Hồng y Matteo Maria Zuppi: Tiền bạc luôn có sức mạnh làm băng hoại

394
Hồng y Matteo Maria Zuppi: Tiền bạc luôn có sức mạnh làm băng hoại
parismatch.com, Caroline Pigozzi, 2021-05-06

Hồng y Matteo Maria Zuppi trong ngày được Đức Phanxicô phong hồng y 5 thương 10 năm 2019
Trả lời trên tuần báo Paris Match để bảo vệ cuộc thập tự chinh của giáo hoàng chống lại những xung đột lợi ích ở Vatican, hồng y Matteo maria Zuppi 65 tuổi, giáo phận Bologna, miền bắc nước Ý là một trong các giám chức cấp cao đầy triển vọng và tiến bộ nhất trong thế hệ của ngài. Nhiều người Ý xem hồng y Zuppi như người có thể làm giáo hoàng sau này. Người sẽ kế vị giáo hoàng Ba Lan, Đức và Argentina. Nhưng mọi sự có thời của nó… Hôm nay ngài xuất bản quyển sách với tiêu đề gây sốc: “Ngươi sẽ ghét anh em ngươi“ (Tu haïras ton prochain, nxb. Salvador)
Cha xuất bản quyển sách “Ngươi sẽ ghét anh em ngươi”. Quyển sách có tiêu đề khiêu khích này có phải là một phần của chiến lược không? Một hồng y có ảnh hưởng, người ta thì thầm ở Rôma, một ngày nào đó cha sẽ là giáo hoàng…
Hồng y Matteo Maria Zuppi: Tôi không có tham vọng đó. Ai ngày nay, còn mơ làm giáo hoàng với tất cả trách nhiệm bao gồm này? Một trong những người tiền nhiệm của tôi, Hồng y Biffi, đã hài hước cho rằng “họa là điên mới muốn làm giám mục bây giờ!” Bà tưởng tượng xem, lại còn mơ làm giáo hoàng!
Hiện tại, tôi coi sóc tổng giáo phận Bologna, một giáo phận có 412 giáo xứ. Sau năm năm ở đây, mọi người đều biết tôi. Vì vậy, tôi công nhận, tôi là nhân vật địa phương, có nghĩa tôi là người có ảnh hưởng… Tất cả tùy vào ý nghĩa của thuật ngữ này. Tất nhiên, trong trí tưởng tượng chung của người Ý, một hồng y, người có chức vụ tượng trưng cho quyền lực trong Giáo hội, vẫn là người nặng ký. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bao gồm quyền lực, cũng như chiến lược. Trong cái mà chúng ta gọi là sự nghiệp, có một phần của phi lý, khi quan phòng đóng vai trò của nó… Không có gì được coi là đương nhiên. Đức Gregory XIII, sinh ra ở Bologna, trị vì từ năm 1572 đến năm 1585. Vì thế ngài thuộc về một quá khứ xa xuôi. Ai tại chỗ lại không kế thừa quá khứ, như thế sẽ quá đơn giản! Cuối cùng, trở lại tựa sách, đôi khi cần phải khiêu khích, gây phản cảm để bắt phải suy nghĩ. Có rất nhiều lý do để không yêu người anh em của mình! Tình anh em không nên là một khái niệm trừu tượng, lãng mạn không cần thiết mà chúng ta chỉ cần đến khi nó phù hợp với mình.
Phẩm chất đầu tiên của “người mặc áo đỏ” là gì?
Tất nhiên là thận trọng! Đây không phải là cam chịu, nhưng cố gắng hướng đến một cuộc sống có cấu trúc và bình tâm.
Thật không dễ dàng khi cha biết những bí ẩn của Vatican, nơi cha đã làm việc từ khi còn  nhỏ…
Tôi là người la-mã, sinh ra trong gia đình trung lưu có sáu người con, năm trai và một gái. Ở nhà, mẹ và em gái tôi lo tất cả, chúng tôi không thiếu gì. Cha tôi điều khiển tuần báo của giáo hoàng, tờ “L’Osservatore della Domenica”. Đó là lý do vì sao tôi thường theo cha đến Vatican vào ngày thứ bảy. Trong khi cha tôi lo tờ báo, tôi làm bài bên cạnh cha. Tôi nhận giáo dục kitô giáo, cha mẹ dạy chúng tôi giá trị của hy sinh, giá trị của mọi thứ. Cha tôi có một cái nhìn về tôn giáo đầy yêu thương và thơ mộng hơn là mẹ tôi.
