Marathon cầu nguyện: “Từ Selçuk, cầu nguyện cho người dân ở vùng có chiến tranh
Ngôi nhà của Đức Maria, Meryem Ana, gần Ephesus, Thổ Nhĩ Kỳ được xem là nơi ở cuối cùng của Đức Mẹ.
fr.aleteia.org, Agnès Pinard Legry, 2021-05-18
Trong suốt tháng 5, Đức Phanxicô tổ chức tháng marathon cầu nguyện để chấm dứt dịch Covid-19. Chuỗi cầu nguyện này liên kết ba mươi đền thờ khác nhau trên khắp thế giới. Mỗi ngày, một đền thờ sẽ lần hạt, cầu nguyện theo một ý chỉ đặc biệt. Hôm nay, thứ tư 19 tháng 5, marathon cầu nguyện của Đức Phanxicô sẽ dừng ở đền thờ Meryem Ana, Nhà của Đức Mẹ ở Selçuk, gần Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ.
Meryem Ana, ngôi nhà của Đức Mẹ
Sau khi Chúa Giêsu sống lại và lên trời, Đức Mẹ sống ở đâu? Mặc dù Kinh Thánh không nói chính xác, nhưng Kinh Thánh cũng đưa ra một số manh mối. Đứng gần thập giá, có Đức Mẹ, Chúa Giêsu nói với Mẹ: “Thưa Bà, đây là con của Bà”, rồi Ngài nói với Thánh Gioan: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ đó, môn đệ đem Đức Mẹ về nhà (Ga, 19, 27). Theo truyền thống, Mẹ Maria đã theo Thánh Gioan về thành phố Êphêsô. Đó là nơi vào thời điểm Thăng thiên, chứ không phải ở Giêrusalem, như một truyền thống khác tường thuật. Truyền thống này được chân phước Anne Catherine Emmerich hỗ trợ, nhà thần bí người Đức vào thế kỷ 19 có những thị kiến riêng cho biết căn nhà của Đức Mẹ ở Êphêsô. Meryem Ana Evi có nghĩa đen là “Căn nhà của Mẹ Maria” theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, cách thị trấn Selçuk ngày nay 9 cây số và cách Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 80 cây số. Đền thờ phát triển nhanh từ khi được khám phá vào cuối thế kỷ 19 nhờ thị kiến xuất thần của nhà thần nghiệm Anne Catherine Emmerich. Và năm 1896, Rôma công nhận đó là nơi thánh, tuy nhiên ngôi nhà vẫn chưa được chính thức xem là nơi Thăng thiên.
Ý chỉ cầu nguyện: Cầu nguyện cho người dân ở vùng có chiến tranh và cầu nguyện cho hòa bình
Ngày thứ tư 19 tháng 5, marathon cầu nguyện của Đức Phanxicô xin chúng ta cầu nguyện cho người dân ở vùng có chiến tranh và cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới. Miến Điện, Syria, Israel-Palestine, Cộng hòa Congo, Sudan, Nagorno-Karabakh… Đức Phanxicô không ngừng kêu gọi hòa bình, cầu nguyện cho hòa bình. Trong thông điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới năm 2003, Thánh Gioan-Phaolô II nhắc lại, mọi người đều có vai trò đóng góp cho nền hòa bình này. Ngài nhấn mạnh: “Hòa bình không phải là vấn đề của những cơ cấu, nhưng của con người. Chắc chắn các cấu trúc và tiến trình hòa bình – pháp lý, chính trị và kinh tế – là cần thiết và may mắn là tiến trình luôn thường xuyên hiện diện. Tuy nhiên, đó là thành quả của trí tuệ và kinh nghiệm được tích lũy trong suốt chiều dài lịch sử qua vô số hành động cho hòa bình, do mọi người cùng làm, họ không bao giờ nản lòng. Những hành động cho hòa bình được nảy sinh từ cuộc sống của những người được nuôi dưỡng trong lòng họ một tinh thần hòa bình liên tục. Đây là thành quả của khối óc và trái tim của những nghệ nhân hành động cho hòa bình.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Marathon cầu nguyện: Từ Washington, cầu nguyện cho những người đứng đầu các tổ chức quốc tế