hai nhân vật kiệt xuất kitô giáo: Nelson Mandela và Desmond Tutu. Các thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột Bắc Ai-len được ký vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là dấu hiệu cho thấy, tha thứ chủ yếu đến từ Thập giá. Và cuối cùng, chúng ta không quên chứng từ sâu đậm về lòng tha thứ đã thắp sáng đêm diệt chủng Rwandan.
Vào thời của chủ nghĩa quy về cộng đồng của mình và thu về mình, lòng tha thứ có thể chữa khỏi nhiều căn bệnh ung thư trong xã hội của chúng ta
Sự hiện đại muộn màng của chúng ta, trong tấm gương mà chính nó cho thấy, vẫn còn mù quáng với hình ảnh tự mê thủ lợi mà nó phản ảnh cho chính nó: sáng suốt, hiện đại và thoát khỏi thành kiến của quá khứ. Những tinh thần xấu ngự trị trên mạng xã hội nên mở mắt và học những gì cần thiết và ưu tiên nhất như Thánh Kinh đã cho thấy: đó là lòng tha thứ. Đó không phải là nghịch lý nhỏ của thời đại chúng ta, vốn cho rằng nó đã đạt đến đỉnh cao của tiến hóa, để xác nhận tính thích đáng của những lời đã có từ ngàn thế kỷ nay. Đúng vậy, vào thời của chủ nghĩa quy về cộng đồng của mình và thu về mình, lòng tha thứ có thể chữa khỏi nhiều căn bệnh ung thư trong xã hội của chúng ta và vì thế chứng tỏ chuyện thấy, vượt ra ngoài lãnh vực kitô giáo, còn có sự thích đáng và hữu ích của lời Chúa Kitô dạy về tha thứ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Trong bong bóng của tôi