 Trong thành phố Bologna có truyền thống cộng sản lâu đời này, một số người xem cha là giám chức cao cấp xa quần chúng. Cha trả lời họ như thế nào?
Trước hết, tôi là người tự do, kế đó tôi thích món xúc xích Ý hơn là caviar. Không phải vì nó là đặc sản địa phương, mà vì tôi thích thịt nguội! Bây giờ chúng ta nói chuyện chính trị. Một hồng y dù tham vọng đến đâu cũng không nên làm điều này khi nghĩ đến sự nghiệp của mình. Vì không phải phục vụ Giáo hội với mục đích “bầu cử” hay để cho các cuộc thăm dò…  Chúng ta phải dựa vào Tin Mừng, không nhìn phải, không nhìn trái, ngay cả không nhìn vào trung tâm!
Những người gièm pha, cho rằng cha thuộc hội Tam điểm.
Người ta còn dám viết Đức Gioan-Phaolô II cũng thuộc hội Tam điểm… Dù Bologna là thành phố mang ý nghĩa Tam điểm mạnh, tôi chưa bao giờ cảm nhận hoặc có liên hệ cụ thể nào với huynh đoàn này. Thích bí mật và thận trọng quá mức của các giáo sĩ dễ dàng dẫn đến kiểu nói và tưởng tượng này.
Trong quyển sách này và từ lâu, cha vận động bảo vệ người di cư và đặc biệt những người đồng tính LGBT, một chuyện chướng mắt trong Giáo hội Rôma?
Từ khi còn trẻ, tôi đã gần với cộng đồng Sant’Egidio, cộng đồng này đòi hỏi sống theo tinh thần Tin Mừng, yêu thương người anh em, không gắn mác hay xét đoán người khác theo lý lịch của họ. Kể từ khi thành lập vào năm 1968, cộng đồng Sant’Egidio đã gắn bó với những người thiệt thòi nhất, hoạt động vì hòa bình cũng như chống đói nghèo. Trong những năm gần đây, đáng chú ý là họ đã thành lập các hành lang nhân đạo để cứu  người di cư bị bỏ rơi ngoài biển cả. Có quá nhiều thành kiến, hiểu lầm, đồng hóa, ước tính, suy đoán về người di cư và người LGBT. Vì thế tôi lên tiếng bảo vệ để họ được khoan dung hơn.
Làm thế nào chúng ta có thể ngăn chặn sự thù hận không chỉ ảnh hưởng đến xã hội mà còn ảnh hưởng đến Giáo hội công giáo?
Chủ nghĩa cá nhân và sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số tạo thành một kết hợp cực kỳ nguy hiểm làm nảy sinh nỗi sợ hãi và thù hận. “Vắc-xin” duy nhất vẫn là khả năng đối thoại.
Qua đại dịch hiện nay, cũng như vấn đề khí hậu nóng lên toàn cầu, chúng ta thấy một thế giới đang tạo hủy diệt cho chính mình. Để cứu thế giới, nên tin tưởng vào khoa học hơn là vào đức tin phải không?
Đức tin và lý trí không đối nghịch nhau. Tuy nhiên, ít người theo triết lý này của Đức Bênêđictô XVI. Tôn trọng sinh thái là quan tâm thiết yếu mà chúng ta phải có với trái đất, một trái đất được giao phó cho chúng ta. Không quan tâm đến trái đất sẽ không cho chúng ta cuộc sống bình yên và chúng ta cướp đi tài nguyên của con cháu chúng ta. Đây không phải chỉ là suy nghĩ theo thời, nhưng đơn thuần là đúng lý.
Một số người đã bất ngờ khi giáo hoàng thình lình cắt chức hồng y Becciu, Bộ trưởng Bộ Phong thánh, ngày 24 tháng 9 năm 2020, hồng y bị nghi ngờ có liên quan đến các khoản đầu tư mờ ám.
Hồng y Angelo Becciu đã phải từ chức nhưng không bị hoàn tục như hồng y McCarrick, cựu Tổng Giám mục giáo phận Washington (bị buộc tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và chủng sinh trưởng thành). Đức Phanxicô rất quan tâm đến các vấn đề này của Vatican, dù đó là vấn đề tài chính hay những vấn đề lạm dụng tình dục. Nếu ngài làm khác, ngài sẽ bị chỉ trích rất gay gắt. Dịu dàng, tôn trọng sâu đậm, ngài nói thẳng và rất cương quyết, đôi khi xung động. Chúng ta còn nhớ người phụ nữ nhiệt tình níu tay ngài ngày 31 tháng 12 năm 2019: ngài đập lên tay bà để thoát ra. Nhưng ngày hôm sau, trong giờ Kinh Truyền Tin, ngài đã xin lỗi. Ngài khiêm tốn nhận sai lầm của mình. Và tôi chắc, nếu không có bằng chứng nào chống lại hồng y Angelo Becciu trong hồ sơ của các thẩm phán, ngài sẽ xem lại phán quyết của mình.
 Cha giải thích như thế nào về những luận chiến liên tiếp này?
Một khi thoát được sự hăng tiết của giới truyền thông, thì chúng ta phải suy nghĩ và phân định ai là người thực sự có trách nhiệm: tiền bạc luôn có sức mạnh làm hư hỏng, đôi khi thêm vào đó một chút ngây ngô dẫn đến ngu xuẩn. Cũng như các thể chế khác, Giáo hội phải kiểm soát việc quản lý tài sản của mình. Càng minh bạch thì chúng ta càng tránh được tham nhũng.
Phân tích của cha về chuyến đi Iraq của Đức Phanxicô là gì?
Một trong rất nhiều sứ mệnh của ngài là cố gắng giúp thế giới chữa lành những hận thù tiềm ẩn. Không chú ý đến hồi giáo thì sẽ dẫn đến việc thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố và sự cuồng tín tôn giáo. Khi đến Iraq, ngài đưa tay ra với người có thể trở thành kẻ thù của mình và an ủi các kitô hữu đang đau khổ ở phương Đông. Ngài cũng nhắc lại, trên vùng đất Áp-ra-ham này, dân Chúa đã gặp nhau lại chung quanh người kế vị Thánh Phêrô.
 Covid-19 đã đến Vatican, và giáo hoàng vẫn tiếp tục bắt tay?
Ngài đã nhanh chóng ngưng các buổi lễ có giáo dân và các buổi tiếp kiến chung. Ngài kêu gọi tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp sức khỏe, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chích vắc-xin. Ngài mong muốn nhà thờ được mở cửa, nhưng phải theo các biện pháp y tế hiện hành.
Đức Phanxicô đã sống tình trạng cách ly này như thế nào?
Làm sao chúng ta có thể quên hình ảnh ấn tượng và xúc động khi ngài cầu nguyện một mình ngày 27 tháng 3 năm 2020, tại Quảng trường Thánh Phêrô? Hình ảnh này làm cho chúng ta nhận ra, dù chúng ta ở thế hệ nào, chúng ta đều không còn vũ khí, chúng ta cùng chịu chung số phận và phải đối diện với Covid-19 gần như không kiểm soát được này. Cũng như tất cả chúng ta, ngài đã nhân thời gian cách ly này để xem lại bản tổng kết của mình, nếu tôi có thể nói thay ngài. Bằng cách buộc chúng ta phải tập trung lại vào những gì thiết yếu và vào chính mình, đại dịch giúp chúng ta suy ngẫm về sự hời hợt của một số hành động hàng ngày của mình. Nó khuyến khích chúng ta giải phóng bản thân khỏi thói tự mê, khỏi chủ nghĩa định mệnh và tự cho mình là nạn nhân, để có thể đối diện với cách sống mới, đoàn kết hơn.
 Cha có hình dung một ngày nào đó Đức Jorge Mario Bergoglio sẽ từ nhiệm không?
Tôi thực sự không biết. Khi Đức Bênêđictô XVI người tiền nhiệm của ngài rời thế giới này, nếu một ngày nào đó giáo hoàng đương nhiệm cảm thấy rằng mình không còn đủ sức để hướng dẫn Giáo hội, ngài có thể từ nhiệm – tại sao không? Nhưng chừng nào ngài còn đủ khả năng thể lý và trí tuệ, thì Giám mục Rôma sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Hồng y Zuppi: “Giáo hội không thể trở thành phòng khách”
Hồng y Zuppi: “Đức Phanxicô mời gọi nên có cái nhìn đặc biệt trên từng người”
Giám mục Matteo Zuppi, Giám mục theo quả tim của Đức Phanxicô